Chốc mép: Nguyên nhân, biểu hiện, chẩn đoán và điều trị

Doan Nguyen

27-07-2023

goole news
16

Chốc mép là bệnh da liễu khá phổ biến tuy nhiên không phải ai cũng nắm chắc các thông tin về bệnh lý để có phương pháp phòng tránh phù hợp. Vậy chốc mép là bệnh gì, có nguy hiểm hay không và cách điều trị như thế nào, toàn bộ thông tin chi tiết sẽ có trong phần dưới đây.

Tổng quan về bệnh chốc mép

Bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết chốc mép là bệnh da liễu phổ biến, có khả năng lây nhiễm cao, dễ gặp nhất ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Khi bị chốc mép biểu hiện dễ gặp nhất là xuất hiện mụn rộp ở quanh miệng, mũi, tay chân. Các nốt phỏng có thể vỡ ra, đóng vảy màu vàng mật ong nhìn thấy rõ bằng mắt thường.

Chốc mép là bệnh da liễu phổ biến, có khả năng lây nhiễm cao

Chốc mép là bệnh da liễu phổ biến, có khả năng lây nhiễm cao

Những tổn thương do căn bệnh gây ra ảnh hưởng rất lớn tới thẩm mỹ nên người mắc rất muốn chữa chốc mép nhanh chóng. Hiện nay, điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh là phương pháp phổ biến nhất.

Ngoài ra việc cách ly bệnh nhân tới khi không còn khả năng lây nhiễm là hết sức cần thiết, thông thường là tới khoảng 24h sau khi điều trị bằng kháng sinh. Lý do là bởi căn bệnh này có khả năng lây nhiễm từ người mắc sang người khỏe mạnh. 

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh chốc mép là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Bác sĩ chuyên khoa cho biết bệnh có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó 2 nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm nấm hoặc nhiễm virus. Hiện nay virus gây chốc mép đã được nghiên cứu và phát hiện là virus herpes.

Khi nước bọt đọng ở trên mép thời gian dài sẽ khiến khu vực này ẩm ướt. Khi nước bọt bay hơi vùng da quanh miệng dễ bị khô gây kích ứng. Một số người có thói quen liếm môi để bớt khô, tuy nhiên đây lại là lý do khiến tình trạng chốc lở nặng và nghiêm trọng hơn. 

Nguyên nhân gây bệnh thứ 2 là nấm Candida albicans. Tác nhân này có mặt ở khắp nơi, người nào có sức đề kháng giảm sút, chúng sẽ có cơ hội xâm nhập, phát triển gây viêm và xuất hiện chốc ở quanh miệng. Bên cạnh đó tụ cầu khuẩn cũng là một trong những tác nhân gây bệnh phổ biến. 

Ngoài ra, sự thiếu hụt vitamin B cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chốc mép. Nguyên nhân khiến bạn bị thiếu hụt vitamin B thường là do không ăn đủ các loại trái cây, rau xanh, thực phẩm nguyên cám. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh chốc mép

Nhận biết triệu chứng của bệnh chốc mép giúp phát hiện sớm bệnh lý và có biện pháp điều trị hiệu quả. Bác sĩ chuyên khoa cho biết người bị chốc mép thường có các biểu hiện sau đây:

  • Vùng da quanh mép tấy đỏ xuất hiện các vết nứt. 
  • Xuất hiện các mụn nước liti mọc thành mảng ở quanh mép.
  • Vùng da trên khóe miệng có biểu hiện nóng rát và khó chịu. 
  • Khi há miệng hoặc ăn đồ cay nóng sẽ cảm thấy đau, rát hơn. 
  • Trẻ sơ sinh bị chốc mép xuất hiện các lớp vảy màu vàng vùng quanh mép. Quan sát có thể thấy lưỡi của trẻ hơi bóng, vùng môi khô. 

Bên cạnh những dấu hiệu nhận biết trên đây, người bị chốc mép còn có biểu hiện thay đổi vị giác, gặp khó khăn trong ăn uống dẫn tới tình trạng sụt cân, môi khô nứt nẻ, ảnh hưởng tới thẩm mỹ. 

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh

Theo nghiên cứu những yếu tố sau đây có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh chốc mép:

  • Về độ tuổi: Trẻ em từ 2 tới 5 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những độ tuổi khác. 
  • Về môi trường sống: Bệnh dễ dàng lây lan ở môi trường đông đúc như trường học hoặc các khu vực chăm sóc trẻ.
  • Về thời tiết: Mùa hè với thời tiết ẩm và nóng là thời điểm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. 
  • Về tiếp xúc: Khi chơi các môn thể thao đặc thù có tiếp xúc da kề da sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh chốc mép. 

Ngoài ra, những tổn thương sẵn có trên da cũng sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh thâm nhập và phát triển dù đó chỉ là những tổn thương nhỏ. Người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh đái tháo đường cũng là đối tượng dễ bị chốc mép.

Con đường lây nhiễm bệnh chốc mép

Nhiều người lầm tưởng bệnh chốc mép không lây, tuy nhiên đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Căn bệnh này có thể lây truyền thông qua đường tiếp xúc trực tiếp với tổn thương của người mắc hoặc với đồ dùng mà bệnh nhân đã chạm vào như giường chiếu, quần áo hoặc đồ chơi,...

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán bệnh chốc mép thường căn cứ vào những tổn thương đặc trưng. Xét nghiệm cận lâm sàng trong trường hợp này là không cần thiết. 

Trường hợp tổn thương kém đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh thông thường, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm từ dịch của mụn nước làm kháng sinh đồ. Nhờ đó tìm ra loại kháng sinh có tác dụng tốt nhất với tình trạng của người mắc.

Phương pháp điều trị chốc mép

Bác sĩ chuyên khoa cho biết bệnh chốc mép chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc. Ngoài ra cần phải cẩn thận khi chăm sóc người bệnh để tránh tình trạng lây lan từ người mắc sang người khỏe mạnh. Bệnh chốc mép do virus gây ra có thể tự khỏi từ 1 đến 2 tuần.

Các loại thuốc điều trị bệnh thường ở dạng mỡ hoặc kem bôi, sử dụng đơn giản bằng cách bôi trực tiếp lên da. Thuốc kháng virus sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa sự phát triển của bệnh. Người mắc cần bôi thuốc ngay khi phát hiện các tổn thương cho đến khi bong vảy hoàn toàn. Thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định khi nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn hoặc tình trạng các mụn nước đang bị bội nhiễm. 

Bên cạnh đó bệnh chốc mép cũng có thể được điều trị tại nhà bằng các mẹo nhỏ như:

  • Điều trị bằng dầu dừa: Cách thực hiện đơn giản chỉ cần thoa dầu dừa trực tiếp lên da, có thể uống thêm nước dừa để thanh nhiệt cơ thể và làm dịu da. 
  • Chữa bệnh chốc mép bằng dưa leo: Dưa leo có tính mát, có thể làm dịu da nên rất hiệu quả trong chữa chốc mép. Bạn chỉ cần thái dưa leo thành lát mỏng để đắp trực tiếp lên vùng da đang bị tổn thương. 
  • Mẹo điều trị bằng nha đam: Phần gel nha đam giúp giảm viêm cho da, vì thế bạn có thể sử dụng thành phần này đắp lên da mặt khi bị chốc mép. 

Biện pháp phòng ngừa

Bệnh chốc mép không quá nguy hiểm tuy nhiên có thể gây mất thẩm mỹ và khó chịu. Các biện pháp phòng ngừa là cách để bảo vệ bản thân khỏi bệnh chốc mép hiệu quả. Dưới đây là những phương pháp được chuyên gia khuyến cáo:

  • Luôn giữ gìn vùng da quanh mép khô thoáng và sạch sẽ, nhất là khi bị côn trùng đốt. 
  • Nên sử dụng kem dưỡng ẩm để vùng da quanh mép nói riêng và da mặt nói chung luôn được bảo vệ.
  • Khi không may bị chốc mép nên rửa sạch vùng tổn thương, không tiếp xúc trực tiếp da kề da với người khác để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. 
  • Khi bị mắc bệnh, các món đồ dùng cá nhân, quần áo, khăn cần được giặt riêng. Đồng thời bạn không nên dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác. 
  • Rửa tay thường xuyên và hạn chế đưa tay lên miệng. Trẻ nhỏ cần được cắt móng tay thường xuyên để tránh cào xước da.

Trên đây là những thông tin về bệnh chốc mép. Hy vọng quý độc giả sẽ có được những kiến thức bổ ích để phòng tránh căn bệnh này.

5,112

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám