[Tổng hợp] 12 Dấu hiệu có thai sau chuyển phôi đông lạnh

Nguyễn Phương Thảo

26-10-2024

goole news
16

Thời gian sau khi đã chuyển phôi đông lạnh có lẽ là giai đoạn chị em lo lắng và mong chờ nhất. Bởi đây chính là thời điểm kết thúc của một quá trình thụ tinh ống nghiệm, nhận biết được kết quả có thành công hay không. Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng theo dõi để nhận biết những dấu hiệu có thai sau chuyển phôi đông lạnh. 

Hình thức chuyển phôi đông lạnh trong thụ tinh ống nghiệm là gì?

Trong thụ tinh ống nghiệm, có hai hình thức chuyển phôi chính, đó là chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh. Tuỳ vào từng tình trạng bệnh sẽ có những phương thức điều trị khác nhau. Thời gian phôi làm tổ và các dấu hiệu có thai của hai hình thức này cũng không có quá nhiều sự khác biệt. 

Chuyển phôi đông lạnh (hay còn gọi là chuyển phôi trữ) - phương pháp đưa phôi đã được đông lạnh vào tử cung. Đối với những chị em dễ bị quá kích buồng trứng, việc lựa chọn chuyển phôi đông lạnh cũng là vô cùng hợp lý. Bởi chị em sẽ có thời gian nhiều hơn để hồi phục sau khi kích thích buồng trứng, giảm nguy cơ quá kích hoặc lớp nội mạc tử cung chưa đạt được độ dày tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, việc ứ dịch ở lòng tử cung hoặc nồng độ Progesterone lớn hơn 1,5ng/ml khiến cho việc chuyển phôi tươi là không hề khả thi. 

Bác sĩ tại Phương Đông đang thực hiện quy trình chuyển phôi vào cơ thể người mẹ

Bác sĩ tại Phương Đông đang thực hiện quy trình chuyển phôi vào cơ thể người mẹ

Phương pháp này không chỉ hiệu quả mà còn giúp chị em phụ nữ có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho việc tiếp nhận phôi. 

Đồng thời, trữ đông phôi cũng sẽ khiến cho tỷ lệ có con của các cặp vợ chồng hiếm muộn có khả quan hơn.  

Nhận biết dấu hiệu có thai sau chuyển phôi đông lạnh

Thông thường, để xác định chắc chắn người mẹ có mang thai sau khi chuyển phôi đông lạnh thành công hay không (từ khoảng 10-13 ngày), các bác sĩ thường đưa ra đề nghị xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ beta hCG . Đây là cách xác định chính xác nhất. 

Các dấu hiệu có thai sau khi chuyển phôi sẽ tuỳ vào ngày mà cách chị em chuyển phôi. Dưới đây là 13 dấu hiệu cụ thể mà các chị em có thể gặp: 

Ra máu báo thai

Sau khi chuyển phôi đông lạnh thành công, một số phụ nữ sẽ thấy hiện tượng ra máu nhẹ (máu báo) khi phôi bắt đầu làm tổ trong niêm mạc tử cung.

Máu báo thai thường có màu hồng nhạt hoặc nâu và xuất hiện trong khoảng 6-12 ngày sau chuyển phôi. Lượng máu rất ít, không giống với kinh nguyệt. Trong trường hợp chị em bị xuất huyết âm đạo nhiều, tình trạng kéo dài thì nên đi thăm khám càng sớm càng tốt để được các bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. 

Đau ngực

Căng tức ngực là một trong những dấu hiệu có thai sau khi chuyển phôi thành công

Căng tức ngực là một trong những dấu hiệu có thai sau khi chuyển phôi thành công

Cảm giác căng tức hoặc đau ngực có thể là một dấu hiệu mang thai sớm sau quá trình chuyển phôi đông lạnh. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là sự gia tăng hormone progesterone. Hormone này thúc đẩy lưu lượng máu đến vùng ngực, giúp cơ thể chuẩn bị cho việc sản xuất sữa. Điều này khiến đầu ngực trở nên nhạy cảm hơn, có thể sẫm màu và nổi rõ các mạch máu.

Tuy nhiên, cảm giác đau tức ngực cũng có thể do tác dụng phụ của hormone estrogen, được sử dụng trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Vì vậy, triệu chứng này không phải lúc nào cũng khẳng định việc mang thai, và chị em cần thăm khám bác sĩ để xác nhận chính xác tình trạng của mình. 

Mệt mỏi

Mệt mỏi là dấu hiệu phổ biến sau khi chuyển phôi thành công. Lúc này, cơ thể người phụ nữ đang thay đổi để hỗ trợ sự phát triển của phôi thai, điều này khiến họ dễ cảm thấy kiệt sức. Nồng độ hormone progesterone tăng cao cũng là nguyên nhân gây mệt mỏi, buồn ngủ.

Thay đổi cảm giác ăn uống

Nhiều phụ nữ cảm thấy vị giác thay đổi sau khi chuyển phôi thành công. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể bắt nguồn từ việc căng thẳng, stress sau thời gian dài điều trị IVF. 

Một số chị em phụ nữ có thể thấy buồn nôn khi ngửi hoặc ăn một số thực phẩm, đặc biệt là những thức ăn có mùi mạnh như cà phê, thịt sống, hoặc đồ chiên rán.

Khi có thai, một số chị em phụ nữ thường có dấu hiệu chán ăn

Khi có thai, một số chị em phụ nữ thường có dấu hiệu chán ăn

Đau lưng, chướng bụng, đầy hơi

Đau lưng, chướng bụng hoặc đầy hơi có thể xuất hiện do phôi đang làm tổ trong tử cung. Trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ đang có những thay đổi về hormone, chuẩn bị cho quá trình nuôi dưỡng thai nhi. Cảm giác này tương tự như đau bụng khi hành kinh, nhưng thường nhẹ và không kéo dài.

Tiểu nhiều hơn

Khi phôi thai đã làm tổ thành công, cơ thể sẽ sản xuất hormone hCG (human chorionic gonadotropin) trong máu của mẹ bầu  – một dấu hiệu rõ ràng của thai kỳ. Hormone này có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng chậu, khiến bạn cần đi tiểu thường xuyên hơn. Trong trường hợp chị em sau khi chuyển phôi có các dấu hiệu tiểu buốt, đau rát,..cần nhanh chóng gặp bác sĩ để được thăm khám. 

Thay đổi tâm trạng

Do sự biến đổi hormone, bạn có thể cảm thấy cảm xúc thất thường, dễ cáu kỉnh hoặc khóc vô cớ. Đây là một trong những dấu hiệu sớm của thai kỳ.

Buồn nôn hoặc ốm nghén

Buồn nôn là dấu hiệu mang thai sớm ở cả phụ nữ mang thai tự nhiên và thụ tinh ống nghiệm. Tuỳ vào cơ địa của mỗi người, một số bệnh nhân có thể bị buồn nôn kéo dài nhiều tháng, đặc biệt từ từ tuần thứ 4-6 của thai kỳ

Táo bón

Sự tăng nồng độ progesterone có thể làm chậm lại hệ tiêu hóa, gây ra táo bón hoặc cảm giác đầy hơi. Đây cũng là một dấu hiệu phổ biến trong giai đoạn sớm của thai kỳ.

Nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ

Người phụ nữ có thể bị sốt nhẹ sau khi chuyển phôi

Người phụ nữ có thể bị sốt nhẹ sau khi chuyển phôi

Dấu hiệu có thai sau chuyển phôi đông lạnh thành công, nhiệt độ cơ thể của bạn có thể duy trì ở mức cao hơn so với bình thường. Điều này là do sự tăng cường hoạt động của hormone progesterone. Nhiệt độ này thường cao hơn nhiệt độ cơ thể trước rụng trứng khoảng 0.3 - 0.5 độ C.

Tuy nhiên, chị em cần lưu ý để phân biệt rõ triệu chứng tăng thân nhiệt do mang thai và sốt do viêm nhiễm. Nếu sau khi chuyển phôi kéo dài, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề sức khoẻ khác. Vì thế, người bệnh cần tự theo dõi tại nhà và gặp ngay bác sĩ khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. 

Chóng mặt hoặc ngất xỉu

Một số phụ nữ có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng, điều này là do huyết áp giảm và lưu thông máu tăng để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Chóng mặt có thể xảy ra do lượng đường trong máu giảm hoặc do tư thế thay đổi đột ngột.

Trễ kinh

Trễ kinh là dấu hiệu quan trọng và rõ ràng nhất. Nếu phôi thai đã làm tổ và phát triển thành công, bạn sẽ không thấy kinh nguyệt trong kỳ kinh tiếp theo. Điều này thường rõ ràng hơn khi xét nghiệm máu hoặc que thử thai cho kết quả dương tính.

Tham khảo:

Các yếu tố tác động tới việc có thai sau khi chuyển phôi đông lạnh

Chuyển phôi đông lạnh là một phương pháp quan trọng trong hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tuy nhiên, khả năng thành công sau khi chuyển phôi đông lạnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Cụ thể: 

Đời sống tinh thần của người phụ nữ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ có thai thành công

Đời sống tinh thần của người phụ nữ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ có thai thành công

  • Chất lượng phôi: đáp ứng được khả năng phát triển tốt. Mức độ phân chia tế bào đúng thời điểm và sức sống của phôi sau khi ra đông đều sống sót sẽ giúp cho cơ hội thành công cao hơn. 
  • Tuổi và sức khỏe của người mẹ là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng có thai sau khi chuyển phôi. Tuổi người mẹ càng lớn thì chất lượng trứng và phôi giảm, tỷ lệ thành công cũng thấp hơn. Ngoài ra, nếu người mẹ mắc phải những bệnh lý liên quan tới tử cung hoặc tình trạng sức khoẻ tổng thể, chỉ số BMI quá thấp hoặc quá cao cũng khiến cho nguy cao giảm khả năng cấy ghép và tỷ lệ mang thai thấp. 
  • Độ dày và chất lượng niêm mạc tử cung không đạt tiêu chuẩn (từ 8mm trở lên). Niêm mạc quá mỏng hoặc quá dày đều làm giảm khả năng cấy ghép phôi, môi trường không thuận lợi khiến cho phôi không thể làm tổ hoặc dễ dẫn đến sảy thai sớm.
  • Chất lượng và kỹ thuật rã đông phôi: hiện nay, phương pháp đông lạnh phôi bằng cách thủy tinh hóa (vitrification) được xem là tốt hơn so với phương pháp đông lạnh chậm truyền thống, do có tỷ lệ sống sót của phôi sau rã đông cao hơn. Nếu quy trình rã đông không được thực hiện đúng cách, phôi có thể bị tổn thương hoặc chết, làm giảm cơ hội mang thai.
  • Thời điểm chuyển phôi: ở những chu kỳ tự nhiên, việc theo dõi thời gian rụng trứng rất quan trọng để đồng bộ hóa giữa thời điểm chuyển phôi và niêm mạc tử cung sẵn sàng. Nếu thời gian chuyển phôi không đúng lúc, tỷ lệ thành công sẽ giảm. Đối với các chu kỳ chuyển phôi sử dụng liệu pháp hormone, sự đồng bộ giữa phôi và niêm mạc tử cung được kiểm soát bằng thuốc. Nếu không được điều chỉnh chính xác, cơ hội thành công có thể bị ảnh hưởng.
  • Các yếu tố tâm lý: Như lo lắng, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của hệ thống nội tiết và thần kinh, làm giảm khả năng cấy ghép phôi và mang thai. Việc duy trì tâm lý thoải mái và ổn định sau khi chuyển phôi sẽ giúp cải thiện cơ hội mang thai thành công.
  • Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng: lành mạnh, giàu dinh dưỡng, nhiều rau xanh, chất xơ, vitamin và khoáng chất sẽ hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh và tăng khả năng cấy ghép phôi. Tránh rượu bia, thuốc lá, và các chất kích thích có thể tăng cơ hội thành công. Ngoài ra, nên duy trì thói quen tập thể dục nhẹ nhàng để cải thiện lưu thông máu và sức khỏe tổng thể.
  • Các yếu tố miễn dịch: Một số phụ nữ có thể có vấn đề về phản ứng miễn dịch quá mức, khiến cơ thể xem phôi như một tác nhân lạ và tấn công phôi, làm giảm khả năng cấy ghép. Các xét nghiệm và điều trị miễn dịch đôi khi cần thiết trong trường hợp này.

Câu hỏi liên quan 

Câu 1: Không thấy có thai sau khi chuyển phôi phải làm sao? 

Nếu nhận thấy không có dấu hiệu có thai sau chuyển phôi đông lạnh thì chị em cũng đừng nên quá lo lắng. Cách tốt nhất để xác định tình hình thực tế là đi xét nghiệm máu đo nồng độ beta hCG. Để biết rõ quy trình, chị em nên trao đổi thêm với bác sĩ để được nhận sự tư vấn cũng như hướng dẫn cụ thể. 

Câu 2: Có thai sau khi chuyển phôi cần lưu ý điều gì?  

Kinh nghiệm sau chuyển phôi đông lạnh cần lưu ý những điều cơ bản sau: 

  • Theo dõi sự phát triển của thai nhi thông qua các xét nghiệm máu và siêu âm định kỳ. 
  • Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, lành mạnh, đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe mẹ và thai nhi.
  • Sau khi chuyển phôi, mẹ bầu cần nghỉ ngơi nhiều, đặc biệt là trong vài ngày đầu. Tránh các hoạt động mạnh, giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái không căng thẳng. Ngoài ra cần chú ý đến việc quan hệ sau khi chuyển phôi. Trong một số trường hợp, mẹ bầu cần kiêng cữ quan hệ trong những tuần đầu để tránh kích thích tử cung.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn, không tự ý ngưng hoặc dùng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.

Kết luận

Nhận biết sớm các dấu hiệu có thai sau chuyển phôi đông lạnh không chỉ giúp bạn giảm bớt căng thẳng mà còn chuẩn bị tốt hơn cho quá trình mang thai. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể khác nhau ở mỗi người, vì thế nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và xác định chính xác kết quả. Hy vọng với 12 dấu hiệu trên, bạn sẽ có thêm kiến thức và sự tự tin để bước vào hành trình làm cha mẹ với tâm trạng thoải mái nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
276

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám