Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa đúng cách tại nhà?

Nguyễn Thu Hà

04-03-2021

goole news
16

Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa (phía sau màng nhĩ). Đây là một tình trạng rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch và ông ot-tát trong tai vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh. Các triệu chứng của bệnh viêm tai giữa sẽ khiến trẻ khó chịu, đau nhức ở tai, sốt và nghe không rõ. Đặc biệt là vào mùa đông, tình trạng nhiễm trùng tai giữa xảy ra rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đa phần các bé trong độ tuổi từ 6 - 18 tháng tuổi đều mắc bệnh. 

Trẻ bị viêm tai giữa nếu không được điều trị sớm, kịp thời và dứt điểm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: thủng màng nhĩ, viêm tai xương chũm, ảnh hưởng đến khả năng nghe - nói, liệt mặt, thậm chí là viêm màng não, áp xe não… Bên cạnh việc điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cũng cần biết chăm sóc trẻ viêm tai giữa như thế nào mới đúng và hỗ trợ quá trình điều trị. 

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa

Vệ sinh tai

Mẹ nên vệ sinh tai, mũi, họng cho trẻ khi bé bị viêm tai giữa

Mẹ nên vệ sinh tai, mũi, họng cho trẻ khi bé bị viêm tai giữa

Khi trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ nên thường xuyên vệ sinh tai cho trẻ để con bớt khó chịu. Tuy nhiên, cách thực hiện không đúng sẽ khiến bé bị đau, vết thương lâu lành và nếu không cẩn thận sẽ khiến bệnh càng thêm nặng hơn. Các bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng đã chỉ ra những sai lầm trong cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa như:

  • Dụng cụ ráy tai cho trẻ không sạch sẽ, không đảm bảo vệ sinh
  • Cố gắng lấy ráy sâu vào tai. Điều này có thể gây thủng màng nhĩ, tổn thương màng nhĩ hoặc đẩy các tác nhân gây bệnh vào sâu trong tai hơn. 

Cách vệ sinh tai viêm tai giữa cho trẻ đúng là dùng khăn mềm lau xung quanh vành tai. Sau đó cha mẹ xoắn nhẹ góc khăn và lau phần ống tai ngoài, không nên cố lau sâu vào trong tai. Nếu tai trẻ có hiện tượng chảy mủ, mẹ cần làm sạch tai cho trẻ. Dùng bông tăm lau nhẹ nhàng, không lau quá sâu, có thể khiến tai bị tổn thương. Tuyệt đối không dùng bông nút kín tai để chặn nước mủ mà phải để dịch mủ thoát ra ngoài. 

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh tai cho trẻ. Nhỏ từ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào tai trẻ và để trẻ nằm nghiêng về bên tai nhỏ thuốc, khi đó dịch mủ sẽ chảy ra ngoài. Để thấm hút dịch chảy ra ở tai ngoài, cha mẹ có thể dùng tăm bông.  

Vệ sinh tai mũi họng

Rửa mũi cho trẻ cũng là cách hỗ trợ điều trị bệnh viêm tai giữa

Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý cũng là cách hỗ trợ điều trị bệnh viêm tai giữa

Bên cạnh đó, vì tai - mũi - họng có ống thông với nhau nên vi khuẩn gây bệnh có thể lây lan tới tai và gây viêm tai giữa. Do đó, không chỉ vệ sinh tai cho trẻ mà mẹ cũng cần vệ sinh sạch sẽ mũi và họng của trẻ để bệnh nhanh khỏi.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa tốt nhất đó là cho trẻ súc miệng và nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để rơ lưỡi cho trẻ. Nếu trời lạnh cần dùng nước muối ấm trước khi nhỏ để trẻ không bị cảm lạnh. 

Nếu sử dụng dụng cụ hút mũi cho trẻ, mẹ nên thao tác nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi. Sau khi dùng xong, mẹ nên rửa tay và dụng cụ hút mũi sạch sẽ. 

Mẹ cũng lưu ý không bịt cả hai mũi của trẻ để xì mũi vì như vậy sẽ đẩy dịch và các tác nhân gây bệnh vào tai, gây viêm. Thao tác đúng là mẹ bịt một bên lỗ mũi của trẻ và để trẻ xì nhẹ bên còn lại. Mẹ có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý để làm loãng dịch trong mũi, giúp trẻ xì mùi dễ hơn. 

Chế độ ăn uống

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ

Bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C cho trẻ đang bị viêm tai giữa

Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cần áp dụng chế độ ăn uống hợp lý. Bởi chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị viêm tai giữa ở trẻ em. Trẻ bị viêm tai giữa thường quấy khóc, mệt mỏi và chán ăn. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ ăn những loại thức ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng như cháo thịt, các loại rau cải, súp lơ, hoa quả nhiều vitamin C như nước ép ổi, cam… 

Bên cạnh đó, thay vì cho trẻ ăn 3 bữa như thường ngày thì cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn theo nhu cầu và bổ sung các loại nước ép hoa quả. Đối với trẻ nhỏ còn đang bú sữa mẹ (dưới 6 tháng), mẹ có thể tăng số lần bú của trẻ. 

Điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ cho trẻ bị viêm tai giữa

Điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ cho trẻ bị viêm tai giữa

Đối với trẻ em, khi bị bệnh bố mẹ không được tự ý dùng thuốc để chữa trị, dù đó là thuốc không kê đơn. Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa tốt nhất là cho trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị theo phác đồ cụ thể. 

Trong trường hợp tình trạng trẻ sốt nhẹ thì cha mẹ nên chườm khăn ấm để trẻ mau hạ sốt. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt thuốc paracetamol hoặc ibuprofen theo chỉ định của bác sĩ nếu bé 3 tháng tuổi hoặc lớn hơn khi trẻ sốt trên 38,5 độ C hoặc tỏ ra khó chịu, đau nhiều. Các thuốc này sẽ giúp hạ sốt và giảm đau. Ngoài ra, mẹ nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, thấm hút mồ hôi tốt và giữ không gian nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc không cho phép bất cứ ai hút thuốc lá xung quanh bé, không đưa bé đến nơi có khói thuốc.

Nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu tình trạng của bé trở nặng

Nếu trong quá trình điều trị tại nhà, bệnh của trẻ không thuyên giảm hoặc nặng hơn, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Các triệu chứng viêm tai giữa khi bé trở nặng như:

  • Mức độ và tần suất đau tai ở trẻ tăng lên
  • Trẻ không có dấu hiệu hạ sốt, sốt cao liên tục dù có dùng thuốc hạ sốt
  • Trẻ quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn trong liên tục nhiều ngày
  • Trẻ nôn hoặc bị tiêu chảy kéo dài

Cách phòng tránh bệnh viêm tai giữa ở trẻ

Cần đưa trẻ bị viêm tai giữa đi khám bác sĩ để có phác đồ điều trị đúng đắn, kịp thời

Cần đưa trẻ bị viêm tai giữa đi khám bác sĩ để có phác đồ điều trị đúng đắn, kịp thời

- Giữ ấm cơ thể trẻ, nhất là các vị trí như cổ, gan bàn chân khi thời tiết lạnh

- Tạo thói quen vệ sinh mũi họng sạch sẽ cho trẻ để phòng tránh viêm mũi họng.

- Nhắc nhở trẻ bỏ thói quen cho tay vào miệng, ngoáy mũi để tránh vi khuẩn xâm nhập.

- Điều trị sớm các bệnh viêm mũi họng, VA, Amidan…

- Đảm bảo môi trường sống quanh trẻ tránh khói bụi, ẩm mốc, chật chội.

Trên đây là bài viết về cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa. Có thể thấy, chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cũng đóng vai trò quan trọng giúp điều trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ các cách vệ sinh tai cho bé đúng, tránh khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sở hữu hệ thống trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ những nước có nền y tế phát triển, bao gồm các loại máy siêu âm, máy nội soi… Khu vực phòng khám của bệnh nhân nhi được bày trí ấn tượng, độc đáo tạo cảm giác thoải mái và giúp trẻ không còn sợ hãi khi đi khám bệnh. Mọi thắc mắc cha mẹ vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 để được tư vấn và giải đáp miễn phí.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,831

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám