Bệnh viêm loét miệng và những điều cần biết

Phan Ngọc Linh

03-02-2023

goole news
16

Viêm loét miệng là bệnh lành tính tuy nhiên những triệu chứng của nó lại đem lại sự khó chịu cho người bệnh. Vậy làm thế nào để trị dứt điểm bệnh loét miệng? Hãy cùng Bệnh viện đa khoa Phương Đông tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Tổng quan về bệnh viêm loét miệng

Viêm loét miệng, loét miệng là những tổn thương nhỏ, nông bên trên bề mặt niêm mạc trong các khoang miệng, lưỡi, lợi,... Các vết loét thường có hình bầu dục hoặc tròn, ở giữa có màu vàng hoặc trắng và có viền đỏ xung quanh.

viêm loét miệng là gì Vết viêm loét trên bề mặt niêm mạc miệng

Đây là một bệnh được đánh giá là lành tính, không gây nguy hiểm, thường tự khỏi trong vòng từ 2-3 ngày. Tuy nhiên những triệu chứng của nó lại gây đau rát đặc biệt là khi ăn uống, giao tiếp, nuốt nước bọt,...

Ngoài ra cũng có một số trường hợp bị loét miệng nhưng nghiêm trọng hơn như: nhiễm khuẩn, nhiễm virus, bệnh tự miễn,... Với những trường hợp này, thì tình trạng vết loét sẽ đặc biệt hơn như: bị tái đi tái lại nhiều lần, thời gian để lành vết nhiệt lâu ( trên 2 tuần) và kèm theo một số triệu chứng như: lên hạch, sốt, tiêu chảy,...

Nguyên nhân gây nên viêm loét miệng

Viêm loét miệng là tình trạng khá phổ biến, thường gặp ở nhiều người. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý này, điển hình có thể thấy như:

  • Chấn thương: Người bệnh bị bỏng nhiệt do ăn, uống đồ ăn quá nóng, tổn thương hay gặp ở vòm miệng, cung răng hàm trên, do va đập, ngã té, bị đánh; các thủ thuật nha khoa : hàn, trám, nhổ răng, răng bị mẻ,gãy, không vừa răng giả,..., trẻ em bị các vật sắc nhọn đâm vào miệng
  • Do tác động của những loại chất hóa học như axit, nước vôi, dùng nhiều kem đánh răng nhưng chưa súc miệng sạch, nước súc miệng quá đặc,...
  • Nhiễm khuẩn: có nhiều loại vi khuẩn gây nên tình trạng viêm loét lợi răng hoại tử cấp tính quanh ổ răng thường xảy ra ở người suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, người hút thuốc và vệ sinh kém
  • Nhiễm virus: nếu vết loét miệng là do Herpes thì những vết loét sẽ như các vết rộp nhỏ, tạo từng đám mọc trên môi. Những nốt phồng khi bị vỡ sẽ khiến dịch chảy ra ngoài và khoảng vài ngày sau sẽ đóng vảy. Bệnh có thể điều trị tại nhà nhưng trong một số trường hợp thì cần hai, ba tuần để vết thương lành lại.
  • Bệnh tự miễn: Những người mắc bệnh tự miễn cũng có khả năng bị loét miệng. Tình trạng viêm loét có thể xảy ra ở những vị trí khác trên cơ thể và rất dễ tái phát. Ngoài ra bệnh Lupus ban đỏ cũng có thể là nguyên nhân gây loét miệng và kèm theo rất nhiều triệu chứng như: thiếu máu, tổn thương thận, tổn thương khớp
  • Bệnh ung thư biểu mô hầu họng: những trường hợp này, bệnh nhân thường bị những vết loét chậm lành và tỷ lệ tái phát rất cao. Ngoài ra còn xuất hiện những triệu chứng như: sốt cao, nổi hạch,... Để có thể chẩn đoán bệnh một cách chính xác, các bác sĩ sẽ khám sơ bộ, sau đó thực hiện xét nghiệm máu, sinh thiết vết loét và các phương pháp khác tùy vào từng trường hợp.

Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh loét miệng

Những tổn thương viêm loét miệng, lưỡi thường xuất hiện một cách đột ngột kèm theo đó là những dấu hiệu như: sưng đỏ, đau rát khi ăn uống, xuất hiện đốm trắng, mọng nước sau vài ngày vỡ ra và tạo thành vết loét. Nặng hơn là có thể hình thành áp xe ở dưới lưỡi, niêm mạc, khi viêm cấp thì bị đỏ tấy, rất đau, có thậm chí là sốt cao, nổi hạch ở góc hàm. Hình dạng của những vết loét cũng khác nhau


dấu hiệu cảu viêm loét miệng Những vết loét trên miệng là dấu hiệu của bệnh

  • Loét nhỏ: Vết loét có kích thước chỉ từ 2-8mm, tổn thương nông, gây đau rát nhẹ, thường sẽ tự khỏi trong vòng 1-2 tuần
  • Loét lớn: Vết loét rộng hơn, sâu hơn, thời gian để lành vết thương lâu hơn, có thể kéo dài đến vài tuần và có để lại sẹo.
  • Loét do Herpes: Vết loét xuất hiện với số lượng nhiều, nhiều vết loét nhỏ kết hợp lại thành mảng lớn, không để lại sẹo, thường khỏi sau 1-2 tuần nhưng rất dễ tái phát.

Những vết loét thường sưng đỏ xung quanh, ở giữa là mảng màu vàng hoặc trắng, đau rát nhiều trong vòng 2-3 ngày đầu và giảm dần sau khi hồi phục

Đối tượng có nguy cơ mắc viêm loét miệng

Viêm loét miệng là bệnh lý khá phổ biến, có thể mắc ở bất kỳ ai không phân biệt tuổi tác, giới tính.Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy viêm loét miệng thường xuất hiện ở nữ giới hơn nam giới. Đặc biệt là xảy ra nhiều với các bạn trẻ (có đến hơn 80% bệnh nhân < 30 tuổi), tần số và mức độ nghiêm trọng sẽ giảm dần theo độ tuổi.

 Viêm loét miệng dễ bị tái phát, có khoảng 30% số bệnh nhân bị viêm loét miệng bị tái phát nhiều lần và có tính chất gia đình. Vì vậy, mọi người không nên chủ quan, hay lơ là cảnh giác khi có những dấu hiệu của bệnh lý viêm loét này.

Biến chứng của bệnh viêm loét miệng

Loét miệng là một bệnh lành tính, thường sẽ tự khỏi sau một thời gian nhất định tuy nhiên nếu để tình trạng viêm loét miệng lâu ngày không khỏi sẽ có thể dẫn đến các biến chứng sau đây:

  • Nhiệt miệng lâu ngày gây tình trạng viêm cấp: Nhiều bệnh nhân khi bị viêm loét miệng nhưng vẫn ăn nhiều những thực phẩm cay nóng (ớt, tỏi, gừng,...) hay các thực phẩm có tính axit như chanh, lâu ngày các vết loét sẽ bị nặng hơn dẫn đến tình trạng viêm nhiễm mãn tính. Để tránh tình trạng này, người bệnh nên tránh làm tổn thương các vết loét cũ và vệ sinh khoang miệng luôn sạch sẽ.
  • Nhiễm trùng nặng dẫn tới áp xe miệng: Thông thường loét miệng sẽ tự khỏi trong vòng từ 1-2 tuần, nhưng với một số người trị sai phương pháp hoặc quá chủ quan trong việc điều trị mà dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và áp xe toàn bộ khoang miệng, lúc đó những vết loét sẽ sưng viêm tấy, lan ra lưỡi má hàm và người bệnh có thể bị một số biến chứng kèm theo như sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn,...
  • Ngoài ra, khi bị viêm loét miệng lâu ngày không khỏi còn có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm khác như ung thư lưỡi. Như vậy, đừng chủ quan khi có các nốt trong khoang miệng, đặc biệt là ở vùng lưỡi.


biến chứng của viêm loét miệng Viêm loét ở lưỡi là biến chứng của bệnh

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác tình trạng hiện tại của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra vết loét của bệnh nhân một cách cẩn thận và kỹ lưỡng. Nếu tình trạng vết loét ở mức độ nặng thì các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm xét nghiệm máu để biết đúng bệnh và nguyên nhân gây bệnh.

Phương pháp điều trị viêm loét miệng

Khi điều trị viêm loét miệng, các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng như mức độ của bệnh để có các phương án điều trị phù hợp.

Thường các bác sĩ sẽ kê những loại thuốc để giảm sự đau rát, khó chịu của người bệnh trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Các loại thuốc điển hình như: gel sát trùng, thuốc mỡ và nước súc miệng sát khuẩn.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn và yêu cầu bệnh nhân phải vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ, kỹ càng để các tổn thương có thể mau lành cũng như giảm tối đa tình trạng nhiễm trùng.

viêm loét miệng 
Viêm loét miệng

Lưu ý: Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi dùng thuốc cần phải tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn của các bác sĩ để đảm bảo an toàn, không xảy ra các trường hợp kích ứng hay phản ứng nguy hiểm với thuốc.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm loét miệng

Để không xảy ra những bệnh viêm loét miệng thì mọi người cần có những biện pháp để ngăn ngừa bệnh như:

Tạo thói quen sinh hoạt hàng ngày thật lành mạnh

  • Tâm lý thoải mái, lạc quan, sống tích cực, thư giãn, giảm thiểu stress 
  • Nên đi khám và nhận tư vấn của các bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường 
  • Khuyến khích đi thăm khám định kỳ theo chỉ định của các bác sĩ để có thể biết được tình hình sức khỏe của bản thân, sớm phát hiện được các bệnh lý mắc phải để có các phương án điều trị thích hợp
  • Có chế độ nghỉ ngơi khoa học, hợp lý giảm sự căng thẳng trong cuộc sống
  • Biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách, sử dụng những loại bàn chải mềm, chỉ nha khoa hoặc tăm nước để luôn giữ khoang miệng luôn sạch sẽ sau khi ăn.

vệ sinh răng miệng giúp làm giảm nguy cơ bị viêm loét miệng
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh tình trạng viêm loét miệng

Bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin cần thiết cho cơ thể

  • Bổ sung các loại vitamin B và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng, chống viêm nhiễm.
  • Nên uống đủ nước mỗi ngày
  • Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều acid, thức ăn cay nóng mặn hoặc giảm thiểu tối đa cho đến khi vết loét lành hẳn
  • Khi ăn uống, người bệnh nên nhai chậm, nhai kỹ, tránh nói chuyện trong khi ăn để hạn chế trường hợp cắn trúng lưỡi, môi khi ăn
  • Ăn nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe như:  rau xanh, củ quả tươi để cơ thể tăng sức đề kháng, ngăn ngừa viêm loét

bổ sung các vitamin để tránh viêm loét miệng 
Bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể

Với những thông tin mà Bệnh viện Phương Đông chia sẻ ở trên, hy vọng giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về bệnh viêm loét miệng cũng như nguyên nhân, hướng điều trị và phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây đau đớn, khó chịu và làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, khi có các dấu hiệu về bệnh bạn cần đến những bệnh viện uy tín để thăm khám và chữa trị kịp thời.

Hiện nay, bệnh viện đa khoa Phương Đông là một trong những địa điểm uy tín hàng đầu về chữa trị các bệnh liên quan đến viêm loét miệng. Cùng với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm chắc chắn sẽ đưa đến cho bạn những phương pháp chữa trị hiệu quả nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,382

Bài viết hữu ích?

Nguồn tham khảo

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám