Nói lắp: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thu Hiền

26-12-2023

goole news
16

Nói lắp hay nói cà lăm gây ảnh hưởng rất lớn đến giao tiếp hằng ngày, đặc biệt nó gây ra rào cản không nhỏ trong học tập và công việc. Tin vui là tật nói lắp hoàn toàn có thể được cải thiện nếu có sự hỗ trợ điều trị, luyện tập đúng cách từ chuyên gia.

Tình trạng nói lắp là gì

Đây là tình trạng rối loạn diễn đạt ngôn ngữ hay rối loạn nhịp điệu khi nói chuyện. Người nói gặp vấn đề trong việc đảm bảo liền mạch và trôi chảy câu cú trong giao tiếp như: bị kéo dài từ hay phát âm, bị lặp đi lặp lại một từ nhiều lần, lỗi phát âm lặp lại một âm tiết nguyên âm hay phụ âm, đôi khi người bệnh dừng lại đột ngột mà không thể nói hết câu theo ý muốn. Những người mắc bệnh nói lắp luôn biết rõ mình định nói điều gì song lại không thể truyền đạt thành một câu trôi chảy khi nói.

Nói lắp còn được định nghĩa là tình trạng gián đoạn không chủ ý trong giao tiếp. Người nói khó có thể diễn đạt lưu loát ngôn từ và suy nghĩ của mình gây trở ngại cho giao tiếp thông thường và người khác không thể hiểu hết ý của người này.

Triệu chứng nói lắp ở trẻ nhỏ trong giai đoạn tập nói không đáng lo ngạiTriệu chứng nói lắp ở trẻ nhỏ trong giai đoạn tập nói không đáng lo ngại

Có 4 dạng nói lắp phổ biến là:

  • Nói lắp một âm của âm tiết
  • Nói lặp lại từ
  • Nói lặp lại một đoạn hay một câu
  • Thêm hay bớt một từ ngẫu nhiên trong câu nói mà không có ý nghĩa

Nguyên nhân nào gây ra bệnh nói lắp ở người trưởng thành và trẻ em

Bệnh nói lắp được nghiên cứu và cho rằng có tính di truyền, có thể xảy ra bất kỳ lứa tuổi nào và thể hiện qua 4 nhóm nguyên nhân nói lắp cơ bản.

  • Nguyên nhân do quá trình phát triển, hoàn thiện về ngôn ngữ ở lứa tuổi trẻ em trong giai đoạn từ 3- 6 tuổi. Trong giai đoạn tập nói, trẻ em chưa có đủ vốn từ để diễn đạt ý muốn của mình với người khác, dẫn tới nói lắp. Bệnh nói lắp trong trường hợp này phần lớn sẽ tự hết sau một khoảng thời gian mà không cần can thiệp trị liệu, cụ thể là sau khi trẻ đã hoàn thiện giai đoạn tập nói.
  • Nguyên nhân do tổn thương hệ thần kinh chỉ đạo ngôn ngữ hoặc do các bệnh lý gây tổn thương não và hệ thống dẫn truyền hành động.
  • Nguyên nhân do di chứng của một số bệnh khác như: đột quỵ, bị chấn thương khu vực đầu, các khối u ở não hoặc các bệnh lý về thần kinh. Nếu bệnh nhân nói lắp rơi vào các nguyên nhân này thì được liệt vào trường hợp nghiêm trọng, vì thế thường cần can thiệp trị liệu ngôn ngữ sớm và trong thời gian khá dài. Kết quả trị liệu tùy vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của các bộ phận bị tổn thương.
  • Nguyên nhân nói cà lăm do áp lực tâm lý: thường là khi một người gặp sự cố bất ngờ, cú sốc lớn hay có sự sang chấn, thay đổi tâm lý mạnh mẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần. Loại tổn thương này rất cần có sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý, người thân, bạn bè hay bố mẹ ở bên.

Nói lắp không phải là chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng của con người nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Khi khả năng giao tiếp bị hạn chế thì người bệnh rất hay mặc cảm, thiếu tự tin, thu mình, ngại giao tiếp xã hội, gặp nhiều khó khăn trong công việc, giao tiếp và cuộc sống.

Nhận biết các triệu chứng của nói lắp

  • Người gặp khó khăn khi phải nói một từ mới, từ khó, một câu hay một đoạn văn.
  • Người nói lắp sẽ hay bị kéo dài một từ hay phát âm từ đó nhiều lần, nói mãi không thể rõ ràng.
  • Người nói lắp hay bị lặp lại từ, nguyên âm hay phụ âm.
  • Hiện tượng nói đứt quãng, ngập ngừng, không hết ý hết câu khi giao tiếp.
  • Thường lặp lại hay phát ra từ “ừm” “ờ” “à” nếu như đang loay hoay tìm cách nói một từ khó phát âm tiếp theo.
  • Bị căng cứng miệng khi nói, khuôn mặt trở nên căng thẳng, không thoải mái.
  • Thường rụt rè, lo lắng khi đang nói chuyện.
  • Hạn chế chủ động giao tiếp hoặc thường nói câu từ ngắn cụt lủn, không nói dài.

Những bệnh nhân mắc nói lắp có thể kèm theo biểu hiện cơ thể như:

- Chớp mắt hay nháy mắt liên tục.

- Mấp máy môi nhiều hoặc rung hàm.

- Giật giật má, co cơ mặt.

- Co giật phần cổ, phần đầu.

- Bàn nay nắm chặt, co hay cử động ngón tay vô thức.

Tình trạng nói lắp có thể nặng hơn trong tình trạng quá phấn khích, quá vui, hay quá áp lực, mệt mỏi. 

Tuy nhiên, đa số người nói lắp có thể nói một cách trôi chảy khi tự nói chuyện với bản thân mình hoặc cùng nói hay hát với một người khác.

Đối tượng nào có nguy cơ bị nói lắp

Bệnh nói lắp có thể xảy ra ở bất cứ người nào từ người già đến trẻ em, ở cả nam và nữ. Đối tượng trẻ em nói lắp hay gặp nhất là trẻ em từ 2 đến 5 tuổi, đang trong giai đoạn tập nói. Các bé trai thường hay nói lắp hơn các bé gái.

Nam giới thường dễ mắc phải nói lắp hơn phụ nữ. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nói lắp là:

  • Trẻ em chậm phát triển, chậm nói, gặp vấn đề bẩm sinh về ngôn ngữ.
  • Gia đình có người nói lắp thì trẻ em dễ bị di truyền hoặc bắt chước theo.
  • Người hay căng thẳng, áp lực và nhiều nỗi lo lắng.

Đàn ông dễ bị mắc chứng nói lắp hơn phụ nữĐàn ông dễ bị mắc chứng nói lắp hơn phụ nữ

Nói lắp gây khó khăn gì cho người bệnh nếu không thể cải thiện

Bệnh nói lắp khiến cho người bệnh khó khăn trong trình bày nội dung muốn truyền đạt. Dù người nói có thể nói hết câu thì cũng khó mà nói hay và trôi chảy như người khác. Điều đó là điểm yếu rất lớn khiến người nói lắp gặp khó khăn hơn trong cuộc sống và công việc, có thể vì nó mà đánh mất đi nhiều cơ hội tốt.

Bệnh nói lắp luôn khiến người bệnh tự ti, mất tự tin về bản thân, có xu hướng co mình và khéo mình với xã hội. Thường bệnh nhân bị tâm lý không dám nói vì sợ chứng nói lắp của mình sẽ làm trò hề cho người khác, từ đó có thể dẫn đến nhiều bệnh về tâm lý khác.

Các vấn đề tâm lý mà người nói lắp có thể gặp phải:

- Khó khăn khi giao tiếp nói chung.

- Không thích chỗ đông người hoặc từ chối kết nối với người khác.

- Bỏ lỡ các hoạt động ngoài xã hội, ở trường hay ở nơi làm việc.

- Bị bắt nạt, kỳ thị, xa lánh bởi một nhóm người nào đó.

- Thiếu tự tin, khép mình, ít cởi mở với thế giới bên ngoài.

- Mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ, rối loạn tăng động, rối loạn cảm xúc....

Cách thức chẩn đoán bệnh nói lắp

Bệnh này rất dễ chẩn đoán thông qua các biểu hiện lâm sàng và quan sát trực quan. Có nhiều cách khác nhau để chẩn đoán về chứng nói lắp như:

  • Chẩn đoán bằng cách cho trẻ/ người bệnh đọc to thử một đoạn văn.
  • Người lớn quay phim ghi lại lúc trẻ nói chuyện hay vui chơi, giao tiếp với người khác.
  • Thực hiện lượng giá ở người trưởng thành đang có chứng nói lắp. Cách chẩn đoán này có thể xác định được mức độ nặng nhẹ của bệnh nói lắp và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. Chuyên viên âm ngữ kiểm tra người bệnh bằng cách đặt câu hỏi liên quan tới bệnh, tạo một cuộc nói chuyện tự nhiên với người bệnh để đo lường mức độ phản xạ ngôn ngữ và khả năng phát âm, sau đó tiến hành thảo luận với các bác sĩ khác về mức độ bệnh.

Cách chữa nói lắp cho người lớn và trẻ em hiệu quả

Sau khi đã được chẩn đoán chính xác mức độ nói lắp của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. Việc điều trị có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào từng cá nhân cũng như sự hợp tác của người bệnh trong việc luyện tập.

  • Sử dụng liệu pháp ngôn ngữ: Chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách nói chậm lại và để ý đến từng từ ngữ, đặc biệt là các từ hay bị lặp. Bệnh nhân cần hợp tác tuân thủ quy trình luyện tập và cường độ và tốc độ nói sẽ tăng dần.
  • Sử dụng kết hợp các thiết bị điện tử hỗ trợ người bệnh giảm tốc độ nói lại và điều chỉnh các lỗi phát âm trúng đích.
  • Sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi giúp bệnh nhân nhận dạng và thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực khi nói lắp nhằm giảm nhẹ áp lực, lo âu quá mức và lấy lại sự tự tin.
  • Tăng cường tương tác giữa cha mẹ và con cái là chìa khóa quan trọng giúp trẻ đối mặt với việc nói lắp một cách thoải mái. Từ đó bé dễ dàng thay đổi cách thức phát ngôn và giao tiếp.
  • Người lớn bị nói lắp có thể tự điều trị bằng cách tập thư giãn trước khi nói, tập hít sâu nhịp nhàng, luyện kéo dài hơi khi nói chuyện.
  • Động viên trẻ nhỏ tích cực tham gia các hoạt động nhằm luyện tập ngôn ngữ, bổ sung vốn từ, học cách nói chậm rãi rõ ràng. Đặc biệt khi điều trị cho trẻ em, bố mẹ phải thật sự kiên nhẫn.
  • Học nói bắt đầu từ các câu ngắn 2 - 3 từ, ngắt nghỉ rõ ràng rồi tăng dần số từ lên, luyện nói câu 5-6 từ tới khi trôi chảy.
  • Cần kết hợp liệu pháp tư vấn tâm lý trong một số trường hợp bệnh nhân bị nói lắp sau khi gặp cú sốc mạnh nào đó.

Luyện tập chăm chỉ giúp cải thiện chứng nói lắpLuyện tập chăm chỉ giúp cải thiện chứng nói lắp

Biện pháp phòng ngừa và hạn chế việc bị nói lắp

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng việc nuôi dưỡng trẻ trong môi trường được quan tâm, nhiều tiếng cười, yêu thương, hạnh phúc và được giao tiếp lắng nghe mỗi ngày sẽ kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ, hạn chế việc bị nói lắp.

Bảo vệ trẻ an toàn, phòng tránh các nguy cơ gây chấn thương, tổn thương não bộ của trẻ.

Cha mẹ có thể đưa trẻ đến những nơi đông vui, có nhiều hoạt động, âm nhạc, giao tiếp để trẻ tiếp thu ngôn ngữ một cách đa dạng và dễ dàng bởi môi trường tác động tới 70% khả năng tự học hỏi của trẻ.

Người lớn bị nói lắp bẩm sinh cần chủ động tự rèn luyện, tập luyện cách nói của riêng mình để hạn chế các khuyết điểm khi giao tiếp bởi sẽ khó mà chữa khỏi hoàn toàn.

Người gặp vấn đề sang chấn tâm lý hay cú sốc tâm lý gây trở ngại mỗi khi gặp tình huống tương tự dẫn tới nói lắp thì nên tới gặp bác sĩ tâm lý để tháo gỡ cho chính mình. Chỉ cần bước qua rào cản tâm lý ấy là chứng nói lắp sẽ tự động được chữa lành.

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh nói lắp

Bệnh nói lắp có chữa được không?

Câu trả lời phụ thuộc vào từng đối tượng mắc nói lắp và nguyên nhân bị mắc nói lắp. Nếu là trẻ em đang tập nói thì trong vài năm đầu, tật nói lắp được coi là bình thường và sẽ dần được cải thiện hoàn toàn nếu được dạy đúng cách. Người trưởng thành muốn chữa tật này sẽ khó khăn hơn nhiều do đã hình thành thói quen từ lâu, một phần do ảnh hưởng của thần kinh điều khiển và vấn đề về tâm lý.

Tập hát nhiều có chữa được nói lắp không?

Hiện tại chưa có nghiên cứu nào chứng minh được việc hát nhiều giúp cải thiện nói lắp. Song thực tế một số bệnh nhân chỉ nói lắp trong giao tiếp thông thường hay thuyết trình còn khi hát thì không gặp tình trạng đó. Lúc này người bệnh có thể gặp chuyên gia để xin thêm lời khuyên, biết đâu sẽ có cách thức đặc biệt giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh nói lắp.

Ngày nay, ngôn ngữ là cầu nối cho mọi mối quan hệ, kết giao vào phát triển xã hội. Nếu một người đang mắc phải tật nói lắp thì cũng đừng lo lắng bởi nếu biết cách điều trị và luyện tập kiên trì thì khả năng giao tiếp sẽ được cải thiện đáng kể. Tại bệnh viện Phương Đông, đội ngũ bác sĩ và chuyên gia trị liệu nhiều kinh nghiệm có thể giúp những bệnh nhân nói lắp có phương pháp trị liệu hiệu quả.

Nếu có thắc mắc nào khác thì đừng ngần ngại hãy bấm máy gọi tới Hotline 1900 1806 của Bệnh viện Phương Đông để được hỗ trợ kịp thời.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
1,452

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám