Sốt xuất huyết dưới da là tình trạng phát ban do giảm tiểu cầu khi mắc bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện ở giai đoạn bệnh tiến triển. Theo dõi bài viết để tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa đúng cách, tránh những biến chứng hoặc tổn thương đa cơ quan.
Sốt xuất huyết dưới da là gì?
Sốt xuất huyết dưới da xảy ra ở người bị sốt xuất huyết, nếu không được theo dõi và điều trị có thể diễn tiến nặng, gây biến chứng nguy hiểm. Một số khu vực thường xảy ra phát ban như chân, căng chân, đùi, tay, nách, bụng, lưng,...
Sốt xuất huyết dưới da cần được theo dõi, phòng tránh biến chứng nguy hiểm
Cụ thể hơn, xuất huyết dưới da là thuật ngữ dùng chỉ tình trạng bên dưới bề mặt da xuất hiện các vết tím bầm, đốm chấm hoặc nốt màu đỏ li ti. Sốt xuất huyết chỉ là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết dưới da.
Nguyên nhân gây sốt xuất huyết dưới da
Sốt xuất huyết là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi virus Dengue và lây truyền qua vết cắn của muỗi Aedes. Người bệnh thường xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu, dẫn đến xuất huyết dưới da.
Giảm tiểu cầu không chỉ gây xuất huyết mà còn khiến máu khó đông, giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Khi này, người bệnh cần được chăm sóc và quan sát kỹ các triệu chứng nhằm phòng ngừa bệnh trở nặng.
Sốt xuất huyết dưới da có nguy hiểm không?
Xuất huyết dưới da là triệu chứng nhẹ của bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên vẫn nằm trong giai đoạn nguy hiểm, cần được theo dõi. Tình trạng bệnh có thể diễn tiến theo hai hướng:
- Triệu chứng điển hình như sốt cao, đau cơ, khớp, đau đầu, xuất huyết dưới da dần biến mất, cơ thể hồi phục.
- Diễn biến âm thầm, chuyển nặng gây xuất huyết niêm mạc, trong cơ, phần mềm, nội tạng, não,...
Xuất huyết dưới da có gây nguy hiểm tính mạng không?
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, “tình trạng sốt xuất huyết dưới da nếu không được chăm sóc đúng, người bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng, liên quan đến thoát mạch, ứ dịch, suy hô hấp, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể”.
Vậy nên, người bệnh không được chủ quan với triệu chứng xuất huyết dưới da. Bạn có thể đến cơ sở y tế để thăm khám, thực hiện xét nghiệm nhằm theo dõi chính xác diễn biến bệnh lý.
Khi nào xuất hiện sốt xuất huyết dưới da?
Xuất huyết dưới da có thể xuất hiện ở cả ba giai đoạn:
- Giai đoạn sốt cao đột ngột và liên tục, nhiệt độ cơ thể có thể lên tới 40 độ C. Triệu chứng điển hình gồm đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, phát ban nhiều đốm nhỏ li ti dưới da. Chủ yếu trong 3 ngày đầu tiên phát bệnh.
- Giai đoạn nguy hiểm, thường bắt đầu từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Người bệnh hạ sốt hoặc vẫn sốt, xuất huyết dưới da nhiều, gây ngứa khó chịu.
- Giai đoạn phục hồi: Chỉ số tiểu cầu người bệnh ổn định, khu vực có xuất huyết dưới da bắt đầu mờ và biến mất hoàn toàn.
Nếu xuất hiện các triệu chứng xuất huyết niêm mạc như chảy máu lợi, chân răng, chảy máu cam, rong kinh, chảy máu âm đạo,... hoặc xuất huyết nội tạng, cần lập tức di chuyển đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Với các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian này nếu có các biểu hiện khác ngoài xuất huyết dưới da, gia đình cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế:
- Đau bụng.
- Nôn liên tục.
- Chảy máu lợi, chảy máu chân răng.
- Nôn ra máu.
- Thở nhanh.
- Mệt mỏi, li bì.
- Hạ thân nhiệt.
Đây là những triệu chứng không thể chủ quan khi mắc bệnh sốt xuất huyết, người thân cần tích cực theo sát, liên hệ tư vấn bác sĩ để nhận chỉ định kịp thời. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, điều trị tại nhà.
Cách điều trị xuất huyết dưới da
Tính đến thời điểm hiện tại, sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chỉ nhằm làm giảm triệu chứng. Với tình trạng xuất huyết dưới da, mục tiêu hạn chế tiểu cầu giảm xuống mức nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng.
Phương pháp điều trị sốt xuất huyết dưới da
Ngoài việc thăm khám, tuân thủ phương án điều trị của bác sĩ chuyên khoa thì người bệnh nên áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học. Cụ thể:
- Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin A, K, C, D.
- Ăn thực phẩm giàu protein, sắt để tăng cường sức đề kháng, thể lực bị mất do virus.
- Bổ sung nước, chất điện giải như nước dừa, nước ép hoa quả, oresol,...
Đồng thời, hạn chế những hoạt động, hành động có thể gây va đập dẫn đến chảy máu. Thời gian mắc bệnh, bạn nên nghỉ ngơi tại nhà, ưu tiên không gian thoáng mát, thể dục bằng các bộ môn nhẹ nhàng.
Biện pháp phòng tránh
Để phòng tránh tình trạng xuất huyết dưới da, trước tiên cần phòng tránh sốt xuất huyết lây lan trong cộng đồng. Một số biện pháp bạn có thể áp dụng:
- Đậy kín dụng cụ chứa nước, ngăn chặn nơi cư trú và đẻ trứng của muỗi.
- Đều đặn diệt lăng quăng, bọ gậy quanh nhà bằng thuốc phun, hoặc dọn dẹp cây cối, môi trường xung quanh.
- Đi ngủ mắc màn, mặc quần áo dài nhằm phòng tránh muỗi đốt.
- Tích cực phối hợp với ngành Y tế diệt bọ gậy, lăng quăng.
- Khi sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, không tự ý điều trị tại nhà.
Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, “để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dẫn mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh nêu trên.
Phân biệt sốt xuất huyết dưới da với sốt phát ban
Sốt xuất huyết dưới da và sốt phát ban đều là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hai loại sốt này thường có triệu chứng tương tự nhau, theo dõi bảng sau để phân biệt chính xác:
Phân biệt
|
Sốt xuất huyết dưới da
|
Sốt phát ban
|
Tác nhân gây bệnh
|
Virus Dengue
|
Virus Rubella
Vi khuẩn sốt mò (Rickettsia)
|
Đường lây truyền
|
Muỗi truyền bệnh: muỗi vằn và muỗi hổ châu Á.
|
- Rubella lây qua đường hô hấp.
- Sốt mò lây truyền do mò đỏ.
|
Triệu chứng
|
- Sốt cao liên tục trong 3 - 4 ngày.
- Sổ mũi.
- Đau nhức mình mẩy.
- Đau nhức hốc mắt.
- Nôn.
- Tiêu chảy.
- Xuất huyết dưới da.
- Chảy máu chân răng.
- Chảy máu cam.
- Mặt đỏ.
- Chân tay lạnh.
|
- Sốt cao theo từng cơn (39 - 40 độ C).
- Ho.
- Đau họng.
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Mệt mỏi.
- Nôn mửa.
- Phát ban đỏ.
- Nổi hạch khu vực đầu, mặt, cổ, đau và có thể nhìn/sờ thấy.
- Kết mạc mắt đỏ, viêm, chảy nước mắt.
|
Đơn giản hơn, để phân biệt sốt xuất huyết dưới da và sốt phát ban, bạn có thể dùng ngón tay cái và ngón trỏ căng vùng da xuất hiện ban đỏ hoặc vùng da xung huyết. Trường hợp ban đỏ biến mất, buông ra khôi phục lại màu đỏ thì đây là sốt phát ban. Nếu chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ xuất hiện thì đó là sốt xuất huyết.
Kết lại, sốt xuất huyết dưới da thường xảy ra ở người sốt xuất huyết, có thể diễn tiến trở nặng nếu không được điều trị kịp thời. Người bệnh cần sớm thăm khám y tế để có hướng điều trị phù hợp, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.