Nấm lưỡi là bệnh lý thường gặp trong khoang miệng, chủ yếu do sự tăng sinh quá mức của nấm Candida. Bệnh khởi phát khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch, niêm mạc lưỡi mất cân bằng độ pH, răng miệng không vệ sinh sạch sẽ,... Tìm hiểu thông tin liên quan, chủ động phòng ngừa là hướng khắc phục được chuyên gia khuyến nghị.
Nấm lưỡi là gì?
Nấm lưỡi là tình trạng vùng niêm mạc khoang miệng bị nhiễm nấm, đa phần do sự phát triển quá mức của nấm Candida. Loại nấm này luôn hiện diện bên trong khoang miệng con người nhưng với số lượng nhỏ, thường khó gây hại khi hệ miễn dịch hoạt động bình thường.

Nấm lưỡi là kết quả của sự phát triển quá mức của nấm Candida trong khoang miệng
Bệnh thường gặp ở nhóm trẻ sơ sinh hoặc nhóm trẻ dưới 1 tuổi, bợn trắng phủ lên bề mặt hoặc nuốt khó là những biểu hiện đặc trưng của bệnh. Nếu không can thiệp điều trị kịp thời và dứt điểm, về lâu dài nấm lưỡi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thông thường của trẻ.
Triệu chứng nhận biết
Ở giai đoạn đầu nấm lưỡi thường không khởi phát bất kỳ triệu chứng khó chịu nào lên cơ thể. Chỉ khi bệnh chuyển biến nặng, nhiễm trùng nghiêm trọng hơn sẽ gây ra:
- Trên lưỡi xuất hiện những mảng loang lổ màu trắng kem, có thể đổi màu sang vàng như phomai, xanh. Trường hợp xấu nấm Candida ăn sâu gây hoại tử, lưỡi sẽ chuyển sang màu đen.
- Lưỡi chảy máu, đặc biệt khi có chạm nhẹ hoặc mạnh.
- Nuốt nước bọt khó khăn, đau nhức, đau rát tăng lên khi ăn đồ cay nóng hoặc đồ cứng.
- Lưỡi thường xuyên có cảm giác khô, mất độ ẩm ướt thông thường.
Riêng với trẻ nhỏ, triệu chứng thường liên quan đến tình trạng:
- Quấy khóc liên tục, bỏ bú, ăn uống kém.
- Lưỡi xuất hiện các vết loang lổ màu đỏ.
- Trẻ bị nấm lưỡi khi bú có thể khiến núm vú của mẹ ngứa rát, sưng đỏ, bong da hoặc đau rát.

Hình ảnh so sánh lưỡi bình thường và lưỡi nhiễm nấm
Nguyên nhân gây bệnh
Khi hệ miễn dịch hoạt động bình thường, dù nấm Candida có mặt trong khoang miệng nhưng cũng khó phát triển gây hại. Song trong cơ thể hoặc tác nhân bên ngoài tác động có thể tạo điều kiện cho các tác nhân phát triển:
- Bệnh nhân đang thực hiện điều trị ung thư bằng liệu pháp xạ trị, hóa trị vô tình tiêu diệt cả những tế bào khỏe mạnh, gây các bệnh nhiễm trùng hoặc phát triển nấm lưỡi.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu do mắc bệnh bạch cầu hoặc HIV.
- Niêm mạc khoang họng mất cân bằng độ pH.
- Khoang miệng không được vệ sinh tốt.
- Bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát tốt ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, khiến lượng đường trong máu tăng cao, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển.

Nhóm nguyên nhân tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển
Yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Nấm lưỡi không phải bệnh lý hiếm gặp, có thể khởi phát ở mọi đối tượng song tập trung cao ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa, những nhóm khác được hoàn toàn loại trừ.
Dưới đây là thông tin chi tiết giúp bạn hiểu rõ hơn về các yếu tố tiềm ẩn, từ đó chủ động phòng ngừa:
- Trẻ vệ sinh răng miệng không đúng cách, mất vệ sinh.
- Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu.
- Cặn sữa bám trên lưỡi sau khi bú không được làm sạch, lâu ngày tạo thành lớp màng trắng phủ trên lưỡi.
- Lạm dụng quá mức các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia.
- Lây truyền trực tiếp khi quan hệ tình dục bằng đường miệng hoặc hôn.
Xem thêm: Tưa lưỡi trẻ em: 5 dấu hiệu nhận biết và 3 gợi ý chăm sóc tại nhà
Phương pháp chẩn đoán
Khi đến cơ sở y tế chuyên môn, bệnh nhân sẽ được bác sĩ khai thác về các triệu chứng đang gặp phải kết hợp với khám lâm sàng. Dựa vào những chẩn đoán ban đầu, một số xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được chỉ định:
- Nội soi họng hoặc cấy gạc họng nhằm chẩn đoán xác định có sự tồn tại, phát triển quá mức của nấm Candida hay không.
- Xét nghiệm máu xác định, truy vết nguyên nhân bệnh lý liên quan gây nấm lưỡi.
- Sinh thiết bằng cách lấy một phần nhỏ vết sưng ở lưỡi, đem quan sát dưới kính hiển vi.

Các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm phát hiện nấm Candida
Can thiệp điều trị nấm lưỡi
Nấm lưỡi tuy không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng cần được can thiệp điều trị kịp thời, tránh tối đa các nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe. Mỗi nhóm đối tượng (trẻ nhỏ, người lớn) sẽ có hướng xử lý khác nhau, tùy theo chỉ định y tế chuyên môn.
Điều trị nấm lưỡi ở trẻ nhỏ
Điều trị nấm lưỡi ở trẻ nhỏ đòi hỏi tính an toàn cao, tuyệt đối đảm bảo tiêu diệt triệt để nấm sinh sôi trong khoang miệng. Một số dung dịch chống nấm thường được kê đơn sử dụng cho trẻ nhỏ:
- Dung dịch Nystatin chứa chống kháng nấm, có thể dùng để rơ lưỡi hàng ngày cho trẻ (khoảng 4 lần/ngày). Thời gian dùng khuyến nghị tối thiểu trong 7 ngày, nên kéo dài thêm 2 ngày sau khi các mảng trắng hoàn toàn biến mất.
- Kem Miconazole cũng là một loại thuốc kháng nấm, có thể sử dụng điều trị cho trẻ nhỏ từ 4 tháng tuổi trở lên.

Hướng dẫn điều trị nấm lưỡi ở trẻ nhỏ
Điều trị nấm lưỡi ở người lớn
Điều trị nấm lưỡi ở người lớn được phân chia thành theo 2 thể:
- Nấm lưỡi nhẹ ưu tiên dùng thuốc súc miệng, xịt tại chỗ để chống nấm.
- Nấm lưỡi nặng hoặc không đáp ứng với thuốc điều trị tại chỗ, hướng dẫn dùng thuốc chống nấm toàn thân. Bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng thêm Nystatin, Miconazol, Fluconazol, Clotrimazol.
- Nhiễm nấm Candida nặng, bệnh nhân có thể sử dụng thêm thuốc amphotericin B.
Biện pháp chăm sóc sau điều trị
Sau điều trị nấm lưỡi, bệnh nhân cần có biện pháp chăm sóc và kế hoạch sinh hoạt lành mạnh, hỗ trợ hạn chế sự phát triển của tác nhân gây hại. Dưới đây là một số gợi ý từ chuyên gia:
Về dinh dưỡng
Bệnh nhân được xác định nhiễm nấm Candida ở lưỡi ưu tiên:
- Bổ sung nước cho cơ thể, nên uống hơn 2 lít nước/ngày.
- Bổ sung thực phẩm cân bằng dưỡng chất tốt cho sức khỏe như đạm, xơ, vitamin B, vitamin C có trong gan, thịt, trứng, rau xanh, nấm và hoa quả.

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong thời gian điều trị
Về sinh hoạt
Về chế độ sinh hoạt, người bệnh lưu ý:
- Tuân theo hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ về việc điều trị.
- Đều đặn hàng ngày sử dụng nước muối để súc miệng, làm sạch họng.
- Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress hoặc căng thẳng.
- Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường trong thời gian điều trị, cần thông báo nhanh với bác sĩ.
- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn để kịp thời theo dõi sức khỏe, tình trạng diễn tiến bệnh.
Hướng dẫn phòng ngừa
Nếu không muốn tốn thời gian, công sức điều trị nấm lưỡi bạn cần chủ động phòng ngừa bệnh. Một số gợi ý đơn giản mà bạn có thể thực hiện theo như:
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, tạo độ ẩm và sự cân bằng cho hệ niêm mạc lưỡi.
- Bỏ thói quen sử dụng thuốc lá, chất kích thích như bia, rượu,...
- Không dùng chung đồ cá nhân với bệnh nhân nhiễm nấm ở âm đạo, hậu môn, dương vật hoặc lưỡi.
Với trẻ nhỏ, phụ huynh cần đặc biệt chăm sóc kỹ lưỡng hơn:
- Luôn vệ sinh răng miệng, lưỡi sạch sẽ cho trẻ sau khi ăn hoặc bú sữa.
- Sử dụng gạc mềm và nước muối sinh lý để vệ sinh khoang miệng sau khi ăn.
- Cho trẻ uống nước đều đặn hàng ngày, đặc biệt sau khi ăn.
- Chú ý vệ sinh tiệt trùng bình sữa, núm vú ngay sau khi sử dụng.
- Không cho trẻ sử dụng chung bình sữa, núm vú giả hoặc khăn cá nhân.
- Ngoài vệ sinh khoang miệng sau khi ăn, trẻ uống thuốc xong cũng cần được lau sạch lưỡi để hạn chế tối đa nguy cơ sinh trưởng của nấm Candida.
Xem thêm: Mẹo trị tưa lưỡi cho trẻ bằng rau ngót đơn giản, hiệu quả

Biện pháp phòng ngừa sự phát triển quá mức của nấm Candida
Nấm lưỡi là bệnh lý khoang miệng thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể trực tiếp lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau. Khi được xác nhận nhiễm nấm Candida, bạn cần tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ về dùng thuốc và chế độ sinh hoạt, triệt tiêu hoàn toàn cơ hội sinh trưởng của nấm.