Đau ngực - Nguyên nhân và các xét nghiệm cần thiết

Doan Nguyen

10-04-2023

goole news
16

Đau ngực là một hiện tượng liên quan đến sức khỏe diễn ra ở nhiều người, nhưng ít người quan tâm đến nếu cơn đau chỉ có biểu hiện nhẹ. Ngược lại, nếu cơn đau vô cùng nghiêm trọng, tần suất xuất hiện nhiều thì bạn hãy đi khám ngay để được chẩn đoán bệnh chính xác, vì nguyên do và biểu hiện cơn đau ở mỗi người đều khác nhau. Đau ngực có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nên không được chủ quan. Vậy đau ngực là gì, nguyên nhân và phương pháp chẩn đoán bệnh.

Nguyên do và tính chất của cơn đau ngực ở mỗi người không giống nhau
Nguyên do và tính chất của cơn đau ngực ở mỗi người không giống nhau

Đau ngực là tình trạng gì?

Đau ngực là cơn đau xuất hiện ở vùng ngực bắt đầu từ mức ngang vai đến phần trên cơ hoành. Tình trạng này có thể xảy ra với các mức độ khác nhau, nó sẽ xuất hiện một cách đột ngột hoặc lặp lại, đồng thời đi kèm với các biểu hiện khác như đổ mồ hôi, khó thở,... Có nhiều nhóm nguyên nhân gây ra cơn đau vùng ngực, trong số đó có một số nhóm có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe do các bệnh tim mạch hoặc phổi. Vì vậy, nếu cơn đau ngực xuất hiện, hãy đi khám ngay để có thể phát hiện bệnh kịp thời. 

Những nhóm nguyên nhân gây ra cơn đau nhức vùng ngực

Nhóm nguyên nhân liên quan đến hô hấp

  • Tràn khí màng phổi: là một lượng không khí bị thoát vào khoang màng phổi giữa phổi và thành ngực do một nguyên nhân nào đó. Có thể là do chấn thương ngực (vì bị đâm), tai nạn giao thông hoặc biến chứng của bệnh lý liên quan đến phổi. Nó sẽ gây ra cơn đau ở một phía bên ngực, cảm giác đau như bị dao đâm, mỗi khi hít thở mức độ đau tăng lên. 
  • Thuyên tắc phổi: là tình trạng động mạch phổi bị tắc nghẽn, do có cục máu động trôi đến và gây tắc động mạch. Nó có thể khiến người bệnh cảm thấy bị đau nhói như dao đâm vào ngực, mức độ đau tăng lên mỗi khi hít thở. Cơn đau xuất hiện ở vùng trung tâm ngực, cụ thể là sau xương ức. 
  • Phù phổi cấp: nguyên do này sẽ làm suy giảm quá trình trao đổi khí và dẫn đến việc suy hô hấp, có khả năng gây tử vong khá cao nếu người bệnh chủ quan. Nó đi kèm với một số biểu hiện như da nhợt nhạt, khó thở, ho ra máu, đổ nhiều mồ hôi,...
  • Viêm phổi: nếu bệnh nhân bị viêm màng bao phủ phổi, cơn đau sẽ tăng lên nếu ho hoặc hít vào. Ngoài ra, cơn đau có thể lan dần khắp phần thân trên của cơ thể, cảm thấy khó thở và ho nhiều. 

Nhóm nguyên nhân liên quan đến tim mạch

  • Bóc tách động mạch chủ ngực: do thành động mạch chủ có xuất hiện vết rách, sau đó dòng máu làm bóc tách các lớp của động mạch chủ ngực và lan dần dọc theo đường đi của động mạch thông qua vết rách. Cơn đau ngực là biểu hiện thường gặp ở nguyên nhân này, có thể kéo dài trong nhiều giờ liền. 
  • Nhồi máu cơ tim: mạch máu nuôi dưỡng tim bị tắc nghẽn, từ đó khiến cơ tim bị tổn thương do thiếu máu, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, mức độ đau dữ dội có thể lan đến cổ và tay trái kèm theo dấu hiệu khó thở, nhiều mồ hôi và chóng mặt. 
  • Đau thắt ngực: nguyên do này không gây tổn thương cho phần mô tim, nó khiến bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, có cảm giác như trong lồng ngực có áp lực hoặc trái tim đang bị ép. 

Nhóm nguyên nhân liên quan đến xương và cơ bắp

  • Chấn thương xương sườn: sẽ gây ra cơn đau ngực rất nghiêm trọng, nếu ở mức nhẹ, cơn đau sẽ tự khỏi, ở mức nặng thì có thể nội tạng đang bị tổn thương. Mỗi khi vận động ở phần thân trên hoặc chạm vào xương sườn thì sẽ bị đau dữ dội. 
  • Viêm khớp sụn sườn: các sụn sườn bị viêm sẽ khiến bệnh nhân bị khó thở và bị đau ở vùng trước ngực. Khi hít thở sâu, cử động hay gắng sức thì cơn đau lại tăng lên, cơn đau còn xuất hiện ở xương sườn số 5, 6, 7 và xương ức. 
  • Đau cơ bắp: là các bệnh mãn tính, ví dụ như đau cơ xơ hóa. Tình trạng này sẽ tạo ra cơn đau ngực kéo dài kèm theo một số các biểu hiện như tâm trạng thay đổi thất thường, mệt mỏi, đau đầu và các vấn đề liên quan đến giấc ngủ. 

Nhóm nguyên nhân liên quan đến hệ tiêu hóa

  • Rối loạn thực quản: bệnh này bao gồm trào ngược dạ dày thực quản, co thắt thực quản lan tỏa và co thắt tâm vị. Ngoài ra, bệnh này còn khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn và gây cảm giác khó chịu khi nuốt, thường xuyên bị tức ngực và ho. 
  • Ợ nóng: không phải do các nguyên do liên quan đến các tình trạng như ăn quá nhiều, ăn các thức ăn cay, tác dụng phụ của thuốc đi kèm với các biểu hiện như đau rát vùng ngực và bụng, nôn ra máu và đi ra phân đen. 

Những triệu chứng và dấu hiệu của tình trạng đau ngực

Người bệnh bị đau ngực thông thường sẽ cảm thấy lồng ngực như bị bóp chặt lại, nóng rát và bị chèn ép, kèm theo một số triệu chứng thường thấy như:

  • Thường cảm thấy chóng mặt và buồn nôn.
  • Bị ợ chua.
  • Cơ thể đổ mồ hôi lạnh,
  • Bị suy nhược cơ thể.
  • Bị đau tim, khó thở, khó chịu khi nuốt (kể cả khi nuốt chất lỏng).
  • Vùng giữ ngực bị đau nhói. 
  • Cơn đau xuất hiện mỗi khi thay đổi tư thế.
  • Cơn đau thường kéo dài trong vài phút rồi tự biến mất, sau đó lại tại pháp bất thình lình.
  • Mức độ đau sẽ tăng lên mỗi lần ho, hít thở sâu và sau khi tập luyện xong.
  • Cơn đau có thể lan rộng ra sau lưng, phần vai và cánh tay (đặc biệt là tay trái), cổ và hàm. 
  • Khi năm xuống thì bị đau ngực trái hoặc đau nhói tim ở bên trái.

Theo các chuyên gia, bệnh nhân hãy nên đến bệnh viện ngay để được tư vấn và chữa trị kịp thời nếu đang có một số dấu hiệu dưới đây:

  • Thở nhanh hơn bình thường.
  • Sắc mặt tái mét hay tái xanh.
  • Nhịp tim bị loạn, có thể là nhịp tim chậm hoặc nhanh hơn bình thường. 
  • Cảm thấy phần xương ức như bị đè nén một cách đột ngột gây cảm giác khó thở và tức ngực. 
  • Bị đổ nhiều mồ hôi mặc dù không vận động mạnh. 
  • Chỉ số đường huyết bị hạ thấp bất bình thường.
  • Cơn đau lan ra đến chi trên, lưng và xương hàm. 
  • Luôn trong trạng thái không tỉnh táo và li bì.
  • Đau tức ở vùng giữa ngực

 

Ngoài ra, nếu bị đau tức ở giữa ngực một cách đột ngột mà không rõ nguyên nhân, bệnh nhân hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được tư vấn. Vì mỗi người có các triệu chứng khác nhau nên việc tham khảo ý kiến bác sĩ là vô cùng quan trọng, có thể cơn đau là một dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. 

Nếu bạn bị đau tức ở vùng giữa ngực thì nên đi gặp bác sĩ ngay để được tư vấn
Nếu bạn bị đau tức ở vùng giữa ngực thì nên đi gặp bác sĩ ngay để được tư vấn

Các đối tượng có nguy cơ cao bị đau ngực

Tiền sử bệnh gia đình

Nếu trong gia đình có người từng mắc các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh rối loạn hệ thống dẫn truyền như Wolff-Parkinson-White (WPW), Brugada,... bệnh lý liên quan đến động mạch như Ehlers-Danlos, Marfan,... thì có khả năng cao bệnh nhân bị đau ngực nhiều là dấu hiệu của một trong các bệnh lý trên. 

Tuổi tác và giới tính

Ở các độ tuổi khác nhau thì sẽ có những nhóm nguyên nhân gây ra cơn đau ngực khác nhau. Nhóm yếu tố này có thể giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân chính xác hơn. 

 

Một số bệnh lý có liên quan đến động mạch chủ hoặc mạch vành thì tần suất xảy ra ở những người lớn tuổi cao hơn và tỉ lệ nam mắc phải cao hơn ở nữ. 

Các thói quen xấu

  • Nghiện rượu bia: các bệnh nhân bị đau ngực mà nghiện rượu bia và có tiền sử bị xơ gan thì có thể loại bỏ được nguyên nhân do nhồi máu phổi.
  • Hút thuốc lá: nếu cơn đau ngực xuất hiện ở những người nghiện thuốc lá thì cần đặc biệt chú ý đến các bệnh lý có liên quan đến động mạch chủ ở ngực và mạch vành. 

Những người uống nhiều rượu bia có nguy cơ cao mắc phải tình trạng đau ngực
Những người uống nhiều rượu bia có nguy cơ cao mắc phải tình trạng đau ngực

Các phương pháp chẩn đoán nguyên nhân gây đau tức ngực

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thực hiện việc kiểm tra sức khỏe tổng quát, đồng thời hỏi bệnh nhân về tính chất và một số đặc điểm của cơn đau. Ví dụ, thời điểm cơn đau khởi phát, mức độ cơn đau tức ngực, vị trí đau cụ thể ở ngực, thời gian cơn đau kéo dài, các yếu tố làm tăng giảm cơn đau ngực,... Tiếp theo, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm để hỗ trợ cho việc chẩn đoán chính xác hơn:

  • Xét nghiệm máu: để đo nồng độ của một số men tim.
  • Điện tâm cơ đồ (ECG): lưu lại các hoạt động của tim dưới dạng tín hiệu điện thông qua cái điện cực được gắn trên da, phương này dành cho các trường hợp có nguyên nhân liên quan đến tim mạch, nhất là nhồi máu cơ tim. 
  • Xét nghiệm tim gắng sức: kiểm tra sự đáp ứng của hệ tim mạch đối với tình huống vận động mạnh phải gắng sức, đồng thời giúp bác sĩ xác định được có phải cơn đau xuất hiện do mạch vành hay không. Những phương pháp này chỉ được thực hiện cho những trường hợp nhập viện vì bị đau tức ngực dữ dội.
  • Siêu âm tim: phương pháp này có thể tái tạo lại hình ảnh của tim bằng sóng âm thanh, giúp bác sĩ theo dõi một số khu vực của tim dễ dàng hơn mà những phương pháp khác không mô phỏng được. Hơn thế nữa, cách này còn có một ưu điểm nữa là có thể khảo sát tim trong tình trạng hoạt động, ví dụ nhận xét hướng và tốc độ các dòng máu đi di chuyển qua tim và khả năng co bóp của tim. 
  • Chụp X-quang ngực: kiểm tra kích thước và hình dạng của tim, phổi, các mao mạch, đại động mạch đồng thời kiểm tra có các dấu hiệu của việc viêm nhiễm hay biểu hiện bất thường nào khác không. 
  • Chụp CT: để xác định được chính xác nhóm nguyên do gây ra cơn đau, chụp CT là phương pháp chẩn đoán thu lại bằng hình ảnh hiện đại hơn chụp X-quang, có thể kiểm tra kỹ các nội tạng trong lồng ngực. Ví dụ, sự xuất hiện của một luồng khí bất thường trong động mạch phổi, tình hình của động mạch chủ ngực, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường như máu tụ trong thành, bóc tách động mạch chủ và canxi lắng đọng. 

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ra cơn đau tức ngực
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ra cơn đau tức ngực

Các giải pháp điều trị tình trạng đau tức ngực

Phụ thuộc vào nhóm nguyên khiến người bệnh bị đau tức vùng ngực mà bác sẽ đưa ra các giải pháp điều trị thích hợp nhất, Sau đây là một số phác đồ điều trị thường được sử dụng nhất để cải thiện tình trạng cơn đau: 

Sử dụng thuốc

  • Thuốc giãn mạch (Nitroglycerin): sử dụng thuốc bằng cách ngậm dưới lưỡi, giúp mạch vành giãn nở rất hiệu quả, vì vậy, máu sẽ lưu thông dễ dàng hơn. Ngoài ra, một vài loại thuốc chữa trị bệnh tăng huyết áp cũng có tác dụng giúp mạch máu giãn nở. 
  • Thuốc kháng đông: loại thuốc này có tác dụng giúp hạn chế sự hình thành và phát triển của cục máu đông trong phổi và động mạch tim.
  • Thuốc tiêu sợi huyết: nếu bị đau ngực do nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch vành, giúp mạch vành thông trở lại nhanh chóng. 
  • Thuốc chống trầm cảm: nếu cơn đau xuất hiện do bị hoảng loạn thì bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc chống trầm cảm nhằm kiểm soát tình hình của triệu chứng. 
  • Thuốc ức chế dịch vị tiết axit: nếu bệnh nhân bị đau ngực do trào ngược axit dạ dày thực quản, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc làm giảm nồng độ axit trong dạ dày, như thuốc trung hòa axit (antacid), thuốc ức chế bơm proton (PPIs),...
  • Aspirin: thuốc này có tác dụng cải thiện tình trạng đau nhức, dành cho nhóm nguyên nhân có liên quan đến mạch vành. Tuy nhiên, thuốc aspirin này có tác dụng phụ nếu dùng quá liều như làm tổn thương thận, gan, dạ dày,... Vì vậy, hãy tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc này. 

Phẫu thuật 

  • Phẫu thuật sửa chữa động mạch chủ bị bóc tách: phương pháp phẫu thuật này chỉ dành cho các trường hợp mắc bệnh bóc tách động mạch chủ. Đây là một loại bệnh lý rất nguy hiểm, có khả năng làm cho động mạch chủ bị vỡ và nguy cơ cao dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. 
  • Can thiệp cơn đau ngực do tắc nghẽn động mạch vành: chỉ dành cho các trường hợp bị tắc nghẽn động mạch tim, bác sĩ sẽ chèn một ống nhỏ vào trong động mạch lớn ở phần đùi đi đến vị trí mạch bị tắc, từ đó mở rộng đoạn mạch vành đang bị nghẽn bằng cách bơm phồng quả bóng ở ống thông. 

Các cách phòng ngừa tình trạng đau ngực

Tình trạng đau tức vùng ngực có thể phòng ngừa bằng cách cải thiện lối sống trong cuộc sống hàng ngày: 

  • Hạn chế hút thuốc lá hoặc không hút thuốc lá.
  • Xây dựng kế hoạch ăn uống khoa học, lành mạnh bằng cách ăn nhiều rau củ quả và trái cây, hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ và không ăn quá mặn.
  • Hạn chế uống rượu bia.
  • Tập thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày. 

Đau tức vùng ngực có nguy hiểm đến tính mạng không?

Nếu cơn đau tức ngực không kéo dài hoặc chỉ diễn ra mỗi khi hồi hộp, căng thẳng hay bị mắc nghẹn thì thông thường sẽ tự hết sau vài ngày hoặc sẽ biến mất ngay sau khi bạn không còn căng thẳng hay hết nghẹn. Bên cạnh đó, nếu tình trạng cơn đau ở vùng ngực kéo dài thì có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm. 

Tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút giúp làm phòng ngừa tình trạng đau vùng ngực
Tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút giúp làm phòng ngừa tình trạng đau vùng ngực

Nếu bị đau ngực do đau thắt ngực thì kiêng ăn gì?

Bệnh nhân phải kiêng ăn các loại thức ăn có chứa nhiều mỡ, bơ, kem, sườn non và tuyệt đối không ăn nhiều các đồ chiên xào có nhiều muối. Hãy ăn nhiều rau, củ, quả, hạt. Duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày kết hợp với chế độ kiêng ăn sẽ làm giảm cholesterol trong máu, hạ huyết áp và cơn đau ngực sẽ được cải thiện. 

Hãy xây dựng chế ăn uống lành mạnh để cải thiện tình trạng cơn đau
Hãy xây dựng chế ăn uống lành mạnh để cải thiện tình trạng cơn đau

Kết luận

Mong rằng những thông tin được chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn. Bị đau tức vùng ngực có thể do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, không ai giống ai. Chính vì vậy, nếu nhận thấy cơn đau ngực kéo dài, hãy nên đến bệnh viện ngày và gặp bác sĩ để được chẩn đoán một cách chính xác và có giải pháp điều trị phù hợp để tránh những biến chứng nguy hiểm về sau ảnh hưởng tới sức khỏe. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,783

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám