Kỹ năng thoát hiểm: sống sót trong đám đông mất kiểm soát

Thanh Tuyền

01-11-2022

goole news
16

Vào dịp Giáng sinh, lễ tết hay các sự kiện giải trí... mọi người thường đưa nhau đến những điểm vui chơi công cộng đông đúc. Việc hỗn loạn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau là điều không khó bắt gặp, vậy sống sót trong đám đông mất kiểm soát như thế nào, hãy cùng bài viết phân tích nguyên nhân và cách xử trí khi gặp tình huống này.

Nguyên nhân khiến các đám đông hoảng loạn

Từ trước đến nay đã có rất nhiều vụ chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp nhau đến chết trong những sự kiện đông người như vừa qua ở sự kiện lễ hội Halloween tại khu phố đêm Itaewon (Hàn Quốc). Khảo sát nguyên nhân tử vong của những nạn nhân trong các vụ đám đông hoảng loạn, xác định được có 3 nguyên nhân chính sau đây:

  • Chết do ngạt thở 
  • Chết do bị chèn ép quá mức
  • Chết do bị giẫm đạp

Thông thường, những người đi đường có tâm lý chú ý mọi vật thể xung quanh, vì thế mà họ luôn có sự quan sát và tính toán xem hướng di chuyển của các vật thể đó như thế nào, nhanh hay chậm. Khi cảm nhận rằng sẽ có khả năng xảy ra va chạm, tâm lý thường sẽ trở nên bất an.

Để tránh xảy ra những va chạm không mong muốn khi đi bộ nhanh ở trên đường, chúng ta thường có khuynh hướng đi ở khoảng không gian trống sát mép vỉa hè, tâm lý này cũng xuất hiện khi đi trong một đám đông. Việc này gây ra hiệu ứng như làn sống, người ta cứ chen vào những chỗ trống và làm cho không gian xung quanh càng chật chội hơn.

Rất nhiều người tử vong do ngạt thở, giẫm đạp khiến gãy xương và tổn thương nội tạngRất nhiều người tử vong do ngạt thở, giẫm đạp khiến gãy xương và tổn thương nội tạng

Khi xung quanh không còn khoảng trống nào nữa thì tình thế sẽ rất căng thẳng và gây nguy hiểm. Tâm lý trở nên bực bội, dễ cáu bẳn và nổi nóng ngay cả khi chỉ có một vài va quệt nhỏ từ xung quanh. Ngay lúc đó, để tìm được một khoảng trống rộng rãi hơn, chúng ta sẽ bất chấp để trở nên hung hăng chen lấn, xô đẩy người khác.

Hầu hết đó là tâm lý chung của tất cả mọi người khi ở trong đám đông, và khi mật độ ngày càng dày hơn thì đồng nghĩa sự căng thẳng và bất an về tâm lý con người sẽ càng tăng lên. Đây là lúc dễ xảy ra hoảng loạn nhất, có thể xuất phát chỉ từ một vụ xô xát nhỏ trong đám đông, một tiếng động bất thường, hay một kẻ nghịch ngợm nào đó tung tin đồn nhảm,... 

Người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý không nên tụ tập đông đúc Người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý không nên tụ tập đông đúc 

Có nhiều nguyên nhân gây ra hoảng loạn, nên lời khuyên chính xác nhất về cách ứng xử khi gặp các tình huống này là phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế. Tuy nhiên việc đầu tiên và không thể thiếu được đó chính là giữ bình tĩnh để nắm bắt, đánh giá tình hình, điều này có thể sẽ cứu mạng chúng ta. 

Thực tế kết quả điều tra từ các vụ giẫm đạp chết người trước đây cho thấy, những người bị thương vong hầu hết đều bắt nguồn từ những nguyên nhân tưởng tượng, tâm lý sợ hãi, mất bình tĩnh chứ không phải do mối đe dọa trực tiếp tại thời điểm đó. Họ bị ám ảnh bởi những cảnh chết chóc, bạo lực và ngay trong hoàn cảnh đám đông chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp họ cho rằng câu chuyện tồi tệ nhất sẽ đến với mình. 

Cần chuẩn bị gì khi tham gia vào các đám đông?

Từ trước đến giờ mọi người thường nghĩ tham gia lễ hội, sự kiện,... chỉ để cho vui, đâu cần phải chuẩn bị tâm lý, tinh thần, các kỹ năng hay cách xử lý. Nhưng có lẽ sau các sự việc không mong muốn xảy ra, chúng ta cần dự phòng cho mình kỹ năng thoát hiểm để bảo vệ bản thân mình. 

  • Đánh giá tình hình sức khỏe của bản thân: nếu như bạn có tiền sử mắc các bệnh như hen suyễn, tim mạch, các vấn đề về xương khớp, các vết thương đang điều trị chưa hồi phục,... thì tốt nhất không nên tham gia.
  • Địa điểm tổ chức sự kiện, lễ hội: đối với các sự kiện được tổ chức ngoài trời, bạn nên có sự quan sát và định vị các vị trí mốc giúp bạn dễ dàng nhận ra hướng giải thoát trong đám đông. Còn các sự kiện được tổ chức ở trong nhà, nên tìm hiểu về các cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm để nhanh chóng di chuyển tới đó trong các trường hợp khẩn cấp.

Không nên mang dao, các vật sắc nhọn đến chỗ đông người

Không nên mang dao, các vật sắc nhọn đến chỗ đông người 

  • Tuyệt đối không nên mang theo vũ khí, những vật sắc nhọn khi tham gia lễ hội chốn đông người, chúng có thể gây sát thương khi bị đám đông chen lấn, xô đẩy.
  • Không nên mang theo trẻ nhỏ, người cao tuổi, hoặc người có các tiền sử bệnh tật đi theo tới các sự kiện đông người tham gia.
  • Nên mang theo điện thoại di động và các giấy tờ tùy thân để liên lạc với người thân, bạn bè nếu bị mắc kẹt, cần sạc pin điện thoại trước khi tham gia các sự kiện.

Trong trường hợp đám đông xung quanh đang kẹt cứng và ngày càng hỗn loạn, mất bình tĩnh và khó kiểm soát, chúng ta cần làm gì? 

Cần nhớ rằng: nguyên nhân gây ra cái chết phần lớn là do ngạt thở, vì vậy hãy bình tĩnh và kiểm soát sự sợ hãi của bản thân, ngẩng cao đầu để lấy thêm không khí. Khi 6,7 người cùng đẩy về một phía, lực đẩy có thể đạt mức gần 500kg, lực này đủ để bẻ cong một thanh sắt hoặc đẩy đổ một bức tường. 

Các nạn nhân thường được tìm thấy tử vong ở tư thế đứng, thậm chí khi đám đông đã được giải tán, họ vẫn đứng với tư thế như vậy. Do chèn ép quá lớn từ phía trước và phía sau khiến họ bị gãy xương hoặc vỡ nội tạng, vì vậy tư thế tốt nhất là di chuyển ngang để giảm lực ép lên cơ thể.

Cần làm gì để sống sót trong đám đông mất kiểm soát? 

Tham gia các hoạt động sự kiện đem lại sự thoải mái, vui vẻ, giúp giảm stress,... tuy nhiên trong trường hợp mật độ quá đông đúc trong không gian chật hẹp sẽ khiến chúng ta căng thẳng, lo lắng, ngột ngạt,... có thể dẫn đến chen chúc, xô đẩy. Để tăng khả năng sống sót khi bị mắc kẹt trong đám đông hỗn loạn, bạn cần nắm rõ được những kỹ năng sau đây:

  • Giữ bình tĩnh, kiểm chứng độ chính xác về sự cố đang xảy ra: thông tin là thật hay là lời đồn, nguyên nhân dẫn đến sự cố đó: cháy nổ, sập công trình,... 
  • Trong những phút đầu tiên không nên chạy theo đám đông, bởi khả năng bị kẹt lại trong đám đông đó còn lớn hơn nhiều so với cơ hội được thoát ra bởi cùng lúc có rất nhiều người sẽ chạy theo hướng đó.

Hình ảnh đám đông chạy tán loạn, chen lấn khi có hỏa hoạn xảy ra Hình ảnh đám đông chạy tán loạn, chen lấn khi có hỏa hoạn xảy ra 

  • Quan sát và xác định những vị trí bạn đã định vị từ trước như: công viên, tòa nhà, cửa thoát hiểm,.. và tìm cách di chuyển tới những địa điểm đó. Tránh xa các bức tường hay rào chắn để không bị đám đông xô ép vào đó. Quan sát theo chỉ dẫn của các nhân viên cứu hộ cứu nạn, vì chắc chắn họ biết nhiều thông tin hơn bạn.
  • Nếu có thể hãy liên lạc với người thân và cầu cứu thông tin từ họ.
  • Trong trường hợp bị kẹt giữa dòng người, bạn nên di chuyển cùng họ và giữ 2 tay che chắn trước ngực giúp bảo vệ phần ngực, nội tạng của bạn. Không nên đứng yên hay ngồi xuống một chỗ, hãy để lực đẩy của người khác đưa bạn đi. Tuyệt đối không cắt ngang hay đi ngược đám đông, điều này sẽ chỉ khiến bạn mất sức thêm và dễ bị xô đẩy ngã mà thôi.
  • Cần giữ thăng bằng đừng để bị xô ngã, nếu ngã cần cố gắng đứng dậy. Trong trường hợp không đứng dậy được thì hãy bò theo đám đông. Nếu không thể bò, cần nằm nghiêng và co người lại, hai tay ôm đầu, tuyệt đối không nằm sấp hay nằm ngửa vì có thể bị giẫm đạp gãy xương, chấn thương nội tạng.
  • Cuối cùng, bạn cần nhớ: phải giữ tinh thần thật bình tĩnh, việc này giúp chúng ta phán đoán chính xác và hành động thông minh nhằm cứu mạng bản thân và những người xung quanh.

Trên đây là tổng hợp những chia sẻ đơn giản và rất dễ nhớ nhằm giúp các bạn có được kỹ năng thoát hiểm cần thiết khi bị chen lấn, xô đẩy thậm chí giẫm đạp trong các đám đông. Hi vọng chúng ta luôn biết cách tự bảo vệ bản thân trong mọi tình huống để không xảy ra các điều tồi tệ. 

1,655

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám