Bài viết được chia sẻ bởi Bác sĩ CKII Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.
Ở nước ta, lao phổi là loại bệnh lao phổ biến nhất. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới, trong đó phần lớn là lao phổi. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm tại nước ta.
Lao phổi là gì?
Lao phổi là một bệnh nhiễm trùng mạn tính ở phổi, do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Bệnh lây qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện mà không che miệng. Vi khuẩn sẽ theo giọt nhỏ trong không khí và xâm nhập vào phổi người lành.

Bệnh lao phổi do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra
Dấu hiệu nhận biết bệnh lao phổi
Một trong những điểm đặc biệt của bệnh lao là diễn tiến âm thầm, triệu chứng không rầm rộ. Nhiều người mắc lao phổi sống chung với bệnh cả tháng mà không biết, chỉ đến khi nặng mới đi khám.
Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:
- Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan hoặc ho có đờm)
- Sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm ban đêm
- Mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân không rõ lý do
- Có thể ho ra máu nếu tổn thương phổi lan rộng
Nếu bạn hoặc người thân có các biểu hiện trên, hãy đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm phát hiện lao.
Bệnh lao phổi lây như thế nào?
Lao phổi là bệnh rất dễ lây, chủ yếu qua đường hô hấp. Khi người mắc lao ho, khạc nhổ, hắt hơi hoặc nói chuyện, vi khuẩn lao sẽ phát tán ra môi trường. Người đứng gần, đặc biệt trong không gian kín, hít phải vi khuẩn lao sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn lao cũng phát bệnh. Phần lớn người khỏe mạnh có thể 'ngăn chặn' vi khuẩn không cho bùng phát. Chỉ khi hệ miễn dịch yếu, vi khuẩn mới hoạt động mạnh và gây bệnh.
Những người dễ bị lây lao phổi:
- Người sống chung trong nhà với bệnh nhân lao
- Người lớn tuổi, trẻ nhỏ
- Người nhiễm HIV, người suy giảm miễn dịch
- Người nghiện rượu, thuốc lá, sống trong môi trường chật hẹp

Hệ miễn dịch yếu là một trong các yếu tố nguy cơ gây lây nhiễm thứ phát
Lao phổi có chữa được không?
CÓ! Lao phổi hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Phác đồ điều trị lao hiện nay rất hiệu quả, tỉ lệ khỏi bệnh cao nếu người bệnh tuân thủ đầy đủ.
Tuy nhiên, nếu bỏ thuốc giữa chừng, hoặc tự ý dùng thuốc không theo chỉ định, vi khuẩn lao có thể kháng thuốc – điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Thời gian điều trị lao phổi kéo dài 6 tháng, chia làm 2 giai đoạn:
- 2 tháng đầu: Uống 4 loại thuốc phối hợp để diệt vi khuẩn nhanh.
- 4 tháng tiếp theo: Uống 2 loại thuốc duy trì để phòng tái phát.
Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi xét nghiệm đờm và khám định kỳ.

Phát hiện sớm và điều trị đúng cách giúp nâng cao tỉ lệ chữa khỏi lao phổi
Điều gì xảy ra nếu không điều trị lao?
Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, lao phổi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: ho ra máu nhiều, xơ hóa toàn bộ phổi, nhiễm trùng lan rộng sang các cơ quan khác như màng não, xương khớp... và đặc biệt là trở thành nguồn lây lan bệnh ra cộng đồng.
Tệ hơn, nếu vi khuẩn lao kháng thuốc, việc điều trị sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần, cần thuốc đặc trị trong thời gian kéo dài hơn 9–12 tháng, tốn kém và nhiều tác dụng phụ.