Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ nên kiêng gì?

Bạch Dương

25-11-2020

goole news
16

Tiểu đường thai kỳ nên kiêng gì để có một quá trình mang thai an toàn, khỏe mạnh luôn là vấn đề mẹ bầu quan tâm. Bạn hãy đọc bài viết dưới đây để biết các thông tin cần thiết nhé.

Trong quá trình mang thai có khoảng 10% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ. Đây là một trong những bệnh lý nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến một loạt các biến chứng cho cả thai phụ và thai nhi. Với những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò then chốt với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Ngoài quan tâm đến những loại thực phẩm tốt cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thì việc người bệnh tiểu đường thai kỳ nên kiêng gì cũng góp phần kiểm soát lượng đường huyết tăng cao, ngăn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tiểu đường thai kỳ do đâu?

Tiểu đường thai kỳ là do kháng insulin

Tiểu đường thai kỳ là bệnh khá thường gặp ở phụ nữ mang thai

Một trong những chứng bệnh khá thường gặp ở phụ nữ mang thai đó là tiểu đường thai kỳ. Theo thống kê cứ 7 thai phụ lại có 1 người gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ. Các chuyên gia cho biết, người bị tiểu đường thai kỳ có thể mắc bệnh trước khi mang thai nhưng đến khi có thai bệnh mới diễn tiến nặng và được phát hiện. Ngoài ra, cũng có những trường hợp mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ trong quá trình mang thai. 

Khi người phụ nữ có thai, cơ thể sẽ có nhiều biến đổi, trong đó cũng ảnh hưởng đến cơ chế sử dụng insulin. Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra có chức năng chuyển hóa đường glucose trong máu thành năng lượng từ đó làm giảm chỉ số đường huyết trong cơ thể. 

Tuy nhiên, khi mang thai, các tế bào của cơ thể tự đồng đề kháng với insulin ở mức độ nhẹ để giữ nồng độ glucose trong máu cao hơn bình thường để cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn cho thai nhi. Nếu cơ thể của mẹ bầu trở nên quá đề kháng với insulin thì sẽ có quá nhiều đường lưu lại trong máu gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ. 

Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ, tiểu đường thai kỳ còn gây những nguy hiểm khó lường đến sự phát triển của thai nhi nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách.

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên, tiểu đường thai kỳ là một trong những bệnh lý nguy hiểm vì nó có thể dẫn đến trọng lượng khi sinh của thai nhi lớn và có thể gây ra nhiều sự cố trong quá trình sinh nở. Không chỉ vậy, khi chỉ số đường huyết tăng cao sẽ làm gia tăng một số nguy cơ sau cho thai phụ: 

  • Biến chứng tiền sản giật - sản giật
  • Nguy cơ thai to gây sang chấn đường sinh dục khi sinh, người mẹ có thể bị tổn thương trực tràng, sa bàng quang, sa sàn chậu. 
  • Băng huyết sau sinh
  • Thuyên tắc ối
  • Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 sau sinh. 

tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm đối với cả mẹ và bé

Tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm đối với cả mẹ và bé

Ngoài ra, tiểu đường thai kỳ còn gây ra nhiều biến chứng cho thai nhi như:

  • Trẻ bị suy hô hấp sau sinh
  • Em bé bị hạ đường huyết sau sinh
  • Trẻ bị vàng da 
  • Thai nhi to dễ gặp sang chấn trong quá trình sinh như kẹt vai, gãy xương đòn…
  • Trẻ bị tử vong chu sinh
  • Khi trẻ trường thành có nguy cơ béo phì và mắc đái tháo đường type 1. 

Chính vì lo ngại những tai biến sản khoa liên quan đến tiểu đường thai kỳ nên các bác sĩ khoa Sản sẽ kiểm tra bệnh tiểu đường khi mang thai từ 24 - 28 tuần của thai kỳ. Nếu mẹ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ tiểu đường thai kỳ nên kiêng gì và ăn gì. Kết hợp với các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ bầu sẽ được cung cấp một kế hoạch bữa ăn có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Thai phụ cần tuân thủ theo đúng kế hoạch bữa ăn này, ngay cả khi mẹ bầu cần phải uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ để kiểm soát lượng đường trong máu. 

Khi mẹ bầu hiểu rõ ăn gì để tránh tiểu đường thai kỳ thì lượng đường và cân nặng sẽ được kiểm soát tốt, cơ thể mẹ và bé yêu đều sẽ mạnh khỏe. 

Tiểu đường thai kỳ nên kiêng ăn gì?

Bên cạnh việc xác định những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, người bị tiểu đường thai kỳ cũng cần đặc biệt chú ý hạn chế hoặc loại bỏ khỏi những thực phẩm có thể làm tăng đường huyết trong bữa ăn hàng ngày. Cụ thể: 

Không ăn thực phẩm nhiều đường

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên kiêng gì? Không ăn thực phẩm nhiều đường

Mẹ bầu nên tránh hoặc hạn chế ăn bánh ngọt

Khi ăn những thực phẩm có đường sẽ khiến lượng đường trong máu tăng lên, đặc biệt là những loại thực phẩm được tinh luyện và chế biến. Một số loại thực phẩm có đường mẹ bầu nên tránh hoặc hạn chế càng nhiều càng tốt bao gồm: 

  • Bánh quy, bánh ngọt các loại
  • Kẹo, pudding, kem, chè
  • Nước ngọt, nước ép trái cây có thêm đường

Ăn ít tinh bột

Tinh bột có trong khoai tây không tốt cho người bị tiểu đường thai kỳ

Tinh bột có trong khoai tây không tốt cho người bị tiểu đường thai kỳ

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết trong các loại thực phẩm giàu tinh bột có chứa hàm lượng lớn carbohydrate. Khi ăn cơ thể sẽ giải phóng hormone để chuyển hóa chúng thành glucose từ đó khiến chỉ số đường huyết tăng nhanh chóng. 

Tuy nhiên, tinh bột là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính để duy trì hoạt động cho cơ thể nên phụ nữ mang thai không thể tránh tuyệt đối mà cần có biện pháp cắt giảm, ăn ít lượng tinh bột sao cho phù hợp với cơ thể. Một số loại thực phẩm giàu tinh bột cần cắt giảm trong chế độ ăn kiêng cho bà bầu bị tiểu đường là: 

  • Bánh mì trắng, thay vào đó mẹ bầu có thể ăn bánh mì đen, bánh mì nguyên cám 
  • Khoai tây, thay vào đó mẹ bầu có thể ăn khoai lang
  • Gạo trắng, mỳ trắng
  • Chất béo bão hòa có trong mỡ lợn, da động vật, phủ tạng động vật, kem tươi...

Các loại đường và carbohydrate ẩn

Có một số loại thực phẩm mặc dù không phải là nguồn cung cấp đường hoặc carbohydrate nhưng chúng vẫn có thể chứa mức độ không lành mạnh khiến lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao, cụ thể: 

  • Đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn
  • Các loại gia vị như tương ớt, tương cà, nước sốt cà chua…
  • Rượu
  • Ngoài ra, sữa và trái cây chứa đường tự nhiên cũng sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều nên mẹ bầu bị tiểu đường chỉ nên dùng ở mức độ vừa phải. 

Không nên lạm dụng nước dừa, nước mía

Bà bầu bị tiểu đường không nên uống nước mía

Bà bầu bị tiểu đường không nên uống nước mía

Các bác sĩ đã chỉ ra một tình trạng đó là rất nhiều mẹ bầu sau khi đi siêu âm được chẩn đoán nước ối đục liền về mua rất nhiều nước mía, nước dừa uống vô tội vạ với ý định làm trong ối mà không biết rằng việc làm này có thể chữa “lợn lành thành lợn què”, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. 

Vậy tiểu đường thai kỳ uống nước dừa được không? Khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, khi bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu hoàn toàn có thể uống được nước dừa nhưng chỉ nên uống vào các bữa ăn phụ và uống thập hợp lý đúng cách như sau: 

  • Tam cá nguyệt đầu tiên không nên uống nước dừa
  • Hạn chế uống nước dừa vào buổi tối
  • Không được uống quá nhiều nước dừa, chỉ nên uống 1 - 2 quả dừa mỗi ngày. 
  • Với mẹ bầu bị chứng huyết áp thấp hay từng bị suy nhược thì nên tham khảo lời tư vấn từ bác sĩ trước khi quyết định uống nước dừa. 

Còn nước mía dù chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe nhưng lại có hàm lượng đường và hàm lượng carbohydrate rất cao. Vì thế, tiểu đường thai kỳ uống nước mía được không thì câu trả lời là không các mẹ bầu nhé. Thay vào đó, mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ nên uống các loại đồ uống bổ dưỡng khác như nước cam, nước ép táo, nước ép ổi… để làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, giúp điều hòa chỉ số đường huyết của cơ thể. 

Hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn

Mẹ bầu nên hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn như pizza, khoai tây chiên...

Mẹ bầu nên hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn như pizza, khoai tây chiên...

Đồ ăn nhanh hay đồ ăn chế biến sẵn luôn là niềm yêu thích của nhiều người hiện nay. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là thai phụ bị tiểu đường nên nói lời chào tạm biệt với những món ăn nhanh như hamburger, khoai tây chiên, pizza, xúc xích… hay nước ngọt, đồ uống có ga để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi. 

Những loại thực phẩm này khá giàu carb nhưng lại nghèo dưỡng chất, thậm chí thiếu hẳn chất xơ. Chưa nói đến việc một số món ăn được tẩm ướp bằng phẩm màu hoặc các chất phụ gia không tốt cho sức khỏe gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi. 

Chế độ ăn như nào là tốt nhất cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ?

Ngoài việc hiểu biết tiểu đường thai kỳ nên kiêng gì thì chế độ ăn như nào là tốt nhất cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ là điều mà nhiều người cần quan tâm. Nếu không được quản lý và điều trị bệnh kịp thời, lượng đường trong máu cao có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé yêu trong bụng. 

Phụ nữ mang thai bị tiểu đường tránh bỏ bữa sáng

Phụ nữ mang thai tránh bỏ bữa, cần ăn bữa sáng nhiều chất xơ và giàu protein

Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên các mẹ bầu cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho riêng mình trong suốt quá trình mang thai, đặc biệt phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ thì càng cần tuân thủ đúng theo chế độ dinh dưỡng khoa học, cắt giảm đường trong mỗi bữa ăn hàng ngày, cụ thể:

  • Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nên ăn ít nhất 3 bữa ăn từ nhỏ đến trung bình và xen kẽ 2 đến 4 bữa ăn nhẹ trong ngày.
  • Phụ nữ mang thai tránh bỏ bữa, cần ăn bữa sáng nhiều chất xơ và giàu protein. 
  • Mẹ bầu bị tiểu đường cần hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm có chứa carbohydrate cùng một lúc.
  • Trong mỗi bữa ăn nên có sự kết hợp của các thực phẩm chứa carbohydrate với thực phẩm giàu protein hoặc chất béo lành mạnh. 
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng với thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp như: các loại rau giàu tinh bột gồm cà rốt, đậu Hà Lan; các loại trái cây ít đường tự nhiên như táo, bưởi, cam, lê, đào…; nên ăn đậu hũ, đậu xanh, đậu lăng, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt. Các thực phẩm này giúp giải phóng đường vào máu từ từ đồng thời giữ lượng đường trong máu ổn định. 

Những hoạt động nên kết hợp đồng thời với việc ăn uống

Vận động nhẹ nhàng

Yoga bầu là môn thể dục rất tốt đối với phụ nữ mang thai

Yoga bầu rất tốt cho phụ nữ mang thai bị tiểu đường

Các chuyên gia cho biết trong khi mang thai, vận động rất quan trọng. Khi mẹ bầu vận động đều đặn, hợp lý trong suốt thai kỳ sẽ giúp hạn chế tình trạng béo phì, duy trì cân nặng ổn định cả trước và sau sinh. Đồng thời, vận động thường xuyên còn giúp mẹ giảm nguy cơ mắc phải một số bệnh lý thường gặp trong thai kỳ như: tăng huyết áp, táo bón, tiểu đường, đau lưng… 

Các bài tập phù hợp cho phụ nữ mang thai là bơi lội, yoga hoặc đi bộ. Ngoài ra, làm các công việc nhà như nấu nướng, dọn dẹp, quét sân vườn, đi thang bộ… cũng là bài vận động vừa phải. Nếu có thể, bác sĩ khuyên các mẹ bầu nên dành ra 30 phút đi bộ sau khi ăn tối sẽ làm cho insulin hoạt động tích cực hơn, mang lại hiệu quả trong việc giữ ổn định lượng đường trong máu sau bữa ăn. Ngoài ra, sau khi tập thể dục các nội tiết tố được cơ thể tiết ra sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy sảng khoái, yêu đời và phòng tránh stress. 

Theo dõi cân nặng thường xuyên

mẹ bầu bị tiểu đường nên theo dõi cân nặng thường xuyên

Khi mang thai, mẹ bầu nên tập thói quen kiểm tra cân nặng mỗi ngày

Việc cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai là điều mà người phụ nữ nên làm. Bởi khi bị thừa cân, không chắc chắn bạn sẽ bị tiểu đường thai kỳ nhưng đây sẽ là yếu tố nguy cơ mắc bệnh hơn một người có cân nặng bình thường. Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, phụ nữ có chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn 30 có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ gấp 3 lần người có BMI nhỏ hơn 25. 

Với những trường hợp bị thừa cân, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thực hiện tầm soát đái tháo đường type 2 trước khi mang thai. Đồng thời nên giảm cân trước khi quyết định có em bé vì giảm cân khi đang có thai không được khuyến khích vì không an toàn cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi. 

Khi mang thai, mẹ bầu nên tập thói quen kiểm tra cân nặng mỗi ngày để xem cân nặng có tăng nhanh hay không. Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên kiêng khem quá dẫn đến cơ thể quá gầy, không đủ chất để nuôi thai nhi trong bụng. Trong những lần khám thai, mẹ bầu nên hỏi bác sĩ về tiêu chuẩn cân nặng hợp lý khi mang thai và tránh ăn quá nhiều để duy trì mức cân nặng hợp lý. 

Khi nào đến gặp bác sĩ

Khám thai định kỳ nên là một phần trong thói quen mang thai của mỗi mẹ bầu. Trong những lần kiểm tra này, bác sĩ sẽ theo dõi cân nặng của mẹ như một cách để đảm bảo mẹ đang tăng trưởng ở tốc độ thích hợp. Thai phụ nên tăng bao nhiêu cân khi mang thai sẽ phụ thuộc vào cân nặng của mẹ trước khi mang thai. 

Việc kiểm soát cân nặng và chế độ ăn uống lành mạnh, cũng như nắm được tiểu đường thai kỳ nên kiêng gì sẽ cho bạn một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.

Chị em nên lưu ý đi khám thai đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra sức khỏe của mẹ và bé thường xuyên. Để được vấn chi tiết hơn các vấn đề liên quan tới tiểu đường thai kỳ hay đặt lịch khám vui lòng liên hệ hotline 1900 1806.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

1,738

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám