Bệnh Lao Phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Doan Nguyen

20-09-2023

goole news
16

Lao phổi (TB) là bệnh truyền nhiễm phá hủy mô vô cùng nguy hiểm và dễ lây lan trong cộng đồng. Đa số người bị lao phổi đều không biết mình mắc bệnh đến khi bệnh diễn biến nặng. Nắm rõ được nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh căn bệnh này là việc làm cần thiết của mỗi người, mỗi nhà.

Tổng quan về bệnh lao phổi

Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis tấn công và hủy hoại các mô cơ thể. Bệnh lây truyền từ người sang người qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi… Trong số các ca bệnh về lao, lao phổi chiếm đến 80-85%. Lao phổi được chia thành 2 thể chính gồm lao phổi và lao ngoài phổi, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Người bị bệnh lao phổi có biểu hiện ho khạc kéo dài trên 2 tuần, kèm theo các triệu chứng sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, kém ăn, gầy sút, mệt mỏi, ho khạc ra máu, đau tức ngực.

Hình ảnh phổi bị tổn thương do bệnh lao phổi

Hình ảnh phổi bị tổn thương do bệnh lao phổi

Hầu hết khi hít phải mầm bệnh lao và nhiễm, cơ thể người có thể chống lại và ngăn mầm bệnh sinh trưởng, mầm bệnh trở nên bất hoạt nhưng vẫn sống trong cơ thể, gọi là bệnh lao tiềm tàng (ủ bệnh lao). Vi khuẩn lao sẽ bắt đầu hoạt động gây triệu chứng trong điều kiện thuận lợi như người nhiễm suy giảm sức khỏe, hệ miễn dịch yếu, nhiễm HIV, ung thư... 

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi

Trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây bệnh khi người lao phổi ho, nói chuyện, hắt hơi, khạc nhổ phát tán ra bên ngoài, các giọt bắn chứa vi khuẩn lao bay trong không khí và người lành hít phải. Vi khuẩn lao cũng có thể lây qua đường máu hay bạch huyết, lan truyền đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể (xương, hạch bạch huyết, tim, hệ thần kinh) và gây bệnh lao tại cơ quan đó.

Trực khuẩn lao kháng cồn và axit ở nồng độ diệt được các vi khuẩn khác; có thể sống nhiều tuần trong đờm, rác ẩm, nơi thiếu ánh sáng; chết ở nhiệt độ 1000 độ C/5 phút và mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời.

Vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis nhuộm bằng phương pháp Ziehl–Neelsen

Vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis nhuộm bằng phương pháp Ziehl–Neelsen

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh lao phổi

Triệu chứng bệnh lao phổi không khó để nhận biết tuy nhiên đa số người bệnh không chú ý phát hiện, chỉ đi khám và biết mình bị mắc bệnh khi các triệu chứng diễn biến nặng. Dưới đây là những triệu chứng điển hình giúp người bệnh nhận biết sớm từ đó kịp thời điều trị và chủ động tránh làm lây lan rộng rãi trong cộng đồng.

Biểu hiện dễ nhận biết nhất của lao phổi là ho kéo dài liên tục trên 2 tuần. Có thể ho khan, ho đờm hoặc ho ra máu. Ngoài ra người bị lao phổi còn gặp các triệu chứng:

  • Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, người gầy, sút cân, chán ăn hoặc mất cảm giác thèm ăn
  • Đau ngực, đôi khi thấy khó thở
  • Hay ra mồ hôi trộm (đổ mồ hôi vào ban đêm)
  • Sốt, thường gặp nhất là sốt kèm theo ớn lạnh mỗi khi trời về chiều
  • Ho kéo dài trên 3 tuần (ho khan, có đờm và ho ra máu)

Ho kéo dài là một trong những triệu chứng của lao phổi

Ho kéo dài là một trong những triệu chứng của lao phổi

Lưu ý rằng, các dấu hiệu trên cũng có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhau, vì vậy để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh cần làm thêm các xét nghiệm chuyên biệt như: xét nghiệm đờm AFB bằng nhuộm Ziehl–Neelsen, phản ứng Mantoux, chụp X-quang, cấy đờm tìm trực khuẩn lao...

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính, đặc biệt là độ tuổi lao động, phụ nữ mang thai và cho con bú. Tỷ lệ mắc bệnh ở thành thị đông dân thường cao hơn ở nông thôn và miền núi. Một số đối tượng sau đây có nguy cơ cao bị bệnh lao gồm: 

  • Người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, nhiễm HIV…;
  • Người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài;
  • Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá…;
  • Người sống trong điều kiện thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi mà không có biện pháp phòng tránh;
  • Người làm việc hoặc sinh sống ở nơi có nguy cơ lây truyền lao cao như: trại giam, bệnh viện lao, viện dưỡng lão.

Đường lây nhiễm bệnh lao phổi

Người bị lao phổi, lao thanh quản, phế quản đang trong giai đoạn ho khạc là nguồn bệnh chính. Lao phổi không có ổ chứa mầm bệnh trong tự nhiên hay vật trung gian truyền bệnh.

Bệnh lao phổi lây nhiễm thông qua đường hô hấp. Vi khuẩn lao trong các giọt nước bọt li ti (do người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện) khi bị hít vào phổi sẽ theo xuống phế nang, nhân lên và gây bệnh tại phổi. Vi khuẩn từ phổi qua máu, bạch huyết đi đến các cơ quan khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó.

Người lành có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc với chất thải, đờm, dãi, nước bọt chứa khuẩn lao hoặc khi dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, dụng cụ ăn uống) với người bệnh lao. Ngoài ra, người sống ở nơi có điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh (môi trường ô nhiễm, khói bụi, ẩm ướt) hoặc ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn lao, tiếp xúc với động vật nhiễm lao.

Bệnh lao lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp

Bệnh lao lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp

Thời kỳ lây truyền mạnh nhất là trong giai đoạn toàn phát, lúc này người bệnh có các triệu chứng sốt về chiều, ho nhiều, khạc đờm… liên tục phát tán các vi khuẩn lao. Một bệnh nhân lao phổi trước khi được điều trị có thể lây cho 10-15 người khác, đặc biệt là ở các quần thể có mật độ dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, trại giam…

Biến chứng của bệnh lao phổi

Nếu bệnh nhân lao phổi không điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ, bệnh lao phổi có thể dẫn đến những biến chứng sau gây nguy hiểm tới tính mạng:

Tràn dịch/tràn khí màng phổi: Khoang màng phổi bình thường là nơi không có khí hay dịch, có tác dụng làm nở phổi, giúp hít thở dễ dàng. Tràn dịch màng phổi là ứ dịch trong khoang màng phổi; tràn khí màng phổi là khi khí xâm nhập đầy khoang màng phổi. 

Khi bị lao phổi, vi khuẩn lao qua lại giữa phổi và khoang màng phổi làm dịch và khí tràn ra ồ ạt, nếu tràn ra nhiều quá sẽ chèn ép phổi đến mức không đủ thể tích để cung cấp khí khiến người bệnh ngạt thở và tử vong như kiểu chết đuối trên cạn. Do vậy, cần xử lý tràn dịch hay tràn khí ngay để khai thông đường thở cho nạn nhân.

Hình ảnh minh họa tràn dịch màng phổi / tràn khí màng phổi

Hình ảnh minh họa tràn dịch màng phổi / tràn khí màng phổi

Xơ phổi: Đây là biến chứng đáng lo ngại nhất của lao phổi. Vi khuẩn lao phá hủy phổi theo kiểu lan tràn và có tính mãi mãi, phổi lúc này giống như một lá xơ bị thủng lỗ chỗ, không còn chức năng trao đổi khí. Người bị xơ phổi sẽ dần suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

Ho khạc ra máu: Ho ra máu do lao là một cấp cứu nội khoa có thể dẫn tới tử vong nhanh nếu không kịp thời cứu chữa. Bởi khi đó vi khuẩn lao đã nhiễm và bắt đầu phá hủy phổi, làm thủng các mạch máu nhỏ ở phế nang cho đến các mạch máu lớn khiến máu chảy ồ ạt trên diện rộng và không thể tự cầm được. Lượng máu chảy quá nhiều đến một mức độ sẽ làm người bệnh ộc ra, gây bít tắc phế quản, tắc thở, suy tuần hoàn và tử vong.

Biện pháp chẩn đoán bệnh lao phổi

Khi thấy cơ thể có các triệu chứng như sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, chán ăn, mệt mỏi, đau ngực, khó thở…, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm các phương pháp chẩn đoán như: chụp X-quang phổi, xét nghiệm Xpert MTB/RIF hoặc AFB (Acid Fast Bacilli) tìm trực khuẩn lao trong đờm bằng kính hiển vi để có kết luận chính xác nhất. Người bệnh phải có ít nhất 1 mẫu có AFB(+) và hình chụp X quang nghi lao hoặc có 2 mẫu đờm (+).

Chụp X-quang là một trong những phương pháp chẩn đoán lao phổi

Chụp X-quang là một trong những phương pháp chẩn đoán lao phổi

Phương pháp điều trị bệnh lao phổi

Lao phổi là bệnh có thể chữa khỏi, người bệnh cần phải được điều trị càng sớm càng tốt ngay sau khi xác định bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị đòi hỏi thời gian dài, bệnh nhân phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị sau:

Phối hợp nhiều loại thuốc: Nguyên tắc này nhằm tránh xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Giai đoạn tấn công có thể phối hợp 3-4 loại thuốc; giai đoạn duy trì dùng phối hợp 2-3 loại thuốc.

Đúng liều: Dùng liều thấp không hiệu quả dễ sinh ra vi khuẩn kháng thuốc, trong khi dùng liều cao lại dễ gây tai biến.

Đều đặn: Các thuốc kháng lao phải tiêm và uống cùng lúc, cố định giờ trong ngày. Thuốc phải uống xa bữa ăn.

Đủ thời gian: Bao gồm hai giai đoạn điều trị:

  • Tấn công: 2-3 tháng, làm giảm nhanh lượng vi khuẩn để ngăn chặn đột biến kháng thuốc
  • Duy trì: 4-6 tháng, tiêu diệt toàn bộ các vi khuẩn sót lại để tránh tái phát.

Một số thuốc đặc trị hữu hiệu:

  • Thuốc chống lao thiết yếu: isoniazid, rifampicin, ryrazinamid, streptomycin, ethambutol.
  • Thuốc chống lao hàng 2: kanamycin, amikacin, capreomycin; nhóm fluoroquinolones (Moxifloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Gatifloxacin, Ofloxacin) và một số loại thuốc khác.

Ngoài dùng thuốc, người bệnh lao phổi cần hạn chế tiếp xúc với người lao phổi, duy trì lối sống lành mạnh, khoa học để tăng sức đề kháng, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. 

Biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi

Biện pháp dự phòng quan trọng nhất là cắt đứt nguồn lây, nghĩa là phát hiện sớm những người bị lao phổi và chữa khỏi cho họ. Tuy nhiên bệnh lao là một bệnh có tính xã hội, vì vậy những biện pháp cộng đồng cũng có vai trò quan trọng trong phòng chống bệnh lao như:

- Tăng cường truyền thông và giáo dục sức khỏe về đường lây nhiễm, cách phòng bệnh lao, từ đó nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân.

- Kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở y tế hoặc vực có nguồn lây bằng cách đeo khẩu trang; che miệng khi ho, hắt hơi hoặc trò chuyện; không khạc nhổ bừa bãi; đảm bảo môi trường sống được thông thoáng và có ánh sáng mặt trời chiếu vào thường xuyên.

Ngoài ra, các gia đình cần thực hiện tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao cho trẻ ngay trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. Bên cạnh đó cần tuân thủ lối sống lành mạnh như ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ, tập thể dục đều đặn, không sử dụng chất gây nghiện như ma túy, thuốc lá…; vệ sinh nhà ở, nơi làm việc thường xuyên; khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Tiêm vắc-xin BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh

Tiêm vắc-xin BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh

Đối với người đã nhiễm lao phổi, cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và thực hiện các biện pháp nhằm tránh lây nhiễm cho cộng đồng như: 

  • Cách ly (ăn riêng, ngủ riêng, nghỉ học, nghỉ làm) trong vài tuần đầu điều trị;
  • Che miệng khi ho/hắt hơi, đeo khẩu trang khi ra ngoài;
  • Khi nói chuyện, ho, hắt hơi cần che miệng bằng một mảnh vải/khăn giấy, sau đó cho vào túi kín rồi vứt vào thùng rác. 

Nhìn chung, lao phổi có thể điều trị khỏi tuy nhiên tỷ lệ tái phát còn cao (khoảng 7%), do đó bên cạnh việc điều trị theo phác đồ, người bệnh cần kết hợp tuân thủ lối sống lành mạnh, khoa học và hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây.

1,837

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám