Còn ống động mạch là dị tật tim bẩm sinh, tạo ra sự lưu thông bất thường giữa động mạch chủ và động mạch phổi.
Còn ống động mạch là dị tật tim bẩm sinh, tạo ra sự lưu thông bất thường giữa động mạch chủ và động mạch phổi.
Ở bào thai, phổi chưa có chức năng hô hấp và hệ tuần hoàn phổi chưa hoạt động. Ống động mạch (ống Botal) nối giữa đại tuần hoàn (động mạch chủ) và tiểu tuần hoàn (động mạch phổi). Máu từ tâm thất phải đi vào động mạch phổi, qua ống động mạch sang động mạch chủ, hòa trộn với máu ở động mạch chủ từ thất trái, sau đó trao đổi oxy ở nhau thai để đi nuôi dưỡng cơ thể.
Ống động mạch sẽ tự co thắt lại sau khi sinh khoảng 10-15 giờ và đóng kín hoàn toàn về mặt giải phẫu trong vòng 2 tháng sau sinh. Còn ống động mạch (patent ductus arteriosus - PDA) là tình trạng ống động mạch không đóng lại sau sinh mà vẫn tồn tại và hoạt động kéo dài. Điều này khiến máu giàu oxy từ động mạch chủ bị trộn với máu nghèo oxy trong động mạch phổi khiến phổi phải nhận quá nhiều máu, làm tăng gánh cho tim và tăng huyết áp động mạch phổi.
Còn ống động mạch chiếm khoảng 10% trong tổng số các dị tật tim bẩm sinh, hay gặp ở trẻ đẻ non và thường kèm theo các bệnh tim mạch khác.
Vị trí của ống động mạch
Sau khi cắt rốn, phổi bắt đầu thực hiện chức năng trao đổi khí, oxy được từ ngoài môi trường được đưa vào tuần hoàn phổi. Bão hòa oxy trong tuần hoàn hệ thống tăng lên kích thích co các cơ trơn của ống động mạch để đóng ống. Khả năng đáp ứng co cơ trơn của ống động mạch với oxy ở trẻ non tháng kém hơn trẻ sinh đủ tháng, do đó nguy cơ còn ống động mạch cũng cao hơn. Ngoài ra, suy hô hấp sơ sinh cũng là một yếu tố khiến ống động mạch khó đóng.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến đóng ống động mạch là Prostaglandin E2 (hay PGE2) trong máu. Sau khi sinh, PGE2 giảm đi trong máu khiến ống động mạch co và đóng lại. Nhiều bệnh lý phổi ở trẻ sơ sinh gây giảm PGE2 làm tăng nguy cơ còn ống động mạch.
Còn ống động mạch có thể dẫn tới biến chứng suy tim ứ huyết, phù phổi cấp, xuất huyết phổi, xuất huyết trong não thất, viêm ruột hoại tử. Bên cạnh đó là các biến chứng lâu dài như: phụ thuộc máy thở, bệnh phổi mạn ở trẻ sơ sinh (loạn sản phế quản phổi), túi phình ống động mạch sớm, bệnh võng mạc, chậm tăng trưởng và tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh non. Một số biến chứng hiếm gặp gồm: vỡ ống động mạch, phồng lóc động mạch phổi.
Ngoài ra còn có một biến chứng nguy hiểm khác là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn với đặc điểm khu trú trước ở ống động mạch phía động mạch phổi, sau lan đến động mạch chủ và các van tim, rất dễ dẫn đến tử vong. Chính vì vậy việc đóng ống động mạch là chỉ định cho hầu hết các trường hợp còn ống động mạch đơn độc trên lâm sàng.
Khám lâm sàng: Đối với ống động mạch dưới 3mm, bệnh nhân không có triệu chứng, kết quả điện tâm đồ và X-quang tim phổi bình thường; thường được phát hiện tình cờ qua khám lâm sàng hoặc siêu âm tim. Đối với ống trung bình hoặc lớn hơn 4mm, các triệu chứng cơ năng có thể có gồm: hay bị viêm phổi, viêm phế quản, chậm phát triển về thể chất, suy dinh dưỡng hoặc được phát hiện tình cờ.
Có nhiều phương pháp điều trị còn ống động mạch như: điều trị nội khoa, can thiệp bằng đặt dù, phẫu thuật. Tùy độ tuổi, tình trạng bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng nên điều trị nội khoa và theo dõi tiến triển bằng siêu âm. Có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm chứa không steroid để đóng ống động mạch như Ibuprofen, Indomethacin.
Trẻ sơ sinh còn ống động mạch đơn độc biến chứng suy tim nếu không kiểm soát được cần phẫu thuật hoặc bít ống động mạch bằng thông tim ngay.
Với trẻ đủ tháng, trẻ cân nặng < 6kg: nếu không có triệu chứng có thể trì hoãn can thiệp đến khi cân nặng của trẻ > 6kg. Nếu các triệu chứng không kiểm soát được bằng thuốc, có thể can thiệp phẫu thuật tùy trường hợp cụ thể. Phẫu thuật đóng ống động mạch là phương pháp an toàn và hiệu quả cao, hầu như không có tử vong ở trẻ nhỏ. Một vài biến chứng có thể xảy ra tuy nhiên rất hiếm gặp: tràn dịch dưỡng trấp, liệt dây thần kinh quặt ngược.
Với trẻ nặng > 6kg có chỉ định can thiệp, bít ống động mạch bằng dụng cụ qua da được ưu tiên hơn phẫu thuật.
Với người lớn, can thiệp bít ống động mạch khi có dấu hiệu quá tải thể tích thất trái. Dựa trên thông số áp lực mạch phổi, sức cản phổi, bác sĩ sẽ để quyết định có nên can thiệp hay không. Đối với ống động mạch nhỏ, không triệu chứng, bệnh nhân không cần can thiệp. Chống chỉ định can thiệp khi bệnh nhân có hội chứng Eisenmenger (bệnh tim bẩm sinh có shunt đảo chiều).
Không có biện pháp nào có thể chắc chắn phòng ngừa bệnh, tuy nhiên một thai kỳ khỏe mạnh có thể hạn chế được phần nào nguy cơ mắc bệnh: