Khái quát về bệnh rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp đập của tim bị bất thường chẳng hạn như đập quá nhanh hoặc đập quá chậm hay không đều. Đây là hậu quả của sự gián đoạn trong hệ thống điện của tim, vốn chịu trách nhiệm điều chỉnh tần số và nhịp điệu. Tình trạng này không chỉ làm giảm khả năng bơm máu hiệu quả của tim mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, hoặc ngừng tim đột ngột.
Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý liên quan tới tim mạch có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi
Rối loạn nhịp tim thường xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ tăng cao ở người cao tuổi, người mắc bệnh mạch vành, suy tim, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường. Đặc biệt, các yếu tố như căng thẳng, thiếu ngủ, hoặc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.
Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với người bệnh
Đối với người bệnh bị rối loạn nhịp tim, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát diễn biến của bệnh, tác động không nhỏ đến quá trình hồi phục sức khoẻ tổng thể nói chung và tim mạch nói riêng.
Một số trường hợp nhẹ, người bệnh chưa cần dùng đến thuốc mà chỉ cần xây dựng chế độ ăn uống sao cho phù hợp để cải thiện tình hình. Đối với những trường hợp nặng, rối loạn nhịp tim nghiêm trọng cần có sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và can thiệp các biện pháp y tế, cùng với việc ăn uống khoa học và điều độ sẽ giúp ngăn ngừa các tác nhân xấu có ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh.
Rối loạn nhịp tim kiêng ăn gì?
Thực phẩm chế biến sẵn, chứa chất bảo quản
Người bị rối loạn nhịp tim kiêng ăn những thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản
Người bị rối loạn nhịp tim cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều chất bảo quản. Những loại thực phẩm này bao gồm thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng, đồ ăn đóng hộp, snack, mì ăn liền và các loại đồ uống có ga hoặc đóng chai. Nguyên nhân chính là do các sản phẩm này thường chứa hàm lượng cao natri, đường, chất béo bão hòa và phụ gia hóa học như nitrat, nitrit và glutamate monosodium (MSG).
Natri trong thực phẩm chế biến sẵn làm tăng áp lực máu, khiến tim phải hoạt động mạnh hơn, từ đó gia tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation chỉ ra rằng chế độ ăn chứa nhiều natri có thể làm tăng 23% nguy cơ mắc các rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, đặc biệt là rung nhĩ.
Bên cạnh đó, các chất bảo quản như nitrit hoặc MSG có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, làm mất cân bằng điện giải và ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như đánh trống ngực, hồi hộp hoặc cơn rối loạn nhịp tim đột ngột.
Thực phẩm chứa nhiều Cholesterol
Những thực phẩm chứa cholesterol cao có thể làm gia tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Dưới đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều cholesterol mà người bị rối loạn nhịp tim nên kiêng:
- Các loại thịt chế biến sẵn: Xúc xích, thịt xông khói, giăm bông,...Những loại thực phẩm này không chỉ làm tăng cholesterol xấu mà còn gây viêm, làm tổn thương mạch máu và góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim.
- Nội tạng động vật: Gan, tim, thận và lòng mề là nguồn cung cấp cholesterol dồi dào nhưng lại không phù hợp cho người có bệnh lý tim mạch.
- Đồ ăn nhanh và thực phẩm chiên rán: Khoai tây chiên, gà rán, bánh pizza,...chứa nhiều cholesterol và trans fat, giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim.
- Các sản phẩm từ sữa giàu chất béo: Kem, phô mai, bơ,... là những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, có thể gây tích tụ mảng bám trong động mạch, dẫn đến giảm lưu lượng máu và tăng nguy cơ loạn nhịp tim.
- Hải sản giàu cholesterol: Tôm, cua, mực,..mặc dù chứa protein và dưỡng chất có lợi, nhưng đồng thời chúng cũng có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, gây áp lực lên hệ tim mạch.
- Trứng và các sản phẩm từ trứng: Lòng đỏ trứng chứa lượng cholesterol lớn (khoảng 186mg mỗi quả). Người bị rối loạn nhịp tim cần hạn chế tiêu thụ lòng đỏ và ưu tiên lòng trắng trứng để duy trì lượng protein mà không ảnh hưởng đến sức khỏe tim.
Đồ ăn chứa nhiều đường, nhiều muối
Thực nhiều nhiều muối và đường không mang lại lợi ích cho người mắc bệnh tim mạch
Rối loạn nhịp tim kiêng ăn gì? - Đó là những loại thực phẩm chứa nhiều đường và muối. Cụ thể:
Đối với đồ ăn có hàm lượng đường cao như bánh ngọt, nước ngọt có ga hoặc các loại kẹo, có thể gây tăng đường huyết đột ngột. Tình trạng này thúc đẩy giải phóng insulin, làm tăng nhịp tim bất thường và gây căng thẳng lên hệ thống tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đường vượt mức làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tim mạch, đặc biệt là ở người đã có vấn đề về nhịp tim.
Ngoài ra, những đồ ăn nhiều muối có thể gây tích nước, tăng huyết áp và làm nặng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 5g muối mỗi ngày. Đối với người bị rối loạn nhịp tim, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn không chỉ giúp ổn định nhịp tim mà còn giảm nguy cơ biến chứng như suy tim hoặc tăng huyết áp.
Đồ uống chứa Caffeine
Caffeine là một thành phần mà người bệnh cần kiêng kị khi bị rối loạn nhịp tim có trong trà, cà phê, socola và nước ngọt.
Chúng làm cho tim đập nhanh cùng với các triệu chứng đau đầu, tức ngực. Trong một số trường hợp, cafein còn kích thích hệ thống dẫn truyền tim khiến nhịp tim tăng nhanh. Vì thế, đối với những người bị bệnh tim mạch, cafein không phải là một thành phần được khuyến khích.
Hàm lượng caffeine trong trà và socola ít hơn cà phê, nhưng vẫn có thể gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, nhiều loại nước tăng lực hiện nay cũng chứa thành phần này và các chất tương tự như taurine, mặc dù đã có sự thay đổi về hàm lượng nhưng so với caffeine vẫn gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
Tham khảo:
Rối loạn nhịp tim nên ăn gì?
Thực phẩm giàu Kali và Magie
Các thực phẩm giàu kali và magie để giúp ổn định hệ thống điện tim, hỗ trợ chức năng co bóp của cơ tim và giảm nguy cơ các rối loạn nhịp nguy hiểm. Dưới đây là những thực phẩm nên được ưu tiên trong chế độ ăn:
Magie và Kali là những nhóm chất mà người bị rối loạn nhịp tim nên bổ sung vào thực đơn
- Chuối: Ăn một quả chuối mỗi ngày là cách đơn giản để bổ sung kali, với khoảng 422 mg kali trong mỗi quả trung bình. Kali trong chuối giúp cân bằng điện giải, điều chỉnh huyết áp và giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim.
- Quả bơ: Một nửa quả bơ cung cấp khoảng 485 mg kali và 30 mg magie. Đây là thực phẩm lý tưởng để cải thiện sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa nguy cơ nhịp tim không đều.
- Rau lá xanh: Các loại rau như cải bó xôi, cải xoăn và rau diếp chứa nhiều magie, với mỗi 100g rau cải bó xôi cung cấp khoảng 79 mg magie. Những loại rau này hỗ trợ giãn cơ tim, ổn định nhịp tim và giảm căng thẳng lên mạch máu.
- Các loại hạt: Hạt hạnh nhân, hạt điều và hạt bí là nguồn giàu magie. Chúng không chỉ giúp duy trì cân bằng điện giải mà còn là nguồn cung cấp chất xơ, chất béo lành mạnh cho tim.
- Khoai lang: Khoai lang cung cấp khoảng 448 mg kali trong mỗi củ trung bình, giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp hiệu quả.
- Cá hồi và cá thu: Axit béo omega-3 và magie trong cá hỗ trợ điều hòa nhịp tim và giảm viêm. Thêm cá vào thực đơn ít nhất 2 lần mỗi tuần sẽ mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe tim mạch.
- Đậu và đậu lăng: Các loại đậu như đậu đen, đậu đỏ và đậu lăng chứa cả kali và magie. Một chén đậu lăng nấu chín cung cấp khoảng 731 mg kali và 71 mg magie. Đây là thực phẩm giàu dinh dưỡng, phù hợp cho chế độ ăn lành mạnh.
- Dưa hấu: Một cốc dưa hấu cắt nhỏ cung cấp khoảng 170 mg kali, giúp hỗ trợ hydrat hóa cơ thể.
Thực phẩm giàu Omega-3
Omega-3 là một loại axit béo thiết yếu có lợi cho tim mạch, đặc biệt hiệu quả trong việc kiểm soát rối loạn nhịp tim. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng bổ sung thực phẩm giàu Omega-3 có thể giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim, cải thiện sức khỏe tim mạch tổng thể và giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch. Nhóm thực phẩm giàu Omega-3 mà người bị rối loạn nhịp tim nên bổ sung:
- Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá ngừ: Nguồn cung cấp Omega-3 dồi dào dưới dạng EPA (eicosapentaenoic acid) và DHA (docosahexaenoic acid), hai loại axit béo quan trọng giúp giảm viêm và ổn định nhịp tim.
- Hạt lanh và dầu hạt lanh: Cung cấp ALA (alpha-linolenic acid), một dạng Omega-3 thực vật có thể chuyển đổi một phần thành EPA và DHA trong cơ thể. Hạt lanh cũng chứa chất xơ và lignans, giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
- Quả óc chó: Chứa lượng lớn ALA, cùng với các chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ viêm mạch máu. Một nắm nhỏ quả óc chó (khoảng 30g) mỗi ngày là đủ để cung cấp Omega-3 cho cơ thể.
- Hạt chia: Hạt chia không chỉ giàu ALA mà còn cung cấp chất xơ, magie và protein thực vật, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Bạn có thể thêm loại hạt này vào sữa chua, sinh tố hoặc các món salad để tăng hương vị và giá trị dinh dưỡng.
- Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành: Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành hoặc đậu phụ là nguồn cung cấp ALA đáng kể. Ngoài Omega-3, đậu nành còn chứa isoflavones, giúp cải thiện sức khỏe mạch máu.
Người bị rối loạn nhịp tim nên ưu tiên tiêu thụ thực phẩm tươi và hạn chế các nguồn Omega-3 từ thực phẩm chế biến công nghiệp. Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy kết hợp chế độ ăn giàu Omega-3 với lối sống lành mạnh. Trước khi bổ sung Omega-3 hoặc thay đổi chế độ ăn, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.
Thực phẩm giàu chất xơ
Người bệnh nên tiêu thụ những thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe tim mạch, đặc biệt ở người bị rối loạn nhịp tim. Chất xơ giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu, điều chỉnh huyết áp và giảm viêm - những yếu tố quan trọng góp phần duy trì nhịp tim ổn định.
- Nhóm thực phẩm có nguồn chất xơ hoà tan: Trái họ cam quýt, việt quất, đậu Hà Lan, bột yến mạch, dâu tây,...hỗ trợ giảm cholesterol, điều hoà đường trong máu.
- Nhóm thực phẩm có nguồn chất xơ không hòa tan: Bánh mì nguyên cám, ngũ cốc nguyên cám, súp lơ, cà rốt, bắp cải,...có khả năng thúc đẩy quá trình đào thải chất cặn bã nhanh hơn.
Một số thực phẩm như các loại hạt sẽ chứa cả chất xơ không hòa tan và có hoà tan. Bạn cần chú ý uống đủ nước mỗi ngày để giúp đẩy chất xơ qua ruột được dễ dàng hơn. Hạn chế muối và chất béo bão hòa để tối ưu hiệu quả.
Thực phẩm bảo vệ mạch máu
Các mảng báo trên thành động mạch sẽ tích tục ngày càng nhiều theo thời gian, gây hẹp lòng mạch, cản trở hoặc làm tắc nghẽn sự lưu thông của máu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các cơ quan khác do không được cung cấp lượng máu cần thiết. Để bảo vệ mạch máu tốt, bạn nên bổ sung một số loại thực phẩm như: Nho, rau bina, cá hồi, cà chua, dầu oliu, trà xanh, lựu, cần tây, dưa hấu,...
Thực phẩm tăng cường Sterol
Các Sterol thực vật có khả năng giảm hấp thụ cholesterol ở ruột non mà không ảnh hưởng tới các cholesterol tốt trong cơ thể. Một số thực phẩm có chứa sterol thực vật tốt cho sức khỏe tim mạch bao gồm các loại hạt, đậu, dầu thực vật, ngũ cốc, mầm lúa mì, sữa chua, phô mai,...
Thực phẩm chống oxy hoá
Người bị nhịp tim chậm nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hoá. Bởi chúng có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành các gốc tự do và sự tiến triển thành rung nhĩ. Đồng thời giúp người bệnh cảm thấy được thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Một số thực phẩm chống oxy hoá bao gồm trái cây họ cam quýt, cà chua, ổi, dứa, dưa hấu, xoài, đu đủ, anh đào, dầu oliu, nghệ tây, đậu nành, súp lơ,...
Mọi thắc mắc cần được giải đáp, Quý khách hàng có thể liên hệ với Bệnh viện Phương Đông qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám trực tuyến để được hỗ trợ sớm nhất.
Kết luận
Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tránh xa các thực phẩm có hại là chìa khóa giúp người bệnh rối loạn nhịp tim kiểm soát tốt tình trạng bệnh và bảo vệ sức khỏe lâu dài. Hy vọng bài viết "Rối loạn nhịp tim kiêng ăn gì? 5 loại thực phẩm dành cho người bệnh" đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đừng quên kết hợp ăn uống khoa học với lối sống lành mạnh và thường xuyên thăm khám bác sĩ để đảm bảo trái tim luôn khỏe mạnh.