Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?

Nguyễn Thu Hà

30-03-2021

goole news
16

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng trẻ và thường có kèm theo viêm màng não mủ. Bệnh có thể xảy ra trước, trong và sau khi sinh. 

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 90 ngày tuổi. Trẻ mới sinh dễ nhiễm trùng vì trong lúc sinh nếu không thực hiện đỡ đẻ sạch (bàn tay người đỡ sạch, dụng cụ sạch, nơi đẻ sạch…) thì vi trùng đi qua da, dây rốn và vào máu, lan tràn khắp cơ thể, trong đó có não, gây viêm não - màng não, rất dễ để lại di chứng kể cả khi được điều trị tích cực. Triệu chứng khởi phát sớm thường xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ sau sinh. Nếu khởi phát muộn, các dấu hiệu của bệnh chậm nhất sẽ xảy ra sau 3 tháng. 

Theo số liệu thống kê, trong năm 2011, trên toàn thế giới có 360.346 trẻ sơ sinh chết vì nhiễm trùng máu và các bệnh nhiễm trùng khác. Do đó, có thể thấy đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, việc trang bị những kiến thức về bệnh là điều cần thiết để bảo vệ trẻ trong những ngày tháng đầu đời.

Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng máu 

Nhiễm trùng máu có thể xảy ra với bất kỳ trẻ sơ sinh nào, có thể xuất hiện trước, trong và sau khi sinh. Nguyên nhân của nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh thường do các loại vi khuẩn như: Escherichia coli (E coli), Listeria, Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) và một số chủng liên cầu, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) gây ra. Đa số các trường hợp nhiễm bệnh phải được điều trị tích cực, nguy hiểm nhất là sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh chia làm hai nhóm lớn với các khả năng gây bệnh khác nhau:

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh khởi phát sớm (trong vòng 48 giờ đầu đời)

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ xảy ra nhiễm trùng máu ở bé trai và bé gái là bằng nhau và có nguy cơ tử vong rất cao, từ 10 -30%. Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh khởi phát sớm thường biểu hiện là viêm phổi hoặc có bằng chứng của nhiễm trùng máu.

Trẻ mắc nhiễm trùng máu vào thời điểm này là do các yếu tố trong chu trình sinh sản của người mẹ như vỡ ối sớm, sinh non, người mẹ mắc phải một số loại virus như rubella, herpes, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B. Thỉnh thoảng, trẻ cũng bị nhiễm trùng huyết lan truyền từ nội bào, xảy ra với tác nhân Listeria. 

Nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh khởi phát muộn (sau 48 giờ đầu tiên)

Với tình trạng nhiễm trùng máu khởi phát muộn, nhóm trẻ sơ sinh có cân nặng lúc sinh dưới 1kg là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tỷ lệ tử vong vào khoảng 5%. Bệnh xảy ra chủ yếu trong thời gian bé nằm viện sau sinh hoặc sau khi về với gia đình. 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh là do Staphylococcus và Staphylococcus aureus chiếm hơn 70% các trường hợp. Còn 10 - 15% các trường hợp còn lại là do vi khuẩn gram âm. Nấm Candida cũng là một mầm bệnh quan trọng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh cực kỳ nhẹ cân.

Các yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh khởi phát muộn là do thiết bị, dụng cụ y tế hay vật dụng dùng cho trẻ bị nhiễm bẩn; không rửa sạch tay trước lúc tiếp xúc với bé; để bé ở môi trường không hợp vệ sinh. Hay sử dụng ống thông tĩnh mạch trong thời gian dài, trên 10 ngày khi trẻ nằm viện. 

Triệu chứng trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu

triệu chứng trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu

Theo các chuyên gia, tùy thuộc vào từng loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé mà các biểu hiện của bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh có thể thay đổi khác nhau. 

Với trẻ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B sẽ xuất hiện những biểu hiện của bệnh viêm phổi, viêm màng não như ngừng thở, hạ huyết áp.... Tình trạng này thường biểu hiện ở xương và da, phổ biến nhất là tình trạng viêm da nhiễm trùng. 

Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng máu ở trẻ có thể rất đa dạng và dễ bị “nhận nhầm” với nhiều căn bệnh khác. Để phát hiện nhiễm khuẩn huyết sớm và kịp thời, phụ huynh cần chú ý đến những triệu chứng không bình thường ở trẻ sơ sinh như: 

- Trẻ sốt cao trên 38 độ hoặc nhiệt độ cơ thể xuống thấp hơn 35 độ.

- Cơ thể trẻ chuyển màu xanh tím, rối loạn nhịp thở, thở rên, thở nhanh trên 60 lần/phút kèm theo co kéo, đôi lúc ngừng thở trên 15 giây. 

- Trẻ bỏ bú, bú kém, trướng bụng, nôn ói, tiêu chảy, không có sức ăn, thậm chí uống sữa, dịch dạ dày ứ trên ⅔ số lượng sữa bơm cữ trước. 

- Da vàng hoặc có vẻ tím tái, xanh xao, phát ban, xuất huyết

- Trẻ bị sụt cân không rõ nguyên nhân, rối loạn điều hòa thân nhiệt

- Trẻ có phản ứng chậm, khóc yếu

- Buồn ngủ hoặc ngủ li bì

Xét nghiệm và chẩn đoán

nguyên nhân nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Cần cho trẻ sơ sinh đến bệnh viện khi xuất hiện những triệu chứng bất thường

Để chẩn đoán nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh, nhất là trong các trường hợp biểu hiện quá mơ hồ, việc xét nghiệm là vô cùng cần thiết để xác định nguyên nhân gây ra bệnh. Hơn thế nữa, đây còn là các thông số quan trọng giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng quát của trẻ sơ sinh. Những xét nghiệm cho trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu bao gồm: 

- Huyết đồ

- Khí máu

- Nồng độ điện giải

- Đường huyết

- Các xét nghiệm xác chẩn nhiễm trùng như định lượng nồng độ Protein phản ứng C (CRP), procalcitonin; tổng phân tích tế bào máu (CBC).

Khi người mẹ có tiền sử bị nhiễm virus herpes, trẻ sẽ được tiến hành nuôi cấy da, phân và nước tiểu để tìm xem liệu virus này có bị truyền từ mẹ sang bé hay không. Nếu trẻ có triệu chứng của nhiễm trùng máu, có thể bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp chọc dò tủy sống để xem xét loại vi khuẩn nào gây ra bệnh. Ngoài ra, khi bé bị ho hoặc khó thở, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang ngực. 

Điều trị bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Hiện nay, để điều trị bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ kết hợp 2 liệu pháp là dùng kháng sinh và điều trị hỗ trợ. 

Liệu pháp kháng sinh

Nhiễm trùng máu có biểu hiện lâm sàng không rõ ràng, rất khó để nhận biết sớm mà hậu quả của nó ảnh hưởng rất nhanh chóng đến trẻ. Do đó, để tránh bệnh chuyển biến xấu hơn, trẻ cần được điều trị bằng kháng sinh ngay lập tức.

Để điều trị hiệu quả bệnh cho trẻ, các bác sĩ sẽ phối hợp 2-3 loại kháng sinh tùy theo bệnh cảnh lâm sàng hoặc dựa trên loại vi khuẩn mà trẻ bị nhiễm để sử dụng kháng sinh phù hợp theo kháng sinh đồ. Sau đó, bác sĩ sẽ tùy vào kết quả xét nghiệm và vị trí nhiễm trùng mà điều chỉnh kháng sinh phù hợp hơn.

Nếu trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm âm tính, thì có thể ngưng dùng kháng sinh trong vòng 48 giờ (72 giờ đối với trẻ sinh thiếu tháng).

Điều trị hỗ trợ

Ngoài việc điều trị bằng kháng sinh, trong trường hợp bệnh trở nặng, trẻ cần được nhập viện và cải thiện khả năng hô hấp với máy thở, song song đó là thực hiện các phương pháp dưới đây:

- Chống suy hô hấp: Theo dõi và hỗ trợ hô hấp cho trẻ bằng cách cho trẻ thở máy hoặc nằm lồng oxy

- Nuôi dưỡng đầy đủ

- Theo dõi độ bão hòa oxy, nhịp tim và huyết áp

- Điều chỉnh các chất lỏng, chất điện giải, glucose và máu trong cơ thể trẻ

- Sốc nhiễm khuẩn là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh, do đó, thực hiện chống sốc nếu có.

- Nếu trẻ không bú được hoặc bú kém, hoặc cần phải thở oxy, trẻ sẽ được điều trị ở phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt (thở oxy, truyền dịch hoặc đặt ống thông dạ dày cho ăn,…).

Đặc biệt cần tiến hành xử trí cấp cứu nếu bệnh nhi có rối loạn tuần hoàn, rối loạn thân nhiệt, rối loạn hô hấp, rối loạn đông máu, co giật, viêm màng não mủ, đông máu nội mạch lan tỏa, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nước và chất điện giải...

Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

phòng ngừa bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Mẹ bầu cần chú ý giữ sức khỏe, nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ

Nhiễm trùng máu là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm và hậu quả nặng nề mà bệnh lý này gây ra là điều không tưởng. Vì vậy, không gì quan trọng hơn là công tác phòng ngừa, hạn chế rủi ro mắc phải. 

Để ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này ngay từ khi mang thai, mẹ bầu cần chú ý giữ sức khỏe, nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ. Thậm chí, tốt nhất là mọi sự chuẩn bị khởi đầu khi còn giai đoạn tiền sản với những kiến thức cần thiết, tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời, chị em cần khám thai định kỳ để đảm bảo thai phát triển tốt và không có nguy cơ nhiễm khuẩn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào đường máu.

Ngoài ra, để ngăn ngừa nhiễm trùng máu truyền từ mẹ sang con trong khi sinh mẹ nên chọn bệnh viện sạch sẽ để tiến hành sinh đẻ. Sinh con trong vòng 12 - 24 giờ kể từ khi vỡ ối. Đối với các mẹ sinh mổ nên được thực hiện trong vòng 4 - 6 giờ sau khi vỡ ối. Dụng cụ đỡ đẻ phải tiệt trùng, bàn tay người đỡ phải được rửa sạch và đi găng tay vô trùng. 

Trong vài tuần đầu sau khi sinh, bạn nên chú ý những biểu hiện bên ngoài của con để kịp thời phát hiện bệnh. Thông thường những biểu hiện bên ngoài của bệnh khiến bạn dễ nhầm lẫn với sự thay đổi môi trường sống từ bào thai ra bên ngoài. Phát hiện sớm sẽ giúp bé tránh được các nguy cơ gây bệnh.

Những ngày chăm sóc con sau đó, cần biết cách quan sát nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, mau chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nhiễm trùng máu và những xử trí muộn màng.

Trên đây là những chia sẻ về bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh. Có thể nói, nhiễm trùng máu sơ sinh là bệnh lý còn thường gặp, tỷ lệ tử vong cao hay di chứng nặng nề. Việc phát hiện sớm và có các biện pháp đề phòng từ giai đoạn bào thai là vô cùng cần thiết, giúp cho con có những ngày tháng đầu đời vững chắc nhất. Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là một trong những địa chỉ y tế uy tín hàng đầu trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở trẻ sơ sinh, trong đó có nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh. Nếu có bất cứ điều gì thắc mắc, hãy liên hệ ngay theo hotline 19001806 để được hỗ trợ.  

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

4,866

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám