Bệnh Beriberi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Doan Nguyen

27-07-2023

goole news
16

Beriberi là tên gọi khác của bệnh tê phù do thiếu hụt vitamin B1. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể gây biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng người bệnh, cụ thể là bệnh não Wernicke và hội chứng Korsakoff.

Tổng quan về bệnh Beriberi

Bệnh Beriberi là một dạng bệnh thiếu vitamin B1 - hợp chất mà cơ thể không tự tổng hợp được. Vitamin B1 đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp xúc tác và biến đổi thức ăn; đảm bảo quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi; tạo năng lượng cần cho hoạt động sống của các tế bào trong cơ thể con người. Ngoài ra, loại vitamin này giúp hệ cơ và hệ thần kinh thực hiện chức năng một cách hiệu quả.

Beriberi là bệnh tê phù do thiếu vitamin B1

Beriberi là bệnh tê phù do thiếu vitamin B1

Bệnh chia Beriberi làm 2 thể, bao gồm tê phù ướt (wet Beriberi) và tê phù khô (dry Beriberi). Đáng chú ý, bệnh tê phù ướt có ảnh hưởng xấu đến tim mạch và tuần hoàn, thậm chí, trong một số trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới chứng suy tim. Trong khi bệnh tê phù khô lại gây tổn thương tại các dây thần kinh và gây ra mất trương lực cơ, liệt cơ

Các chuyên gia bác sĩ cảnh báo: Nếu không được điều trị kịp thời bệnh Beriberi có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh Beriberi

Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân của bệnh Beriberi là do sự thiếu hụt vitamin B1. Mỗi ngày, cơ thể con người cần dung nạp đủ 0,4 mg vitamin B/1kg/24 giờ. Nếu như không đạt chỉ tiêu này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin B. 

Theo các chuyên gia, bác sĩ, vitamin B1 có vai trò duy trì thăng bằng chất đạm trong cơ thể và chuyển hóa các chất thịt, mỡ thành năng lượng. Khi chuyển hóa mỡ đạm bị rối loạn do thiếu vitamin B1 sẽ gây ra triệu chứng tê phù, phù nề hoại tử tổ chức gây chứng tê bì

Các nguyên nhân thường gặp gây thiếu hụt vitamin B1 bao gồm:

  • Nghiện rượu bia khiến cơ thể khó hấp thu và dự trữ thiamin
  • Cơ thể không hấp thu được vitamin B từ thức ăn.
  • Tiêu chảy kéo dài.
  • Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu làm hao hụt lượng vitamin B trong cơ thể.
  • Trẻ sơ sinh không được cung cấp đủ vitamin B qua sữa mẹ.
  • Thiếu nguồn dự trữ vitamin B do chạy thận.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết Beriberi

Có 2 dạng của Beriberi, mỗi dạng bệnh lại có những triệu chứng đặc trưng. Cụ thể:

  • Beriberi thể ướt: Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và hệ tuần hoàn.
  • Beriberi thể khô: Gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, mất trương lực, liệt cơ. Trường hợp tiên lượng điều trị xấu, dạng bệnh này có thể ảnh hưởng đến tim mạch.

Các dấu hiệu khác của bệnh Beriberi:

  • Rối loạn tâm thần.
  • Ngứa hoặc mất cảm giác ở bàn tay bàn chân.
  • Mệt mỏi.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Sốt.

Bệnh nhân Beriberi có thể bị ngứa hoặc mất cảm giác ở bàn tay, bàn chân
Bệnh nhân Beriberi có thể bị ngứa hoặc mất cảm giác ở bàn tay, bàn chân

Chú ý, bạn cần đến bác sĩ khi xuất hiện các sĩ khi có các dấu hiệu sớm nghi ngờ thiếu mắc Beriberi. Bệnh lý này có thể điều trị khỏi bằng cách bổ sung đủ vitamin B1 vào chế độ ăn uống mỗi ngày. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng hơn bắt buộc cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ bác sĩ. Ở giai đoạn nặng, Beriberi có nguy cơ gây suy tim, liệt cơ hay một số dấu hiệu khác dễ nhầm lẫn với mất trí nhớ. Do đó việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh này đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Beriberi bao gồm:

  • Người uống nhiều rượu hoặc nghiện rượu, nguyên nhân là do rượu cản trở khả năng hấp thu và dự trữ vitamin B của cơ thể.
  • Trẻ bú sữa mẹ mà mẹ thiếu vitamin B.
  • Người thường xuyên vận động thể chất cường độ cao mà không bổ sung kịp thời vitamin B.
  • Người có chế độ ăn nhiều carb tinh chế cũng dễ mắc bệnh Beriberi. Carb tinh chế bao gồm đường và ngũ cốc tinh chế. Đây đều là những thực phẩm đã bỏ hầu hết các chất xơ, vitamin và khoáng chất nên còn được gọi là nguồn calo rỗng. Ngoài tăng nguy cơ giảm vitamin B thì chế độ ăn nhiều carb tinh thể còn gây gia tăng tình trạng béo phì, tim mạch và đái tháo đường type II.
  • Người bị cường giáp thường bị giảm hấp thụ vitamin B.
  • Hệ tiêu hóa làm việc không hiệu quả gây cản trở sự hấp thu chất dinh dưỡng nói chung và vitamin B nói riêng. Vấn đề này thường gặp ở những người lớn tuổi
  • Người thường xuyên căng thẳng, lo lắng
  • Người lọc máu thường xuyên hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu có nguy cơ cao mắc Beriberi.

Biến chứng của bệnh Beriberi

Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh Beriberi thường kết hợp với hội chứng Wernicke-Korsakoff. Cụ thể là bệnh não Wernicke và hội chứng Korsakoff. Đây là hai dạng tổn thương não bộ gây ra do sự thiếu hụt vitamin B.

  • Bệnh não Wernicke: Bệnh gây tổn thương một số vị trí trên não, chẳng hạn như vùng dưới đồi. Người mắc bệnh này thường có triệu chứng lú lẫn, mất trí nhớ, mất phối hợp vận động cơ và hàng loạt vấn đề về thị giác như mắt chuyển động nhanh và nhìn đôi.
  • Hội chứng Korsakoff: Đây là hậu quả gây ra do các tổn thương vĩnh viễn ở một số vùng của não có chức năng lưu giữ ký ức. Người mắc hội chứng này thường bị mất trí nhớ, không thể hình thành những ký ức mới và hay bị ảo giác.

Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh Beriberi có khả năng cao hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, các tổn thương trên thần kinh và tim mạch gây ra do bệnh cũng sẽ được cải thiện.

Trường hợp bệnh tiến triển đến giai đoạn hội chứng Wernicke-Korsakoff, triển vọng điều trị khỏi bệnh sẽ thấp hơn. Mặc dù việc chữa bệnh lý này hoàn toàn có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh não Wernicke, tuy nhiên các tổn thương trên não do hội chứng Korsakoff thường là vĩnh viễn.

Biện pháp chẩn đoán Beriberi

Đối với các trường hợp Beriberi xuất hiện đủ tam chứng cổ điển, bác sĩ hoàn toàn có thể chẩn đoán chính xác bệnh thông qua thăm khám lâm sàng. Cụ thể:

  • Triệu chứng huyết quản: Bao gồm biểu hiện mạch nhanh, tim to hoặc suy tim.
  • Triệu chứng thần kinh: Gồm tê bì, cơ bắp teo nhỏ (những dấu hiệu này có thể nhận biết qua cách bắt tay không chặt).
  • Triệu chứng phù: Gồm phù toàn thân, nặng chân, da dày, bụng chân cứng, to và bè ra.

Đối với các trường hợp Beriberi không điển hình và khó chẩn đoán, bác sĩ cần áp dụng thêm các biện pháp sau:

  • Hỏi về chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày: Nếu mắc Beriberi, người bệnh sẽ chế độ dinh dưỡng kém chất lượng, ít vitamin B, ít rau tươi.
  • Xét nghiệm định lượng vitamin B1 và acid pyruvic: Nếu mắc Beriberi, người bệnh sẽ có định lượng vitamin B1 giảm nhiều và acid pyruvic tăng cao

Phương pháp điều trị bệnh Beriberi

Hiện nay có nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị bệnh Beriberi. Tuy nhiên trong từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp. Cụ thể

Điều trị Beriberi giai đoạn nhẹ

Với các trường hợp mắc Beriberi giai đoạn nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng Vitamin B1 dạng viên. Liều lượng thường áp dụng là 3 - 5/ lần, mỗi ngày uống 2 lần. Người bệnh cần kiên trì sử dụng trong khoảng 7 - 10 ngày.

Bên cạnh việc dùng các loại Vitamin nhóm B theo dạng viên, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Cụ thể, hãy thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng bao gồm thịt, cá, đậu, rau và trái cây tươi… Bên cạnh đó hãy cố gắng ăn nhạt hơn và có một chế độ nghỉ ngơi phù hợp.

Điều trị Beriberi giai đoạn nặng

Trường hợp bệnh Beriberi đã tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng kết hợp cả hai phương pháp là tiêm và uống Vitamin B1. Liều lượng sử dụng như sau:

  • Tiêm vitamin B1: Dùng ống 25mg, 1 ngày tiêm từ 2 – 4 ống, chia đều 2 lần. Tiêm liên tục trong khoảng từ 5 – 7 ngày.
  • Uống vitamin B1 dạng viên: 3 - 5/ lần, mỗi ngày uống 2 lần, kiên trì sử dụng trong khoảng 7 - 10 ngày.

Điều trị biến chứng Beriberi

Những bệnh nhân đang có triệu chứng rối loạn tim mạch cần dùng đến các loại thuốc hỗ trợ tim. Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn, ăn nhạt và kết hợp với thời gian nghỉ ngơi hàng ngày cũng đóng vai trò quan trọng.

Khi bệnh đã có các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như teo cơ, liệt thì lúc này người bệnh cần phải điều trị kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Cụ thể:

  • Bổ sung vitamin B1 dạng viên uống vào cơ thể.
  • Châm cứu.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.
  • Chăm chỉ luyện tập để phục hồi chức năng vận động.

Lưu ý: Những phương pháp điều trị Beriberi trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy vào tình hình thực tế mà người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối về chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó cũng nên kiên trì điều trị trong một thời gian dài để có thể phục hồi trạng thái cơ thể một cách tốt nhất.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Để phòng ngừa hiệu quả bệnh Beriberi, biện pháp tốt nhất là bạn nên bổ sung đầy đủ vitamin B1 vào cơ thể bằng các biện pháp sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khooa học và cân bằng. Trong đó chú ý bổ sung cho cơ thể đầy đủ vitamin B1 bằng các thực phẩm như rau xanh, cây họ đậu, các loại hạt nguyên cám, loại quả hạch, bơ sữa, ngũ cốc, thịt, cá,...
  • Phụ nữ có thai và cho con bú cần kiểm tra về tình trạng vitamin định kỳ để có thể bổ sung kịp thời và tránh biến chứng.
  • Bổ sung đầy đủ nhu cầu vitamin B1 cho trẻ sơ sinh.
  • Hạn chế dùng các loại đồ uống có cồn, chất kích thích.
  • Các đối tượng nghiện rượu cần chú ý kiểm tra định lượng vitamin B1 trong cơ thể thường xuyên để ngăn ngừa bệnh Beriberi.

Duy trì một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh, cân bằng là yếu tố quan trọng để phòng ngừa bệnh Beriberi. Do vậy hãy thông báo cho bác sĩ ngay nếu như bạn nhận thấy mình đang có những dấu hiệu của chứng thiếu hụt vitamin B1.

2,938

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám