“Hãy đo huyết áp đúng và kiểm soát huyết áp tốt để sống khỏe” là chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp 17/5/2023 nhằm nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp, thúc đẩy các phương pháp đo huyết áp chính xác và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp để sống lâu hơn, sống khỏe hơn.
Tăng huyết áp - “Kẻ sát nhân thầm lặng”
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Bệnh tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm nhưng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh như nhồi máu cơ tim, suy tim, nhồi máu não, suy thận…
Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng, hiện nay Việt Nam có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp (Cứ 4 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc). Đáng báo động là trong số đó có tới trên 50% người bệnh chưa được phát hiện và trên 70% người bệnh chưa được điều trị hoặc điều trị chưa đúng cách.
Chính vì vậy, Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm 2023 lấy chủ đề “Hãy đo huyết áp đúng và kiểm soát huyết áp tốt để sống khỏe”, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động truyền thông, đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm 2023
Hướng dẫn quy trình đo huyết áp đúng
Theo Quyết định số 192/QĐ-BYT ngày 31/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế, quy trình đo huyết áp đúng thực hiện như sau:
- Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 –10 phút trước khi đo huyết áp.
- Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.
- Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
- Sử dụng huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế điện tử (loại đo ở cánh tay). Các thiết bị đo cần được kiểm chuẩn định kỳ. Bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
- Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên (pha I của Korotkoff) và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập (pha V của Korotkoff).
- Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
- Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
- Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
- Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp).
- Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương (ví dụ 125/82 mmHg) không làm tròn số quá hàng đơn vị và thông báo kết quả cho người được đo.
Cách đo huyết áp
Người bị bệnh tăng huyết áp bên cạnh tích cực thay đổi lối sống cần được theo dõi và quản lý bệnh lâu dài tại cơ sở y tế, tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ điều trị.
Xây dựng các lối sống lành mạnh để phòng ngừa tăng huyết áp
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả nhờ thực hiện lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe:
- Chế độ ăn hợp lý: Tăng cường ăn rau củ quả, ngũ cốc thô, nên dùng chất béo không bão hòa từ dầu bắp, dầu oliu, dầu đậu nành, dầu hướng dương; dùng muối dưới 6g NaCl/ngày; hạn chế các mỡ động vật bão hòa, thức ăn giàu Cholesterol, thức ăn chế biến sẵn và các chất kích thích (Rượu, bia, thuốc lá, cà phê…).
- Nếp sống lành mạnh: Nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày; giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, gây căng thẳng thần kinh.
- Luyện tập thể dục: Ít nhất 30 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần. Việc tăng cường vận động thể lực, chơi thể thao giúp giảm huyết huyết áp, giảm stress, giảm cân hoặc giữ cho cân nặng phù hợp.
- Đo huyết áp thường xuyên: Đây là cách đơn giản và hiệu quả để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp nếu được phát hiện sớm thì nhiều trường hợp có thể điều trị không dùng thuốc mà chỉ cần điều chỉnh lối sống hợp lý.
Vậy nên, mỗi người nên thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc đo huyết áp tại nhà để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
Đo huyết áp trong Gói khám sức khỏe tại BVĐK Phương Đông
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm 2023, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông có chương trình ưu đãi tới 45% Gói khám sức khỏe và Tầm soát ung thư giúp kiểm tra, chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp kịp thời. Vui lòng liên hệ đến Hotline 1900 1806 để được tư vấn thêm và đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa.