Bị sùi mào gà ở lưỡi là tình trạng như thế nào?
Sùi mào gà ở lưỡi là một dạng nhiễm trùng do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các nốt sùi hoặc u nhú trên bề mặt lưỡi. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, thường liên quan đến việc quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm HPV. Virus HPV có hơn 100 chủng khác nhau, trong đó một số chủng như HPV type 6 và 11 thường liên quan đến sùi mào gà ở vùng miệng và lưỡi.
Hình ảnh lưỡi bị sùi mào gà
Các tổn thương do sùi mào gà ở lưỡi thường xuất hiện dưới dạng nốt sần nhỏ, mềm, màu hồng hoặc trắng, có thể mọc đơn lẻ hoặc thành cụm giống như súp lơ. Chúng thường xuất hiện ở mặt trên, dưới hoặc hai bên lưỡi, và có thể lan rộng ra các khu vực khác trong khoang miệng nếu không được điều trị kịp thời.
Việc nhận biết và phân biệt sùi mào gà ở lưỡi với các bệnh lý khác như nhiệt miệng là rất quan trọng để có phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên lưỡi hoặc trong khoang miệng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nhận biết dấu hiệu sùi mào ở lưỡi theo từng giai đoạn
Theo thống kê của Bộ Y Tế, tỷ lệ mắc bệnh sùi mào gà ở lưỡi đang dần trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam. Đặc biệt là những người trẻ trong độ tuổi từ 20 - 30. Đây là nhóm đối tượng có thói quen quan hệ tình dục kém lành mạnh và “bạo” hơn các nhóm tuổi khác.
Giai đoạn ủ bệnh: Chưa có triệu chứng rõ ràng
Sùi mào gà ở lưỡi giai đoạn đầu thường có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 tuần đến 9 tháng, tùy cơ địa và hệ miễn dịch từng người. Trong giai đoạn này, người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, nên dễ chủ quan và không đi kiểm tra. Tuy nhiên, đây là thời điểm mà virus HPV vẫn có thể lây nhiễm cho người khác nếu có tiếp xúc trực tiếp qua đường miệng – sinh dục hoặc hôn sâu.
Ước tính có khoảng 80% người nhiễm HPV không có triệu chứng, điều này khiến virus dễ lây lan âm thầm trong cộng đồng (Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Giai đoạn khởi phát: Xuất hiện tổn thương nhỏ trên lưỡi
Hình ảnh sùi mào gà ở lưỡi giai đoạn đầu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biểu hiện sùi mào gà ở vùng miệng hay họng thường kín đáo và dễ bị bỏ sót trong giai đoạn đầu. Khoảng vài tuần đến vài tháng sau khi nhiễm HPV, người bệnh có thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu ban đầu như:
- Các mụn thịt nhỏ, mềm, màu trắng hồng hoặc hơi đỏ mọc rải rác ở mặt trên, mặt dưới hoặc hai bên lưỡi.
- Một số trường hợp cảm thấy lưỡi bị rát nhẹ, vướng víu khi ăn, đặc biệt là khi dùng thực phẩm cay nóng hoặc chua.
- Không đau, không ngứa và thường không chảy máu – chính điều này khiến người bệnh dễ nhầm với nhiệt miệng hoặc viêm niêm mạc thông thường.
Giai đoạn toàn phát: Mụn sùi phát triển thành cụm
Khi virus tiếp tục nhân lên, các tổn thương sùi trên lưỡi sẽ:
- Tăng kích thước và số lượng, kết lại thành từng cụm có hình dạng như mào gà hoặc súp lơ nhỏ.
- Bề mặt sần sùi, mềm, có thể ẩm ướt và dễ chảy dịch khi cọ xát.
- Người bệnh cảm thấy vướng víu rõ rệt, khó khăn trong việc ăn uống, nói chuyện hoặc đánh răng.
- Trong một số trường hợp nặng, các sùi lan sang vòm họng, lợi, amidan hoặc môi.
Giai đoạn biến chứng: Có thể dẫn đến tổn thương nặng hoặc ung thư
Nếu không được điều trị kịp thời, sùi mào gà ở lưỡi có thể:
- Tái phát nhiều lần do virus không được loại bỏ hoàn toàn.
- Nhiễm trùng thứ phát khi các mụn sùi bị cọ xát, chảy dịch hoặc loét.
- Nguy hiểm hơn, ở một số chủng HPV nguy cơ cao (như HPV-16, HPV-18), tổn thương sùi mào gà vùng lưỡi có thể tiến triển thành loạn sản niêm mạc hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy vùng miệng – hầu.
Con đường lây nhiễm dẫn đến sùi mào gà ở lưỡi
Con đường lây nhiễm phổ biến nhất dẫn đến sùi mào gà ở lưỡi là quan hệ tình dục bằng miệng (oral sex) với người mang virus HPV, bao gồm cả khi không có triệu chứng rõ ràng. Trong quá trình tiếp xúc, virus có thể xâm nhập qua những vết xước nhỏ không nhìn thấy được trên niêm mạc lưỡi, môi hoặc họng.
Quan hệ tình dục bằng miệng là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh sùi mào gà ở lưỡi
Ngoài ra, còn một số con đường lây nhiễm khác nhau như:
- Hôn sâu: Nếu người đối diện đang mang virus trong khoang miệng hoặc lưỡi;
- Dùng chung các vật dụng cá nhân: Như bàn chải đánh răng, ly uống nước, hoặc dụng cụ nha khoa không được vô trùng cũng là yếu tố nguy cơ, mặc dù tỷ lệ thấp hơn.
- Đặc biệt, người có hệ miễn dịch suy yếu (như bệnh nhân HIV, người dùng thuốc ức chế miễn dịch) có thể có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển tổn thương sùi mào gà sau khi tiếp xúc với virus.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ lây nhiễm HPV tăng cao ở người có nhiều bạn tình, không sử dụng biện pháp bảo vệ, hoặc bắt đầu quan hệ tình dục ở độ tuổi quá sớm. Việc tiêm phòng HPV trước khi có quan hệ tình dục có thể làm giảm nguy cơ nhiễm virus đến 90%, đặc biệt là đối với các chủng HPV nguy cơ cao như HPV-16, HPV-18 – những chủng có khả năng gây ung thư vùng miệng – họng.
Sùi mào gà ở lưỡi có đau không?
Sùi mào gà ở lưỡi có thể gây ra những tình trạng đau, rát, ngứa, chảy dịch, nhức, chảy máu, hay thậm chí là gây ra những ổ viêm nhiễm nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến quá trình sinh hoạt và ăn uống của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể.
Xem thêm:
Sùi mào gà ở lưỡi có chữa được không?
Hiện nay, không có phương pháp nào điều trị dứt điểm hoàn toàn virus HPV, tuy nhiên các triệu chứng và tổn thương do virus gây ra hoàn toàn có thể được kiểm soát và loại bỏ nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Việc điều trị sùi mào gà ở lưỡi tập trung vào hai mục tiêu chính:
- Loại bỏ tổn thương lâm sàng (mụn sùi)
- Ngăn ngừa tái phát và hạn chế biến chứng
Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
Đốt điện, laser CO2 hoặc áp lạnh bằng nitơ lỏng
Sơ đồ minh họa việc sử dụng nitơ lỏng trị liệu bằng phương pháp đông lạnh
Các phương pháp vật lý thường được bác sĩ ứng dụng trong điều trị sùi mào gà ở lưỡi. Cụ thể:
- Phương pháp đốt điện (Electrocautery): Phương pháp này sử dụng dòng điện để đốt nóng và loại bỏ các nốt sùi. Bác sĩ sẽ áp dụng đầu đốt lên vùng viêm mạc lưỡi bị tổn thương, dùng năng lượng điện để tiêu diệt tế bào nhiễm virus và thải độc tố. Mặc dù mang lại hiệu quả nhưng phương pháp này có thể gây ra cảm giác đau và ngứa tạm thời.
- Liệu pháp lạnh (Cryotherapy): Nito lỏng được sử dụng để đóng băng các nốt sùi, làm cho chúng rụng. Mặc dù khá an toàn, nhưng phương pháp này có thể gây ra tác dụng phụ như hoại tử tế bào, đau rát, gây bỏng lạnh dẫn đến sẹo.
- Laser CO2 (Vaporization): Tia laser CO2 được sử dụng để loại bỏ các u sùi, giúp làm sạch các tổn thương hiệu quả.
Dùng thuốc bôi
Các loại thuốc được chỉ định để điều trị bệnh sùi mào gà ở lưỡi đều nhằm mục đích ức chế virus, thu nhỏ kích thước nốt sùi, cải thiện triệu chứng đi kèm. Một số loại thuốc mà bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân sử dụng bao gồm:
- Interferon alpha - 2b: Nhằm ức chế quá trình nhân đôi và tăng sinh tế bào của virus. Từ đây có thể hạn chế việc gia tăng kích thước và kiểm soát được sự xuất hiện của các nốt sùi mới ở lưỡi;
- Inosine pranobex: Thuốc ở dạng uống, giúp chống virus nhân lên và tấn công tế bào lưỡi;
- Cidofovir: Thuốc ở dạng pha rồi tiêm vào tĩnh mạch. Thuốc có tác dụng giúp chọn lọc tổng hợp DNA của virus, giảm quá trình tấn công và nhân đôi của virus gây bệnh.
Mặc dù các mụn sùi có thể biến mất sau điều trị, virus HPV vẫn có thể tồn tại âm thầm trong cơ thể và tái phát, đặc biệt khi hệ miễn dịch suy yếu. Vì vậy, việc theo dõi định kỳ sau điều trị, kết hợp phòng ngừa bằng tiêm vắc-xin HPV (đối với các trường hợp chưa nhiễm virus hoặc đang ở giai đoạn sớm) là điều cần thiết.
Biện pháp phòng tránh bệnh sùi mào gà ở lưỡi
Phòng tránh bệnh sùi mào gà ở lưỡi cần sự kết hợp giữa biện pháp y tế dự phòng và thay đổi hành vi tình dục an toàn.
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc-xin HPV. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin phòng ngừa HPV như Gardasil hoặc Cervarix có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các chủng virus HPV nguy cơ cao (HPV-16, HPV-18), cũng như các chủng gây bệnh sùi mào gà (HPV-6, HPV-11). WHO khuyến nghị nên tiêm vắc-xin trước khi có quan hệ tình dục lần đầu, lý tưởng nhất là từ 9 đến 14 tuổi ở cả nam và nữ, nhưng người trưởng thành dưới 26 tuổi vẫn có thể hưởng lợi từ tiêm phòng nếu chưa từng nhiễm virus.
Quan hệ tình dục an toàn là yếu tố then chốt khác trong phòng tránh bệnh. Bởi vì sùi mào gà ở lưỡi lây chủ yếu qua quan hệ tình dục bằng miệng, việc sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng (dental dam) đúng cách có thể giảm đáng kể nguy cơ lây truyền. Ngoài ra, cần tránh quan hệ tình dục khi có biểu hiện bất thường tại vùng miệng – sinh dục và nên duy trì mối quan hệ một vợ một chồng hoặc quan hệ tình dục có kiểm soát với người đã được xét nghiệm HPV.
Tăng cường vệ sinh răng miệng và kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là một phần không thể thiếu trong phòng bệnh. Việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khám răng/miệng định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm các bất thường tại vùng lưỡi mà còn hỗ trợ phát hiện tổn thương nghi ngờ do HPV.
Tránh dùng chung vật dụng cá nhân như bàn chải, khăn mặt hay đồ ăn uống trực tiếp với người khác giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm gián tiếp.
Chú trọng tăng cường miễn dịch tự nhiên bằng chế độ ăn giàu vitamin A, C, E, kẽm.
Cuối cùng, không nên hút thuốc lá, stress kéo dài, mất ngủ hay sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn virus HPV bám trụ và phát triển.
Kết luận
Sùi mào gà ở lưỡi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn là dấu hiệu cảnh báo hệ miễn dịch suy yếu và lối sống tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc hiểu rõ con đường lây nhiễm, chính là bước đầu tiên để bạn chủ động bảo vệ bản thân và người thân khỏi loại virus nguy hiểm này. Đừng chủ quan với những nốt sùi bất thường trong khoang miệng. Thăm khám sớm, tiêm vắc-xin HPV, và duy trì thói quen sống lành mạnh chính là “lá chắn” hiệu quả nhất cho sức khỏe dài lâu.
Qua bài viết này của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh sùi mào gà ở lưỡi. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua Hotline 1900 1806 hoặc để được nhân viên tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.