Mẹo trị tưa lưỡi cho trẻ bằng rau ngót đơn giản, hiệu quả

Trần Hồng Nụ

27-01-2021

goole news
16

Bệnh tưa lưỡi hay còn gọi là nấm miệng là tình trạng xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù bệnh này không quá nguy hiểm nhưng do xuất hiện tại vùng miệng nên khiến trẻ đau đớn, khó chịu trong việc ăn uống, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần. 

Có rất nhiều bậc phụ huynh đã áp dụng mẹo trị tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng rau ngót ngay tại nhà khi bé gặp vấn đề này. Vậy cách làm này có mang lại hiệu quả không? Bài viết ngay sau đây sẽ giải đáp thắc mắc này cho quý vị độc giả.  

Tưa lưỡi ở trẻ là bệnh gì?

Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh là căn bệnh phổ biến và không nguy hiểm đến tính mạng trẻ

Hỉnh ảnh trẻ bị tưa lưỡi

Bệnh tưa lưỡi còn có tên gọi khác là nấm miệng. Trẻ bị mắc bệnh này thường xuất hiện các màng giả mạc màu trắng ở vị trí niêm mạc miệng, nhất là bề mặt trên của lưỡi.

Bệnh tưa lưỡi do nấm candida albicans gây ra và thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi bệnh mới khởi phát, lưỡi bé chỉ xuất hiện những chấm trắng trên bề mặt và lâu dần sẽ ăn sâu niêm mạc lưỡi, vòm họng, từ đó hình thành nên các mảng giả mạc trên diện rộng khó bóc và dễ chảy máu.

Vậy bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Đây là căn bệnh phổ biến và không nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Bên cạnh đó, nó cũng dễ dàng được điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và áp dụng đúng cách chữa. Tuy nhiên, ngoài những tổn thương ở miệng, khi bị tưa lưỡi, trẻ còn gặp khó khăn khi ăn, khi bú và dễ kích động và cáu bẳn. Đặc bệnh này có thể lây truyền từ con sang mẹ thông qua quá trình bú.

Nguyên nhân gây bệnh tưa lưỡi ở trẻ

Nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của em bé. Vì thế, khi thấy con trẻ bị bệnh nhiều ông bố bà mẹ không giấu được sự lo lắng, sốt ruột muốn tìm ra phương án điều trị bệnh mau khỏi cho con. 

Tuy nhiên, muốn triệt bệnh tận gốc thì cần phải hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh là gì, yếu tố nào khiến bệnh dễ phát sinh ở trẻ em, từ đó cha mẹ mới có cách phòng ngừa nguy cơ gây bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh. Dưới đây là 3 nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh nấm miệng ở trẻ:

Trẻ bị bệnh do nấm hoặc virus 

nấm Candida albicans – thủ phạm chính gây ra bệnh nấm lưỡi ở trẻ nhỏ

Nấm Candida albicans – thủ phạm chính gây ra bệnh nấm lưỡi ở trẻ nhỏ

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ sơ sinh bị nấm miệng đó là sự tấn công của virus hoặc nấm. Biểu hiện khi trẻ bị nấm miệng là toàn bộ bề mặt của lưỡi, niêm mạc miệng xuất hiện những mảng trắng. Kèm theo dấu hiệu đó là tình trạng trẻ thấy đau, nuốt khó khi ăn, thường xuyên quấy khóc, bỏ bú. 

Đặc biệt với tình trạng nấm miệng do virus là “thủ phạm” chính thì trong miệng trẻ còn xuất hiện những vết loét. Bé cũng xuất hiện một số hiện tượng khác như: hơi thở hôi, sốt cao… 

Khi bị bệnh trên lưỡi trẻ xuất hiện các mảng trẳng nên nhiều cha mẹ lầm tưởng đó chỉ là cặn sữa đông còn đọng lại nên thường chủ quan, không lau sạch miệng cho trẻ. 

Để giúp các bậc phụ huynh phân biệt cặn sữa với tình trạng nấm miệng, các chuyên gia đã đưa ra cách phân biệt như sau: khi trẻ ăn xong thông thường trong miệng hay xuất hiện các chấm nhỏ màu trắng dễ bong và trôi theo khi trẻ nuốt nước bọt và không khiến trẻ đau hay quấy khóc thì đó là cặn sữa.

Vì thế, cha mẹ cần lưu ý, theo dõi trẻ thường xuyên, khi có dấu hiệu bất thường nên đưa trẻ đi khám và điều trị cho con kịp thời. 

Cách chăm sóc bé chưa hợp lý

trẻ trong giai đoạn ăn dặm cũng có thể bị tưa lưỡi bởi do thức ăn quá cứng hoặc quá khô

Trẻ trong giai đoạn ăn dặm cũng có thể bị tưa lưỡi bởi do thức ăn quá cứng hoặc quá khô

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi gần như không thể tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân và phụ thuộc chính vào cha mẹ. Do đó, trường hợp trẻ sơ sinh bị nấm miệng cũng xuất phát từ nguyên nhân là do cha mẹ chăm sóc trẻ chưa đúng cách. Sau khi cho con bú hoặc ăn dặm, cha mẹ không vệ sinh miệng cho trẻ cẩn thận rất dễ khiến vi khuẩn sinh sôi khiến trẻ bị tưa lưỡi

Không chỉ vậy, trẻ trong giai đoạn ăn dặm cũng có thể bị tưa lưỡi bởi do mẹ chọn thức ăn không phù hợp với bé hoặc con phải ăn nhiều đồ cứng và quá khô. Vì thế, mẹ cần tìm hiểu và lựa chọn những thực phẩm phù hợp đúng độ tuổi và sở thích của trẻ. 

Do trẻ lây bệnh từ mẹ

Ngoài những nguyên nhân kể trên, các chuyên gia còn cho biết trẻ nhỏ có nguy cơ bị nấm lưỡi do lây bệnh từ người mẹ. Khi mẹ bị bệnh cho trẻ bú sữa thì nấm gây bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con. Vì thế, các mẹ bỉm nên lưu ý những vấn đề này, không chỉ chăm sóc cho con mà bản thân cũng phải khỏe mạnh thì mới hạn chế nguy cơ em bé bị mắc bệnh.  

Biểu hiện bé bị tưa lưỡi

Cha mẹ cần nắm được một số biểu hiện cơ bản khi bé bị tưa lưỡi để có thể xác định xem con có mắc bệnh nấm lưỡi hay không, từ đó phát hiện và điều trị sớm cho bé. 

Giai đoạn đầu khi bệnh mới hình thành

Khi bệnh mới hình thành sẽ xuất hiện nhiều chấm trắng ở đầu lưỡi của trẻ

Khi bệnh mới hình thành sẽ xuất hiện nhiều chấm trắng ở đầu lưỡi của trẻ

Khi bệnh mới hình thành, dấu hiệu phổ biến dễ nhìn thấy nhất đó là xuất hiện rất nhiều chấm trắng ở đầu lưỡi của trẻ. Các chấm trắng có hình tròn, kích thước tương đối nhỏ và lâu dần chúng phát triển càng nhiều. Sau một thời gian sinh sôi, cha mẹ sẽ thấy có một lớp trắng xóa bao phủ lên mặt trên của lưỡi, tạo thành những mảng trắng. 

Đi kèm với những dấu hiệu trên, trẻ còn có những biểu hiện khác thường đó là ăn uống kém hơn, thường xuyên bỏ bú, quấy và khóc nhiều. Tình trạng này xảy ra là do lớp màng trắng bao phủ toàn bộ bề mặt lưỡi, gắn chặt vào niêm mạc khi trẻ bị tưa lưỡi, khiến bé bị đau, khó nuốt, mất vị giác. 

Các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên cậy hoặc cạo lớp màng trắng đi bởi một phần chúng bám rất dai và chặt trên bề mặt lưỡi của trẻ, đồng thời hành động đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khiến lưỡi trẻ có nguy cơ bị chảy máu, thậm chí là bị viêm nhiễm làm bệnh ngày càng nặng thêm. 

Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều trị đúng và phù hợp nhất để không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của con nhỏ. 

Khi bệnh tiến triển nặng, nghiêm trọng

Bệnh nấm lưỡi tiến triển nặng sẽ khiến trẻ đau, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú

Bệnh nấm lưỡi tiến triển nặng sẽ khiến trẻ đau, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú

Tình trạng nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh sẽ biến chuyển nghiêm trọng hơn nếu như không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách. “Thủ phạm” gây bệnh có thể tấn công vào hệ hô hấp hoặc hệ tiêu hóa của trẻ hay xâm nhập vào các cơ quan khác nhau trong cơ thể để gây ra các biến chứng nguy hiểm khác. 

Khi bệnh lây lan tới hệ hô hấp qua các bộ phận như cổ họng, thực quản, khí quản trẻ có nguy cơ mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí là bệnh nấm phổi đe dọa trực tiếp tới tính mạng của trẻ nhỏ. 

Ngoài ra, nấm gây bệnh cũng tấn công vào hệ tiêu hóa của trẻ thông qua dạ dày, hậu quả khiến trẻ bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể mất nước rất nhiều. 

Mẹo tưa lưỡi cho trẻ bằng rau ngót đơn giản, hiệu quả

Điều trị tưa lưỡi bằng rau ngót là một trong những phương pháp dân gian được khá nhiều người áp dụng. Vậy tại sao loại lá này lại có thể điều trị bệnh này và cách thực hiện như thế nào?

Tác dụng của rau ngót

Rau ngót là loại cây thuộc họ Thầu dầu, có tên khoa học là Androgynus Merr. Theo y học cổ truyền, lá của cây này có vị ngọt, tính ôn, có công dụng lợi tiểu, thanh nhiệt cơ thể và bài tiết chất các độc ra bên ngoài. Đáng chú ý, rau ngót có khả năng diệt khuẩn, bổ máu, tái tạo các tế bào tổn thương trên da nhất là tình trạng lở loét, viêm nhiễm.

Về thành phần dinh dưỡng, Y học hiện đại cũng đã phát hiện ra rằng trong rau ngót chứa nhiều loại vitamin thiết yếu cùng các nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể người. Chúng bao gồm vitamin C, photpho, canxi, protein hay các acid amin,....

Như vậy với những đặc tính trên, rau ngót có đầy đủ những yếu tố để trở thành vị thuốc tự nhiên để làm sạch, tiêu viêm và sát trùng lưỡi và toàn bộ vùng miệng. Đáng chú ý, khi loại lá này kết hợp với mật ong - một dược liệu khác cũng mang đặc tính chống viêm thì hiệu quả trị tưa lưỡi cho bé cũng tăng lên gấp bội.

Các ba mẹ có thể áp dụng rau ngót để điều trị tưa lưỡi cho bé tại nhà

Các ba mẹ có thể áp dụng rau ngót để điều trị tưa lưỡi cho bé tại nhà

Cách làm

Dưới đây là cách tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà bằng rau ngót mà cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng. Cụ thể cách thực hiện như sau:

Chuẩn bị:

  • 1 nắm rau ngót tươi, sạch, không chứa chất bảo quản.
  • Nước sôi để nguội.
  • Vài miếng gạc rơ lưỡi.
  • Cối giã.

Cách thực hiện:

  • Rau ngót rửa sạch sau đó ngâm với nước muối loãng trong 15 phút rồi vớt ra, để ráo nước.
  • Giã nhuyễn rau ngót cùng một vài hạt muối trắng.
  • Chắt lấy phần nước cốt rau ngót để tưa lưỡi cho bé. Chú ý nếu dung dịch quá đặc bạn nên cho thêm một chút nước lọc để loãng ra cho dễ thực hiện.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi tưa lưỡi cho bé sau đó dùng gạc lưỡi đeo vào phần đầu ngón tay.
  • Nhúng ngón tay đeo gạc lưỡi vào bát nước cốt rau ngót đã chuẩn bị rồi thực hiện động tác kỳ cọ, chà xát. Chú ý thực hiện thao tác nhẹ nhàng, tập trung chà sạch những vùng đốm trắng trên lưỡi bé.
  • Mỗi ngày thực hiện tưa lưỡi bằng nước cốt rau ngót cho bé khoảng 3 đến 4 lần sau khi bé bú để đạt hiệu quả trị nấm tốt nhất.

Lưu ý khi trị tưa lưỡi cho trẻ bằng rau ngót

Rau ngót trị tưa lưỡi cho bé cần được rửa và ngâm trong nước muối loãng để làm sạch

Rau ngót trị tưa lưỡi cho bé cần được rửa và ngâm trong nước muối loãng để làm sạch

Trị tưa lưỡi cho trẻ bằng rau ngót là phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả mà bố mẹ nên thử áp dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng cách này, bạn cũng nên lưu ý:

  • Các ba mẹ nên sử dụng thêm nước muối sinh lý để rửa lưỡi cho bé. 
  • Không để tưa lưỡi rơi vào miệng của trẻ.
  • Không đưa ngón tay quá sâu vào trong miệng bé khi thực hiện các động tác làm sạch lưỡi, bởi điều này sẽ làm tổn thương họng của bé hay dẫn đến tình trạng nôn trớ.
  • Không kết hợp mật ong cùng rau ngót để đánh tưa lưỡi cho bé dưới 12 tháng tuổi. Bởi mặc dù loại dược liệu này có công dụng sát khuẩn nhưng trong thành phần của nó lại có chứa nhiều độc tố botulinum. Một cơ thể có hệ tiêu hóa yếu và sức đề kháng yếu có thể bị ngộ độc bởi hoạt chất này.
  • Không cạo tưa lưỡi của bé để tránh làm chảy máu, tổn thương lưỡi và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Biện pháp phòng ngừa tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Để phòng ngừa tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh và cả trẻ nhỏ, bố mẹ nên áp dụng một số biện pháp sau:

Biện pháp phòng ngừa đối với trẻ: 

  • Bố mẹ nên thường xuyên vệ sinh răng, miệng của trẻ nhất là sau bé bú hay ăn bằng nước muối sinh lý mỗi ngày.
  • Chú ý dùng khăn tắm, khăn mặt riêng cho bé và tuyệt đối không tùy tiện sử dụng chung.
  • Các đồ dùng, đồ chơi của bé nên được làm sạch, diệt khuẩn mỗi ngày hoặc mỗi khi cần bằng nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn cũng như các bào tử nấm.
  • Nếu trẻ đang bị mắc các bệnh lý có liên quan đến hệ miễn dịch thì phải có biện pháp khắc phục nhanh chóng để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm khi bị vi khuẩn, nấm ồ ạt tấn công.

Bố mẹ có thể phòng ngừa tưa lưỡi cho trẻ bằng cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày cho bé

Bố mẹ có thể phòng ngừa tưa lưỡi cho trẻ bằng cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày cho bé

Biện pháp phòng ngừa đối với mẹ:

  • Chú ý vệ sinh lại sạch sẽ vú trước và sau khi cho con ti.
  • Trong quá trình mang thai, nếu bạn bị nhiễm nấm âm đạo thì cần sớm có biện pháp điều trị để tránh lây nhiễm cho bé sau này.
  • Khám bác sĩ ngay nếu núm vú của bạn xuất hiện những dấu hiệu bất thường nghi ngờ do nấm.
  • Tuyệt đối không để người lạ hôn môi, hôn má bé.
  • Mặc quần áo sạch, nhất là đồ lót, áo ngực.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi cho bé ăn, bú hay khi thay tã cho bé.
  • Giữ gìn vệ sinh không gian sống sạch sẽ, tránh hiện tượng ẩm mốc trong nhà.

Bên cạnh cách tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng rau ngót thì các cha mẹ cũng nên cho bé thăm khám bác sĩ và áp dụng một số biện pháp khác khi bệnh tiến triển nặng hơn. Việc chủ động phòng ngừa bệnh này cũng là cách tốt giúp bảo vệ sự phát triển toàn diện của bé yêu.

Khi nào cần đưa bé bị tưa lưỡi đến gặp bác sĩ?

Ở giai đoạn bệnh mới hình thành, phụ huynh thường nhầm lẫn biểu hiện trẻ sơ sinh bị nấm miệng với cặn sữa nên có thể chủ quan, không phát hiện ra bệnh. Tuy nhiên, khi thấy những dấu hiệu của trẻ bị nấm lưỡi, mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ:

  • Xuất hiện các mảng trắng bám chắc, khó cạo bỏ trên lưỡi trẻ
  • Trẻ sơ sinh sốt không rõ nguyên nhân
  • Trẻ bỏ bú, quấy khóc không rõ nguyên nhân

Khi bé bị tưa lưỡi nặng và nghiêm trọng, những tổn thương có thể phát triển nhanh, lan xuống thực quản của trẻ khiến bé nuốt đau, nhai cũng đau. Điều này dẫn đến hiện tượng trẻ không chịu ăn, không chịu bú, quấy khóc và có thể sốt cao. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị tiêu chảy hoặc ho do nấm đã lây lan xuống đường tiêu hóa và hô hấp.

Lúc này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ can thiệp và điều trị bệnh kịp thời. 

Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh là một bệnh phổ biến không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng nếu để bệnh kéo dài, không can thiệp điều trị có thể ảnh hưởng đến quá trình ăn uống cũng như sự phát triển của trẻ. 

Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi, quan sát trẻ cẩn thận, phát hiện mọi bất thường ở trẻ để điều trị bệnh nhanh chóng và tuân thủ những lời khuyên của bác sĩ để hạn chế tối đa khả năng bệnh nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh tái phát lần nữa. 

Mọi thắc mắc quý phụ huynh vui lòng liên hệ hotline 1900 1806 để được giải đáp trực tiếp.  

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
11,855

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám