Hội chứng ngừng thở khi ngủ: Dấu hiệu và cách điều trị

Doan Nguyen

17-04-2023

goole news
16

Hiện tượng ngưng thở khi ngủ thuộc dạng bệnh rối loạn giấc ngủ mà nhiều người không biết hoặc biết mà chủ quan. Song thực tế người bệnh gặp phải hội chứng này có những dấu hiệu nghiêm trọng về sức khỏe nên rất cần trang bị trước cho mình kiến thức cần thiết

Triệu chứng ngừng thở khi ngủ rất khó nhận biết nhưng rất nguy hiểm
Triệu chứng ngừng thở khi ngủ rất khó nhận biết nhưng rất nguy hiểm

Thế nào là hiện tượng ngừng thở khi ngủ?

Hiện tượng ngừng thở khi ngủ là một trong những triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Đó là hiện tượng mà người bệnh xuất hiện các cơn ngưng thở hoàn toàn khi đang ngủ, hiện tượng này lặp lại nhiều lần trong một giấc ngủ. Vì ngưng thở khi ngủ xảy ra khi đang ngủ nên bản thân người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí người thân xung quanh cũng không thể phát hiện bệnh nếu không chú ý.

Có 3 thể bệnh ngừng thở khi ngủ là ngừng thở do tắc nghẽn, ngừng thở trung ương và ngừng thở dạng hỗn hợp. Trong đó, dạng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là phổ biến nhất và hay gặp nhiều ở nam giới. Thực tế rất ít người bệnh chủ động đi khám để biết về tình trạng bệnh ngừng thở khi ngủ của mình. Phần lớn mọi người cứ sống chung với bệnh và chỉ phát hiện ra khi sức khỏe phát ra những biến chứng nguy hiểm.

Bản chất của hiện tượng ngừng thở khi ngủ là do lưỡi và các mô mềm dưới hầu họng bị giãn ra, gây tắc đường thở nhiều hay ít và xảy ra khi người bệnh nằm ngủ. Không khí đi vào cơ thể bị hạn chế, làm giảm lượng oxy trong máu và kích thích phần não báo tín hiệu hỗ trợ hoạt động thở. Khi đó cơ ngực sẽ phải hoạt động nhiều hơn để bù lượng oxy cho tới khi hơi thở trở lại bình thường. Chu trình này sẽ lặp đi lặp lại suốt đêm nếu người bệnh vẫn bị tắc nghẽn một phần nào đó đường thở khiến sự ngừng thở khi ngủ xảy ra nhiều lần.

 

Các nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ngừng thở khi ngủ

Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ngừng thở khi ngủ là: 

  • Bị tắc nghẽn đường thở do tắc nghẽn một phần, thậm chí là hoàn toàn đường hô hấp do lưỡi quá lớn, xương hàm có cấu tạo bất thường, mô ở thành họng quá to hay phù
  • Nguyên nhân có thể do gặp lỗi chức năng hệ thần kinh điều khiển hô hấp của cơ thể
  • Do di truyền nếu trong gia đình có người thân từng bị ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Nguyên nhân này xuất hiện ở  25%- 40% số trường hợp người lớn mắc bệnh.
  • Nam giới bị mắc triệu chứng ngừng thở khi ngủ cao hơn phụ nữ lên tới 2 lần, phần lớn ở tuổi trung niên mới bắt đầu phát ra dấu hiệu và tiến triển nặng nhanh. Bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh vì sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng sự mệt mỏi, tăng nguy cơ tai nạn trong cuộc sống và công việc

Nhận biết các triệu chứng của ngừng thở khi ngủ

Có đến 90% người bệnh bị ngừng thở khi ngủ không biết sớm về tình trạng bệnh của bản thân. Nguyên nhân bởi bệnh chỉ xảy ra khi ngủ, tức là người bệnh không ý thức được sự bất thường về tình trạng sức khỏe của mình. Tuy nhiên, Bệnh này diễn ra một thời gian nhất định sẽ gây ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe. Một số biểu hiện hay dấu hiệu mà người bệnh có thể tự quan sát để nhận diện bệnh như sau:

  • Hay bị nhức đầu, choáng đầu vào buổi sáng khi thức dậy 
  • Cổ họng khô khan, rát khó chịu vào sáng sớm
  • Người bệnh có biểu hiện bị buồn ngủ nhiều vào ban ngày dù tối hôm trước đã ngủ dài và liền mạch
  • Hay bị ngáy ngủ, có khi bị ngạt thở, khó thở, ngừng thở, khịt mũi, thở gấp, thở hổn hển… rất cần người bên cạnh để ý và đến bên kiểm tra theo dõi 
  • Đi tiểu nhiều lần trong một đêm vì khi bị ngừng thở khi ngủ sẽ có thể khiến người bệnh thức giấc nhiều lần giữa đêm
  •  Người bệnh cảm thấy mình bị giảm trí nhớ, hay quên mất tập trung do chất lượng giấc ngủ không tốt và lượng oxy nuôi não không đáp ứng đủ.
  • Người bệnh có dấu hiệu tăng huyết áp kháng trị
  • Người có dấu hiệu tăng cân béo phì, cấu trúc vùng khuôn mặt bất thường.
  • Người bệnh sẽ trở nên cáu gắt, khó chịu trong người,…

Bệnh nhân có triệu chứng ngáy ngủ hay khó thở
Bệnh nhân có triệu chứng ngáy ngủ hay khó thở

Các triệu chứng trên có thể trùng hợp với một số bệnh lý khác, không chắc chắn là do hội chứng ngừng thở khi ngủ gây ra. Song người bệnh vẫn nên đến các cơ sở y tế hay bệnh viện chuyên khoa hô hấp để khám và điều trị đúng bệnh. Thực tế một số người bệnh phát hiện bệnh và điều trị  muộn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm không mong muốn.

Bệnh ngừng thở khi ngủ thường gặp ở tuổi trung niên, song trẻ em vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Dấu hiệu khác ở trẻ thường gặp như tinh thần trẻ thiếu ổn định, hay hiếu động thái quá, tiểu dầm nhiều vào đêm, hay gây sự với bạn bè, thành tích học tập suy giảm,…

Đối tượng nào có nguy cơ bị ngừng thở khi ngủ

Ngừng thở khi ngủ là bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xuyên nhất là ở độ tuổi trung niên, nguy cơ bệnh cũng tăng dần theo tuổi, ở nam nhiều hơn ở nữ. 

  • Người lớn tuổi, độ tuổi từ 40 tuổi trở lên thì nguy cơ bệnh tăng cao
  • Người có thói quen sống không khoa học, lành mạnh, hay hút thuốc lá, nghiện rượu thường xuyên,...
  • Người bị béo phì, quá nhiều mỡ và thừa cân nghiêm trọng
  • Người bị dị tật vách ngăn mũi lệch, bị bệnh xoang hay các bệnh về dị ứng gây khó thở.
  • Người có kích thước cổ họng lớn dần
  • Người có vấn đề về cấu trúc đường hô hấp: lưỡi bị lớn, vòm họng quá nhỏ, amidan bị sưng đại, hàm nhỏ,…
  • Người mang truyền từ gen của gia đình, từ người đã mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Người cao tuổi thường dễ mắc triệu chứng ngừng thở khi ngủ hơn trẻ em
Người cao tuổi thường dễ 
mắc triệu chứng ngừng thở khi ngủ hơn trẻ em

Các biến chứng nguy hiểm của hiện tượng ngừng thở khi ngủ

Hiện tượng ngừng thở khi ngủ nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy giảm sức sống, giảm chất lượng sống, phát sinh ra các biến chứng: 

  • Bến chứng về tim mạch: Người bệnh thiếu oxy trong máu, tăng nguy cơ bị bệnh đột quỵ và các bệnh liên quan đến huyết áp và tim mạch như bị suy tim, tim đập nhanh, đau tim, nhồi máu cơ tim…
  • Đột quỵ là biến chứng đáng sợ do tình trạng ngừng thở khi ngủ xảy ra thường xuyên. Điều này ảnh hưởng xấu đến não khiến bệnh nhân có thể bị đột quỵ trong khi ngủ kéo theo nhiều di chứng sau đó, thậm chí người bệnh có thể tử vong.
  • Bệnh nhân rất  có thể đang mắc bệnh tiểu đường các dạng. Các bác sĩ đã chứng minh được rằng bệnh tiểu đường và chứng ngừng thở khi ngủ có liên quan qua lại với nhau. Tỷ lệ người bệnh tiểu đường type 2 có biểu hiện rối loạn giấc ngủ là rất cao.
  • Biến chứng rối loạn tình dục hay chức năng tình dục ở cả nam giới và nữ giới. Người bệnh ngủ không ngon lâu ngày sẽ bị suy giảm cảm xúc và ham muốn trong chuyện giường chiếu.
  • Một số biến chứng khác như: trào ngược dạ dày, tăng áp ở phổi, viêm họng, đau đầu…

Người trung niên mắc bệnh ngừng thở khi ngủ có thể bị biến chứng đột quỵ nguy hiểm
Người trung niên mắc bệnh ngừng thở khi ngủ có thể bị biến chứng đột quỵ nguy hiểm

Cách thức chẩn đoán tình trạng ngừng thở khi ngủ

Khi người bệnh phát hiện ra vấn đề về giấc ngủ hay những dấu hiệu bất thường giấc ngủ thì khuyến nghị là hãy đi khám và nhận lời tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Bác sĩ điều trị sẽ thực hiện thăm dò sâu về giấc ngủ để có căn cứ chẩn đoán. Thử nghiệm đa ký giấc ngủ sẽ xác nhận người bệnh đang mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ không và thuộc thể bệnh nào. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác để xem người bệnh có đang bị mắc bệnh lý nào khác như: bệnh suy tim, bệnh về hô hấp, bệnh liên quan tới hệ thần kinh hoặc bệnh lý về hormon…

  • Chỉ định khám lâm sàng hệ hô hấp
  • Kiểm tra lâm sàng hệ tai mũi họng
  • Thực hiện đo điện tim thường
  • Kiểm tra đa ký hô hấp, được tiến hành bởi chuyên gia về giấc ngủ, có thể thực hiện ở nhà hay bệnh viện, xác định chỉ số ngừng thở thở yếu (IAH):
    IAH >= 30  hay IAH < 30 

Các phương pháp điều trị ngừng thở khi ngủ

Tùy vào từng tình trạng và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa hội chứng ngừng thở khi ngủ phù hợp. Ưu tiên là bệnh nhân phải được chẩn đoán chính xác các thông tin về bệnh. Các phương phổ biến được áp dụng điều trị bao gồm:

  • Đề nghị người bệnh thực hiện liệu trình giảm cân nếu hội chứng ngừng thở khi ngủ là do béo phì.
  • Thực hiện thay đổi lối sống, tạo điều kiện tăng chất lượng giấc ngủ và cải thiện hoạt động của hệ hô hấp.
  • Phẫu thuật nếu cần thiết để loại bỏ các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường thở.
  • Đeo nẹp hàm nếu nguyên nhân gây bệnh do dị tật hàm, khiếm khuyết về hàm
  • Có thể áp dụng liệu pháp áp lực đường thở dương một cách liên tục.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi để đánh giá khả năng đáp ứng của bệnh nhân đối với từng phương pháp điều trị. Song song với việc điều trị ngừng thở khi ngủ là điều trị và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh: mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, huyết áp bất thường,… 

Những thói quen nên được hình thành sẽ giúp bệnh nhân mắc ngừng thở khi ngủ cải thiện bệnh giảm bớt triệu chứng: ngưng sử dụng thuốc an thần, tránh uống rượu bia và các chất gây nghiện, thay đổi tư thế ngủ, không hút thuốc lá,…

Biện pháp đề phòng hiện tượng ngừng thở khi ngủ

Đây được coi là căn bệnh nguy hiểm nhưng triệu chứng lại không rõ ràng, thường chỉ phát hiện khi người nhà vô tình nhận ra hoặc khi người bệnh thăm khám sức khỏe. Vậy mỗi người nên phòng tránh bệnh này một cách chủ động, tham khảo một số các phương pháp sau:

  • Giảm bớt hoặc bỏ hẳn việc sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc ngủ,....
  • Tuân thủ theo lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên đều đặn và phù hợp với thể trạng, phòng ngừa bệnh thừa cân, béo phì.
  • Sắp xếp lịch trình cuộc sống hợp lý, xen kẽ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị căng thẳng quá mức hay stress,...
  • Mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ bệnh 

Tập thể dục khoa học giúp điều chỉnh giấc ngủ và hơi thở
Tập thể dục khoa học giúp điều chỉnh giấc ngủ và hơi thở

Một số câu hỏi thường gặp về triệu chứng ngừng thở khi ngủ

Hiện tượng ngừng thở khi ngủ có thật sự nguy hiểm không?

Triệu chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một rối loạn giấc ngủ chiếm khoảng 4% ở nam và 2% ở nữ giới. Bệnh được mô tả là khi ngủ, đường hô hấp của bệnh nhân bị tắc nghẽn hoàn toàn kéo dài khoảng hơn 10 giây; hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần trong giấc ngủ đêm, khiến bệnh nhân khó thở và phải giật mình thức giấc. Về lâu dài nếu bệnh này không chữa trị, bệnh nhân sẽ đối mặt với các biến chứng như: đái tháo đường type 2, bệnh cao huyết áp, bệnh lý về tim mạch và đột quỵ.

Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ có bắt buộc phải phẫu thuật hay không?

Có ba phương pháp điều trị phổ biến bệnh này bao gồm: thứ nhất là giảm cân thay và đổi lối sống. Thứ 2 là áp dụng thở máy áp lực dương. Thứ ba là phẫu thuật. Các phương pháp này có thể tiến hành riêng lẻ hoặc kết hợp tùy tình trạng với nhau để đạt hiệu quả cao nhất.

Khi phát hiện người thân của mình hay chính bản thân có những dấu hiệu của ngừng thở khi ngủ như thông tin bài viết ở trên, tốt nhất là bệnh nhân hãy chủ động lựa chọn địa chỉ uy tín để kiểm tra về hô hấp cũng như chẩn đoán các bệnh gây ra triệu chứng đó. Bất cứ bệnh lý nào nếu để thời gian tiến triển bệnh càng lâu thì càng dễ gây ra những biến chứng khó lường, thậm chí cướp đi sinh mạng quý giá. Bệnh viện Phương Đông trân trọng giá trị của sức khỏe và sự sống, luôn sẵn sàng chào đón các khách hàng đến khám và điều trị bệnh.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

1,269

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám