Bật mí 6 nguyên nhân bất ngờ gây mất vị giác mà bạn chưa biết!

Ngọc Anh

22-04-2025

goole news
16

Mỗi bữa ăn không chỉ là cách nuôi dưỡng cơ thể, mà còn là dịp để cảm nhận, để tận hưởng hương vị cuộc sống. Nhưng khi vị giác dần biến mất, cảm giác ăn uống cũng trở nên vô vị, thiếu trọn vẹn. Đặc biệt, mất vị giác có thể là triệu chứng thoáng qua nhưng cũng có thể báo hiệu các bất thường về mặt sức khoẻ khác. 

Mất vị giác là gì? 

Mất vị giác là tình trạng bạn không còn cảm nhận được rõ ràng mùi vị của món ăn hay thức uống. Có người bị mất hoàn toàn, có người chỉ cảm thấy vị nhạt đi hoặc đơn thuần không cảm nhận được 1 vị nào đó. Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột hoặc âm thầm kéo dài.

Về cơ bản, cơ chế cảm nhận hương vị được diễn ra như sau: Trên bề mặt lưỡi có hàng nghìn nụ vị giác nhỏ xíu, đóng vai trò như “cảm biến” giúp chúng ta cảm nhận mùi vị. Mỗi nụ vị giác này có thể nhận biết được vị ngọt, mặn, chua, đắng hay vị thơm ngon đậm đà (còn gọi là vị umami).  

Khi ăn, các nụ vị giác sẽ gửi tín hiệu đến não thông qua dây thần kinh. Nhờ đó, chúng ta mới có thể phân biệt được từng loại hương vị.

Mất vị giác là tình trạng không cảm nhận được hương vị món ăn

Mất vị giác là tình trạng không cảm nhận được hương vị món ăn

Nếu các tế bào cảm nhận vị trên lưỡi bị tổn thương, hoặc dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu bị ảnh hưởng, bạn có thể thấy vị bị nhạt hoặc không cảm nhận được gì. Tùy mức độ, tình trạng mất vị giác được chia làm 3 loại:

  • Giảm vị giác: cảm nhận mùi vị kém hơn bình thường.
  • Mất vị giác hoàn toàn: không còn cảm nhận được bất kỳ vị gì.
  • Loạn vị giác: cảm giác về vị bị sai lệch, ví dụ ăn món mặn lại thấy đắng hoặc kim loại.

Theo thống kê từ Hiệp hội Tai Mũi Họng Hoa Kỳ, có khoảng 15% người trưởng thành từng trải qua rối loạn về vị giác hoặc khứu giác. Ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ này còn cao hơn lên đến 1 trong 4 người.

Đừng nghĩ mất vị giác chỉ khiến bạn ăn uống không ngon. Theo thời gian, nó còn khiến bạn sút cân, thiếu chất, thậm chí dễ ăn nhầm thực phẩm ôi thiu hay nhiễm độc mà không nhận ra. Ngoài ra, đây rất có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của các bệnh lý như viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp, tổn thương thần kinh,...

Nguyên nhân phổ biến gây mất vị giác

Có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến tình trạng mất vị giác, bao gồm:

Rối loạn vị giác

Rối loạn vị giác (dysgeusia) có thể khiến người bệnh cảm thấy thức ăn có vị giống nhau, vị lạ như đắng, kim loại, hôi, ôi thiu, mặn – ngay cả khi không ăn gì.
Về cơ bản, lưỡi cảm nhận được 5 vị chính với vùng cảm nhận riêng biệt. Rối loạn vị giác khiến người bệnh không phân biệt được các mùi vị này

Về cơ bản, lưỡi cảm nhận được 5 vị chính với vùng cảm nhận riêng biệt. Rối loạn vị giác khiến người bệnh không phân biệt được các mùi vị này

Nguyên nhân thường liên quan đến các bệnh răng miệng như viêm nướu, nhiễm trùng miệng, tuyến nước bọt. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, 40% ca dysgeusia liên quan đến bệnh răng miệng chưa được điều trị.

Ngoài ra, thiếu vitamin B12, kẽm hoặc rối loạn tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Chứng giảm vị giác

Chứng giảm vị giác (hypogeusia) là tình trạng người bệnh nếm được mùi vị nhưng không cảm nhận được một loại hương vị cụ thể. Người bệnh thường phải nêm nhiều gia vị mới thấy món ăn đậm đà, dễ hình thành thói quen ăn mặn/ngọt không tốt.

Suy giảm chức năng nụ vị giác theo tuổi là nguyên nhân phổ biến. Sau tuổi 50, cứ mỗi 10 năm, khả năng cảm vị giảm khoảng 5–15%, nhất là vị đắng và chua.

Rối loạn khứu giác

Khứu giác ảnh hưởng đến hơn 80% cảm nhận hương vị, nên khi mất khứu giác, nhiều người cảm thấy “không nếm được gì” dù vị giác vẫn còn.

Các rối loạn khứu giác thường gặp gồm:

  • Giảm khứu giác (hyposmia)
  • Mất khứu giác hoàn toàn (anosmia)
  • Loạn khứu giác (parosmia)

Khoảng 1–2% dân số bị anosmia hoàn toàn, còn hyposmia chiếm 13–18% ở người trưởng thành. Trong đó, một trong số các nguyên nhân mắc bệnh đường hô hấp phổ biến nhất là COVID 19. Khoảng 85–90% bệnh nhân COVID-19 từng mất khứu giác, và 10% vẫn còn sau 6 tháng.

Mất khả năng ngửi cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác của người bệnh

Mất khả năng ngửi cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác của người bệnh

Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác

Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra tình trạng mất khả năng cảm nhận mùi vị tạm thời như bệnh lý thần kinh, bệnh nhiễm trùng tai mũi họng, bệnh tự miễn,...

Cụ thể, các bệnh thần kinh như Parkinson, Alzheimer hay đa xơ cứng đều liên quan đến suy giảm vị giác. 90% người bệnh Parkinson và 70% Alzheimer giai đoạn tiến triển gặp vấn đề này, thậm chí ngay từ sớm.

Rối loạn tự miễn như hội chứng Sjögren và lupus ban đỏ hệ thống có thể khiến tuyến nước bọt hoạt động kém, gây khô miệng và giảm khả năng cảm nhận vị.

Đái tháo đường và suy giáp cũng ảnh hưởng đến vị giác. Khoảng 40% bệnh nhân tiểu đường type 2 bị giảm khả năng nếm ngọt điều này gây khó khăn trong kiểm soát đường huyết.

Người bệnh gan, thận giai đoạn cuối thường có vị kim loại hoặc ammonia trong miệng. Có đến 50–70% bệnh nhân suy thận mạn gặp tình trạng này.

Chứng mất vị giác hoàn toàn (Ageusia)

Ageusia là tình trạng người bệnh hoàn toàn khả năng nếm tất cả các vị cơ bản (ngọt, mặn, chua, đắng, umami), thuộc nhóm bệnh nặng nhất trong các rối loạn vị giác.

Tình trạng này chỉ chiếm khoảng 3% tổng số ca rối loạn vị giác, thường do tổn thương dây thần kinh vị giác (VII, IX, X) hoặc các vùng não xử lý vị giác. Nguyên nhân có thể do chấn thương đầu, phẫu thuật vùng đầu – cổ hoặc bệnh thần kinh tiến triển. 

Xạ trị vùng đầu-cổ cũng là nguyên nhân phổ biến. 66–85% người trải qua xạ trị vùng này cũng có biểu hiện không cảm nhận tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Mặc dù hiếm gặp nhưng nếu bệnh nhân mắc Ageusia thì họ hầu như không cảm nhận được hương vị gì 

Mặc dù hiếm gặp nhưng nếu bệnh nhân mắc Ageusia thì họ hầu như không cảm nhận được hương vị gì 

Tác dụng phụ của thuốc (kháng sinh, thuốc điều trị ung thư)

Trên thực tế lâm sàng, có hơn 250 loại thuốc được ghi nhận là có thể ảnh hưởng đến vị giác. Chúng có thể là các loại thuốc thường gặp như:

  • Kháng sinh nhóm macrolide (như azithromycin, clarithromycin) và fluoroquinolone (như ciprofloxacin, levofloxacin): khoảng 3-5% người dùng có thể cảm thấy vị kim loại hoặc đắng trong miệng. Cảm giác này thường biến mất sau khi ngưng thuốc.
  • Thuốc hóa trị: người bệnh bị ảnh hưởng do thuốc tác động đến tất cả các tế bào trong cơ thể, kể cả tế bào vị giác. Điều này lý giải khoảng 60-75% bệnh nhân ung thư đang hóa trị gặp tình trạng thay đổi vị giác, từ “ăn gì cũng nhạt” đến cảm giác khó chịu khi ăn.
  • Ngoài ra, thuốc điều trị rối loạn tâm thần, Parkinson, thuốc chống co giật… cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác.

Người bệnh đang hoá trị dễ bị mất vị giác

Người bệnh đang hoá trị dễ bị mất vị giác

Cách chẩn đoán tình trạng mất vị giác

Để đánh giá chính xác bất thường vị giác ở người bệnh, bạn có thể cần thực hiện các chỉ định sau:

  • Test điện vị giác của Krarup: Bác sĩ sẽ sử dụng một dòng điện rất nhỏ (0-500 micro ampère) đặt nhẹ vào một bên lưỡi trong khoảng nửa đến một giây. Nếu bạn cảm nhận được vị chua kim loại thì đó là dấu hiệu tốt. Nhưng nếu dòng điện lên đến 300 micro ampère mà vẫn không có cảm giác gì thì khả năng cao là bạn đang bị mất cảm giác vị ở vùng đó.
  • Test hóa vị giác của Boorstein: Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ chấm lần lượt các dung dịch có vị ngọt, mặn, chua, đắng lên từng bên lưỡi của bạn để kiểm tra khả năng nhận biết vị. Mỗi lần thử xong, cần nghỉ khoảng 5 phút để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả của lần sau.

Phương pháp điều trị mất vị giác

Tùy theo nguyên nhân, phương pháp điều trị mất vị giác cho từng ca bệnh sẽ khác nhau. Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến như:

  • Điều trị bệnh lý nền (viêm xoang, viêm mũi…) bằng cách dùng kháng sinh kết hợp xịt mũi corticosteroid giúp cải thiện vị giác trong vòng 2-4 tuần cho đa số người bệnh.
  • Bổ sung vi chất nếu cơ thể thiếu nếu nguyên nhân mất vị giác đôi khi là do thiếu kẽm, vitamin A, B12…
  • Điều chỉnh liều lượng thuốc đang dùng: Nếu nguyên nhân do thuốc, bác sĩ có thể giảm liều hoặc đổi thuốc phù hợp hơn
  • Huấn luyện vị giác: Đây là phương pháp mới, giúp tái kích hoạt tế bào cảm nhận vị thông qua việc tiếp xúc thường xuyên với các vị cơ bản (ngọt – chua – mặn – đắng – umami) trong 3 - 6 tháng 
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch răng miệng mỗi ngày
  • Tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,...

Có thể nói, mất vị giác có thể đến từ nguyên nhân khác nhau như viêm xoang, COVID 19, tác dụng phụ từ thuốc,... Để đề phòng các rủi ro sức khoẻ có thể xảy ra và nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn không nên chủ quan mà nên thăm khám sức khoẻ để được hỗ trợ y tế kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

10

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

BS.CKI

MAI VĂN NGHĨA

Bác sĩ Tai mũi họng
19001806 Đặt lịch khám