Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt đối với mẹ bầu. Phần lớn các mẹ bầu bị rối loạn giấc ngủ khi mang thai, khoảng 90% trường hợp là mất ngủ. Vậy vì sao xảy ra tình trạng này? Có thể cải thiện không? Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu qua bài viết sau.
Rối loạn giấc ngủ khi mang thai là gì?
Rối loạn giấc ngủ khi mang thai là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ đang mang thai ở ba tháng cuối. Tình trạng mất ngủ không gây nguy hiểm đến mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi nhưng nếu kéo dài thường xuyên có thể khiến mẹ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi,....
Mất ngủ là một trong những dạng rối loạn giấc ngủ, biểu hiện có thể thấy rõ ràng nhất là khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, khó duy trì giấc ngủ, tỉnh dậy nhiều lần, dậy quá sớm hoặc ngủ dậy vẫn có cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
Rối loạn giấc ngủ khi mang thai đa số đều trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ, tuy nhiên có một vài trường hợp gặp tình trạng này trong suốt thai kỳ. Mất ngủ khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, căng thẳng,... tình trạng này khiến mẹ bị ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần.
Rối loạn giấc ngủ khi mang thai thường xuất hiện khi ở tam cá nguyệt thứ 3
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn giấc ngủ trong thai kỳ
Khi mang thai, cơ thể của mẹ bầu có nhiều sự thay đổi gây ra tình trạng mất ngủ. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ khi mang thai bao gồm:
- Không tìm được tư thế ngủ phù hợp: Sự phát triển của thai nhi khiến bụng mẹ to dần nên khó tìm ra một tư thế ngủ thoải mái. Việc thay đổi tư thế suốt đêm khiến mẹ bầu mất ngủ, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Đi tiểu nhiều lần trong đêm: Tử cung phát triển chèn ép bàng quang khiến mẹ bầu đi tiểu nhiều lần trong đêm gây khó khăn khi quay trở lại giấc ngủ.
- Đau lưng, xương hông và chân: Thai nhi lớn khiến khối lượng cơ thể của mẹ tăng nhanh tạo áp lực cho cột sống và chân, từ đó gây đau lưng, đau xương hông dẫn đến khó ngủ.
- Ở hơi và táo bón: Sự phát triển của tử cung đẩy dạ dày lên phía trên, khiến thức ăn bị giữ lâu trong dạ dày gây ra tình trạng ợ hơi và táo bón, từ đó gây khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ.
- Nghén trong 3 tháng đầu: Khó chịu trong giai đoạn đầu thai kỳ như buồn nôn nôn, sợ mùi vị, mệt mỏi,... cũng khiến mẹ mất ngủ.
- Thay đổi hormone: Sự thay đổi hormone trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng đến nhịp thở, khó khăn trong việc hít thở trong giai đoạn đầu thai kỳ. Vào 3 tháng cuối, khi tử cung chiếm chỗ và chèn ép cơ hoành khiến bà bầu khó thở hơn dẫn đến mất ngủ.
- Chuột rút: Ở những tháng cuối thai kỳ, các cơn co cơ và chuột rút thường xuất hiện, đặc biệt vào ban đêm khiến mẹ đau đớn và tỉnh giấc giữa đêm.
- Căng thẳng và lo lắng: Những căng thẳng trong cuộc sống và lo lắng trong quá trình mang thai có thể khiến mẹ gặp ác mộng và không thể ngủ ngon gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Thai nhi đạp: Các chuyển động của thai nhi, đặc biệt vào ban đêm cũng có thể khiến mẹ khó ngủ hơn.
Những thay đổi này là một phần tự nhiên của quá trình mang thai nhưng chúng đều có thể gây ra những khó khăn cho giấc ngủ của mẹ bầu. Do đó, việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tìm tư thế ngủ thoải mái và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp giảm bớt triệu chứng.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng mất ngủ ở mẹ bầu
Các triệu chứng mà mẹ bầu gặp phải khi rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ khi mang thai dạng mất ngủ có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào từng người và giai đoạn thai kỳ. Những dấu hiệu thường gặp bao gồm:
- Gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ
- Thức dậy nhiều lần vào ban đêm và khó quay trở lại giấc ngủ.
- Giấc ngủ không sâu, dễ tỉnh giấc.
- Giấc ngủ ngắn hơn so với bình thường.
- Cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày do thiếu ngủ ban đêm
- Thường có cảm giác lo lắng, bồn chồn, không thể thư giãn
- Cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung, khó ghi nhớ
- Trở nên cáu kỉnh, dễ bực bội, tâm trạng thất thường
- Cảm giác cơ thể không thoải mái
- Rối loạn hành vi giấc ngủ REM
Xem thêm:
Những ảnh hưởng của tình trạng rối loạn giấc ngủ khi mang thai
Tình trạng mất ngủ trong thời kỳ mang thai không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ mà còn có thể để lại hệ lụy nguy hiểm đối với thai nhi. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài khiến:
- Hệ miễn dịch của mẹ suy yếu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe khác.
- Làm trầm trọng thêm các biểu hiện căng thẳng tâm lý, gây ra cảm giác lo âu, trầm cảm và ảnh hưởng đến chất lượng sống hàng ngày.
- Tác động gián tiếp đến sự phát triển của thai nhi.
Khi mẹ thường xuyên mệt mỏi các dưỡng chất và oxy cung cấp cho thai nhi có thể bị ảnh hưởng, khiến thai có nguy cơ thiếu hụt dưỡng chất.
Mất ngủ trong thai kỳ cũng liên quan đến một số biến chứng sản khoa nghiêm trọng như nguy cơ sinh non, sảy thai hoặc trẻ sinh ra có cân nặng thấp.
Mất ngủ trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ sinh non
Cách cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ khi mang thai
Nếu không được nghỉ ngơi hợp lý có thể gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển dạ do cơ thể suy kiệt và mất sức, từ đó ảnh hưởng đến quá trình sinh nở và phục hồi sau sinh. Do đó, việc cải thiện giấc ngủ trong giai đoạn này rất quan trọng.
Một số phương pháp hiệu quả giúp cải thiện giấc ngủ ở phụ nữ mang thai bao gồm:
- Tăng cường vận động nhẹ nhàng ban ngày: Tham gia các hoạt động thể chất vừa phải giúp tiêu hao năng lượng và dễ đi vào giấc ngủ vào buổi tối.
- Tắm nước ấm vào buổi chiều hoặc tối: Nhiệt độ ấm giúp giãn cơ, giảm căng thẳng và tạo điều kiện lý tưởng cho giấc ngủ sâu.
- Đọc sách nhẹ nhàng trước khi ngủ: Các loại sách mang tính tích cực hoặc hài hước giúp thư giãn tinh thần và giảm lo lắng.
- Tránh ăn no vào buổi tối: Ăn nhẹ và hợp lý để tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu và trào ngược dạ dày.
- Thiết lập thời gian ngủ đều đặn: Duy trì thói quen sinh hoạt nhất quán để cơ thể làm quen với nhịp sinh học tự nhiên.
- Đi vệ sinh trước khi ngủ: Giúp hạn chế việc phải thức dậy giữa đêm, đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba.
- Áp dụng liệu pháp y học cổ truyền: Ngâm chân bằng nước ấm, xoa bóp và bấm huyệt có thể giúp cải thiện lưu thông máu và giảm căng cơ.
- Kiểm soát stress: Nói chuyện với người thân hoặc chuyên gia tâm lý, thực hành yoga hoặc thiền để giảm căng thẳng và lo âu.
- Đảm bảo không gian ngủ thoải mái: Giữ chăn ga sạch sẽ, sử dụng gối ôm chuyên dụng giúp hỗ trợ tư thế nằm và giảm áp lực vùng lưng.
- Tránh sử dụng chất kích thích: Hạn chế cà phê, trà đậm và nước ngọt có ga vào buổi chiều và tối.
- Tạo môi trường ngủ lý tưởng: Không gian ngủ nên yên tĩnh, tối và thông thoáng. Điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ phù hợp để tạo cảm giác dễ chịu.
- Luyện tập thể dục phù hợp: Tham gia các môn thể thao nhẹ như yoga bầu, đi bộ hoặc bơi lội sẽ hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn.
- Thư giãn trước giờ ngủ: Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như thở sâu, tắm nước ấm hoặc xoa bóp vùng cổ và vai để chuẩn bị cơ thể sẵn sàng cho giấc ngủ.
- Trong trường hợp các biện pháp tại nhà không mang lại hiệu quả, bà bầu nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ điều trị phù hợp.
Cách cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ khi mang thai
Rối loạn giấc ngủ trong thai kỳ không phải là vấn đề đơn giản có thể bỏ qua. Việc nhận biết sớm và áp dụng các phương pháp chăm sóc đúng cách không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của người mẹ mà còn bảo vệ sự phát triển toàn diện của thai nhi, góp phần tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về tình trạng rối loạn giấc ngủ khi mang thai. Nếu mẹ bầu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến chứng mất ngủ thai kỳ có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 được nhân viên tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.