Giới thiệu chung về sán lá gan lớn
Sán lá gan lớn là một loại ký sinh trùng thuộc lớp Trematoda, ngành Platyhelminthes. Chúng ký sinh chủ yếu trong gan và đường mật của động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, và đôi khi ở người. Bệnh nhiễm sán lá gan lớn (fasciolosis) là một bệnh lý quan trọng trong y học và thú y, đặc biệt ở các vùng nông nghiệp.
Tên khoa học:
- Fasciola hepatica: Phân bố chủ yếu ở Châu Âu (Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ), Nam Mỹ (Argentina, Bolivia, Ecuador, Peru), Châu Á (Hàn Quốc, Iran và một số vùng của Nhật Bản), Châu Phi (Ai Cập, Ethiopia)
- Fasciola gigantica: Phân bố chủ yếu ở Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam)
Cấu tạo sinh học và hình ảnh sán lá gan lớn
Phân loại:
- Ngành: Platyhelminthes (Giun dẹp)
- Lớp: Trematoda (Sán lá)
- Bộ: Digenea
- Họ: Fasciolidae
- Giống: Fasciola
Đặc điểm sinh học:
- Sán lá gan lớn có hình dạng dẹp, giống chiếc lá, màu xám nhạt hoặc nâu đỏ.
- Kích thước trung bình: dài 30–50 mm, rộng 10–13 mm.
- Cơ thể có hai giác hút: một ở miệng và một ở bụng, giúp chúng bám chặt vào mô gan và đường mật của vật chủ.
- Sán là loài lưỡng tính, có khả năng tự thụ tinh hoặc thụ tinh chéo.
Hình dạng tổng thể và cấu trúc cực vỏ trứng của trứng sán lá gan lớn
Ở Việt Nam cho đến nay, tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn đã xuất hiện ở 47 tỉnh/thành phố, ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có tỷ lệ nhiễm cao nhất, cụ thể như Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Gia Lai, TP Đà Nẵng.
Vật chủ chính của bệnh sán lá gan lớn chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu. Người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh; vật chủ trung gian là ốc họ Lymnaea.
Sán lá gan lớn ký sinh ở đâu trong cơ thể người?
Sán lá gan lớn trưởng thành ký sinh chủ yếu trong ống mật ở gan. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển, ấu trùng có thể lạc chỗ và ký sinh ở các cơ quan khác như phổi, tim, não, cơ, da, gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng và phức tạp. Cụ thể:
Gan – vị trí ký sinh chính
Sau khi người ăn phải ấu trùng sán (metacercariae) có trong thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm, ấu trùng này đi qua thành ruột, vào ổ bụng và xuyên qua bao gan để đến nhu mô gan. Tại đây, chúng phát triển thành sán trưởng thành, gây tổn thương mô gan và phản ứng viêm. Giai đoạn này thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, gây ra các triệu chứng như sốt, đau bụng và gan to.
Đường mật – nơi cư trú lâu dài
Sau khi trưởng thành trong nhu mô gan, sán di chuyển vào hệ thống đường mật, nơi chúng cư trú lâu dài và đẻ trứng. Trứng sán theo dòng mật xuống ruột và được bài tiết ra ngoài qua phân. Sán trưởng thành có thể sống trong đường mật của người trong nhiều năm, gây ra viêm đường mật, tắc nghẽn và các biến chứng khác như sỏi mật hoặc viêm túi mật.
Một số vị trí khác (hiếm gặp)
Trong một số trường hợp hiếm, sán lá gan lớn có thể ký sinh lạc chỗ ở các cơ quan khác ngoài gan và đường mật, chẳng hạn như phổi, cơ, não hoặc dưới da. Những trường hợp này thường gây ra các triệu chứng không đặc hiệu và có thể dẫn đến chẩn đoán sai nếu không được phát hiện kịp thời.
Sán lá gan lớn phát triển như thế nào trong cơ thể?
Chu kỳ phát triển của sán lá gan lớn
- Sán trưởng thành đẻ trứng trong ống mật; trứng theo mật xuống ruột và ra ngoài theo phân.
- Trứng gặp nước sẽ nở thành ấu trùng lông (miracidium).
- Ấu trùng lông xâm nhập vào ốc nước ngọt thuộc họ Lymnaeidae, phát triển thành ấu trùng đuôi (cercaria).
- Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, bơi tự do và bám vào thực vật thủy sinh, phát triển thành nang trùng (metacercaria).
- Người hoặc động vật ăn cỏ ăn phải thực vật có chứa nang trùng sẽ bị nhiễm sán.
- Nang trùng vào dạ dày, xuyên qua thành ruột, di chuyển đến gan và phát triển thành sán trưởng thành trong ống mật.
Triệu chứng và dấu hiệu khi sán lá gan lớn ký sinh
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhiễm sán lá gan lớn nên thường không đặc hiệu, tuỳ thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí mà sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.
Các dấu hiệu thường gặp ở người mắc bệnh sán lá gan, bao gồm:
- Mệt mỏi, sụt cân, suy nhược chưa rõ nguyên nhân. Đối với trẻ em còn có thể bị suy dinh dưỡng, chậm lớn;
- Đau bụng vùng hạ sườn phải, lan dần về phía sau hoặc vùng thượng vị - mũi ức. Có thể là đau âm ỉ, đôi khi dữ dội hoặc cũng có những trường hợp không đau bụng;
- Giảm cảm giác thèm ăn, thất thường, chán ăn;
- Rối loạn chức năng đường ruột với những biểu hiện như nôn ói, đầy bụng, chậm tiêu;
- Xuất hiện những cơn sốt thất thường như sốt cao, sốt kèm rét run hoặc sốt âm ỉ, sốt thoáng qua rồi tự hết;
- Hội chứng thiếu máu mạn tính với dấu hiệu da xanh, móng tay trắng bợt, môi, lưỡi nhợt nhạt.
Một số biến chứng do bệnh sán lá gan lớn gây ra có thể là tắc nghẽn các ống tiết trên đường tiêu hoá, người bệnh có những biểu hiện lâm sàng như viêm đường mật, vàng da tắc mật, viêm tuỵ cấp, xuất huyết tiêu hoá,...
Các triệu chứng cơ năng khi đi thăm khám có thể được ghi nhận, bao gồm:
- Sờ ấn đau vùng hạ sườn phải;
- Xác định kích thước gan to hơn, mềm, ấn đau. Đôi khi có dấu hiệu ấn kẽ liên sườn. Xuất hiện dịch trong ổ bụng và màng phổi;
- Người bệnh có thể phản ứng khi ấn bụng đau chói nếu vị trí sán lá gan gây tắc nghẽn, có khả năng viêm phúc mạc;
- Các biểu hiện toàn thân: Hội chứng nhiễm ký sinh trùng với dấu phát ban trên da, tổn thương ở các cơ quan khác nếu sán ký sinh nhầm chỗ.
Xem thêm:
Bệnh sán lá gan lớn có nguy hiểm không?
Sau khi sán lá gan lớn đi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng sẽ phóng ra các ấu trùng.
Các ấu trùng đó sẽ xuyên qua thành tá tràng, đi vào ổ bụng rồi di chuyển đến sinh trưởng và phát triển ở nhu mô gan. Trong quá trình ký sinh ở gan, sán lá gan sẽ tiết ra các chất độc làm phá huỷ nhu mô gan, gây áp xe gan. Sau khoảng 2–3 tháng ở nhu mô gan, sán có thể chui vào đường mật, tiếp tục phát triển và đẻ trứng trong một khoảng thời gian rất dài.
Tình trạng trên nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể tiến triển thành bệnh ung thư đường mật. Ở một số trường hợp, ấu trùng sán lá gan lớn di chuyển lạc chỗ và gây bệnh ở một số cơ quan như cơ, khớp, da, vú, dạ dày, đại tràng,...
Cách phòng ngừa và chẩn đoán sán lá gan lớn
Biện pháp phòng ngừa sán lá gan lớn
Để phòng chống bệnh sán lá gan lớn gây ra, mỗi người cần phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau:
- Ăn chín, uống sôi. Không ăn các loại gỏi cá sống hoặc chế biến từ cá, cua, ốc khi không được nấu chín hoàn toàn;
- Không uống nước lã, khi chưa được đun sôi ở 100 độ C;
- Không ăn tiết canh, gan động vật chưa nấu chín;
- Hạn chế ăn sống các loại rau thuỷ sinh như rau cần, ngó sen, cải xoong,...Bởi sán lá gan lớn bám rất chắc vào thành rau, dù rửa kỹ dưới vòi nước vẫn khó có thể loại bỏ sán hoàn toàn. Vì vậy, các loại rau thuỷ sinh cần được nấu chín trước khi ăn. Nhiệt độ tối thiểu khoảng 70 độ C để có thể tiêu diệt hoàn toàn các ấu trùng sán gan có trong rau;
- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Giữ gìn vệ sinh nơi sinh sống. Không thả phân tươi xuống ao cá, phóng uế linh tinh;
- Không dùng phân tươi để bón rau;
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
Ngoài ra, người bệnh có thể nhận các tư vấn từ các bác sĩ về việc sử dụng thuốc điều trị. Chẳng hạn như Triclabendazole hoặc Praziquantel để ngăn chặn sán phát triển.
Các phương pháp chẩn đoán hiện nay
Nhận thấy có các triệu chứng ở trên, người bệnh cần đi xét nghiệm sán lá gan lớn.
Các xét nghiệm này thường không tốn kém và thời gian xét nghiệm chỉ trong vòng 24h vô cùng nhanh chóng. Nếu có thể, hãy thực hiện sớm để tránh những trường hợp nhầm lẫn với các bệnh lý về gan mật khác, đặc biệt là ung thư gan.
Sử dụng xét nghiệm ELISA để chẩn đoán bệnh sán lá gan, có thể thực hiện được sau 2-4 tuần sau khi nhiễm trùng
- Xét nghiệm phân tìm trứng sán: Để tìm trứng sán lá gan lớn trong phân hoặc dịch mật. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện được trứng sán là rất thấp và còn phụ thuộc vào phương pháp xét nghiệm. Phương pháp này cần được thực hiện liên tục 3 ngày vì khả năng tìm thấy trứng rất thấp.
- Xét nghiệm công thức máu: Bạch cầu ái toan thường tăng, số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi có thể tăng.
- Chẩn đoán hình ảnh: Thông qua hình ảnh siêu âm sẽ cho thấy tổn thương ở gan là những ổ âm hỗn hợp hình tổ ong hoặc có thể thấy hình ảnh tụ dịch dưới bao gan. Ở một số trường hợp cần thiết có thể chụp cắt lớp vi tính gan (những hình ảnh này chỉ mang tính chất gợi ý)
- Xét nghiệm ELISA: Dùng để phát hiện kháng thể kháng sán. Kháng thể xuất hiện trong máu 2 tuần sau khi sán xâm nhập, sự tồn tại kháng thể trong máu chính là cơ sở của các phản ứng miễn dịch giúp chẩn đoán bệnh. Độ nhạy của ELISA là khoảng 98% và một số phản ứng chéo đã được báo cáo với ký sinh trùng Schistosoma.
Sán lá gan lớn không chỉ âm thầm ký sinh trong đường mật mà còn có thể gây viêm gan, tắc mật, thậm chí dẫn đến xơ gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nắm rõ vị trí ký sinh và quá trình phát triển của loại sán này là điều quan trọng để nâng cao cảnh giác, thay đổi thói quen ăn uống và chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu Quý khách có nhu cầu thăm khám, có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám để được nhân viên tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.