Lưỡi nổi hột trắng báo hiệu bệnh lý nào? Khi nào cần điều trị?

Ngọc Anh

10-05-2025

goole news
16

Lưỡi nổi hột trắng là biểu hiện khá phổ biến với nhiều bệnh lý như nhiệt miệng, tưa lưỡi, bạch sản miệng, mụn rộp miệng,... Những hạt trắng này có thể khiến bạn cảm thấy lạ miệng, khó chịu, thậm chí đau rát khi ăn uống. Để sớm chấm dứt tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân thường gặp và cách xử lý phù hợp cho từng trường hợp trong bài viết dưới đây nhé!

Lưỡi nổi hột trắng là dấu hiệu của bệnh gì?

Trong nhiều trường hợp, lưỡi nổi hột trắng có thể là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nghiêm trọng. Tình trạng này thường xảy ra khi vi khuẩn, tế bào chết hoặc các mô bị tổn thương tích tụ lại, tạo thành các mảng trắng hoặc đốm nhỏ trên bề mặt lưỡi. Ngoài những hạt trắng bất thường nổi trên bề mặt lưỡi, nhiều người còn gặp kèm theo cảm giác đau, rát, thay đổi vị giác hoặc khó nuốt.

 Lưỡi nổi hột trắng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý sâu xa

Lưỡi nổi hột trắng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý sâu xa

Nhiễm nấm Candida (tưa miệng)

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch yếu, đang dùng kháng sinh dài ngày hoặc có thói quen hút thuốc lá, vệ sinh răng miệng kém. Khi quan sát trên lưỡi bạn có thể thấy các mảng trắng như sữa, có thể cạo ra được nhưng dễ gây chảy máu lớp niêm mạc đỏ phía dưới. 

Nấm Candida là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng lưỡi nổi mụn trắng

Nấm Candida là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng lưỡi nổi mụn trắng

Liken phẳng miệng

Đây là bệnh viêm tự miễn gây ra các mảng trắng như đường vẽ trên nền lưỡi đỏ. Bệnh có thể kéo dài dai dẳng, gây đau hoặc nóng rát, đặc biệt là khi ăn uống. Mặc dù không lây lan nhưng lại có nguy cơ tiến triển mạn tính nên cần được theo dõi và điều trị đúng cách.

Nhiệt miệng, loét miệng

Đây là bệnh lý răng miệng thường gặp nhất, thường gặp dưới dạng các vết loét nhỏ, có viền đỏ, bên trong có màu trắng hoặc vàng, rất rát khi ăn uống. Những vết loét này thường xuất hiện ở môi, lưỡi, má trong hoặc sàn vòm miệng do căng thẳng, thiếu vitamin, hoặc chấn thương nhẹ trong miệng gây ra. Dù gây khó chịu nhưng đa số sẽ tự lành trong khoảng 1–2 tuần.

Nhiệt miệng cũng có thể gây ra các nốt trắng trên hoặc dưới bề mặt lưỡi

Nhiệt miệng cũng có thể gây ra các nốt trắng trên hoặc dưới bề mặt lưỡi

Mụn rộp miệng (do virus herpes)

Nếu khi quan sát trên gương bạn thấy các mụn nước nhỏ, sau đó vỡ ra để lại vết loét màu trắng hoặc vàng trên lưỡi hay môi thì có thể là do virus HSV. Bệnh này lây qua tiếp xúc gần và thường tái phát. Dù không chữa khỏi hẳn được, nhưng dùng thuốc kháng virus có thể giúp giảm triệu chứng nhanh hơn.

Viêm lưỡi bản đồ (lưỡi địa lý)

Tên gọi bắt nguồn từ hình dạng các mảng đỏ viền trắng nhìn như bản đồ trên lưỡi. Bệnh lành tính, không lây, không gây nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu nhẹ. Đôi khi có liên quan đến các bệnh tự miễn như vảy nến.

Viêm lưỡi bản đồ khiến lưỡi xuất hiện các mảng đỏ trắng

Viêm lưỡi bản đồ khiến lưỡi xuất hiện các mảng đỏ trắng

Viêm gai lưỡi

Khi các gai lưỡi bị kích thích, sưng to sẽ tạo thành các đốm đỏ hoặc vàng, dễ gây nhầm lẫn với tình trạng lưỡi nổi hột trắng. Biểu hiện này thường gặp nhất ở người hút thuốc, uống rượu, vệ sinh miệng kém hoặc sau viêm nhiễm. Bạn không cần quá lo lắng vì các hạt này thường kết thúc sau vài ngày mà không cần điều trị gì.

