Ho có đờm là gì?
Đờm là chất dịch nhầy của đường hô hấp, chúng được tiết ra từ khí quản, phế quản,...Thành phần của đờm gồm chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ, các tác nhân gây hại như vi khuẩn và virus.
Khi ho kéo dài, đờm sẽ được nuốt xuống dạ dày, sau đó đào thải ra ngoài theo đường tiêu hoá. Trong một số trường hợp, đờm nhiều thì nó sẽ được đẩy ra bên ngoài theo phản ứng ho. Độ nhầy và các đặc điểm của đờm của mỗi người là khác nhau như: Đờm nhầy, đờm có mủ, đờm kèm máu,...
Ho có đờm kéo dài chia thành hai loại:
- Ho có đờm cấp tính: Tình trạng ho kéo dài ít hơn 3 tuần.
- Ho có đờm mãn tính: Tình trạng ho kéo dài trên 3 tuần.
Ho có đờm làm người bệnh cảm thấy khó chịu
Nguyên nhân khiến ho có đờm
Ho có đờm kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân tác động, trong đó nhiễm trùng và viêm đường hô hấp được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh.
Do các tác nhân gây dị ứng
Ho khan kéo dài ở người có cơ địa nhạy cảm khi tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, khói thuốc,... sẽ kích thích hệ thống miễn dịch và sản sinh ra các chất trung gian từ đó tác động lên hệ hô hấp gây ngứa họng. Ngoài ra, chúng còn gây ra các phản ứng cho hệ hô hấp, tiêu hoá,... kích thích phế quản tạo ra đờm.
Đối với cơ địa dị ứng, ho là phản xạ có lợi giúp bảo vệ cơ thể. Ho có đờm cùng phản ứng khạc đờm sẽ tống các vi khuẩn, dịch nhầy ra bên ngoài đường thở.
Nếu tình trạng ho kéo dài với tần suất mạnh làm cho phế quản co thắt, phù nề, từ đó tiết nhiều dịch nhầy làm bít tắc đường thở. Đây cũng là nguyên nhân gây ra cơn hen phế quản, nặng hơn có thể là suy hô hấp.
Do sự tấn công của vi khuẩn và virus
Các loại vi khuẩn và virus tấn công vào cơ thể khiến đường hô hấp bị viêm nhiễm. Khi bị tác nhân bên ngoài tác động, hệ thống bảo vệ đường hô hấp sẽ hoạt động để tiêu diệt sự tấn công của vi khuẩn, virus gây bệnh.
Dịch nhầy (đờm) sẽ tiết nhiều hơn khi gặp phản ứng viêm. Do đó, đờm sẽ kèm theo dịch tiết của đường hô hấp, virus, xác vi khuẩn và các tế bào hồng cầu. Màu sắc và số lượng đờm sẽ khác nhau theo mỗi giai đoạn. Phản ứng ho sẽ giúp đẩy đờm ra khỏi đường hô hấp.
Ho có đờm do vi khuẩn và virus tấn công hệ hô hấp
Do sử dụng thuốc lá lâu năm
Khi sử dụng trong thời gian dài, các chất độc có trong thuốc lá sẽ dần dần ngấm vào cơ thể, gây ra ho và ho có đờm kéo dài.
Thói quen hút thuốc lá là nguyên nhân khiến người lớn bị ho, ho có đờm kéo dài. Vì trong thuốc lá có chứa rất nhiều các loại chất độc hại, từ đó kích thích các phản ứng viêm mạn tính. Nếu tình trạng ho có đờm kéo dài do hút thuốc, bệnh dễ trở thành viêm phế quản, phổi tắc nghẽn, xơ phổi, thậm chí có thể gây ung thư phổi.
Các bệnh lý về đường hô hấp bẩm sinh
Ho có đờm kéo dài thường gặp ở người có mắc các bệnh lý về phổi như: Hen phế quản, sarcoidosis hoặc bệnh tích protein phế nang,...
Các bệnh lý bẩm sinh về hô hấp cũng có thể gây ra ho kéo dài
Cách giúp giảm việc ho có đờm
Nếu bị ho có đờm lâu ngày không thuyên giảm, bệnh nhân nên gặp bác sĩ để có thể cải thiện tình trạng kịp thời, tránh những biến chứng khác xảy ra. Dưới đây là một số cách giúp giảm ho có đờm:
Sử dụng thuốc tây
Một số loại thuốc thường dùng điều trị ho có đờm như: Terpin hydrat, Acetylcystein, kháng sinh các loại,…Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Hút dịch đờm
Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số thiết bị hỗ trợ loại bỏ dịch đờm ra ngoài giúp rút ngắn thời gian điều trị như:
- Máy hút đờm: Có tác dụng hút sạch dịch đờm có trong cổ họng và xoang mũi, đường thờ được thông thoáng.
- Máy khí dung: Máy đưa thuốc vào cơ thể bằng các hạt sương nhỏ giúp thành phần của thuốc thấm sâu vào cơ thể. Nhờ đó, các triệu chứng ho có đờm sẽ giảm đáng kể.
Sử dụng các bài thuốc dân gian
Một số bài thuốc dân gian có khả năng giảm bớt những cơn ho đờm kéo dài như: Chanh, quất, nghệ tươi, gừng,... có thể hỗ trợ trị ho, tiêu đờm hiệu quả.
Uống chanh mật ong giúp giảm ho trị đờm hiệu quả
Khi nào ho có đờm kéo dài cần gặp bác sĩ
Ho chỉ là một trong những phản ứng bình thường của cơ thể, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi.
Tình trạng ho kéo dài kèm triệu chứng sốt, khó thở, tím tái,... cần phải đi khám ngay. Khi đã sử dụng thuốc nhưng ho kéo dài hơn ba tuần, cùng với sốt, đờm có màu nâu, ho ra máu,... cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nếu ho do có tiền sử hen, lao phổi, đau dạ dày cần tìm gặp bác sĩ để điều trị tận gốc tránh các biến chứng nguy hiểm như suy tim sung huyết, viêm phổi, ung thư phổi.
Cách phòng ngừa bị ho có đờm kéo dài
Để phòng ngừa ho có đờm kéo dài, nên lưu ý một số cách dưới đây:
- Tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh hô hấp đầy đủ.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng đường hô hấp như bụi bẩn, khỏi thuốc,...
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, bổ sung đầy đủ các loại vitamin để tăng sức đề kháng.
- Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể khoẻ mạnh, tránh mắc các bệnh vặt.
- Rửa tay thường xuyên để ngăn khả năng lây nhiễm bệnh.
Rửa tay thường xuyên giúp ngăn khả năng lây nhiễm bệnh
Với những thông tin mà Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã chia sẻ ở trên, chắc hẳn cũng giúp cho bạn đọc có thêm nhiều phương pháp giảm tình trạng ho có đờm hiệu quả khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, nếu tình trạng ho không thuyên giảm và xuất hiện các biểu hiện bất thường khác đi kèm thì hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị hiệu quả.
Để và điều trị các bệnh lý về Tai Mũi Họng, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 19001806 để được đội ngũ của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ kịp thời.