Sán dây lợn có nguy hiểm không? Phác đồ điều trị như thế nào?

Nguyễn Phương Thảo

16-05-2025

goole news
16

Sán dây lợn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng thậm chí dẫn đến co giật hoặc tử vong. Loại sán này thường lây qua đường tiêu hóa, phổ biến ở những người ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ hoặc thực phẩm mất vệ sinh. Vậy sán dây lợn thực sự nguy hiểm đến mức nào? Phác đồ điều trị hiện nay ra sao và liệu có thể phòng tránh hiệu quả không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên. 

Sán dây lợn là loại ký sinh trùng như thế nào? 

Sán dây lợn (Taenia solium) là một loại ký sinh trùng thuộc lớp sán dây (Cestoda), sống ký sinh chủ yếu trong ruột non của người – vật chủ chính. Loài này có hình thể dài, dẹt, thân chia thành nhiều đốt (proglottids), có thể dài từ 2 đến 7m khi trưởng thành. Đầu sán (scolex) có 4 giác hút và vòng móc, giúp nó bám chắc vào niêm mạc ruột của vật chủ. Mỗi đốt sán trưởng thành đều chứa cơ quan sinh dục lưỡng tính, có thể tự sinh sản và phóng thích trứng ra ngoài theo phân người nhiễm, từ đó tiếp tục chu kỳ sống.

Hình ảnh sán dây lợnHình ảnh sán dây lợn bao gồm phần đầu, thân và các đốt sán chi tiết

Điểm đặc biệt của sán dây lợn là ngoài việc gây nhiễm trùng đường tiêu hóa khi người ăn phải ấu trùng hoặc thịt lợn chưa nấu chín kỹ, trứng của nó còn có thể phát triển thành ấu trùng và di chuyển trong cơ thể, gây bệnh ấu trùng sán lợn khi xâm nhập vào não, mắt hoặc cơ, gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Taenia solium được xếp vào nhóm ký sinh trùng gây bệnh nguy hiểm nhất do khả năng di chuyển và phát triển ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể người, không chỉ giới hạn ở ruột non như nhiều loại sán dây khác 

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng liệt kê Taenia solium là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây động kinh mắc phải tại các nước đang phát triển, đặc biệt là do biến chứng viêm não – do ấu trùng ký sinh trong mô thần kinh 

Chu kỳ phát triển của sán dây lợn ra sao? 

Chu kỳ sinh học của sán dây lợn là một chu trình phức tạp, liên quan đến hai vật chủ chính là lợn (vật chủ trung gian) và người (vật chủ chính). Đặc điểm nguy hiểm của loài sán này là người có thể đóng vai trò của cả hai loại vật chủ, dẫn đến nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn trong não và các mô khác, chứ không chỉ ở ruột non như các loại sán thông thường. Dưới đây là mô tả chi tiết về chu kỳ này:

Sơ đồ minh họa vòng đời của Taenia solium và quá trình gây nhiễm trùng ở ngườiSơ đồ minh họa vòng đời của Taenia solium và quá trình gây nhiễm trùng ở người

  1. Sán trưởng thành sống trong ruột non người
  • Người ăn phải ấu trùng trong thịt lợn, ấu trùng sẽ bám vào niêm mạc ruột và phát triển thành sán trưởng thành trong vòng 2–3 tháng.
  • Sán trưởng thành có thể sống từ 2 đến 5 năm trong ruột người và dài từ 2–7 mét.
  1. Sản sinh trứng và thải qua phân
  • Mỗi đốt sán trưởng thành chứa hàng nghìn trứng, sau đó tách ra và theo phân người ra ngoài môi trường.
  • Trứng có thể tồn tại hàng tuần trong đất, nước hoặc thức ăn nếu điều kiện thuận lợi.
  1. Lợn ăn phải trứng → nhiễm ấu trùng 
  • Lợn ăn phải thức ăn, nước hoặc đất có nhiễm trứng → trứng nở thành ấu trùng oncosphere trong ruột lợn → xuyên qua thành ruột và theo máu đến các cơ → phát triển thành ấu trùng nang
  • Những nang này chủ yếu khu trú ở cơ vân, mô liên kết, đôi khi cả não hoặc gan của lợn.
  1. Người ăn phải thịt lợn chứa ấu trùng chưa nấu chín → nhiễm sán trưởng thành
  • Khi người ăn phải thịt lợn chứa ấu trùng nang, các nang này sẽ phát triển thành sán trưởng thành trong ruột non, khởi động lại chu kỳ.
  • Trong một số trường hợp, người ăn phải trứng (qua tay bẩn, rau sống nhiễm phân…) → trứng nở ra ấu trùng oncosphere, xuyên qua thành ruột và di chuyển theo máu đến các cơ quan khác như não, mắt, gan, phổi, gây nên bệnh ấu trùng sán lợn – biến chứng nguy hiểm, có thể gây co giật, mù, thậm chí tử vong.

Bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn có khác nhau không? 

Bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn là hai loại bệnh do sán gây ra, nhưng chúng có sự khác biệt rõ rệt. 

Bệnh sán dây, thường được gây ra bởi sán dây trưởng thành, có thể sống trong ruột người và gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, và sụt cân. Ngược lại, ấu trùng sán lợn, thường là ấu trùng của sán lợn, không chỉ gây ra các triệu chứng tương tự mà còn có thể di chuyển đến các mô khác trong cơ thể, dẫn đến bệnh cysticercosis (là bệnh nhiễm trùng với ấu trùng của T. solium, phát triển sau khi ăn trứng được bài tiết qua phân người) với tình trạng nghiêm trọng hơn. Bệnh có thể ảnh hưởng đến não, gây ra các vấn đề thần kinh. Do đó, mặc dù cả hai đều liên quan đến sán, nhưng chúng khác nhau về hình thức, vị trí gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

Sán dây lợn có nguy hiểm không?

Tuỳ thuộc vào vị trí ký sinh của sán lợn mà cơ thể sẽ có những triệu chứng và mức độ nguy hiểm khác nhau. 

Trường hợp nang sán lợn nằm trong cơ, sẽ xuất hiện những u nhỏ bất thường, cứng và lặn dưới da, có thể di chuyển khi ta tác động vào, kích thước khoảng 1–2 cm, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân. 

Phát hiện sán kí sinh trong não người bệnh sau khi họ ăn thịt chưa nấu chínPhát hiện sán kí sinh trong não người bệnh sau khi họ ăn thịt chưa nấu chín

Nếu nang sán lớn di chuyển đến và ký sinh trong não, người bệnh có khả năng sẽ bị động kinh, co giật, liệt tay/chân/nửa người, bị nói ngọng, loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. 

Khi nang sán xuất hiện ở mắt, sẽ dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp, giảm thị lực hay nguy hiểm hơn là bị mù loà. 

Nhiễm sán lợn thường không không có dấu hiệu rõ ràng nên đa số người bệnh sẽ không đi khám và điều trị. Tình trạng này diễn ra dài ngày có thể gây suy giảm sức khoẻ, rối loạn tiêu hoá, cơ thể dần trở nên suy nhược, gầy mòn. 

Nguyên nhân cơ dẫn đến bệnh sán dây lợn

Bệnh sán dây lợn là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do sán dây Taenia solium gây ra, chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa. 

Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

  • Do con người ăn thịt lợn chưa được nấu chín kỹ, có chứa các ấu trùng sán dây cư trú trong cơ hoặc mô của lợn. Khi vào cơ thể người, các ấu trùng này phát triển thành sán trưởng thành trong ruột non, gây nên bệnh sán dây.
  • Ăn phải thức ăn hoặc nước uống nhiễm trứng sán dây, thường xuất phát từ thói quen vệ sinh kém hoặc môi trường sống không đảm bảo sạch sẽ. 
  • Thói quen ăn rau sống không rửa kỹ, uống nước chưa qua xử lý, hay ăn tiết canh, gỏi lợn,...cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 
  • Ô nhiễm môi trường do chất thải của người bệnh chứa trứng sán, có thể làm lây lan bệnh nếu không được xử lý đúng cách.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sán dây lợn phổ biến ở các khu vực có hệ thống xử lý vệ sinh kém, tập quán nuôi lợn thả rông và thiếu kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, tỷ lệ người nhiễm ấu trùng sán lợn có thể lên đến 7–10% tại một số vùng miền núi và nông thôn, nơi vẫn còn tồn tại thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh. 

Xem thêm:

Các triệu chứng của bệnh sán dây lợn ở người 

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh, bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng, và thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Cụ thể: 

Nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ của sán dây lợn ở dưới daNhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ của sán dây lợn ở dưới da

Thể bệnh dưới da hoặc bắp cơ: Thường ko có triệu chứng gì và chỉ sờ thấy dưới da. Nếu nhiều thì có thể có hiện tượng mỏi và giật cơ. 

Thể ở cơ quan nội tạng: 

  • Mắt: Bị lác, nhìn mờ, nhìn đôi, bong võng mạc, thị lực giảm hoặc nguy hiểm hơn là bị mù. 
  • Tim: Thường bị rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên lại ít thấy hiện tượng bệnh lý ở tim. 

Thể bệnh não: Tuỳ theo giai đoạn của nang ấu trùng ký sinh trong não mà sẽ có những triệu chứng lâm sàng khác nhau như suy giảm trí nhớ, nhức đầu, co giật cơ, rối loạn thị giác, động kinh, rối loạn tâm thần, liệt, hôn mê,... 

Phác đồ điều trị bệnh sán dây lợn 

Một số loại thuốc đặc hiệu dành cho bệnh sán dải lợn và ấu trùng sán như Praziquantel, Niclosamide và Albendazole. Chi tiết: 

Điều trị sán trưởng thành: Praziquantel 15–20mg/kg cân nặng liều duy nhất hoặc niclosamide liều 2g cho người lớn, lặp lại trong vòng 7 ngày nếu cần thiết;

Điều trị bệnh ấu trùng sán, có thể dùng 1 trong 2 phác đồ điều trị sau đây: 

Praziquantel 30mg/kg/ngày – 15 ngày – 2 đến 3 đợt (mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày); 

Hoặc Praziquantel 15 đến 20mg/kg, liều duy nhất ngày đầu. Những ngày sau dùng albendazole 15mg/kg/ngày – 30 ngày – 2 đến 3 đợt (các đợt cách nhau 20 ngày).

  • Đối với trẻ em, khi điều trị bằng thuốc niclosamide, cần cho liều theo cân nặng cơ thể và được chỉ định chi tiết bởi bác sĩ. 

Với những trẻ từ 11 đến 34kg, liều cho 1g, liều duy nhất, điều trị có thể lặp lại trong vòng 7 ngày nếu cần thiết; 

Với trẻ >34kg: liều cho 1.5g, liều duy nhất, điều trị có thể lặp lại trong vòng 7 ngày nếu cần thiết. 

Cách phòng ngừa sán lợn bạn cần biết  

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với thịt sống để phòng ngừa sán Vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với thịt sống để phòng ngừa sán 

Để phòng ngừa mắc bệnh sán dải lợn, người dân không nên ăn thịt lợn tái hoặc sống. Nếu nhận thấy thịt lợn có những nang ấu trùng giống như hạt gạo trong quá trình chế biến thịt lợn, thì hãy tiêu huỷ ngay lập tức. 

Nếu nghi ngờ trong phân có đốt sán, hãy đi thăm khám sớm để được điều trị kịp thời, nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Không nuôi lợn thả rông để giảm tỷ lệ tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường. Thực hiện đúng quy tắc ăn chín - uống sôi để có thể đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và những người thân trong gia đình. 

Quý khách có thể đặt lịch khám tại Bệnh viện Phương Đông qua hotline 1900 1806 để được bộ phận tư vấn hỗ trợ sớm nhất. 

Kết luận

Sán dây lợn không chỉ gây rối loạn tiêu hóa đơn thuần mà còn có thể xâm nhập và tạo nang trong não, mắt, cơ, gây hậu quả nghiêm trọng nếu điều trị muộn. Việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị, kết hợp với phòng ngừa từ chế độ ăn uống và sinh hoạt an toàn, đóng vai trò quyết định trong kiểm soát và loại bỏ hoàn toàn loại ký sinh trùng nguy hiểm này. Chủ động thăm khám khi có triệu chứng nghi ngờ và duy trì thói quen ăn chín, uống sôi là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe khỏi "mối nguy" mang tên sán dây lợn.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

11

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám