Bệnh Brucella là bệnh lý nhiễm trùng lây truyền từ động vật sang người với tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn Brucella có dạng hình que. Brucella còn được gọi là bệnh sốt làn sóng.
Tổng quan về bệnh
Brucella là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ tái phát, nếu không được điều trị tích cực sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, khi mắc bệnh bạn cần đi kiểm tra và điều trị tích cực để tránh các biến chứng về sau này.
Hình ảnh trực khuẩn Brucella
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh Brucella ở người bao gồm:
- Trực khuẩn Brucella xuất hiện trong sữa của động vật bị nhiễm bệnh. Nguồn sữa này nếu không được tiệt trùng hoặc khâu chế biến không đảm bảo thì các thành phẩm như sữa tươi, phomai, bơ, kem sẽ trở thành nguồn lây bệnh sang người sử dụng.
- Trực khuẩn Brucella cũng tồn tại trong các cơ quan, mô của động vật nhiễm bệnh. Việc sử dụng nội tạng, thịt của động vật nhiễm bệnh khi chưa chế biến kỹ hoặc nấu chưa chín cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Trực khuẩn Brucella có thể xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương trên da khi vết thương bị trầy xước tiếp xúc với dịch tiết, máu, nước tiểu, mô của động vật đang mang mầm bệnh. Một số trường hợp hít phải vi khuẩn lưu hành trong không khí cũng có thể mắc bệnh Brucella.
- Bệnh Brucella không phải là bệnh truyền nhiễm từ người sang người, trong trường hợp bệnh lây từ mẹ sang con là do sinh con hoặc nuôi con bằng sữa mẹ.
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết
Các chuyên gia y tế cho biết biểu hiện của bệnh Brucella có thể khởi phát một cách đột ngột hoặc âm ỉ. Một số triệu chứng của bệnh thường gặp như:
- Ban đầu người bệnh có những biểu hiện như sốt, rét run, đổ mồ hôi, ớn lạnh.
- Sau khi phát bệnh, nếu không đi khám và điều trị, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sút cân, cơ thể mệt mỏi, nhanh đuối sức khi làm việc.
- Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng khác như đau khớp, đau lưng, đau cơ bắp, đau đầu, đau bụng. Ở nam giới có một số trường hợp xuất hiện viêm tinh hoàn. Nếu không chữa trị, để bệnh thành mạn tính, người bệnh sẽ xuất hiện các cơn sốt làn sóng xen kẽ với các đợt không sốt trong thời gian dài.
- Thực tế, dấu hiệu nhận biết bệnh Brucella thường không rõ ràng, xuất hiện một cách nghèo nàn nên người bệnh cần theo dõi các triệu chứng và đi khám khi có hiện tượng bất thường để điều trị sớm và dứt điểm.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Bệnh Brucella có thể gặp ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, tuy nhiên, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao thường là:
- Người hay tiếp xúc với động vật như nông dân, chủ trang trại, người chăn nuôi gia súc, bác sĩ thú ý, người buôn bán gia súc gia cầm, người hay đi săn…
- Người hay đi du lịch hoặc đi đến các vùng có dịch.
- Các nhà nghiên cứu sinh vật học
Biến chứng của bệnh
Bệnh Brucella khi không điều trị để kéo dài trở thành bệnh mạn tính có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Tổn thương xương
- Tổn thương khớp như viêm đĩa đệm, viêm khớp mủ
- Viêm nội tâm mạc
- Viêm màng não
Biện pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh Brucella, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng kết hợp thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, cụ thể:
- Khám lâm sàng xác định các triệu chứng của bệnh Brucella để phân biệt với các bệnh sốt cấp tính khác như các bệnh nhiễm khuẩn, cúm, bệnh về vi khuẩn đường ruột.
- Xét nghiệm máu giúp xác định nguyên nhân gây bệnh và đánh giá diễn biến của bệnh như nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan đặc biệt trong trường hợp bệnh đã xuất hiện các biến chứng cấp tính để có biện pháp điều trị phù hợp.
- Thực hiện kỹ thuật PCR, nuôi cấy phân lập máu, dịch não tủy và các dịch tiết của bệnh nhân để xác định nguyên nhân gây bệnh đồng thời hỗ trợ hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
- Siêu âm, chụp X-quang, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tìm tổn thương, biến chứng nhằm đánh giá đúng tình hình bệnh qua đó giúp định hướng phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Phương pháp điều trị
Để điều trị bệnh Brucella, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc sẽ gây ra hậu quả khó lường:
- Sử dụng 1 hoặc phối hợp 2 - 3 loại kháng sinh tùy theo mức độ nặng nhẹ của tình trạng bệnh. Sau khi điều trị, bệnh có thể tái phát và trở nên mạn tính.
- Tập trung điều trị các biến chứng bệnh có thể gây nên như viêm màng não, viêm nội tâm mạc để hạn chế các tổn thương cho người bệnh.
- Nếu bệnh tiến triển nặng cần theo dõi và điều trị tích cực để tránh các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Sau khi điều trị, người bệnh cần theo dõi hiệu quả điều trị và được chăm sóc, nghỉ ngơi, bổ sung chất dinh dưỡng để hồi phục nhanh chóng. Đồng thời bệnh có khả năng tái phát và trở thành mạn tính nên cần theo dõi người bệnh tích cực sau điều trị.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh Brucella, Bộ y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Đối với gia súc gia cầm, động vật có nguy cơ gây bệnh cần tiêm vacxin đầy đủ và điều trị dự phòng bệnh Brucella cho động vật chưa mắc bệnh. Khi vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh cần được khử trùng, cách ly và tiêu hủy.
- Đối với người tiếp xúc: Khi tiếp xúc với vật nuôi cần có các biện pháp bảo hộ. Khi vật bị bệnh cần thông báo, có các biện pháp xử lý và cách ly tránh làm lây lan dịch bệnh.
- Bên cạnh đó, mọi người nên tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và khoa học để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần đi khám để xác định bệnh và tiến hành điều trị sớm, kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm sau này.