Mách mẹ cách cho con bú đúng cách

Nguyễn Mai Phương

10-12-2020

goole news
16

Cho con bú đúng cách sẽ giúp mẹ không bị cương tức, nứt vú, bé được bú đủ nhu cầu và dễ tăng cân. Các mẹ hãy cùng tìm hiểu cách cho con bú đúng trong bài viết sau đây nhé.

Tầm quan trọng của sữa mẹ đối với trẻ trong 6 tháng đầu

Sữa mẹ là thức ăn quan trọng nhất của trẻ sơ sinh, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu và tiếp tục đến khi con 18-24 tháng tuổi kết hợp ăn bổ sung (ăn dặm) được Tổ chức y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế khuyến cáo thực hiện.

Sữa mẹ chứa các axit béo DHA và ALA thiết yếu cho sự phát triển não bộ và thị giác của trẻ, đồng thời cung cấp kháng thể giúp bé chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng tai, viêm đại tràng, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, giảm nguy cơ hen phế quản, dị ứng, chàm và bất dung nạp sữa bò về sau.

Sữa mẹ luôn có sẵn ở nhiệt độ thích hợp, dễ tiêu hóa, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và phù hợp với dạ dày của trẻ. Các vi chất trong sữa mẹ cũng dễ hấp thu hơn so với sữa công thức.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời

Không chỉ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho con, sữa mẹ còn mang lại nhiều lợi ích cho các bà mẹ:

  • Cho con bú sớm sẽ kích thích co hồi tử cung, giảm nguy cơ chảy máu sau sinh;
  • Cho bé bú thường xuyên sẽ kích thích tăng tiết sữa, giảm cảm giác căng tức vú cho mẹ;
  • Giúp mẹ giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh ung thư: ung thư vú, ung thư phụ khoa;
  • Tăng cường mối liên kết, siết chặt sợi dây tình cảm giữa mẹ và bé;
  • Làm chậm quá trình có kinh;
  • Giúp mẹ đốt cháy bớt calo dư thừa, nhanh về dáng sau sinh;
  • Tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé.

Nguyên tắc cho con bú đúng cách

Cần cho trẻ sơ sinh bú sớm trong vòng 1 giờ đầu ngay sau sinh. Trong 6 tháng đầu, trẻ chỉ cần bú mẹ mà không cần ăn, uống thêm bất kỳ thực phẩm nào khác kể cả nước.

Trẻ cần được cho bú theo nhu cầu, theo ý muốn dù ngày hay đêm. Số lần bú dao động khoảng 8-12 lần/ngày tùy thuộc vào thể tích dạ dày của bé. Trẻ bú càng nhiều càng kích thích mẹ tiết sữa. Do đó nếu trẻ chỉ ăn sữa ngoài, mẹ sẽ giảm tiết sữa và không đủ sữa nuôi con.

Mẹ nên cho trẻ bú hết một bên vú rồi mới đổi bên còn lại để đảm bảo bé được bú cả sữa đầu và sữa cuối, nhận đủ calo và dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng.

Trẻ đòi bú mẹ thường có biểu hiện không nằm yên, hay há miệng, chuyển động lưỡi thò ra thụt vào, cho tay vào miệng mút, xoay đầu sang hai bên tìm vú mẹ. Do vậy mẹ cần nhận biết rõ những dấu hiệu này để có thể cho trẻ bú theo nhu cầu. Dấu hiệu cho thấy trẻ bú đúng và hiệu quả gồm: bé nuốt chậm và sâu, thi thoảng dừng lại rồi bú tiếp, mẹ có thể nhìn hoặc nghe thấy tiếng trẻ nuốt.

Mẹ cần nhận biết các dấu hiệu đòi bú của trẻ để cho con bú theo nhu cầu

Mẹ cần nhận biết các dấu hiệu đòi bú của trẻ để cho con bú theo nhu cầu

Mỗi lần bú của trẻ kéo dài theo nhu cầu cho đến khi bé tự nhả vú. Không nên tự dứt vú khi trẻ vẫn còn ngậm. Nếu mỗi lần trẻ bú kéo dài hơn nửa tiếng/lần hoặc mỗi cữ bú cách nhau quá gần, chỉ tầm 1-1,5 tiếng thì có thể trẻ không được ngậm vú đúng cách, không bú đủ lượng sữa cần thiết.

Trẻ được bú đủ sẽ đi tiểu ít nhất 6 lần trong 24 giờ. Nếu không đủ số lần tiểu, cần cho bé bú thêm hoặc xem lại cách cho bú đã đúng chưa.

Nếu trẻ bị ốm sốt hoặc vừa tiêm vắc xin, vẫn cần tiếp tục cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn để bù nước, tăng sức đề kháng.

Không nên cho trẻ bú bình. Nếu trẻ bú bình trước khi bú mẹ, bú bình thường xuyên ngay cả khi đã bú mẹ thì sẽ khó mút vú, không bú được hoặc bú ít sữa.

Tư thế cho con bú đúng cách

Tư thế cho bé bú cũng là một vấn đề quan trọng mẹ cần lưu ý. Mẹ có thể cho trẻ bú nằm hoặc ngồi tùy điều kiện miễn là trong tư thế thoải mái, thư giãn, không bị gò bó căng cơ. Để cho con bú đúng cách, mẹ nên đảm bảo tuân theo các nguyên tắc khi bế trẻ, tư thế cho trẻ sơ sinh bú, cho trẻ ngậm bắt vú theo khuyến cáo của chuyên gia như sau.

Cách bế trẻ khi cho bú

Tư thế cho bé bú phổ biến nhất là mẹ ẵm bé trên tay, đặt bé nằm trong lòng sao cho đầu và thân bé nằm trên một đường thẳng, nằm nghiêng 30-35 độ so với lưng mẹ, mặt quay về phía vú mẹ, mũi đối diện núm vú, thân người trẻ áp vào bụng mẹ. Mẹ có thể đặt 1 chiếc gối dưới người bé để tránh phải đỡ toàn bộ sức nặng của bé hay cúi sâu người xuống gây mỏi cho mẹ. Dùng tay đỡ nhẹ nhàng đầu và mông trẻ nhưng không được cố định, phải cho đầu bé được tự do, thoải mái để bú mẹ. Tuyệt đối không cho con bú khi bé đang nằm ngửa hoặc ngủ vì có thể gây sặc sữa.

Tư thế cho con bú đúng cách

Tư thế cho con bú đúng cách

Nâng bầu vú khi cho con bú

Mẹ thực hiện đúng cách nâng bầu vú khi cho con vú sau đây: dùng một tay giữ em bé, tay còn lại nâng giữ vú sao cho ngón tay cái đặt bên trên, phía sau quầng vú. Lòng bàn tay bên dưới đặt cách xa quầng vú. Tay nâng vú nhẹ nhàng tạo thành hình chữ “C” quanh vú. Cố gắng không thay đổi hình dạng vú trong suốt quá trình cho con bú.

Cách giúp trẻ ngậm vú đúng

Ngậm vú đúng cách sẽ giúp bé được bú no và mẹ không bị đau rát vú. Để giúp trẻ ngậm bắt vú đúng, mẹ đưa vú chạm môi trên của trẻ để kích thích trẻ mở rộng miệng, khi bé há to thì đưa vú vào miệng trẻ sao cho lưỡi và môi dưới của trẻ nằm dưới núm vú, cằm bé chạm bầu vú mẹ, đầu hơi ngửa.

Trẻ ngậm vú sai có thể khiến mẹ bị đau, tổn thương núm vú (nứt cổ gà), cương tức vú, tắc sữa từ đó ít tạo sữa đi. Ngậm vú không đúng cách làm trẻ không bú được dẫn đến bị đói và đòi bú nhiều hơn. Những lần bú sau trở nên khó khăn, trẻ quấy khóc nhiều, chậm tăng cân, sức đề kháng yếu.

Nhận biết trẻ ngậm bắt vú đúng và sai

Nhận biết trẻ ngậm bắt vú đúng và sai

Bé bú hay bị sặc nguyên nhân do đâu?

Bé bú hay bị sặc sữa là một hiện tượng thường gặp, nguyên nhân đa phần là cho bú không đúng tư thế, chẳng hạn như:

  • Cho bé bú nằm hoặc ngửa đầu: Khiến sữa đi xuống thẳng phế quản và gây sặc cho trẻ.
  • Kê bình sữa cho bé tự bú: Nhiều ba mẹ có thói quen này khi cho bé bú bình. Tuy nhiên đây là một hành động khá tai hại vì trong lúc bú bé có thể sẽ ngủ quên, nếu thở mạnh có thể hít sữa lên mũi dẫn đến sặc sữa.
  • Cho bé ngủ ngửa đầu ngay sau khi bú: Trẻ sơ sinh sau khi bú thường dễ ngủ và có thể nhanh chóng vào giấc ngay, tuy nhiên các mẹ hãy khoan đặt bé xuống ngủ ở tư thế nằm ngửa bởi lúc này bé mới ăn no, khả năng sặc sữa, bị ngạt thở cao, cộng với việc không thể tự xoay đầu khiến bé không thể tự mình thoát khỏi tình trạng ngạt được.
  • Cho bú khi bé đang xúc động: Nếu cho bé bú sữa khi bé đang cười, khóc, bị kích thích... có thể khiến sữa lọt vào khí quản của bé gây sặc. 

Tư thế bú nằm cho trẻ sơ sinh có tốt hay không?

Trẻ sơ sinh vốn nhỏ bé và mỏng manh nên các mẹ vẫn thường băn khoăn không biết liệu có nên cho trẻ bú nằm nghiêng hay không, cách cho bé bú nằm thế nào an toàn nhất. Thực tế nỗi lo này là có cơ sở bởi đã có nhiều trường hợp người mẹ ngủ quên, không để ý khiến trẻ bị chèn ép gây ngạt thở và tử vong hoặc trẻ bị sặc sữa do bú nằm ngửa. Tuy nhiên nếu mẹ thực hiện tốt các biện pháp an toàn thì hoàn toàn có thể cho bé bú nằm. 

Để thực hiện tư thế bú nằm cho trẻ sơ sinh, mẹ nên đặt gối, chăn quanh lưng và mông của trẻ để giữ tư thế thích hợp, lưu ý để gối cách xa đầu và mặt của trẻ. Ngoài ra, mẹ cần giữ tỉnh táo trong suốt quá trình cho bú, tránh ngủ quên bởi trẻ vẫn tiếp tục bú khi ngủ và có khả năng bú quá mức gây sặc sữa, ngạt thở do bầu vú lớn chèn ép hoặc quấn vào chăn, gối lớn.

Tư thế bú nằm cho trẻ sơ sinh

Tư thế bú nằm cho trẻ sơ sinh

Thời gian cho trẻ sơ sinh bú bao lâu là đủ?

Tùy theo cân nặng và nhu cầu của mỗi trẻ mà số lần bú và lượng sữa mỗi lần sẽ khác nhau. Theo các chuyên gia, cần cho em bé bú sữa từ 8-12 cữ/ngày. Mỗi lần cách nhau 2 tiếng nếu là sữa mẹ và 3 tiếng nếu là sữa công thức.

Thời gian mỗi cữ bú kéo dài từ 20-30 phút, ít nhất 10 phút cho mỗi bên ngực. Đa số 10 phút đầu sữa mẹ chủ yếu là nước. Phần sữa tiết ra sau đó mới mang nhiều dưỡng chất tốt cho trẻ. Thời gian bú của bé sẽ ngắn dần khi bé lớn lên, chỉ cần 5 đến 10 phút mỗi cữ bú là đủ lượng sữa cần thiết.

Việc cho bú đêm có thể cản trở giấc ngủ của trẻ và ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của bé. Vì vậy bố mẹ cần cân nhắc khi cho bé bú đêm.

Dấu hiệu bé bú đủ:

  • Bầu ngực mẹ trở nên mềm, hết căng sau khi cho bú;
  • Trẻ đi tiểu đều đặn, nước tiểu không màu hoặc vàng nhạt, đi ngoài với phân có màu vàng, mềm;
  • Bé thể hiện sự thoải mái, vui vẻ sau mỗi lần bú;
  • Cân nặng của bé tăng đều đặn sau 2 tuần đầu.

Một số những khó khăn mẹ thường gặp phải khi cho con bú

  • Mẹ không đủ sữa: Muốn sữa về nhiều cần phải cho con bú sớm ngay sau sinh, thường xuyên và liên tục, bú đúng cách để kích thích phản xạ tiết sữa (prolactin) và phản xạ phun sữa (oxytoxin). Cho trẻ bú nhiều vào ban đêm (do prolactin bài tiết nhiều về đêm) cũng giúp tăng tiết sữa. Nếu không có thời gian, điều kiện cho con bú, phải vắt sữa thường xuyên để có sữa cho bé bất cứ khi nào cần, đồng thời kích thích vú tạo sữa.
  • Nứt núm vú: Thường do trẻ ngậm bắt vú không đúng cách. Miệng trẻ chà sát da núm vú làm da ở núm vú tổn thương gây nứt núm vú khiến mẹ rất đau. Nếu trẻ được ngậm bắt vú đúng, tình trạng này sẽ được cải thiện.
  • Cương tức vú: Do bé không được bú sớm và thường xuyên, ngậm vú kém, mỗi cữ bú quá ngắn. Để khắc phục vấn đề này, mẹ cần nhớ cho trẻ bú thường xuyên. Nếu trẻ không bú được phải vắt sữa bằng tay hoặc dùng dụng cụ hút sữa. Dùng gạc ấm đắp lên vú trước khi cho bú và dùng gạc lạnh để giảm phù nề sau khi cho bú.
  • Tắc tia sữa: tia sữa bị tắc sẽ làm sữa ứ đọng gây viêm vú, nhiễm trùng. Điều trị bằng cải thiện lưu thông ống dẫn sữa, tìm nguyên nhân, sử dụng kháng sinh, giảm đau, nghỉ ngơi.
  • Núm vú phẳng và bị tụt vào trong: Có thể dùng bơm hút đầu vú, hướng dẫn cho trẻ ngậm bắt vú đúng, cho bú ở nhiều tư thế khác nhau. 

Nếu không đủ điều kiện cho bé bú, mẹ cần vắt sữa thường xuyên để kích thích vú tạo sữa

Nếu không đủ điều kiện cho bé bú, mẹ cần vắt sữa thường xuyên để kích thích vú tạo sữa

Một số lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ bỉm sữa

Cho trẻ bú ngay sau sinh và thường xuyên

Để mau tiết sữa và duy trì nguồn sữa mẹ, cần cho bé bú ngay sau sinh vè cho bú liên tục, đều đặn để kích thích bài tiết prolactin tốt cho quá trình tiết sữa. Trẻ bú càng nhiều thì vú mẹ càng tạo nhiều sữa và không bị mất sữa.

Bổ sung dinh dưỡng

Khi cho con bú, chất dinh dưỡng từ thức ăn của mẹ sẽ được truyền qua sữa nuôi con. Vì thế người mẹ cần phải ăn uống đủ chất, đa dạng thực phẩm. Trung bình, mẹ sau sinh cần hơn 2.500 calo/ngày từ thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây… Tuy nhiên, mẹ nên hạn chế trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, quýt vì chúng có tính axit cao, dễ kích thích dạ dày của trẻ. Thay vào đó mẹ có thể chọn xoài, dâu tây cũng cung cấp vitamin C dồi dào cho cơ thể.

Không nên ăn những thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày, chứa nhiều gia vị cay vì có thể làm giảm quá trình tiết sữa khiến mẹ không đủ sữa cho con bú.

Mẹ cho con bú cần nạp đủ dinh dưỡng mỗi ngày

Mẹ cho con bú cần nạp đủ dinh dưỡng mỗi ngày

Uống nhiều nước

Mẹ cần đảm bảo uống đủ ít nhất 2 lít nước/ngày. Bên cạnh nước lọc, các mẹ có thể chọn nước ép hoa quả, sinh tố vừa cấp nước vừa bổ sung chất xơ giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón..

Không nên uống nước đá lạnh, các loại đồ uống kích thích như rượu bia, trà, cà phê, đồ uống có ga vì sẽ làm ức chế phản xạ tiết sữa, giảm chất lượng sữa, dễ làm trẻ bị kích động, khó ngủ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Thân trọng khi dùng thuốc

Mẹ đang cho con bú nên thận trọng khi dùng thuốc bởi một số loại kháng sinh, thuốc cảm cúm, thuốc chống dị ứng có thể làm giảm tiết sữa, gây ngộ độc cho trẻ. Tốt nhất, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Tránh căng thẳng tinh thần sau sinh

Trạng thái tinh thần tác động rất lớn đến lượng sữa sau sinh. Người mẹ thường xuyên gặp căng thẳng, stress có thể bị mất sữa, ít sữa cho con bú. Lúc này, các mẹ rất cần sự quan tâm, chăm sóc, động viên của người thân, đặc biệt là chồng để giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái. Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên nghỉ ngơi đúng giờ, tránh thức khuya, làm việc quá sức.

Mẹ cần tránh căng thẳng sau sinh vì có thể làm mất sữa

Mẹ cần tránh căng thẳng sau sinh vì có thể làm mất sữa

Không ăn kiêng quá mức

Các chất béo được dự trữ trong thai kỳ sẽ được dùng để tạo sữa mẹ. Do đó mẹ cho con bú sẽ nhanh về lại dáng sau sinh mà không cần ăn kiêng giảm cân. Ngược lại, việc kiêng khem quá mức sẽ làm mẹ không đủ sữa cho con bú, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.

Cho con bú là trải nghiệm tuyệt vời đối với người mẹ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách cho con bú đúng cách, đủ lượng, đúng tư thế. Hy vọng bài viết này sẽ giúp mẹ trang bị thêm kiến thức cho việc chăm sóc con yêu. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp hoặc có nhu cầu đặt lịch khám với các chuyên gia y tế tại BVĐK Phương Đông, các mẹ vui lòng liên hệ 19001806 để nhận sự hỗ trợ nhanh nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
2,880

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám