Bệnh basedow: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trần Hồng Nụ

26-02-2021

goole news
16

Trong các bệnh lý về tuyến giáp, Basedow là loại bệnh thường gặp nhất và rất khó điều trị. Nếu không được phát hiện và khắc phục kịp thời, nó sẽ gây những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe con người, thậm chí là tử vong.

Basedow là bệnh gì?

Basedow còn có tên gọi khác là Graves. Đây là một dạng bệnh về nội tiết, cường giáp thường gặp nhất hiện nay, được đặc trưng bởi triệu chứng bướu giáp lan tỏa và cả hội chứng cường giáp không thể ức chế được với dấu hiệu dế nhận biết nhất là lồi mắt.

Phụ nữ là đối tượng mắc bệnh Basedow nhiều hơn nam giới. Theo thống kê, nữ giới chiếm tới 80% các trường hợp bệnh, thường gặp ở độ tuổi từ 20-50. Bên cạnh đó, người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.

bệnh basedow
Basedow là bệnh lý nguy hiểm về tuyến giáp

Bệnh basedow đặc biệt nguy hiểm cho hệ tim mạch. Nếu bệnh phát hiện muộn hoặc kéo dài mà không được chữa trị đúng hướng thì tất yếu sẽ dẫn đến các biến chứng bão giáp khiến người bệnh tử vong trong tình trạng suy tim.

Nguyên nhân, triệu chứng điển hình của bệnh basedow

Nắm rõ được nguyên nhân, triệu chứng điển hình của bệnh basedow có thể giúp quá trình điều trị được thuận lợi hơn rất nhiều.

Nguyên nhân

Bệnh Basedow là loại bệnh tự miễn cho tới nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, có khoảng 15% người mắc bệnh này có họ hàng cùng bị bệnh. Trong đó có tới 50% họ hàng các bệnh nhân đã có kháng thể kháng tuyến giáp trong cơ thể.

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn tới bệnh basedow gồm:

  • Phụ nữ đang mang thai, nhất là giai đoạn sau sinh.
  • Người dung nạp quá nhiều iod trong thời gian dài.
  • Người đang điều trị bệnh bằng thuốc Lithium làm thay đổi đáp ứng miễn dịch.
  • Người bị nhiễm khuẩn hoặc virus.
  • Dừng điều trị bằng thuốc Corticoid.
  • Người bị stress thường xuyên và kéo dài.

Triệu chứng

Bệnh basedow có thể xuất hiện những triệu chứng khởi phát đột ngột hoặc bắt đầu từ từ bằng việc sụt cân, mệt mỏi, rất khó nhận biết. Cụ thể:

Triệu chứng cơ năng của bệnh basedow:

  • Một người bệnh basedow có thể sụt cân đột ngột từ 3-20kg chỉ trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.
  • Rối loạn tinh thần, dễ lo lắng, cáu gắt, kích động, mất tập trung, khó ngủ.
  • Rối loạn điều hòa thân nhiệt, thường xuyên nóng bức, toát mồ hôi nhiều ở ngực và bàn tay, sợ nóng, rất hay khát nước.
  • Rối loạn tiêu hóa là triệu chứng chiếm khoảng 20% với biểu hiện: Đi ngoài liên tục trong ngày, phân nát, kèm hiện tượng nôn, đau bụng.

bệnh basedow
Người bệnh basedow thường bị sụt cân nhanh chóng

Triệu chứng tim mạch:

  • Tim đập hồi hộp như đánh trống, người bệnh xuất hiện cảm giác nghẹt thở hay đau đớn tại vùng trước tim.
  • Nhịp tim đập nhanh trên 100ck mỗi phút và xuất hiện thường xuyên, kể cả lúc nghỉ ngơi.
  • Huyết áp tâm thu tăng trong khi tâm trương không tăng.
  • Các mạch máu cũng xuất hiện dấu hiệu đập mạnh.
  • Người bị bệnh tim từ trước có thể bị suy tim khi mắc bệnh basedow.

Triệu chứng thần kinh cơ:

  • Người bệnh bị run tay, chân, nhất là khi xúc động hay đang cố gắng tập trung.
  • Tăng phản xạ gân xương.
  • Yếu các cơ tại tứ chi, đi lại dễ mỏi mệt.

Bướu giáp: 80% người bị bệnh Basedow đều có triệu chứng bướu giáp, bướu có thể mềm hoặc chắc và di động khi nuốt.

Bệnh mắt nội tiết: 40-60% bệnh nhân bị Basedow mắc bệnh mắt nội tiết. Thương tổn có thể xuất hiện ở cả 1 hoặc hai bên mắt với dấu hiệu điển hình là mi mắt không kín khi nhắm mắt, lồi mắt hoặc nhìn đôi (do liệt cơ vận nhãn).

Bệnh lý về da: Triệu chứng này chỉ gặp ở 2-3% bệnh nhân Basedow.

Chẩn đoán và điều trị bệnh basedow

Khi nhận thấy một trong những dấu hiệu của bệnh basedow, ngay lập tức bạn hãy tới bệnh viện uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán

Các phương pháp chẩn đoán bệnh basedow bao gồm:

  • Xét nghiệm hormon tuyến giáp: Người mắc bệnh basedow sẽ có FT4 tăng và TSH giảm. Một số trường hợp mắc bệnh giai đoạn đầu chỉ có FT3 tăng
  • Xét nghiệm nồng độ kháng thể TSH-RAb: Người mắc bệnh basedow chỉ số này sẽ tăng cao.
  • Xạ hình tuyến giáp: Mục đích là xác định vị trí, hình dạng và cả kích thước của tuyến giáp.
  • Siêu âm tuyến giáp: Những hình ảnh siêu âm sẽ cho thấy rõ kích thước và cấu trúc tuyến giáp. Thông qua đó, bác sĩ sẽ kết hợp với kiến thức chuyên môn để xác định chính xác bệnh.

Điều trị bệnh Basedow

Hiện nay, bệnh Basedow được điều trị chủ yếu bằng 3 phương pháp chính. Bao gồm nội khoa, xạ trị và cuối cùng là phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp.

  • Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa là biện pháp được ưu tiên hàng đầu. Nó sẽ được chỉ định khi bệnh Basedow mới chỉ khởi phát với biểu hiện tuyến giáp to vừa và không có nhân Basedow. Bên cạnh đóm người bệnh cũng chưa có biến chứng nào ảnh hưởng tới sức khỏe. Tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn với phương pháp này lên tới 0-70% sau khoảng 12- 18 tháng điều trị.

bệnh basedow
Điều trị ngoại khoa chỉ được áp dụng với người bị bệnh basedow có bướu cổ to vừa

3 loại thuốc kháng giáp được sử dụng để điều trị bệnh Basedow gồm: Methimazole, carbimazole và PTU. Trong đó thuốc PTU được bác sĩ khuyến cáo không nên áp dụng trong quá trình điều trị ban đầu cho bệnh nhân Basedow.

  • Điều trị bệnh Basedow bằng xạ trị

Phương pháp được các bác sĩ lựa chọn là sử dụng phóng xạ trị Iod 131 nhằm mục đích làm giảm kích thước của bướu giáp đồng thời đưa chức năng tuyến giáp dịch chuyển từ cường năng về mức bình thường. Xạ trị chống chỉ định với phụ nữ có thai, đang cho con bú; trẻ em. Những bệnh nhân bị nhiễm độc nặng hoặc có bướu quá lớn gây nuốt nghẹn hay sặc, khó thở thì phẫu thuật là phương pháp điều trị được ưu tiên hơn.

  • Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)

Phẫu thuật cắt tuyến giáp chỉ được áp dụng khi người bệnh đã được điều trị bằng thuốc trong thời gian tối thiểu là 4-6 tháng nhưng không duy trì được bình giáp khi ngưng dùng thuốc. Bên cạnh đó, trường hợp bướu giáp to gây mất thẩm mỹ và có biến chứng khó thở cũng được ưu tiên sử dụng phương pháp này.

Nguyên tắc phẫu thuật là cắt bỏ gần như toàn bộ tuyến giáp và chỉ để lại một phần nhỏ với trọng lượng khoảng 3-6 gram để bộ phận này có thể duy trì chức năng tạo hormone bình thường. Một số biến chứng có thể gặp sau khi áp dụng phương pháp điều trị này là khàn tiếng, nhiễm trùng vết mổ, hạ calci máu,...

Vừa rồi là những thông tin tổng quan về bệnh basedow. Hy vọng nó sẽ hữu ích cho những người đã và đang nghi ngờ mắc bệnh này. Hãy tới bệnh viện để thăm khám ngay nếu như bạn thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cơ thể.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,706

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám