Nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị sỏi niệu quản

Kiều Liên

12-10-2020

goole news
16

Không ít người gặp phải phiền phức, thậm chí hao tổn sức khỏe, tài chính khi mắc sỏi niệu quản. Sỏi nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài, tuy nhiên sỏi có kích thước lớn hơn thì phải điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm. Vậy đâu là nguyên nhân gây sỏi niệu quản và cách phòng ngừa, điều trị như thế nào? Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.

Tại sao mắc sỏi niệu quản?

Nguyên nhân gây sỏi niệu quản hầu hết là do sỏi rơi từ trên thận xuống, sỏi hình thành tại niệu quản rất ít gặp chỉ trong một số điều kiện như hẹp, u hay có túi thừa niệu quản. Sỏi niệu quản và các sỏi đường tiết niệu nói chung (gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo) được hình thành trong điều kiện nồng độ các khoáng chất (canxi, oxalat, cystine) tăng cao, nước tiểu bị cô đặc và nồng độ chất chống kết tinh sỏi bị sụt giảm. 

sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản được hình thành từ các nguyên nhân sau:

Uống không đủ nước: Uống ít nước, cơ thể bị mất nhiều nước qua mồ hôi khiến nước tiểu bị cô đặc.

Chế độ ăn uống không khoa học: Chế độ ăn mất cân đối giữa thực phẩm giàu canxi hay oxalat, thừa đạm động vật ăn, ăn quá nhiều natri, lạm dụng các chất kích thích...

Người thừa cân, béo phì, kích thước vòng eo quá cỡ cũng có nguy cơ mắc sỏi niệu quản cao.

Người có sẵn một số bệnh lý nền: bệnh tiêu chảy mạn tính, bệnh viêm dạ dày, viêm ruột, bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh viêm tiết niệu, bệnh nhiễm toan ống thận, bệnh cường giáp,...

Một số nguyên nhân khác: Tiền sử gia đình bệnh sỏi hoặc một số bất thường trong đường tiết niệu như sẹo niệu quản, hẹp niệu quản,... cũng là lý do gây nên sỏi niệu quản.

Một số cách phòng ngừa sỏi niệu quản hiệu quả

Uống nhiều nước: Uống nhiều nước sẽ làm tăng thể tích nước tiểu, giảm nồng độ các chất tạo sỏi như canxi, acid uric, oxalat… Từ đó giúp làm giảm tình trạng lắng cặn và ngăn ngừa hình thành sỏi thận, sỏi niệu quản. Mỗi ngày, bạn nên uống tối thiểu 2,5 lít nước (tương đương 8 – 10 ly nước), chia thành nhiều lần uống. Thay vì chỉ dùng nước lọc, bạn có thể thay thế một phần bằng nước ép hoa quả (cam, chanh, bưởi, việt quất…), nước ép cần tây, nước canh…

Bổ sung trái cây, rau xanh: Bổ sung đủ chất xơ, vitamin từ các loại rau xanh, trái cây tươi như cam, chanh, quýt, bưởi,…Trái cây tươi, rau xanh là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ thiết yếu cho cơ thể. Nguồn thực phẩm này còn giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, ngăn ngừa các bệnh lý làm tăng nguy cơ tạo sỏi như viêm ruột, táo bón, bệnh dạ dày… Lượng rau xanh bạn cần bổ sung mỗi ngày là khoảng 400mg từ bắp cải, ớt chuông, bầu, súp lơ… và trái cây tốt nhất cho người bệnh sỏi niệu quản là dưa hấu, lê, táo, xoài và trái cây chứa nhiều citrate tự nhiên như cam, quýt, bưởi, chanh…

Cân đối hai nhóm thực phẩm chứa canxi và oxalat: nên kết hợp trong cùng một bữa ăn, tránh ăn quá nhiều oxalat một lúc để đảm bảo đủ dưỡng chất cho cơ thể và không làm tăng nguy cơ tạo sỏi. Thực phẩm giàu oxalat có trong củ cải đường, đậu bắp, khoai tây, khoai lang, củ đại hoàng, sô cô la, rau bina, rau dền, trà đặc,…

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên bổ sung đủ 800 – 1200mg canxi từ các thực phẩm như trứng, sữa, phô mai, các loại rau xanh đậm, hải sản… Để hấp thu tối đa canxi, bạn nên kết hợp ăn cùng các thực phẩm giàu vitamin D như yến mạch, nấm, sữa chua, cá… Chú ý, canxi dạng viên uống chỉ được bổ sung khi có đơn kê của bác sỹ.

sỏi niệu quản

Ăn nhạt, giảm lượng muối: Theo khuyến cáo của các chuyên gia tiết niệu, lượng muối ăn mỗi ngày cần được giới hạn dưới 2,3g (tương đương 1 thìa cà phê). Ăn quá nhiều muối sẽ gây tích nước, ức chế tái hấp thu canxi ở thận và làm gia tăng nồng độ canxi tự do trong nước tiểu, tạo điều kiện để sỏi hình thành. Chú ý natri trong muối ăn còn có một số tên khác như natri nitrat, isodium phosphat, natri bicarbonate…

Giảm đạm động vật. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn nhiều chất đạm sẽ làm giảm nồng độ citrate - một chất ức chế kết tinh tạo sỏi. Ngoài ra, hoạt chất purin có trong nội tạng động vật, các loại thịt đỏ, động vật có vỏ (ngao, sò, hàu…) cũng làm tăng nồng độ acid uric trong nước tiểu khiến các khoáng chất khó hòa tan hơn do nước tiểu bị acid hóa. Chính vì vậy, người bình thường nên giảm lượng đạm động vật trong ngày (tối đa 150 gam thịt/ngày) và người bị sỏi niệu quản không nên ăn quá 150 gam thịt mỗi ngày.

Hạn chế vitamin C liều cao: Bổ sung vitamin C liều cao, dài ngày sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản bởi vitamin C có thể chuyển hóa và làm tăng nồng độ oxalat trong nước tiểu. Tốt nhất không tự ý sử dụng vitamin C liều cao (trên 1000mg).

Hạn chế đường đồ uống có gas và thực phẩm chế biến sẵn: Nước giải khát có gas (chứa nhiều acid phosphoric), đường tinh chế và chất béo bão hòa có trong thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo ngọt làm tăng nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản. Do đó bạn cần hạn chế những thực phẩm này trong khẩu phần ăn hàng ngày.   

Tránh lạm dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá: Các đồ uống có cồn như rượu, bia… làm tăng chuyển hóa, ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận khiến cơ thể dễ bị mất nước. Sử dụng nhiều cà phê hay hút nhiều thuốc lá cũng khiến thận phải làm việc nhiều hơn, những yếu tố này đều làm tăng nguy cơ tạo sỏi tiết niệu.

Tích cực vận động: Không ngồi quá lâu một tư thế, thường xuyên tập luyện thể dục, kiểm soát tốt cân nặng cũng là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa sỏi niệu quản - sỏi tiết niệu

Khám sức khỏe định kỳ: Việc khám sức khỏe định kỳ 3 – 6 tháng/lần giúp phát hiện và điều trị kịp thời sỏi niệu quản (nếu có). Đây là biện pháp tốt nhất chủ động phòng ngừa các loại bệnh nói chung và bệnh sỏi niệu quản nói riêng.

Cách điều trị sỏi niệu quản

Sỏi nhỏ có thể điều trị nội khoa (dùng các loại thuốc)

Khi sỏi niệu quản kích thước quá lớn, sỏi gây ứ nước, giãn đài bể thận nhưng không đáp ứng với điều trị nội khoa, sỏi tiềm ẩn nguy cơ biến chứng tắc nghẽn tiết niệu, viêm tiết niệu, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật can thiệp, điều trị sỏi niệu quản:

Tán sỏi ngoài cơ thể (tán sỏi bằng sóng xung kích ESWL): áp dụng với sỏi dưới 20mm, vị trí ở sát thận. Viên sỏi được tán thành vụn nhỏ nhờ sóng xung kích có tần số lớn. Tán sỏi nội soi ngược dòng: luồn một ống nội soi từ niệu đạo, qua bàng quang lên đến niệu quản và sử dụng năng lượng laser để phá hủy thành những vụn nhỏ rồi hút ra ngoài. Tuy nhiên, phẫu thuật này không áp dụng khi người bệnh bị hẹp niệu quản và cần lưu ý biến chứng chảy máu, rách niệu quản,…

Tán sỏi qua da: sau khi gây mê toàn thân, một đường hầm nhỏ được mở qua da và luồn thiết bị vào để phá vỡ sỏi. Phương pháp này là một bước đột phá trong phẫu thuật ngoại khoa điều trị thay thế mổ mở.

Tán sỏi bằng laser: Trước tiên, ống soi niệu quản được đưa từ niệu đạo vào bàng quang, phẫu thuật viên quan sát hình ảnh trên màn hình nội soi, xác định lỗ niệu quản bên có sỏi và luồn dây dẫn đường lên niệu quản. Ống soi sau đó được đưa lên niệu quản theo dây dẫn đường để tiếp cận tới viên sỏi. Khi phẫu thuật viên quan sát được sỏi trên màn hình nội soi, sỏi sẽ được tán vụn bằng năng lượng laser (dây laser được đưa vào để tán sỏi qua một đường ống rỗng bên trong ống soi niệu quản). Sau khi sỏi đã vỡ vụn, các mảnh sỏi được đưa ra ngoài.

tán sỏiTán sỏi bằng laser tại BVĐK Phương Đông

Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: sau khi gây mê toàn thân, ba đường hầm nhỏ được đưa vào vùng hông – lưng, mở niệu quản rồi gắp viên sỏi ra ngoài. Thời gian nằm viện khoảng 3 – 4 ngày.

Mổ mở lấy sỏi niệu quản: áp dụng khi viên sỏi quá lớn, bị mắc kẹt trong các đoạn hẹp niệu quản. Thời gian hồi phục tương đối lâu.

Để đặt lịch tư vấn, thăm khám và điều trị sỏi niệu quản - tiết niệu với các bác sĩ tiết niệu giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline miễn phí: 19001806 hoặc TẠI ĐÂY.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
4,182

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám