Gãy xương gò má là gì?
Gãy xương gò má là một dạng chấn thương nghiêm trọng ở khu vực hàm mặt, xảy ra khi vùng xương bị va chạm mạnh vào các vật thể cứng khi ngã hoặc tai nạn. Bệnh nhân khi này phải đối mặt với tình trạng đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt, chức năng vùng hàm hoặc các bộ phận liên quan.

Gãy xương gò má là một chấn thương vùng hàm mặt
Xương gò má là loại xương chính trong cấu trúc tầng giữa khuôn mặt, góp phần tạo nên hình dáng khuôn mặt. Phần xương này có kết cấu dày và vững chắc, trở thành chỗ bám cho một số cơ mặt quan trọng như cơ nâng môi trên, cơ cắn. Đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với các dây thần kinh quan trọng như dây thần kinh hàm, dây thần kinh mặt,...
Vì đóng vai trò quan trọng nên bất kỳ thay đổi nào trên xương gò má đều có thể tác động đến các cơ quan lân cận, đặc biệt là mắt. Chưa dừng ở đó, bệnh nhân còn có nguy cơ bị biến dạng khuôn mặt, đòi hỏi các can thiệp chuyên sâu.
Phân loại chấn thương xương gò má
Gãy xương gò má được phân loại dựa trên mức độ tổn thương và cấu trúc giải phẫu bị ảnh hưởng, bao gồm 6 loại cơ bản như sau:
- Loại 1 là tình trạng gãy xương nhẹ, có di lệch nhưng không đáng kể, không làm biến dạng khuôn mặt hay ảnh hưởng đến chức năng vùng hàm mặt.
- Loại 2 là hiện tượng gãy tại cung Zygoma.
- Loại 3 bao gồm những trường hợp xương gò má bị lún xuống kèm theo xương di lệch vào bên trong nhưng chưa ảnh hưởng đến trục.
- Loại 4 chỉ tình trạng vùng xương gò má bị gãy, biểu hiện di lệch và xoay vào trong.
- Loại 5 là tình trạng hãy xương đã có di lệch nhưng khác với loại 4 là xoay ra ngoài.
- Loại 6 có mức độ gãy xương nghiêm trọng và phức tạp nhất, xương khi này bị gãy thành nhiều mảnh, ảnh hưởng đến cấu trúc cũng như chức năng cơ quan vùng hàm mặt.

Phân loại mức độ chấn thương vùng xương gò má
Đặc điểm triệu chứng khi bị tai nạn gãy xương
Khi gãy xương gò má, bệnh nhân có thể đối diện với những triệu chứng khó chịu như:
- Sưng nề khuôn mặt, biến dạng một bên, một bên má có dấu hiệu lõm xuống.
- Vùng dưới xương gò má, xung quanh mắt bị bầm tím và sưng đau.
- Việc nhìn thông thường của bệnh nhân gặp khó khăn, đôi khi nhìn thấy hai hình ảnh hoặc mọi vật trở nên mờ ảo.
- Cảm giác đau đớn, khó chịu đặc biệt khi há miệng, khiến hoạt động thông thường trở nên hạn chế.
- Niêm mạc xoang sàn bị tổn thương dẫn đến chảy máu mũi.
- Bên cạnh răng hàm bị gãy có thể xuất hiện tình trạng tụ máu.
- Đuôi mắt bị kéo dài, xuất hiện tú máu ở kết mạc.
- Những khu vực bị thương, bệnh nhân cảm nhận được cơn đau nhói hoặc sờ được các khuyết bậc thang.

Biểu hiện nhận biết tình trạng xương gò má bị gãy
Chấn thương xương gò má không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài bệnh nhân mà còn để lại những biến chứng nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời. Các tác động đến sức khỏe sẽ lần lượt xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như chất lượng đời sống.
Hướng điều trị tình trạng gò má bị gãy xương
Mục tiêu điều trị gãy xương gò má là nắn chỉnh kết hợp cố định vùng xương má bị gãy, đảm bảo chức năng hoạt động của các cơ quan này. Căn cứ vào kết quả chụp X-quang hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp:
Điều trị bảo tồn
Đối với trường hợp gãy xương gò má không quá nghiêm trọng, có di lệch nhưng không ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan vùng hàm mặt hay tính thẩm mỹ, bệnh nhân thường được hướng dẫn điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc nắn chỉnh. Các lựa chọn xem xét bao gồm:
- Sử dụng cây bóc tách đưa vào trong khoang miệng, điều chỉnh bằng cách đi qua ngách tiền đình để nắn chỉnh phần xương gò má bị gãy.
- Sử dụng sonde sắt dẫn vào bên trong xoang để nắn chỉnh vùng xương gò má.
- Sử dụng móc loại lớn để đưa qua da, tiến hành luồn dưới thân xương kéo và chỉnh vùng xương gò má bị gãy về vị trí ban đầu.
- Bác sĩ rạch một đường nhỏ ở vùng thái dương, luồn cây bóc tác xuống phía dưới để nắn chỉnh xương gò má.

Các biện pháp điều trị bảo tồn xương gò má
Điều trị phẫu thuật
Nếu xương gò má bị gãy nghiêm trọng, di lệch nhiều, việc can thiệp ngoại khoa là bắt buộc, nhằm đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Các bước can thiệp như sau:
- Bước 1: Bác sĩ tiến hành rạch da, niêm mạc để nâng chỉnh các mảnh xương bị gãy về vị trí ban đầu.
- Bước 2: Sử dụng nẹp vít loại nhỏ/chỉ thép để cố định phần xương bị gãy.
- Bước 3: Nếu xương gò má bị gãy kèm tình trạng lệch khớp cắn, bác sĩ cần đóng chỉnh thêm khớp cắn.

Can thiệp phẫu thuật với tình trạng gãy xương nặng
Hậu phẫu, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm thuốc chống viêm, giảm đau và kháng sinh, giúp quá trình phục hồi diễn ra ổn định. Kết hợp với đó là chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt hậu phẫu, tránh những vấn đề tiềm ẩn rủi ro như loét miệng, nhiễm trùng,...
Chấn thương xương gò má được đánh giá có tiên lượng phục hồi tốt, ít để lại di chứng sau điều trị. Trong thời gian điều trị nếu nhận thấy tình trạng chảy máu, chảy mủ, sưng nề, sốt cao, không nhai được, khó khăn mở miệng, lệch khớp cắn, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được xử trí.
Hướng dẫn chăm sóc hậu điều trị
Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi xương gò má bị gãy, bệnh nhân cần chú ý một số vấn đề khi chăm sóc như sau:
- Tuần đầu tiên hậu phẫu, bệnh nhân ưu tiên các thực phẩm mềm, được xay nhuyễn nhằm hạn chế tình trạng di lệch xương. Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, vitamin D, vitamin B12, B6, photpho, kẽm magie,...
- Theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân sau khi nắn chỉnh, phẫu thuật. Mọi triệu chứng bất thường cần được can thiệp y tế chuyên sâu, không tự ý điều trị tại nhà.
- Tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ để quá trình hồi phục xương diễn ra hiệu quả.
- Trong thời gian phục hồi không làm việc nặng, vận động mạnh, tác động lên vùng tổn thương.

Lưu ý chăm sóc hậu phẫu nắn chỉnh gãy xương gò má
Một số câu hỏi thường gặp
Chấn thương xương gò má tương đối phổ biến, đe dọa nhất định đến tính thẩm mỹ và chức năng hoạt động sau điều trị. Việc tìm hiểu các vấn đề liên quan như tiên lượng phục hồi, thời gian lành lại, chế độ chăm sóc giúp người bệnh an tâm, tập trung vào quá trình điều trị hơn.
Gãy xương gò má nguy hiểm không?
Chấn thương xương gò má thuộc nhóm nguy hiểm và phức tạp nhất vùng hàm mặt, có thể ảnh hưởng đến chức năng của các bộ phận liên quan như mắt, mũi, tai,... Nếu không được can thiệp kịp thời, đúng cách, bệnh nhân có thể đối mặt với loại biến chứng nặng và nguy hiểm.
Gãy xương gò má bao lâu thì lành?
Không có thời gian chính xác cho việc bao lâu thì lành xương gò má bị gãy, khả năng phục hồi phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe cũng như mức độ gãy xương. Theo khảo sát trung bình, gãy xương nhẹ có thể phục hồi sau 3 tuần, nếu nặng hơn có thể cần tới 6 tuần.
Gãy xương gò má nên ăn và không nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình lành lại xương gò má, bạn nên ưu tiên nhóm thực phẩm giàu protein, canxi, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Bao gồm sữa, chữa chua, các loại hạt, thịt gà, cá, trứng, trái cây,...
Bên cạnh đó hạn chế tiêu thụ nhóm đồ ăn chứa nhiều muối, thức ăn cứng, dai, khó nhai, nhiều đường, đồ uống chứa cồn, nhiều dầu mỡ, quá nóng hoặc quá lạnh. Những thực phẩm này có thể làm chậm quá trình lành xương hoặc phát sinh các vấn đề liên quan khác.
Gãy xương gò má có cần phẫu thuật không?
Gãy xương gò má là dạng chấn thương răng hàm mặt phức tạp, đòi hỏi bệnh nhân cần được chẩn đoán và nghiên cứu kỹ lượng để tìm ra phương án điều trị tối ưu. Không nhất thiết mọi trường hợp gãy xương cần phẫu thuật nhưng bạn có thể cần nắn chỉnh, cố định và tập phục hồi chức năng.
Kết luận
Gãy xương gò má cần được can thiệp sớm, nếu kéo dài có thể khiến các cal xơ ở xương hình thành, ảnh hưởng đến chức năng thông thường cũng như tính thẩm mỹ gương mặt. Bên cạnh đó mỗi cá nhân cũng cần chú ý thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn khi tham gia giao thông, trang bị các thiết bị bảo hộ khi lao động, vận động cũng như trong sinh hoạt.