Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở phụ nữ Việt Nam. Căn bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị nhưng có một phương pháp phòng tránh hiệu quả ung thư cổ tử cung hàng đầu, đó chính là tiêm vắc xin HPV. Tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động mà không ít chị em tiêm phòng muộn hơn so với khuyến cáo, do đó có thắc mắc rằng “quan hệ rồi có tiêm HPV được không?” Bệnh viện Đa khoa Phương Đông sẽ giúp bạn có được câu trả lời chính xác nhất.
Tầm quan trọng của tiêm ngừa ung thư cổ tử cung?
90% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do virus HPV - virus gây u nhú ở người và lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. HPV khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phát triển âm thầm và không gây nên các triệu chứng trong giai đoạn đầu nên rất khó phát hiện. Do đó để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa khả năng mắc ung thư cổ tử cung và một số căn bệnh khác như ung thư âm đạo, u nhú đường sinh dục, sùi mào gà,... nữ giới trong độ tuổi từ 9 - 26 nên tiêm phòng càng sớm càng tốt bởi hiệu quả vắc xin có thể kéo dài tới 30 năm. Vậy quan hệ rồi tiêm HPV được không?
Bé gái từ 9 tuổi đã có thể tiêm chủng HPV để ngừa ung thư cổ tử cung sớm
Phụ nữ quan hệ tình dục rồi có tiêm HPV được không?
Đã quan hệ rồi có tiêm HPV được không? Theo khuyến cáo, đối tượng tiêm vắc xin sẽ đạt được hiệu quả phòng ngừa virus HPV tối đa là nữ giới trong độ tuổi từ 9-26 tuổi và chưa có hoạt động quan hệ tình dục. Tuy nhiên cũng không có bất cứ quy định nào về việc phụ nữ quá tuổi hoặc đã có quan hệ không được tiêm ngừa.
Lý do là bởi HPV có tới hơn 100 tuýp khác nhau và vắc xin vẫn đem lại hiệu quả ngừa tái nhiễm tuýp virus đã từng mắc. Mặc dù người đã quan hệ có khả năng đã phơi nhiễm với một số tuýp virus nhưng nếu không phải là tuýp virus được ngừa trong vắc xin thì hoàn toàn có thể tiêm phòng.
Phụ nữ đã có quan hệ tình dục vẫn nên tiêm phòng HPV
Sinh con rồi có tiêm phòng HPV được không?
Ngoài ra băn khoăn quan hệ rồi có tiêm HPV được không, cũng có chị em thắc mắc rằng sinh con rồi có tiêm phòng HPV được không? Thực tế trong trường hợp này, chị em vẫn có thể tiêm được, vắc xin có tác dụng kéo dài và không ảnh hưởng tới chất lượng sữa mẹ nên sẽ không có ảnh hưởng đến em bé.
Phụ nữ mang thai có nên tiêm phòng HPV trong thai kỳ không?
Vắc xin HPV cần được tiêm ít nhất 2 mũi mới đủ để phát huy hiệu quả tốt nhất, với người dự định mang thai, cần tiêm mũi 2 trước tốt nhất 3 tháng khi mang thai. Tuy nhiên phụ nữ mang thai không được khuyến cáo tiêm bởi dù không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng cũng chưa thực sự có nghiên cứu nào chỉ ra rằng vắc xin hoàn toàn vô hại. Do đó hãy đợi bé chào đời, mẹ mới nên hoàn thành tiêm phòng các mũi còn lại hoặc bắt đầu tiêm phòng.
Bên cạnh đó, những người đã có gia đình cần lưu ý là nên thực hiện định kỳ việc khám phụ khoa và tầm soát ung thư tối thiểu 1 lần/năm. Biện pháp này giúp phát hiện những bất thường sớm nhất, có giải pháp điều trị ngay từ khi bệnh còn ở giai đoạn đầu để tăng khả năng hồi phục sức khỏe.
Trước khi mang thai 3 tháng bạn vẫn có thể hoàn thành mũi tiêm chủng HPV
Tiêm HPV bao lâu thì được quan hệ?
Không có khuyến cáo nào quy định việc sau tiêm HPV bao lâu thì có hoạt động tình dục. Do đó bạn cũng không cần phải cần thời gian quá lâu. Vậy tiêm HPV sau bao lâu thì có thai được? Nếu có dự định mang thai thì hãy đợi 3 tháng sau tiêm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thai nhi.
Phác đồ tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
Tại Việt Nam hiện đang lưu hành hai loại vắc xin HPV đó là Gardasil (xuất xứ từ Mỹ) và Cervarix (xuất xứ từ Bỉ). Thông tin về hai loại vắc xin và lịch tiêm chủng khuyến cáo như sau:
- Với vắc xin Gardasil tứ giá:
- Có tác dụng ngừa 2 tuýp HPV 16-18 (gây ung thư cổ tử cung) và 2 tuýp HPV 6-11 (gây mụn cóc sinh dục, sùi mào gà).
- Độ tuổi tiêm: nữ giới 9-26 tuổi.
- Lịch tiêm 3 mũi gồm mũi 1 (ngày đầu tiêm), mũi 2 (2 tháng sau mũi 1), mũi 3 (6 tháng sau mũi 1).
- Với vắc xin Gardasil cửu giá (vắc xin thế hệ mới):
- Có tác dụng ngừa 9 tuýp virus HPV gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58.
- Độ tuổi tiêm: nữ và nam giới 9-27 tuổi.
- Lịch tiêm cho người từ 9-15 tuổi: Mũi 1 lần đầu tiêm, mũi 2 cách mũi 1 từ 6-12 tháng.
- Lịch tiêm cho người từ 15 tuổi đến dưới 27 tuổi: Phác đồ 3 mũi: Mũi 1 lần đầu tiêm, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 2 tháng, mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 4 tháng. Hoặc phác đồ tiêm nhanh: Mũi 1 lần đầu tiêm, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.
- Với vắc xin Cervarix:
- Có tác dụng ngừa 2 tuýp HPV 16-18 gây ung thư cổ tử cung.
- Độ tuổi khuyến cáo: nữ giới 10-25 tuổi.
- Lịch tiêm gồm 3 mũi: mũi 1 (ngày đầu tiêm), mũi 2 (1 tháng sau mũi 1) và mũi 3 (6 tháng sau mũi 1).
Theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi tiêm phòng HPV
Thông thường sau tiêm sẽ không có phản ứng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên một số người sẽ có các phản ứng nhẹ như vị trí tiêm bị sưng tấy hoặc đau, đau đầu, sốt nhẹ, nổi mề đay, đau cơ khớp, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hoá,... Sau tiêm chị em nên ngồi đợi 30 phút để theo dõi phản ứng phụ hoặc sau khi về nhà có các biểu hiện trên có thể liên hệ với bệnh viện để kiểm tra.
Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về vấn đề quan hệ rồi có tiêm HPV được không. Để được tư vấn kỹ hơn về phác đồ tiêm, loại vắc xin, lịch tiêm và giá tiêm HPV, bạn hãy đến với dịch vụ tư vấn tiêm chủng tại bệnh viện Đa khoa Phương Đông.