Minh hoạ lưỡi của bệnh nhân bị viêm gai

Minh hoạ lưỡi của bệnh nhân bị viêm gai

Bạch sản miệng

Đây là tình trạng xuất hiện các mảng trắng dày, bám chắc trên hoặc dưới lưỡi, không cạo ra được. Một số trường hợp mắc bệnh bạch sản có thể tiến triển thành ung thư, vì vậy cần được bác sĩ theo dõi sát sao.

Ung thư lưỡi

Nếu bạn thấy vết loét trên lưỡi không lành sau hơn 2 tuần, kèm đau, khó nuốt, thay đổi giọng nói hay nổi hạch vùng cổ thì đừng chủ quan. Ung thư lưỡi thường bắt đầu bằng những tổn thương nhỏ như xuất hiện các mảng màu trắng hoặc đỏ trên lưỡi, các vết loét trên lưỡi không tự lành,....

Các dấu hiệu đi kèm khi lưỡi nổi hột trắng

Ngoài biểu hiện hạt trắng trên lưỡi, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như sau:

  • Đau rát, nóng lưỡi: Cảm giác này có thể xuất hiện âm ỉ hoặc rõ rệt nhất là khi ăn thức ăn cay, nóng, chua. Những người bị tưa miệng, loét miệng hoặc liken phẳng,.. rất dễ gặp tình trạng này
  • Khó nhai, khó nuốt, khó nói: Khi lưỡi bị viêm hoặc loét, việc ăn uống và giao tiếp đều trở nên khó khăn, thậm chí đau đớn khiến bạn có xu hướng chán ăn, dễ gây sút cân, mệt mỏi.
  • Sưng đỏ: Vùng lưỡi bị ảnh hưởng có thể sưng to, nổi mẩn đỏ hoặc căng tức
  • Hơi thở có mùi: Khi vi khuẩn hoặc nấm phát triển mạnh trên lưỡi, chúng tạo ra mùi hôi khó chịu. Đặc biệt nếu bạn không vệ sinh răng miệng kỹ, hôi miệng có thể kéo dài và gây mất tự tin.

Ngoài sưng đỏ, các hạt trên lưỡi còn khiến người bệnh khó nhai nuốt

Ngoài sưng đỏ, các hạt trên lưỡi còn khiến người bệnh khó nhai nuốt

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Phần lớn các trường hợp lưỡi nổi hạt trắng là lành tính và sẽ tự cải thiện sau một thời gian. Tuy nhiên, bạn nên đến bác sĩ nếu có các biểu hiện như sau:

  • Các hạt trắng trên lưỡi kéo dài hơn 2 tuần, không cải thiện dù đã giữ gìn vệ sinh miệng hoặc dùng thuốc tại nhà.
  • Cảm thấy đau nhiều, uống thuốc giảm đau không đỡ.
  • Khó nuốt, khó nói hoặc khó thở, kèm theo sưng lớn trong miệng hay vùng cổ.
  • Có vết loét hoặc mảng trắng không cạo ra được, nếu cố cạo ra dễ gây ra tình trạng chảy máu.

Điều trị lưỡi nổi hột trắng như thế nào?

Việc điều trị lưỡi nổi hột trắng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý như sau:

Nguyên nhân

Hướng điều trị chính

Lưu ý bổ sung

Nhiễm nấm Candida (tưa miệng)

- Dùng thuốc kháng nấm: gel bôi nystatin, clotrimazole (trường hợp nhẹ); thuốc uống fluconazole (trường hợp nặng).

- Điều trị thường kéo dài 1–2 tuần. 

- Kiểm soát yếu tố nguy cơ như đường huyết nếu có tiểu đường.

Liken phẳng miệng

- Corticosteroid dạng gel bôi, xịt, nước súc miệng.

- Có thể cần thuốc ức chế miễn dịch hoặc liệu pháp ánh sáng nếu không đáp ứng.

Nhiệt miệng / loét miệng

- Tự lành sau 1–2 tuần. 

- Gel giảm đau chứa benzocaine, lidocaine.

- Súc miệng nước muối. 

- Bổ sung vitamin B12, sắt, acid folic nếu nghi ngờ thiếu hụt.

Mụn rộp miệng (do virus herpes)

- Dùng thuốc kháng virus sớm (acyclovir, valacyclovir).

 - Bôi kem docosanol 10%.

- Điều trị sớm trong 72 giờ đầu. 

- Giữ sức khỏe, tránh căng thẳng và nắng để phòng tái phát.

Viêm lưỡi bản đồ

- Không cần điều trị nếu không đau. 

- Có thể bôi thuốc giảm viêm, giảm đau khi khó chịu.

- Tránh đồ ăn cay, nóng, chua để giảm kích ứng.

Bạch sản miệng

- Loại bỏ yếu tố nguy cơ (hút thuốc, rượu). 

- Cân nhắc cắt bỏ hoặc đốt laser nếu nghi ngờ tiền ung thư.

- Theo dõi định kỳ bằng sinh thiết.

(*)Lưu ý: Chỉ dùng thuốc, bôi thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sa thăm khám. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà!

Trong thời gian điều trị, bạn nên tránh xa các món ăn cay nóng

Trong thời gian điều trị, bạn nên tránh xa các món ăn cay nóng

Cách chăm sóc tại nhà khi bị lưỡi nổi hột trắng

Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định bác sĩ, chăm sóc tại nhà cũng là yếu tố then chốt giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình hồi phục. Dưới đây là một số gợi ý bạn có thể thực hiện như sau:

Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ

  • Đánh răng 2 lần/ngày bằng kem chứa fluor.
  • Làm sạch bề mặt lưỡi nhẹ nhàng bằng bàn chải mềm hoặc dụng cụ cạo lưỡi.
  • Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
  • Nếu dùng răng giả, nên tháo ra mỗi tối, ngâm trong dung dịch chuyên dụng.

Súc miệng bằng nước muối ấm

Bạn nên mua nước muối sinh lý bán sẵn tại các hiệu thuốc, súc 30–60 giây rồi nhổ ra. Lặp lại 3–4 lần mỗi ngày, đặc biệt sau bữa ăn và trước khi ngủ. Cách này giúp sát khuẩn, giảm viêm và làm dịu vùng bị tổn thương.

Hãy duy trì thói quen súc miệng mỗi ngày

Hãy duy trì thói quen súc miệng mỗi ngày

Dùng nha đam hoặc mật ong

  • Gel nha đam có thể bôi trực tiếp lên lưỡi vài lần mỗi ngày để giảm viêm.
  • Mật ong (nhất là mật ong Manuka) có thể dùng để bôi tại chỗ hoặc pha loãng để súc miệng. Tuy nhiên, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì nguy cơ ngộ độc botulism.

Tránh thực phẩm gây kích ứng

  • Món cay, nóng, chua hoặc chứa nhiều gia vị.
  • Đồ ăn cứng, giòn, có cạnh sắc như bánh mì nướng, khoai tây chiên.

Thay vào đó, bạn nên chọn món dễ ăn, mềm, mát như cháo, súp, sữa chua. Uống đủ nước để giữ cho niêm mạc miệng luôn ẩm và hỗ trợ hồi phục.

Giải đáp thắc mắc thường gặp

Lưỡi nổi hột trắng có lây không?

Khả năng lây lan còn phụ thuộc tuỳ vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu là do virus hoặc nấm (như mụn rộp, tưa miệng), có thể lây qua tiếp xúc hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân. Nhưng nếu do các bệnh không lây như viêm lưỡi bản đồ, bạch sản, liken phẳng,… thì hoàn toàn không lây lan cho người xung quanh. 

Do đó, khi chưa xác định rõ nguyên nhân mắc bệnh, bạn không nên dùng chung bàn chải, cốc nước, thìa dĩa, khăn mặt và duy trì khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác.

Lưỡi nổi mụn trắng có tự khỏi không?

Một số nguyên nhân như nhiệt miệng, viêm lưỡi bản đồ có thể tự khỏi trong vòng vài ngày đến 2 tuần. Tuy nhiên, nếu do nấm, virus hoặc các tổn thương nghi ngờ bất thường thì bạn cần được bác sĩ thăm khám và điều trị sớm để tránh kéo dài hoặc biến chứng.

Có thể nói, lưỡi nổi hột trắng không chỉ khiến bạn mất tự tin khi giao tiếp mà còn có thể là tín hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khoẻ như tưa miệng, loét miệng, bạch sản,...Mặc dù đa số các trường hợp có biểu hiện này là lành tính và có thể tự khỏi được, tuy nhiên để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, bạn nên duy trì thăm khám răng miệng định kỳ và đi khám ngay nếu các biểu hiện này kéo dài.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

31

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKI

MAI VĂN NGHĨA

Bác sĩ Tai mũi họng

BS.CKI

MAI VĂN NGHĨA

Bác sĩ Tai mũi họng
19001806 Đặt lịch khám