Lao hạch thường gặp ở trẻ em và người có hệ miễn dịch suy giảm. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, lao hạch có thể để lại biến chứng nguy hiểm.
Lao hạch thường gặp ở trẻ em và người có hệ miễn dịch suy giảm. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, lao hạch có thể để lại biến chứng nguy hiểm.
Lao hạch là một dạng lao ngoài phổi phổ biến, xảy ra khi vi khuẩn lao tấn công vào hệ thống hạch bạch huyết. Đây là thể lao ngoài phổi thường gặp nhất ở trẻ em, phụ nữ trẻ và cả người lớn sống trong vùng có dịch lao lưu hành như Việt Nam.
Hạch thường bị ảnh hưởng nhất là hạch cổ, sau đó là hạch nách, hạch bẹn. Nếu không điều trị, hạch có thể sưng to, hóa mủ, rò rỉ và để lại sẹo xấu.
Bệnh thường tiến triển âm thầm, không gây đau đớn trong giai đoạn đầu. Một số dấu hiệu nhận biết gồm:
- Xuất hiện hạch sưng to, chắc, di động, không đau (thường ở cổ, nách, bẹn)
- Sau một thời gian, hạch có thể mềm, vỡ mủ, gây rò mủ kéo dài
- Không kèm theo sốt cao hay viêm đỏ vùng da xung quanh (khác với viêm hạch do vi khuẩn khác)
- Có thể kèm theo sụt cân, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm nếu bệnh kéo dài
Trẻ em có thể nổi nhiều hạch cùng lúc, cần phân biệt với các bệnh lý ác tính hoặc nhiễm khuẩn khác.
Lao hạch không trực tiếp lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn lao từ phổi (có thể là tổn thương phổi cũ, không biểu hiện rõ).
Do đó, khi phát hiện bệnh, bác sĩ thường chỉ định chụp X-quang phổi để kiểm tra xem có tổn thương lao phổi đi kèm hay không. Nếu có, bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp giống như lao phổi.
Lao hạch cũng được điều trị bằng thuốc kháng lao giống như lao phổi. Phác đồ điều trị cơ bản gồm:
- 2 tháng tấn công: Uống 4 loại thuốc lao (HRZE)
- 4 tháng duy trì: Uống 2 loại thuốc (HR)
Trong một số trường hợp, thời gian điều trị có thể kéo dài 9–12 tháng nếu hạch lớn, có rò hoặc đáp ứng thuốc chậm.
**Lưu ý:** Không nên nặn hạch, rạch mủ tùy tiện vì dễ gây nhiễm trùng lan rộng. Một số hạch to cần phẫu thuật dẫn lưu theo chỉ định bác sĩ.
Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể gây biến chứng như:
- Rò mủ kéo dài, tạo sẹo xấu
- Viêm hạch lan rộng, phá vỡ cấu trúc mô lân cận
- Suy kiệt, sụt cân, ảnh hưởng thẩm mỹ và tâm lý
Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị đầy đủ theo hướng dẫn, lao hạch hoàn toàn có thể chữa khỏi, không để lại di chứng đáng kể.