Phù não là tình trạng thế nào? Phân biệt các loại phù não thường gặp
Phù não là hiện tượng tích tụ quá mức dịch trong các khoang nội bào hoặc ngoại bào của não, dẫn đến gia tăng thể tích não và áp lực nội sọ. Sự gia tăng áp lực này có thể chèn ép mô não và mạch máu, gây suy giảm chức năng thần kinh và đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Phù nề (vùng tối hơn) xung quanh khối u não thứ phát.
Nhận biết các loại phù não thường gặp
Tùy thuộc vào nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh, phù não được phân thành các loại chính như phù vận mạch (liên quan đến tăng tính thấm của hàng rào máu não), phù tế bào (do rối loạn chuyển hóa tế bào não), và phù kẽ (liên quan đến sự tích tụ dịch trong khoang kẽ).
Phù vận mạch: Phù vận mạch (hay còn gọi là phù não ngoại bào) xảy ra khi hàng rào máu não bị tổn thương, làm gia tăng tính thấm và dẫn đến sự rò rỉ của dịch, protein huyết tương vào khoảng gian bào. Hàng rào máu não được hình thành từ các tế bào nội mô, tế bào hình sao và các protein kết dính, có vai trò bảo vệ nhu mô não khỏi sự xâm nhập của các chất độc hại. Khi hàng rào này bị phá vỡ, dịch ngoại bào sẽ tích tụ, làm tăng áp lực nội sọ, gây tổn thương mô não. Một số tình trạng bệnh lý thường dẫn đến phù vận mạch bao gồm:
- Khối u thần kinh trung ương như u nguyên bào thần kinh đệm, u màng não,...
- Nhiễm trùng như viêm màng não;
- Viêm hệ thống thần kinh trung ương (bệnh đa xơ cứng)
- Xuất huyết não;
- Chấn thương sọ não;
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ giai đoạn muộn;
- Chấn thương bức xạ;
- Bệnh não tăng huyết áp.
Phù tế bào (phù não độc tế bào): Khác với phù vận mạch, phù tế bào xảy ra khi các tế bào thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng, làm mất cân bằng ion và dẫn đến sự sưng phồng quá mức của tế bào. Đây là tình trạng nguy hiểm, có thể gây hoại tử mô não do thiếu oxy hoặc nhiễm độc. Đặc điểm chính của phù tế bào là từng tế bào não bị sưng, làm ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn. Một số nguyên nhân gây phù tế bào bao gồm:
- Chấn thương sọ não, xuất huyết não, giai đoạn đầu của đột quỵ thiếu máu cục bộ;
- Suy gan cấp tính khi chất thải độc tích tụ bên trong dòng máu và đi qua hàng rào máu não. Phù não xảy ra phổ biến cùng với sự tích tụ các chất độc như amoniac trong máu một cách nhanh chóng.
- Phơi nhiễm độc tố với hexachlorophene, isoniazid, trimethyltin, cuprizone, sulfoximine, hydro xyanua có liên quan đến chứng phù nề gây độc tế bào và tế bào hình sao sưng tấy.
- Thiếu oxy có thể gây ra tình trạng phù tế bào thông qua một cơ chế nhất định.
Phù kẽ: Nguyên nhân chính của loại phù nề não này là úng thủy tắc nghẽn. Đây là sự tích tụ dịch não tủy trong não, khiến cho não thất mở rộng và gia tăng áp lực. Não úng thủy tắc nghẽn do khối u, rối loạn phát triển, viêm màng não, khiếm khuyết di truyền, chấn thương sọ não, xuất huyết.
Tình trạng phù não có thể khu trú tại một vùng cụ thể hoặc lan tỏa toàn bộ não, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Sự tích tụ dịch này làm tăng áp lực nội sọ, hạn chế cung cấp máu và oxy cho não, dẫn đến tổn thương tế bào não và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh phù não có lây không?
Phù não không phải là căn bệnh có thể lây cho người khác hoặc bị lây từ người khác. Tuy nhiên, các bệnh nhiễm trùng có thể lây truyền từ người sang người có thể gây phù não bao gồm: Viêm màng não, viêm não, bệnh toxoplasma.
Ngay cả những bệnh nhiễm trùng nhẹ như nhiễm trùng tai hoặc viêm xoang đôi khi cũng có thể dẫn đến tình trạng mủ tích tụ trong hộp sọ và sau đó dẫn đến phù não, mặc dù trường hợp này rất hiếm gặp.
Xem thêm:
Phù não có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của phù não phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như phạm vi tổn thương. Phù có thể xảy ra khu trú tại một vùng hoặc lan tỏa khắp não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thần kinh.
Khi áp lực nội sọ tăng cao, các mạch máu nuôi dưỡng não bị chèn ép, làm giảm lưu lượng máu và hạn chế oxy cung cấp cho tế bào não. Thiếu oxy kéo dài có thể gây tổn thương tế bào thần kinh, làm suy giảm nhận thức, thậm chí dẫn đến chết não nếu không được can thiệp kịp thời. Ngoài ra, phù não còn làm rối loạn tuần hoàn dịch não tủy, khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn và làm gia tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như tụt kẹt não, suy hô hấp, hoặc hôn mê.
Nếu bệnh kéo dài và không được điều trị có thể dẫn đến não bị tổn thương vĩnh viễn hoặc gây ra biến chứng nghiêm trọng. Một số biến chứng bao gồm: Đau nhức đầu, mất thị lực, rối loạn ngôn ngữ/vận động, động kinh, yếu liệt, gặp vấn đề về giấc ngủ, suy giảm nhận thức, trầm cảm, đột quỵ hoặc thậm chí là tử vong.
Bị bệnh phù não có hồi phục được không?
Trên thực tế, chứng phù não hoàn toàn có thể chữa được nếu có sự can thiệp và điều trị kịp thời. Đối với những trường bị phù nề não thể nhẹ chỉ cần chữa trị trong vài ngày, tuy nhiên đa số các ca đều phải cần thêm biện pháp chuyên sâu. Bằng cách kết hợp giữa biện pháp phẫu thuật và điều trị y tế có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục hơn.
Dấu hiệu cảnh báo phù não cần gặp ngay bác sĩ
Do có các đặc điểm tương tự các bệnh lý thần kinh khác nên triệu chứng phù não rất dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy việc nhận định tình trạng có thể gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tình trạng phù não sẽ xuất hiện với các triệu chứng đột ngột như:
Phù não được đặc trưng bởi các dấu hiệu như đau đầu, buồn nôn, nôn và buồn ngủ.
- Đau đầu;
- Buồn ngủ;
- Thay đổi tính cách;
- Đau hoặc cứng ở cổ;
- Nôn mửa;
- Lên cơn động kinh;
- Rối loạn thị giác (nhìn đôi và nhìn mờ);
- Khó nói;
- Gặp vấn đề về trí nhớ;
- Huyết áp cao đột ngột;
- Khó thở;
- Mất ý thức.
Nguyên nhân gây ra tình trạng phù nề não
Nguyên nhân gây phù não rất đa dạng, bao gồm chấn thương, đột quỵ, nhiễm trùng, khối u và các yếu tố khác. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này:
Chấn thương sọ não: Bắt nguồn từ một yếu tố đột ngột gây tổn thương não. Bao gồm té ngã, tai nạn xe cộ, bị va chạm hoặc đâm vào vật thể và bị tấn công. Khi chấn thương xảy ra, mô não có thể bị tổn thương trực tiếp, gây viêm và sưng. Ngoài ra, vỡ hộp sọ có thể làm rách mạch máu, dẫn đến xuất huyết nội sọ, làm tăng áp lực trong não. Trong một số trường hợp, phản ứng viêm quá mức của cơ thể đối với tổn thương cũng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng phù não.
Chấn thương đầu nghiêm trọng với tình trạng não bị phù cần phẫu thuật cắt bỏ hộp sọ hai bên trán và sau đó là ghép sọ tự thân
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi một cục máu đông hoặc mảng xơ vữa gây tắc nghẽn động mạch não, khiến não không nhận đủ oxy và dưỡng chất. Khi các tế bào não thiếu oxy, chúng bắt đầu chết đi, kích hoạt phản ứng viêm, dẫn đến phù nề mô não. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 87% tổng số ca đột quỵ và có thể gây phù não nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
Đột quỵ xuất huyết: Khác với đột quỵ thiếu máu cục bộ, đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, khiến máu chảy vào mô não và gây sưng nề. Nguyên nhân phổ biến của đột quỵ xuất huyết bao gồm huyết áp cao kéo dài làm suy yếu thành mạch, chấn thương sọ não nghiêm trọng, dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh, rối loạn đông máu hoặc sử dụng thuốc đông máu quá liều. Xuất huyết não không chỉ làm tăng áp lực nội sọ mà còn gây tổn thương trực tiếp đến tế bào thần kinh vô cùng nguy hiểm.
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân chính gây phù não, đặc biệt là các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, bao gồm:
- Viêm màng não: Là tình trạng viêm màng bao quanh não và tủy sống, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh có thể làm tăng sản xuất dịch não tủy, gây áp lực nội sọ cao và dẫn đến phù não.
- Viêm não: Do virus xâm nhập vào mô não, gây viêm và sưng. Một số virus phổ biến gây viêm não bao gồm virus Herpes simplex, virus West Nile, và virus dại.
- Bệnh toxoplasma: Là bệnh do ký sinh trùng Toxoplasma gondii gây ra, đặc biệt nguy hiểm đối với người suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai. Ký sinh trùng có thể tạo nang trong mô não, gây viêm và phù nề.
- Áp xe dưới màng cứng: Xảy ra khi vi khuẩn hoặc nấm tạo thành ổ mủ trong não. Áp xe não thường là biến chứng của nhiễm trùng tai, viêm xoang hoặc viêm màng não. Nếu không được dẫn lưu kịp thời, dịch mủ có thể chèn ép não và làm tăng nguy cơ phù não.
Khối u: Các khối u trong não, dù là lành tính hay ác tính, đều có thể gây phù não theo nhiều cơ chế:
- Tăng áp lực trong sọ: Khối u phát triển có thể chèn ép các mô xung quanh, làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch não tủy và gây sưng.
- Tăng sinh mạch máu bất thường: Các khối u thường kích thích sự phát triển của mạch máu mới để cung cấp dinh dưỡng, tuy nhiên, các mạch máu này thường bị rò rỉ, dẫn đến phù nề.
- Tác động từ các phương pháp điều trị: Xạ trị hoặc phẫu thuật điều trị ung thư não cũng có thể gây viêm và phù não sau điều trị.
Phù nề não do độ cao: Tình trạng phù não có thể xảy ra khi một người di chuyển nhanh lên vùng có độ cao lớn (trên 4.500 mét so với mực nước biển). Nguyên nhân chính là do thiếu oxy, dẫn đến rối loạn hàng rào máu não, gây rò rỉ dịch và phù nề mô não. Tình trạng này còn được gọi là phù não do độ cao (High Altitude Cerebral Edema - HACE) và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Bệnh nhân bị HACE thể nhẹ
Ghi chú:
- (A) Chụp CT không chuẩn cho thấy rãnh và khe não nông hơn một chút.
- (B) Hình ảnh trọng số T1 cho thấy giảm cường độ nhẹ đối xứng ở vùng nách của thể chai.
- (C) Hình ảnh trọng số T2 cho thấy tăng cường độ nhẹ đối xứng ở vùng nách của thể chai.
- (D) Hồi phục đảo ngược giảm nước. cho thấy tăng cường độ nhẹ đối xứng ở vùng nách của thể chai.
- (E) Hình ảnh trọng số khuếch tán cho thấy tăng cường độ đối xứng ở vùng nách của thể chai.
- (F) Hệ số khuếch tán hiện tại. cho thấy giảm cường độ đối xứng ở vùng nách của thể chai.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh phù não
Chẩn đoán phù nề não có thể khó khăn do nhiều nguyên nhân tiềm ẩn và các triệu chứng khác nhau. Để chẩn đoán xác định và nguyên nhân cần kết hợp thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Khám thực thể đầu, cổ và thần kinh;
- Chụp CT và chụp MRI sọ não;
- Đo áp lực nội sọ;
- Chọc dò ống sống thắt lưng;
- Xét nghiệm máu.
Cách điều trị và biện pháp dự phòng bệnh phù não
Mục tiêu của điều trị phù não là giảm sự tích tụ chất lỏng và sưng tấy trong mô não. Có một số phương pháp điều trị chính, bao gồm thuốc và phẫu thuật.
Thuốc điều trị phù não
Các loại phù não khác nhau được điều trị theo từng cách khác nhau. Tùy vào từng nguyên nhân gây phù não (chấn thương, đột quỵ, nhiễm trùng, khối u, rối loạn chuyển hóa…), bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Một số nhóm thuốc thường được sử dụng gồm:
- Corticosteroid: Giảm viêm và giảm sưng trong các trường hợp phù não do khối u hoặc viêm nhiễm.
- Thuốc lợi tiểu thẩm thấu (Mannitol) và thuốc lợi tiểu khác: Giúp loại bỏ lượng dịch dư thừa, giảm áp lực nội sọ.
- Dung dịch muối ưu trương: Cân bằng áp suất thẩm thấu, ngăn chặn tích nước trong mô não.
- Thuốc an thần: Kiểm soát kích động, co giật và giảm nhu cầu chuyển hóa của não.
- Thuốc hạ sốt: Được sử dụng nếu phù não đi kèm sốt cao, giúp hạn chế nguy cơ tổn thương thần kinh
- Thuốc chống đông máu: Được chỉ định trong trường hợp phù não do đột quỵ hoặc cục máu đông, giúp cải thiện tuần hoàn và ngăn ngừa biến chứng.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Các thủ thuật điều trị phù não
Trong những trường hợp phù não nghiêm trọng, bác sĩ phẫu thuật thần kinh có thể can thiệp bằng nhiều phương pháp nhằm giảm áp lực nội sọ, hạn chế tổn thương và cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân.
Phẫu thuật có thể sửa chữa động mạch hoặc tĩnh mạch bị tổn thương hay loại bỏ khối u là nguyên nhân gây ra tình trạng phù nề
Các phương pháp phổ biến bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần hộp sọ: Đây là phương pháp giúp giảm áp lực nội sọ bằng cách loại bỏ tạm thời một phần xương sọ, cho phép não có không gian giãn nở và giảm nguy cơ tổn thương nghiêm trọng. Sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định, phần hộp sọ có thể được ghép lại.
- Dẫn lưu dịch não tủy: Bác sĩ tiến hành tạo một lỗ nhỏ vào hệ thống não thất để đặt ống dẫn lưu, giúp dịch não tủy thoát ra ngoài và giảm áp lực lên não.
- Chuyển lưu dịch não tủy: Thủ thuật này đưa dịch não tủy dư thừa ra khỏi não và dẫn vào một khoang khác trong cơ thể như ổ bụng, nơi dịch có thể được hấp thu một cách an toàn.
- Loại bỏ tổn thương não: Nếu phù não xảy ra do xuất huyết, khối u hoặc tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ mô tổn thương để giảm áp lực và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây phù não và tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Biện pháp dự phòng dành cho bệnh nhân phù não
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để có thể kiểm soát được tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như sớm có phác đồ điều trị phù hợp.
- Kiểm soát tốt các bệnh mãn tính như huyết áp cao và tiểu đường.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngưng hoặc mua thuốc khi chưa được khuyến cáo.
- Cần cẩn thận khi chơi các môn thể thao có thể gây chấn động não .
- Đeo dây an toàn khi ngồi trên xe cơ giới và đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, xe máy.
- Tiêm đủ các loại vacxin cần thiết và thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe dự phòng ngừa khác.
- Thực hiện các biện pháp để tránh nhiễm trùng, như tránh xa những người bị bệnh và rửa tay sạch sẽ.
- Không được hút thuốc lá hoặc cai thuốc lá nếu bạn đã từng sử dụng trước đây. Bởi thuốc lá có thể tăng nguy cơ đột quỵ.
Qua bài viết này, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về tình trạng phù não. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được nhân viên tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.
Kết luận
Phù não sau chấn thương đầu là một tình trạng y tế khẩn cấp, đòi hỏi sự chú ý đặc biệt từ cả người bệnh và nhân viên y tế. Việc nhận biết các triệu chứng và tiến hành điều trị kịp thời có thể giảm thiểu nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Để phòng ngừa, việc tuân thủ các biện pháp an toàn trong lao động, giao thông và sinh hoạt hàng ngày là vô cùng quan trọng, nhằm giảm thiểu nguy cơ chấn thương đầu và những biến chứng nguy hiểm như phù não.