Bệnh dại: Nguyên nhân và triệu chứng nhận biết

Doan Nguyen

27-07-2023

goole news
16

Dại là một trong những bệnh có lịch sử lâu đời nhất từng được biết đến của loài người. Một khi bệnh đã khởi phát thì không còn cách gì cứu chữa được.

Tổng quan về bệnh dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người thông qua chất tiết (thường là qua nước bọt) bị nhiễm virus dại. Hầu hết trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều do bị động vật bị dại cắn hoặc liếm vào vết thương hở, đôi khi là do hít phải khí dung hoặc được ghép mới các tổ chức bị nhiễm virus dại. 

Các triệu chứng của bệnh dại bắt đầu từ 2-8 tuần sau khi bị động vật dại cắn gồm: sốt, nhức đầu, suy nhược, tê liệt, co thắt cơ, tử vong do liệt cơ hô hấp.

Bệnh dại xuất hiện trên tất cả châu lục (trừ châu Nam Cực). Theo báo cáo của WHO, mỗi năm có khoảng 60.000 đến 70.000 người chết vì bệnh dại trên toàn thế giới, chủ yếu đến từ các nước nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh dại gây ra khoảng > 70 ca tử vong mỗi năm, hầu hết là do chó dại cắn.

Một khi đã lên cơn dại, 100% dẫn đến tử vong kể cả người hay động vật. Cho đến nay thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Biện pháp phòng ngừa bệnh dại hiệu quả nhất là tiêm chủng trước hoặc ngay sau khi phơi nhiễm.

Bệnh nhân mắc bệnh dại

Bệnh nhân mắc bệnh dại

Nguyên nhân gây bệnh dại

Tác nhân gây bệnh là virus dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus. Virus dại sức đề kháng yếu, bất hoạt ở điều kiện 56 độ C trong 30 phút và ở 70 độ C trong 2 phút; mất độc lực dưới ánh sáng và chất diệt khuẩn nồng độ từ 2-5%. Virus có thể sống được vài tuần đến 12 tháng ở nhiệt độ 4 độ C và từ 3-4 năm ở nhiệt độ < 0 độ C.

Có 2 chủng virus dại gồm: virus dại đường phố (tồn tại trên động vật bị bệnh) và virus dại cố định (đã được thích ứng trong phòng thí nghiệm) được Louis Pasteur sử dụng để chế ra vắc-xin dại.

Sau khi vào cơ thể người, virus dại phát triển từ mô dưới da hoặc cơ bắp, di chuyển vào các dây thần kinh ngoại biên. Virus theo dây thần kinh tới tủy sống và não với tốc độ khoảng 12-24mm/ngày. Khi virus xâm nhập vào não, người bệnh sẽ có thay đổi hành vi và biểu hiện lâm sàng. Thời gian ủ bệnh từ vài ngày, vài tháng, thậm chí trên 1 năm.

Ổ chứa virus dại ngoài tự nhiên là động vật máu nóng, nhất là ở loài chó hoang dã như chó sói đồng cỏ, ngoài ra còn có ở mèo, chồn, cáo… và động vật có vú khác.

Tại Việt Nam, nguồn truyền bệnh dại chủ yếu là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người như chó (chiếm 96-97%), mèo (3-4%). Các động vật khác như thỏ, sóc, chuột... chưa phát hiện được.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh dại

Ở giai đoạn tiền triệu chứng: giai đoạn này kéo dài từ 1-4 ngày, người bệnh đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, có cảm giác sợ hãi, đau hoặc dị cảm (có thể thấy tê) tại vết thương.

Ở giai đoạn viêm não: các triệu chứng thường gặp gồm: mất ngủ, tăng kích thích, bứt rứt, sợ ánh sáng, nước hay tiếng động, rối loạn thần kinh thực vật như tăng tiết nước bọt, giãn đồng tử, người vã mồ hôi, hạ huyết áp, chỉ cần nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng nước cũng gây co thắt cổ họng.

Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể cuồng và thể liệt, trong đó phổ biến nhất là thể cuồng. Bệnh kéo dài từ 2-6 ngày hoặc đôi khi lâu hơn và tử vong do liệt cơ hô hấp.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh dại

  • Người thường xuyên phải tiếp xúc nhiều với động vật như bác sĩ/nhân viên thú y, thợ săn, người chăm sóc thú, kiểm lâm, người làm ở lò mổ, nghiên cứu hang động, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus dại,...
  • Người đi du lịch đến các vùng nơi có bệnh lưu hành cao như Đông Nam Á, Châu Phi, Ấn Độ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Mexico.

Đường lây nhiễm bệnh dại

Bệnh dại lây nhiễm qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, liếm, vết xước trên da (hoặc niêm mạc) vào cơ thể. Virus dại theo dây thần kinh đi đến các hạch và thần kinh trung ương. Tại đây, virus sinh sản rất nhanh và theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Thần kinh lúc này chưa tổn thương đáng kể nên bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã chứa virus dại. Virus dại sẽ dần hủy hoại tế bào thần kinh làm xuất hiện triệu chứng lâm sàng điển hình.

  • Thời kỳ ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn hơn (khoảng 10 ngày) hoặc dài hơn (trên 1-2 năm) phụ thuộc vào lượng virus xâm nhập, mức độ nghiêm trọng của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến não. Vết thương càng nhiều, sâu, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh nặng.
  • Thời kỳ lây truyền: Từ 3-7 ngày ở chó, mèo trước khi có biểu hiện lâm sàng và trong suốt thời gian súc vật bị bệnh.

Bệnh dại có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc với nước bọt của người bệnh thông qua vết cắn, vết thương trên da, niêm mạc, sử dụng chung đồ cá nhân, ăn uống phải đồ có dính chất tiết của người bệnh. Mặc dù lây nhiễm dại từ người sang người không phổ biến, người chăm sóc người bị dại vẫn nên cẩn trọng, tránh tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh.

Biện pháp chẩn đoán bệnh dại

Chẩn đoán lâm sàng: dựa trên các triệu chứng điển hình bao gồm sợ nước, gió, ánh sáng cùng các yếu tố dịch tễ có liên quan.

Chẩn đoán xác định: xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập mẫu bệnh phẩm tìm virus bằng nuôi cấy tế bào hoặc xét nghiệm PCR hoặc RT-PCR. 

Xét nghiệm virus dại ở người chủ yếu thực hiện trên các bệnh nhân đã có biểu hiện lâm sàng, các phương pháp chủ yếu gồm: xét nghiệm máu, nước tiểu, dịch não tủy hoặc chụp chẩn đoán hình ảnh CT, MRI.

Phương pháp điều trị bệnh dại

Người bị chó, mèo cắn cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch với xà phòng đặc 20%, sau đó bôi chất sát trùng như cồn, cồn i-ốt đậm đặc lên vết cắn để giảm lượng virus. Chỉ khâu vết thương nếu đã quá 5 ngày. Tiêm vắc-xin ngừa uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần thiết. 

Từ năm 1992, Việt Nam đã sử dụng vắc xin dại tế bào Verorab có độ an toàn và hiệu lực bảo vệ cao. Có 2 phác đồ tiêm được WHO khuyến cáo:

  • Đối với tiêm bắp: 5 liều, mỗi liều 0,5ml, tiêm vào ngày 0, 3, 7, 14, 28.
  • Đối với tiêm trong da: 8 liều, mỗi liều 0,1ml, tiêm vào ngày 0, 3, 7. Mỗi ngày tiêm 2 liều đơn ở 2 vị trí khác nhau của cơ Delta. Tiêm tiếp vào ngày 28 và 90 kể từ mũi 1, mỗi ngày 1 liều vào cơ Delta.

Điều trị dự phòng cho người bị súc vật cắn xét theo tình trạng vết cắn và tình trạng của súc vật cắn (kể cả đã tiêm phòng):

- Nếu da lành: Không cần điều trị.

- Nếu da bị xước ở vùng gần với thần kinh trung ương: 

  • Trường hợp con vật tại thời điểm cắn vẫn bình thường: Tiêm vắc-xin dại.
  • Trường hợp con vật tại thời điểm cắn có triệu chứng bệnh dại: Tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin dại.

- Nếu da bị xước nhẹ, vị trí cắn xa thần kinh trung ương: 

  • Con vật tại thời điểm cắn vẫn bình thường: Theo dõi con vật tiếp trong vòng 15 ngày.
  • Con vật bị ốm, có triệu chứng dại trong vòng 15 ngày: Tiêm vắc-xin ngay khi con vật có triệu chứng.

- Nếu vết cắn nhẹ, vị trí cắn xa thần kinh trung ương

  • Trường hợp không theo dõi được con vật (do mất tích, bị giết thịt…): Tiêm vắc-xin phòng dại ngay.
  • Trường hợp con vật có triệu chứng dại tại thời điểm cắn: Tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin.

- Nếu vết thương nhiều, sâu, gần não, bị thương ở đầu, chi; con vật có triệu chứng dại ngay thời điểm cắn hoặc không theo dõi được: Tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin ngừa dại càng sớm càng tốt. 

Một khi đã phát bệnh, việc điều trị chỉ còn mang tính hỗ trợ, an thần mạnh và làm bệnh nhân thoải mái. Tử vong xảy ra trong vòng 3-10 ngày sau khi các triệu chứng khởi phát, rất ít bệnh nhân sống sót, trong đó có nhiều người đã được điều trị dự phòng trước cả khi xuất hiện triệu chứng. 

Biện pháp phòng ngừa bệnh dại

Để phòng ngừa bệnh dại, trước mắt cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng cách cung cấp thông tin cần thiết về bệnh dại cũng như các cách phòng chống bệnh dại, phát hiện súc vật bị dại và xử lý sau khi bị súc vật cắn/tiếp xúc.

Phối hợp giữa thú y và y tế thực hiện công tác giám sát các có ổ dịch cũ, hay xảy ra bệnh dại ở súc vật, mua bán súc vật.

Đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo đạt > 85% trong quần thể súc vật nuôi.

Những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh dại (thú y, kiểm lâm, làm trong phòng thí nghiệm có virus dại…) cần được tiêm vắc-xin dại tế bào đủ mũi theo chỉ định.

Sau khi bị súc vật cắn/tiếp xúc, cần thăm khám càng sớm càng tốt để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại hoặc kết hợp với huyết thanh kháng dại.

1,361

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám