Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và thể chất, trong đó có rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Người mắc bệnh xuất hiện tình trạng giấc ngủ không sâu, khó vào giấc. Cùng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tìm hiểu chi tiết về các dấu hiệu và cách khắc phục tình trạng qua bài viết sau.
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là gì?
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là tình trạng người bệnh khó vào giấc ngủ và ngủ không sâu giấc. Đây là tình trạng mà khá nhiều người gặp phải nhưng không biết đây là một dấu hiệu của bệnh. Rối loạn giấc ngủ này được đánh giá là một “bệnh hiện đại” mà nhiều người mắc phải, đặc biệt là ở các bạn trẻ.
Thông thường, người trưởng thành cần ngủ đủ từ 7- 9 tiếng/ngày, tuy nhiên, nếu bị rối loạn giấc ngủ này, người bệnh thường sẽ ngủ ít hơn và khó ngủ hơn.
Ngủ không đủ giấc mỗi đêm dẫn đến tình trạng người bệnh cảm thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống, khó tập trung,... Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây cản trở công việc, học tập và sinh hoạt, từ đó khiến sức khỏe giảm sút, dễ mắc các bệnh vặt như cảm lạnh, sổ mũi,.... Đặc biệt, người thường xuyên làm ca đêm hoặc thức khuya sẽ dễ có nguy cơ mắc rối loạn giấc ngủ không thực tổn hơn các đối tượng khác.
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là tình trạng khó ngủ, khó vào giấc
Các dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn thường gặp
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn được chia thành nhiều dạng khác nhau dựa theo triệu chứng mà chúng gây ra. Một số dạng thường gặp bao gồm:
Mất ngủ không thực tổn
Mất ngủ không thực tổn là tình trạng khiến người bệnh khó vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ, thường ngủ không sâu, dễ giật mình thức dậy và khó quay trở lại giấc ngủ, hoặc thức dậy sớm nhưng không ngủ lại được. Thời gian ngủ trong một ngày chưa đủ 6 tiếng đồng hồ.
Ngủ nhiều không thực tổn
Đây là tình trạng ngủ quá nhiều nhưng không thỏa mãn đủ nhu cầu ngủ trong ngày. Thời gian trong một ngày (cả ngày và đêm) dài hơn 9 tiếng hoặc cảm giác khó tỉnh táo hoàn toàn khi bị đánh thức. Người bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi, kém tập trung và tinh thần uể oải, trì trệ.
Các rối loạn cận miên
Đây là tình trạng rối loạn bởi các hành vi bất thường trong lúc ngủ, các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ hoặc giai đoạn chuyển tiếp ngủ - thức. Bao gồm:
- Mộng du: Người bị mộng du thường thức dậy ra khỏi giường và thực hiện nhiều hoạt động khác nhau. Khi bị mộng du, người bệnh thường có khuôn mặt trống rỗng, nhìn chằm chằm và không giao tiếp với người khác và chỉ bị đánh thức khi có tác động lớn. Người bệnh không thể nhớ được những gì mình đã làm.
- Hoảng sợ khi ngủ: Người bệnh thường gặp chứng hoảng sợ trong 1/3 giấc ngủ, thường la hét, vung tay chân. Ngoài ra còn các biểu hiện khác như giãn đồng tử, thở gấp, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh,... người bệnh không nhớ mơ thấy gì khi thức dậy.
- Ác mộng: Là giấc mơ kéo dài và lặp lại liên quan đến sự an toàn đến tính mạng,... Ác mộng có thể gặp ở cả ban đêm và ngủ trưa nhưng thường gặp ở giai đoạn nửa sau của giấc ngủ.
Người bệnh có thể gặp tình trạng mộng du
Xem thêm:
Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ
Người bình thường có thể gặp tình trạng mất ngủ do căng thẳng, áp lực nhưng với người mắc rối loạn giấc ngủ không thực tổn thương do thay đổi bất thường về thời gian và chất lượng giấc ngủ mới là chủ yếu. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:
- Sang chấn tâm lý, căng thẳng, stress, mệt mỏi,...
- Ảnh hưởng bởi các bệnh lý liên quan đến tim mạch, hô hấp hoặc bệnh nội tiết,..
- Người có tiền sử mắc bệnh lý như hội chứng ngưng thở khi ngủ,...
- Người cao tuổi, người mắc các bệnh lý về rối loạn thần kinh và tổn thương hệ thần kinh,...
- Do các yếu tố khác như thay đổi môi trường sống, thay đổi giờ sinh hoạt, làm việc,...
Cách cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn
Khi mắc chứng rối loạn giấc ngủ, người bệnh cần can thiệp điều trị càng sớm càng tốt để cơ thể nhanh chóng phục hồi. Nếu càng kéo dài, bệnh ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể là biểu hiện của các rối loạn tâm thần tiêm khác như trầm cảm, lo âu,.... Do đó, người bệnh cần thăm khám với chuyên gia sức khỏe tâm thần khi có tình trạng rối loạn giấc ngủ, đặc biệt khi tình trạng kéo dài.
Điều trị bằng thuốc
Sau quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, sau đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh. Một số loại thuốc thường được chỉ định bao gồm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm,....
Chủ động cải thiện giấc ngủ
Việc xây dựng những thói quen và nhịp sinh học mới giúp cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Bao gồm:
- Tạo không gian sống, không gian phòng ngủ thoải mái, thoáng mát và sạch sẽ.
- Đặt giờ ngủ cụ thể, nên tuân thủ đúng khung giờ đó.
- Không uống rượu, cà phê và chất kích thước trước khi ngủ.
- Ăn tối trước khoảng 3- 4 giờ trước khi ngủ, hạn chế ăn đồ khó tiêu và sử dụng quá nhiều gia vị.
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại di động,...
- Không xem phim có tính chất rùng rợn, gây ám ảnh và không chơi game hành động trước khi đi ngủ
Chủ động xây dựng thói quen giúp cải thiện giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn là tình trạng mất ngủ kéo dài mà không có tổn thương thực thể nào rõ ràng. Tuy không nguy hiểm ngay lập tức, nhưng nếu không điều trị sớm, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về tình trạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn. Nếu Quý khách có nhu cầu thăm khám và điều trị bệnh có thể liên hệ Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc để được nhân viên tư vấn, hỗ trợ nhanh chóng.