Người mắc bệnh tim mạch nên ăn và không nên ăn gì?

Dương Thị Trà My

24-06-2021

goole news
16

Chế độ dinh dưỡng là điều mà người mắc bệnh tim mạch cần đặc biệt lưu ý. Bởi nếu sử dụng thực phẩm không đúng cách có thể khiến bệnh trầm trọng hơn và để lại những hậu quả đáng tiếc. Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm người mắc bệnh tim mạch nên ăn và không nên ăn!

Bệnh tim mạch nên ăn gì và kiêng gì?

Bệnh tim mạch nên ăn gì và kiêng gì?

Mắc bệnh tim mạch nên ăn gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam. Chế độ ăn uống chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tim mạch. Vậy mắc bệnh tim mạch nên ăn gì?

Các loại trái cây

Trái cây luôn là thực phẩm được khuyến khích dành cho bệnh nhân tim mạch. Đặc điểm của chúng đó là ít năng lượng nhưng giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chính vì vậy chúng có thể hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người mắc bệnh tim mạch nên tăng cường bổ sung chuối, cam, quýt, dưa đỏ. Đây là những loại trái cây giàu kali – một khoáng chất có lợi cho sức khỏe, giúp hạ huyết áp, duy trì ổn định áp lực dòng máu trong cơ thể. Bên cạnh đó, những loại trái cây này còn giàu chất xơ giúp làm giảm hàm lượng cholesterol xấu (một trong những nguy cơ gây ra bệnh tim mạch). Việc ăn nhiều trái cây còn có thể giúp cắt giảm các thực phẩm có hàm lượng calo cao không có lợi cho sức khỏe như thịt, đồ ăn nhanh, phô mai.

Đậu nành là giải pháp tốt nhất

Đậu nành và các loại đậu là nguồn dồi dào đạm. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh đạm đậu nành có tác dụng trực tiếp làm giảm nồng độ cholesterol xấu và tăng nồng độ cholesterol tốt trong máu. Bên cạnh đó, đậu nành còn cho thấy hiệu quả trong việc làm giảm các nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch bởi chứa lượng lớn protein, vitamin, axit béo bão hòa omega -3 cùng nhiều khoáng chất giúp điều hòa nhịp tim, cân bằng huyết áp, duy trì đường huyết và hàm lượng cholesterol trong máu hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim.

Đậu nành tốt cho sức khỏe tim mạch

Đậu nành tốt cho sức khỏe tim mạch

Thực phẩm tốt cho người bệnh tim bằng ngũ cốc

Ngũ cốc không chỉ là thực phẩm có tác dụng làm đẹp mà còn là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện tình trạng tim mạch. Lượng dinh dưỡng dồi dào trong các loại ngũ cốc giúp giảm mỡ máu, điều hòa cholesterol, đồng thời chúng còn cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin B (B6, B9) giúp hạ nồng độ homocystein máu – nguyên nhân gây ra những cơn đau tim.

Các loại ngũ cốc bệnh nhân tim mạch nên bổ sung: ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì từ ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch…

Bệnh tim ăn các loại rau xanh

Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người Việt Nam. Rau xanh không chỉ giúp ngăn ngừa lão hóa, phòng ngừa nhiều bệnh mà còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Với lượng lớn chất chống oxy hóa, canxi, axit béo bão hòa, rau xanh giúp điều hòa hoạt động tim mạch, ngăn ngừa hình thành các mảng bám trong thành động mạch. Đặc biệt, một số loại rau còn dồi dào vitamin K giúp bảo vệ mạch máu, tác động tới quá trình đông máu ở bệnh nhân tim mạch.

Bên cạnh đó, rau xanh, trái cây và các loại ngũ cốc rất giàu chất xơ – thành phần có với rất nhiều tác động tốt với người bệnh tim. Chất xơ bao gồm chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan giúp giảm hấp thu chất béo, giảm nồng độ cholesterol trong máu và làm ổn định đường huyết nên có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh động mạch vành. Chất xơ không hòa tan giúp bệnh nhân cảm thấy no nhanh, hạn chế bổ sung calo từ đó giúp giảm tình trạng thừa cân, béo phì. 

Bệnh tim mạch nên ăn nhiều các loại rau xanh

Bệnh tim mạch nên ăn nhiều các loại rau xanh

Người bị tim mạch nên ăn Cá

Nguồn đạm trong cá rất có lợi cho sức khỏe tim mạch bởi chúng điều hòa lượng chất béo trong cơ thể, giảm đáng kể cholesterol nhờ lượng lớn axit béo bão hòa omega – 3. Ngoài ra, axit omega – 3 còn có tác dụng ngăn cản các kết dính tiểu cầu, từ đó ngăn ngừa nguy cơ đông máu gây tắc mạch nguy hiểm. Từ đó giúp giảm thiểu các thể bệnh về tim mạch như các cơn đau thắt ngực, vỡ mạch máu hay đau tim cấp tính... 

Uống trà tốt tim mạch

Một nghiên cứu trên 40.000 người ở Nhật đã cho thấy uống trà tốt cho sức khỏe tim mạch. Uống trà không chỉ làm giảm 25% nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim mà còn giảm 28% nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Nhờ các chất chống oxy hóa cực mạnh, trà giúp giảm đáng kể cholesterol xấu, bảo vệ hệ tim mạch, giảm nguy cơ tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ. Tuy nhiên bệnh nhân cần lưu ý sử dụng một cách hợp lý với lượng vừa phải.

Thực phẩm tốt là các loại nấm

Nấm là món ăn ưa thích của rất nhiều người hiện nay và đây cũng được biết đến là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Các loại nấm nhiều dưỡng chất như đạm, vitamin, khoáng chất, axit amin… giúp tăng cường miễn dịch, bồi bổ sức khỏe. Đặc biệt, nấm có cơ chế phối trộn hài hòa các hoạt chất đặc hữu giúp các chức năng trong cơ thể ổn định, triệt tiêu các nguy cơ gây bệnh. Hơn thế nữa, nấm còn chứa các thành phần hỗ trợ tim mạch hiệu quả như steroid, axit ganoderic, triterpenoid,… cải thiện hoạt động tim, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh tim mạch.

Nấm chứa nhiều hoạt chất hỗ trợ tim mạch hiệu quả

Nấm chứa nhiều hoạt chất hỗ trợ tim mạch hiệu quả

Người mắc bệnh tim nên kiêng gì?

Bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch, bệnh nhân cần lưu ý hạn chế những loại thực phẩm có ảnh hưởng tiêu cực đối với tim mạch.

Hạn chế muối và các thực phẩm giàu natri

Khi cơ thể nạp một lượng lớn natri vượt trên công suất lọc máu của thận sẽ làm gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả của tình trạng này là nước sẽ di chuyển vào bên trong lòng mạch theo áp lực thẩm thấu gây tăng thể tích máu. Vì vậy thực phẩm chứa lượng lớn natri có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó người mắc bệnh tim nên hạn chế các thực phẩm giàu natri như muối, đồ ăn mặn… Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi người cần ăn ít hơn 1.500mg natri mỗi ngày, vì vậy bên cạnh việc cắt giảm mắm, muối khi nấu nướng, bệnh nhân tim mạch cần hạn chế các loại đồ đóng hộp, đồ ăn sẵn.

Người bệnh tim mạch nên hạn chế muối và thực phẩm giàu natri

Người bệnh tim mạch nên hạn chế muối và thực phẩm giàu natri

Thực phẩm chứa nhiều chất béo

Việc hấp thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo có thể làm tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL – cholesterol xấu) trong máu. Đây là chất có thể gây ra các vấn đề về tim mạch nguy hiểm như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Vì vậy một trong những việc quan trọng giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu và làm giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành là hạn chế chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa.

Các loại thực phẩm nhiều chất béo mà người mắc bệnh tim mạch không nên ăn đó là: thịt gia súc, gia cầm, thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, sữa và các sản phẩm từ sữa, mỡ, dầu cọ, dầu dừa…

Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá

Rượu bia hay các loại đồ uống có cồn gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe như huyết áp, bệnh lý về gan, thận và đặc biệt là bệnh tim mạch. Chúng có chứa các chất kích thích ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống tim mạch, kích thích thần kinh tim, làm tăng nồng độ triglyceride, đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch…

Ngay tại thời điểm uống rượu, rượu có thể gây tăng nhịp tim và tăng huyết áp tạm thời. Việc sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên sẽ gây ra những cơn nhịp tim nhanh và tăng huyết áp do rượu. Tình trạng này kéo dài có thể làm cơ tim bị suy kết hợp với những cục máu đông hình thành khi ứ máu trong tim dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Bên cạnh đó, nghiện rượu bia có thể dẫn tới suy cơ tim, làm tim không thể thực hiện chức năng bơm máu một cách hiệu quả và có thể gây tử vong.

Bệnh nhân tim mạch cần hạn chế bia rượu và đồ uống có cồn

Bệnh nhân tim mạch cần hạn chế bia rượu và đồ uống có cồn

Bên cạnh bia rượu, thuốc lá chính là thứ mà bệnh nhân tim mạch cần phải kiêng cữ tuyệt đối. Thuốc lá có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đối với các bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch như thiếu máu cơ tim, thiếu máu não. Nếu không bỏ thuốc lá, bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim.

Việc tuân thủ chế độ ăn uống khoa học giúp bệnh tim mạch có những cải thiện tích cực, tuy nhiên bệnh nhân cũng cần kết hợp luyện tập thể dục thường xuyên để có thể chung sống hòa bình với bệnh tật. Tập thể dục vừa sức không chỉ giúp giảm hàm lượng cholesterol trong máu, đốt cháy năng lượng dư thừa mà còn giúp tim làm việc hiệu quả khi thiếu máu cơ tim.

Sau khi đọc bài viết trên đây, chắc hẳn Quý độc giả đã tìm ra lời giải cho câu hỏi “Người mắc bệnh tim mạch nên ăn và không nên ăn gì?”. Bạn hãy tự xây dựng cho mình thực đơn khoa học vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc cần tư vấn hoặc có nhu cầu thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hãy liên hệ ngay HOTLINE 19001806!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,906

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám