Hướng dẫn mẹ chi tiết cách nấu cháo cho trẻ ăn dặm

Nguyễn Thị Lan

18-01-2022

goole news
16

Nếu tìm kiếm cụm từ “nấu cháo cho trẻ ăn dặm” trên google thì sẽ ra 807.000 kết quả trong vòng 0,36 giây, cho thấy đây là một trong những chủ đề được rất nhiều mẹ quan tâm. Hơn hết, cháo là món ăn quen thuộc và phổ biến nhất trong thời kỳ ăn dặm của bé, nếu có bí quyết thì sẽ tạo ra những món cháo thơm ngon giúp bé hứng thú hơn với việc ăn dặm.

Nấu cháo cho trẻ ăn dặm thế nào chuẩn ngon là câu hỏi được nhiều mẹ quan tâm

Nấu cháo cho trẻ ăn dặm thế nào chuẩn ngon là câu hỏi được nhiều mẹ quan tâm

Bài viết dưới đây sẽ bật mí cách nấu cháo hấp dẫn những vẫn đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho bé yêu.

Lựa chọn nguyên liệu nấu cháo cho bé

Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển của con mà mẹ có thể lựa chọn các loại nguyên liệu khác nhau, phù hợp nhất với trẻ. Có thể thấy, nguyên liệu của món ăn không chỉ có vai trò quyết định độ thơm ngon; mà còn đảm bảo được nguồn dưỡng chất cho sự phát triển của bé trong từng giai đoạn. Các bác sĩ dinh dưỡng cho biết:

Trẻ từ 4 tháng tuổi đến 6 tháng

Với trẻ ở độ tuổi này nên lựa chọn nguồn thực phẩm từ thực vật như: rau, củ, quả, sữa và ngũ cốc.

Gợi ý cho mẹ nên chọn:

  • Các loại rau ăn lá có màu xanh đậm. Mẹ nhớ là chỉ nên dùng lá, không nên dùng thân hay cọng. Khoai tây, khoai lang, cà rốt, cà chua, bí đỏ, táo, lê,… là những loại củ quả nên được ưu tiên.

Mẹ nên hạn chế chọn gì:

Lạc (đậu phộng), lúa mạch, lúa mì, ngô, đậu nành,... là các loại rau củ dễ gây dị ứng. Khi sử dụng các nguyên liệu này để nấu cháo cho trẻ ăn dặm; mẹ có thể theo dõi phản ứng dị ứng bằng cách sau:

  • Nấu riêng từng loại nguyên liệu và phải thật chú ý, theo dõi phản ứng của bé sau 3 đến 4 lần ăn.
  • Nếu trẻ xuất hiện một trong những dấu hiệu như: nổi mẩn đỏ ở môi, ngứa da, mắt bị đỏ, khó thở… thì mẹ nên cân nhắc bỏ thực phẩm này khỏi danh sách nguyên liệu nấu ăn cho bé.

Trẻ từ 7 tháng đến 1 tuổi

Ở thời điểm này, bé yêu có thể ăn đa dạng hơn rất nhiều. Bên cạnh các nguyên liệu từ thực vật; mẹ có thể bổ sung những nguyên liệu từ nguồn gốc động vật như: thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, tôm, cua...

Gợi ý cho mẹ nên chọn:

 Thịt nạc, mềm và các loại cá béo. Mẹ không nên cho bé ăn cá quá 3 lần 1 tuần. Trung bình mỗi bữa bé có thể nạp được khoảng 15g/1 bữa ăn.

Mẹ nên hạn chế gì: 

Các loại hải sản có vỏ cứng như xò, hàu, trai… vì có thể làm tăng nguy cơ dị ứng.

Các loại rau xanh rất tốt cho sức khỏe của bé

Các loại rau xanh rất tốt cho sức khỏe của bé

Cách nấu cháo cho trẻ ăn dặm theo tỷ lệ chuẩn

Tỷ lệ nước và gạo như thế nào thì sẽ tạo ra cháo loãng hay đặc. Ở giai đoạn bé yêu bắt đầu làm quen với việc ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn cháo loãng trước.

Tăng dần độ sánh đặc, lợn cợn của cháo và thức ăn đi kèm để vừa luyện cho bé biết nhai thực phẩm. Bởi theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, khi bé nhai sẽ vừa giúp kích thích men tiêu hóa được tiết ra nhiều hơn. Đồng thời thúc đẩy dạ dày hoạt động tốt hơn.

Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng biết tỷ lệ gạo, nước phù hợp; hãy cùng tham khảo theo tỷ lệ dưới đây:

  • Bé 6 tháng: tỷ lệ gạo nước là 1:12. Với 20 gram gạo thì mẹ nên cho 250 ml nước.
  • Bé 7 tháng: tỷ lệ gạo nước là 1:10. Với 20 gram gạo thì mẹ nên cho 200 ml nước.
  • Bé 8-9 tháng: tỷ lệ gạo nước là 1:8. Với 30 gram gạo thì mẹ nên cho 250 ml nước.
  • Bé 10-11 tháng: tỷ lệ gạo nước là 1:6. Với 40 gram gạo thì mẹ nên cho 250 ml nước.

Chú ý: Khuyến khích mẹ nấu hàng ngày cho bé. Để đồ ăn luôn được tươi ngon nhất và đảm bảo dinh dưỡng tối ưu nhất. Hạn chế tối đa việc trữ đông thức ăn cho bé.

Tỷ lệ nước và gạo rất quan trọng, mẹ cần lưu ý để nấu cho phù hợp với độ tuổi của trẻ

Tỷ lệ nước và gạo rất quan trọng, mẹ cần lưu ý để nấu cho phù hợp với độ tuổi của trẻ

Những sai lầm trong cách nấu cháo cho trẻ ăn dặm

Mặc dù nấu cháo cho trẻ ăn dặm là một việc làm thường xuyên hàng ngày. Nhưng rất nhiều mẹ mắc phải lỗi, dưới đây là những sai lầm mẹ cần tránh:

- Cho gia vị khi bé yêu bắt đầu ăn dặm: Theo các chuyên gia dinh dưỡng vị ngọt có trong rau củ quả là vừa đủ lại không có hại cho bé. Vậy nên mẹ không cần phải cho thêm bất kì một loại gia vị nào thêm vào nữa. Nêm nếm thêm gia vị như: mắm, muối, bột ngọt,… vào thức ăn sẽ khiến thận của trẻ phải làm việc quá sức; gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.

- Đổ thêm nước mát khi đang ninh xương: Nghiên cứu chỉ ra thành phần trong thịt, xương có chứa nhiều chất béo và protein. Khi đang đun nấu với nhiệt độ trung bình hoặc cao mà đổ thêm nước lạnh vào; sẽ khiến các chất này kết tủa một cách nhanh chóng. Lúc này mùi vị của thức ăn sẽ thay đổi, giảm chất lượng dinh dưỡng. Nó làm cho thịt, xương cũng khó nhừ; dinh dưỡng và mùi vị đều bị biến đổi và giảm chất lượng.

Không nên đổ thêm nước lạnh vào nồi khi đang ninh xương

Không nên đổ thêm nước lạnh vào nồi khi đang ninh xương

- Khuấy thức liên tục: Mẹ có biết khuấy thức ăn liên tục không chỉ khiến đồ ăn bị nhũn, dễ nát mà còn làm giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Đặc biệt, khiến món ăn không còn hấp dẫn; có thể làm giảm cảm giác ngon miệng của bé yêu.

- Cho sữa vào nấu cùng các loại thực phẩm khác: Rất nhiều mẹ có thói quen cho sữa vào cùng với các loại cháo, soup để tăng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Mà lại không biết rằng sữa đun quá lâu và nấu sôi nhiều lần sẽ giảm sút dinh dưỡng.

Nếu muốn trộn thêm sữa, mẹ nên nấu các thực phẩm khác như bột, gạo, rau trong nước trước. Đến khi chín và tắt bếp thì mới cho sữa vào để bảo toàn dinh dưỡng từ sữa cho bé.

- Lạm dụng vào máy xay sinh tố

“Cháu mình đã 1 tuổi nhưng vẫn phải ăn cháo xay nhuyễn, cháo từ lúc 6 tháng đến 1 tuổi cũng không có gì khác nhau về độ nhuyễn, sệt. Mình nghĩ các mẹ nên để cho con ăn theo đúng độ tuổi và không nên lạm dụng máy xay để xay cháo cho con” – Chị Hải Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Mẹ lưu ý khi bé 6 tháng tuổi thì tập ăn cháo loãng rồi sệt dần, 7 - 8 tháng ăn cháo nhuyễn, 12 tháng thì tập ăn với cháo nấu còn hạt và các thức ăn mềm như phở, bún,…. Mỗi khi chuyển tiếp chế độ ăn mới cho bé, những bữa đầu mới tập có thể trẻ sẽ chưa quen có thể bị nôn trớ nhưng sau đó trẻ sẽ dần quen.

Trên đây là những thông tin hữu ích về chi tiết cách nấu cháo cho trẻ ăn dặm. Nếu có bất kì thắc mắc nào cần giải đáp, bạn đọc vui lòng liên hệ qua số điện thoại 1900 1806 để được giải đáp nhanh nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
13,403

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám