Bệnh Rubella: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và phòng tránh

Doan Nguyen

20-09-2023

goole news
16

Rubella còn được gọi là sởi Đức hoặc Sởi 3 ngày, là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Mặc dù Rubella và Sởi có chung một số đặc điểm như là phát ban đỏ, nhưng Rubella được gây ra bởi một loại virus hoàn toàn khác với bệnh Sởi thông thường.

Tổng quan về bệnh

Rubella nằm trong nhóm bệnh có chỉ số lây nhiễm cao nhất – lên đến 80% ở những người chưa từng có miễn dịch. Dịch bệnh Rubella có tính chu kỳ, trung bình khoảng 7 đến 8 năm, có khi dài hơn. Tại khu vực miền Bắc nước ta, bệnh thường phát triển mạnh ở các tháng mùa Đông – Xuân, còn tại miền Nam bệnh có thể gặp quanh năm.

Mặc dù nhiễm virus Rubella thường gây sốt nhẹ và phát ban ở trẻ em và người lớn, tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu phụ nữ mang thai nhiễm virus Rubella trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh, được gọi là hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS).

Rubella là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra với đặc điểm người bệnh bị phát ban đỏ trên cơ thể

Hình ảnh trẻ mắc bệnh Rubella

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh Rubella là do Rubella virus, thuộc họ Togaviridae. Cho đến nay chỉ có 1 typ huyết thanh của virus Rubella được phát hiện và người là ổ chứa duy nhất của chủng virus này. Vì vậy, người đang mắc bệnh Rubella là nguồn truyền nhiễm duy nhất. Virus Rubella có đường kính từ 45 – 75 nm, bao ngoài bằng lipid và trên bề mặt có gai glycoprotein.

Virus Rubella bất hoạt bởi nhiệt độ cao và các loại dung dịch sát khuẩn thông thường. Tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm không khí, virus có thể tồn tại trong trại thái gây bệnh ngoài môi trường từ một đến vài giờ. Những khu vực đông người như trường học, bệnh viện, nhà máy,… là môi trường lây bệnh thường gặp nhất.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus Rubella nhân lên trong các tế bào đường hô hấp, lan đến các hạt lympho rồi vào đường máu. Sau khi nhiễm hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh Rubella, cơ thể sẽ có miễn dịch bền vững và bảo vệ trọn đời.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết

Rubella theo tiếng Latin có nghĩa là “chấm đỏ”, nên có thể thấy dấu hiệu đặc trưng nhất có thể nhận thấy ở người bệnh Rubella là những ban đỏ xuất hiện từ 14 đến 21 ngày sau khi virus Rubella đi vào cơ thể.

Ở thể Rubella điển hình, những dấu hiệu bệnh thường nhẹ và lành tính, tỷ lệ tử vong và biến chứng thấp. Bệnh nhân thể Rubella điển hình thường sốt nhẹ, biểu hiện ban đỏ, có các dấu hiệu ở cơ quan bạch huyết. Ngoài dấu hiệu điển hình là ban đỏ xuất hiện đầu tiên ở mặt, cổ và lan khắp toàn thân, người bệnh Rubella còn thường gặp tổn thương bạch huyết ở vùng sau tai, vùng chẩm, cổ sau. Ở người lớn mắc bệnh Rubella thường sốt và phát ban nhiều hơn, kèm theo các biểu hiện điển hình là mệt mỏi, biếng ăn, đau khớp.

Triệu chứng bệnh có thể kéo dài khoảng 5 ngày.

  • Phát ban nhẹ, mờ nhanh, sau khi khỏi ban biến mất hoàn toàn.
  • Sốt nhẹ
  • Không có giai đoạn tiền triệu chứng.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Người lớn hoặc trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh Rubella. Nhưng ở một số đối tượng, nguy cơ mắc bệnh Rubella cao hơn những người khác như:

  • Những người chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh Rubella.
  • Những người chưa từng mắc bệnh Rubella.
  • Người đi đến những quốc gia khác, đặc biệt là những nơi đang thịnh hành dịch Rubella.

Đường lây nhiễm 

Giống như Sởi hay các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh Rubella lây truyền khi người lành hít phải những giọt nước bọt của người mang mầm bệnh phát tán vào không khí khi hắt hơi, ho, hay nói chuyện. Ngoài ra, Rubella cũng có khả năng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi hoặc cổ họng của người bị nhiễm bệnh. 

Virus Rubella có khả năng lây truyền cao nhất vào giai đoạn phát ban. Tuy nhiên, bệnh có thể lây nhiễm từ 1 tuần trước khi phát ban và 1 tuần sau khi phát ban. Phụ nữ mang thai có thể lây truyền virus Rubella cho con thông qua nhau thai. Tùy thuộc vào nhiễm virus trong giai đoạn nào của thai kỳ sẽ có những ảnh hưởng khác nhau lên thai nhi.

Ở trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh có thể lây truyền virus trong khoảng thời gian 1 năm hoặc lâu hơn. Dịch tiết từ đường hô hấp và nước tiểu trẻ sơ sinh mắc bệnh Rubella bẩm sinh chứa lượng lớn virus trong nhiều tháng. Vì vậy bệnh Rubella bẩm sinh có thể lây truyền từ trẻ cho những người xung quanh chăm sóc trẻ.

Biến chứng của bệnh

Biến chứng của bệnh Rubella thường gặp ở người lớn nhiều hơn ở trẻ em. Khoảng 70% phụ nữ bị nhiễm trùng có thể đau hoặc viêm khớp, viêm não có thể xảy ra ở 1/5000 trường hợp thường gặp nhất là ở phụ nữ, xuất huyết có thể xảy ra ở trẻ em với tỷ lệ 1/3000 trường hợp. 

Rubella còn đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai. Nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển… Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh.

Nếu mẹ bị nhiễm Rubella trong ba tháng đầu thai kỳ, thì có đến 70% – 100% trẻ đẻ ra bị hội chứng Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não. Thai có nguy cơ bị sẩy, hoặc thai chết lưu trong tử cung; nếu đẻ được thì thai thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như hẹp eo động mạch phổi; trẻ còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ.

Nếu mẹ bị nhiễm Rubella từ tuần 13 đến tuần 27 thai kỳ: 

  • Khi thai được 13-16 tuần, thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. 
  • Khi thai được 17- 20 tuần, thì tỷ lệ giảm xuống còn 5%.
  • Khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%.

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác bệnh Rubella, ngoài dựa vào các triệu chứng lâm sàng, dịch tễ, các bác sĩ còn thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như: ELISA tìm kháng thể chuyên biệt, HI (Hemagglutination inhibition) – ức chế ngưng kết hồng cầu, IHA (Indirect Hemagglutination) – ngưng kết hồng cầu thụ động, LA (Latex Agglutination) – ngưng kết Latex, xét nghiệm miễn dịch định lượng IgM và IgG. 

Trong các phương các xét nghiệm trên, việc chẩn đoán bệnh Rubella chủ yếu dựa trên xét nghiệm miễn dịch định lượng IgM và IgG. IgM và IgG là hai loại kháng thể trong máu được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng virus Rubella. Kháng thể này xuất hiện trong máu khi người bệnh tiếp xúc với virus Rubella, tăng lên và đạt đỉnh điểm trong khoảng 7 – 10 ngày sau nhiễm trùng.

Kháng thể IgG xuất hiện muộn hơn IgM nhưng tồn tại suốt đời trong cơ thể để đề phòng sự tái nhiễm virus Rubella.

Phương pháp điều trị

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh Rubella. Bệnh thường có diễn biến nhẹ nên không cần sự chăm sóc và điều trị đặc biệt, mà có thể điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế. Nếu trẻ sốt cao, các bác sĩ hạ sốt cho trẻ bằng những biện pháp như uống nhiều nước, chỉ sử dụng thuốc hạ nhiệt khi thực sự cần thiết và tốt nhất không nên dùng aspirin. Không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm.  

Bệnh nhân Rubella cần kết hợp nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chú ý chăm sóc và vệ sinh răng miệng, bàn tay và thân thể. Khi có dấu hiệu bệnh, bệnh nhân nên sớm đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị, cách ly khi cần thiết để hạn chế việc lây lan cho những người thân xung quanh. 

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Hai biện pháp chính của phòng bệnh Rubella là cách ly và tiêm phòng bằng vắc xin. Tuy nhiên cách ly là biện pháp mang tính tạm thời và thụ động vì cơ thể nếu không có miễn dịch trước virus Rubella thì hoàn toàn có thể nhiễm bệnh.

Tiêm phòng vắc xin là biện pháp được đánh giá cao về độ an toàn hiệu quả và tính sinh miễn dịch của cơ thể với bệnh Rubella. Vắc xin MMR II (Mỹ) và vắc xin MMR (Ấn Độ) hiện nay được lưu hành ở nước ta, đây là loại vắc xin sống, giảm độc lực giúp phòng 3 bệnh: Sởi, Quai bị và Rubella.

Trẻ em và người lớn đều nên chủ động tiêm phòng vắc xin phòng ngừa Sởi, Quai bị, Rubella. Vì là vắc xin sống giảm độc lực nên vắc xin MMR II và MMR không được tiêm cho phụ nữ đã mang thai. Trong trường hợp đã lỡ tiêm mới biết mình mang thai, mẹ bầu cần thông báo với bác sĩ sản khoa để được tư vấn biện pháp chăm sóc và theo dõi thai kỳ phù hợp. Việc tiêm vắc xin MMR II và MMR không phải là yếu tố tiên quyết để chỉ định chấm dứt thai kỳ.

650

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám