Hiện tượng tắc tuyến lệ bẩm sinh xảy ra ở 50% trẻ sơ sinh. Bé sẽ có các dấu hiệu như chảy nước mắt tự nhiên và liên tục, kết mạc bị viêm kéo dài và lặp đi lặp lại. Hầu hết các trường hợp đều tự khỏi sau khoảng từ 4 đến 6 tuần nhưng cũng có một số ca kéo dài, không thể tự khỏi và phải can thiệp. Nó có thể bị ở một hoặc cả hai bên mắt. Vậy viêm tuyến lệ ở trẻ sơ sinh là bệnh như thế nào?
Hiện tượng tắc tuyến lệ là gì?
Tắc tuyến lệ hay còn được gọi là là tắc lệ đạo. Lệ đạo là một hệ thống ống có cấu trúc khá đặc biệt, bắt đầu từ điểm lệ ở góc trong mí mắt và kéo dài đến khe mũi dưới. Hệ thống tuyến lệ bao gồm túi lệ, lệ quản, lễ lệ và ống lệ mũi. Nó có tác dụng là tạo ra một quy trình hoàn chỉnh, nước mắt sau khi làm sạch và bôi trơn bề mặt của nhãn cầu sẽ được dồn về góc trong của mắt và đi qua lệ đạo xuống mũi.
Theo quy trình bình thường, nước mắt chỉ xuất hiện khi chúng ta thể hiện cảm xúc thái quá như giận dữ, buồn bã đau khổ, có vật nào đó bay vào mắt,... Đối với các trường hợp không có cảm xúc gì mà nước mắt vẫn cứ chảy ra hoặc thậm chí còn rơi thành từng giọt lã chã thì rất có khả năng bệnh nhân đã mắc bệnh tắc tuyến lệ.
Bệnh tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh sẽ làm cho trẻ khi khóc cũng bị chảy nước mũi, phần tắc có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào từ điểm lệ, lệ quản,... Khi trẻ bị tắc tuyến lệ, nước mắt sẽ không đi xuống theo sống mũi nên sẽ bị chảy trào ra bên ngoài. Một số trường hợp bị tắc kéo dài trong một khoảng thời gian sẽ bị ứ đọng lại ở túi lệ và gây ra hiện tượng nhiễm trùng tuyến lệ, viêm túi lệ, tắc lệ đạo có mủ, nhất là khi ấn vào vùng góc trong mắt.
Bệnh tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh khiến cho bé bị chảy nước mắt sống
Nguyên nhân gây tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh
Bệnh tắc tuyến lệ có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh thiếu tháng chính là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Lý do là vì quá trình hình thành tuyến lệ đạo của bé trong quá trình mang thai chưa hoàn chỉnh nên đầu dưới ở ống lệ mũi vẫn còn màng tắc.
Một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh này gồm có:
- Do túi lệ của bé bị rò bẩm sinh.
- Do bé không có điểm lệ.
- Ống lệ mũi bị tắc bẩm sinh (có khoảng 5% bé sơ sinh mắc phải trong khoảng từ 12 đến 20 tuần tuổi).
Một số nguyên nhân tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh ít phổ biến hơn gồm có:
- Khối u hoặc u nang: các khối u cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh này vì nó chèn ép hệ thống ống dẫn nước mắt.
- Bệnh polyp mũi.
- Tổn thương tuyến lệ đạo.
- Bệnh nhiễm trùng làm mặt bị sưng, từ đó gây ra nhiều áp lực lên ống dẫn nước mắt.
Triệu chứng tắc tuyến lệ ở trẻ
Viêm tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện một số dấu hiệu sau:
- Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, bé thường hay day mắt và quanh mí mắt có dính nhiều gỉ vàng.
- Mắt của bé lúc nào cũng ướt trông như đang khóc là do hiện tượng đọng nước mắt ở khe mi.
- Mắt bé thường ra gỉ mắt, chảy nước mắt, triệu chứng này sẽ gia tăng mỗi khi có nắng, gió hoặc trời lạnh,...
- Da bờ mi mắt của bé bị đỏ do hay day mi mắt là do hiện tượng viêm kết mạc.
Ngoài ra, các biểu hiện của bệnh tắc tuyến lệ đạo có dễ nhận ra hay không còn phụ thuộc vào trẻ bị tắc ở một hay cả hai bên. Các trường hợp bị tắc ở một bên thì phải mất một thời gian mới nhận ra được và việc chữa trị sẽ trở nên khó khăn hơn so với phát hiện sớm.
Mắt bé sẽ thường ra nhiều gỉ mắt nếu bị bệnh tắc tuyến lệ đạo bẩm sinh
Trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ đạo có nguy hiểm không?
Bệnh tắc tuyến lệ sẽ khiến bé bị chảy nước mắt sống, từ đó làm tăng nguy cơ bị kích ứng và nhiễm trùng vùng mắt mạn tính. Ngoài ra, bệnh này cũng có thể gây ra các tình trạng như viêm kết mạc kéo dài, làm tăng sự phát triển của vi khuẩn, nấm và virus, gây tác động đến khả năng quan sát và thị lực của mắt. Vì vậy, nếu không được điều trị đúng lúc sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Mặc dù trẻ sơ sinh là đối tượng có khả năng mắc bệnh cao nhất, nhưng đa số các trường hợp đều không cần điều trị, vì tuyến lệ bị tắc có thể tự khai thông trở lại đối với các bé từ 1 đến 2 tuổi.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hãy vệ sinh mắt bé thật kỹ và cẩn thận để tránh tình trạng viêm nhiễm. Nếu mắt bé có xuất hiện những biểu hiện như sưng, đỏ hay có nhiều gỉ vàng thì mắt bé đang bị nhiễm trùng.
Các phương pháp chữa tắc tuyến lệ đạo ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Đa số các trường hợp bị tắc tuyến lệ bẩm sinh sẽ tự cải thiện trong vòng vài tháng sau khi hệ thống thoát lưu nước mắt của trẻ đã hoàn chỉnh hơn. Bên cạnh đó, với những trường hợp không tự khỏi được thì cần phải điều trị ngay. Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà bé sẽ có phác đồ điều trị phù hợp:
- Đối với tắc tuyến lệ ở trẻ dưới 3 tháng tuổi: bố mẹ cần day vùng túi lệ của mắt và không cần thông vì nó sẽ đạt hiệu quả cao trong khoảng thời gian này, có thể vệ sinh mí mắt hàng ngày bằng cách sử dụng nước muối sinh lý nhỏ tại chỗ.
- Đối với tắc tuyến lệ ở trẻ 3 tháng tuổi đến 8 tháng tuổi: điều trị bằng cách bơm thông lệ đạo hoặc bôi thuốc (thuốc tắc tuyến lệ ở trẻ em theo sự kê đơn của bác sĩ) và day vùng túi lệ.
- Đối với tắc tuyến lệ ở trẻ sau 8 tháng tuổi: điều trị bằng cách đặt ống thông lệ đạo nếu được khuyến khích (nếu thông quá muộn thì sau 1 năm tỷ lệ thành công sẽ bị giảm đi khá nhiều).
- Đối với các trường hợp sau khi thông mà vẫn không hiệu quả thì phải phẫu thuật nối thông túi lệ ở mũi.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian trẻ phát hiện bị tắc lệ đạo nhưng bác sĩ không chỉ định can thiệp, bố mẹ hãy chú ý giữ vệ sinh mắt cho bé. Dùng bông y tế đã thấm nước đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý lau mắt nhẹ nhàng cho bé khoảng 3 - 5 lần/ ngày để lấy hết ghèn bám quanh mắt. Nếu nhận thấy mắt bé bị sưng đỏ, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay để tái khám.
Dùng nước sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh mắt cho bé mỗi ngày
Hiện tượng tuyến lệ ở trẻ sơ sinh có tự khỏi không?
Thông thường, tắc tuyến lệ là một bệnh khá thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng nó lại không quá nghiêm trọng và gây ảnh hưởng tới thị lực và sức khỏe của mắt. Sau khoảng vài tuần chăm sóc tốt và vệ sinh cẩn thận, bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, có một vài trường hợp kéo dài không thể tự thông.
Cách thông tuyến lệ cho trẻ sơ sinh
Cha mẹ có thể massage lệ đạo cho trẻ sơ sinh để giúp mắt bé được thư giãn và lấy lại năng lượng cho các hoạt động tiếp theo. Massage đúng cách không chỉ giúp đôi mắt của bé có vẻ đẹp tự nhiên, khỏe hơn mà còn thông tuyến lệ. Các bước massage mắt cho bé bao gồm:
- Đặt bé nằm trên giường.
- Một tay đỡ đầu trẻ, dúng ngón trỏ tay kia (hoặc ngón áp út) đặt lên góc mắt trong của bé, tạo thành một góc khoảng 10 đến 15 độ với trục mắt, mũi ngón tay hướng về phía đầu bé. Ấn nhẹ đầu ngón tay xuống để lấy mủ hoặc ghèn trong túi lệ ra ngoài (nếu có).
- Sử dụng bông gòn đã thấm nước để lau mắt cho sạch.
- Nhỏ thuốc kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ (nếu có) hoặc nước muối sinh lý. Chờ khoảng 2 phút để thuốc lan đều trong mắt.
- Đặt ngón trỏ lại vào vị trí cũ, ấn nhẹ và miết ngón tay dọc xuống theo cánh mũi và lặp lại hành động này 10 lần.
Bạn hãy thực hiện điều này 3 lần mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chỉ làm động tác massage mà không cần sử dụng thuốc nhỏ mắt, nhưng phải lau mắt cho bé bằng bông gòn đã thấm nước và nước phải sạch.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ nếu có sự chỉ định của bác sĩ hoặc nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý
Bài viết này đã chia sẻ một số thông tin về hiện tượng tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hi vọng rằng nó sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình trạng này. Tắc lệ đạo có thể là một bệnh thường gặp ở các trẻ nhỏ nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng về sau. Chính vì vậy, nếu cha mẹ nhận thấy bé có một số triệu chứng như trên, bạn hãy nhanh chóng đưa bé đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn có thể tham khảo liên chuyên khoa Mắt- Tai Mũi Họng- Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để được tư vấn tận tình và điều trị tốt nhất tại địa chỉ Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội hoặc gọi cho tổng đài tư vấn 19001806. Bệnh viện đa khoa Phương Đông cam kết mang lại chất lượng dịch vụ tư vấn, thăm khám sức khỏe tốt nhất và sự hài lòng cho người bệnh.