Bên cạnh việc theo dõi thai kỳ và bổ sung dinh dưỡng, tiêm vắc xin phòng bệnh là một biện pháp chủ động và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho cả thai phụ và thai nhi. Đặc biệt, việc tiêm phòng uốn ván trong thai kỳ rất quan trọng và cần thiết, giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Bệnh uốn ván là gì?
Bệnh uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng, do ngoại độc tố protein mạnh của trực khuẩn Clostridium tetani phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Khi bị nhiễm khuẩn, độc tố protein tetanospasmin được tiết ra và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến cứng cơ và có thể gây tử vong nhanh.
Uốn ván là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Đặc biệt, khả năng sinh tồn của vi khuẩn uốn ván rất mạnh. Đun sôi, tiệt trùng trong thời gian dài vẫn có khả năng không loại bỏ được vi khuẩn uốn ván một cách triệt để.
Sự cần thiết tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai
Ở phụ nữ có thai, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở theo đường sinh dục và gây bệnh cho người mẹ. Đối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và buộc dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh.

Tiêm uốn ván giúp người mẹ tự tạo kháng thể trước, tránh lây nhiễm và mắc bệnh khi chuyển dạ.
Tiêm uốn ván giúp người mẹ tự tạo kháng thể trước, tránh lây nhiễm và mắc bệnh khi chuyển dạ. Ngoài ra, việc tiêm phòng cũng hỗ trợ cho trẻ, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng uốn ván sau khi sinh. Trẻ sơ sinh dễ mắc uốn ván nếu trong quá trình mang thai mẹ bầu chưa được chủng ngừa bệnh nên không nhận được khả năng miễn dịch truyền từ mẹ.
Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, việc phòng ngừa uốn ván là vô cùng cần thiết. Đây là một bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào và dễ nhiễm. Hiện nay, tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván được coi là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Vắc xin uốn ván cho bà bầu đã được kiểm định an toàn cho mẹ và bé, không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, các thai phụ nên thực hiện tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế.
Thời điểm tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai nên thực hiện theo đúng lịch tiêm phòng của trung tâm y tế dựa trên giai đoạn mang thai của mình. Về thời gian tiêm phòng, Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định như sau:
Với người chưa tiêm phòng, chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin hoặc không rõ tiền sử tiêm nên tiêm vắc xin uốn ván theo lộ trình sau:
- Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu;
- Lần 2: Tiêm sau lần đầu tối thiểu 1 tháng;
- Lần 3: Tiêm sau lần 2 tối thiểu 6 tháng hoặc vào kỳ thai sau;
- Lần 4: Tiêm sau lần 3 tối thiểu 1 năm hoặc vào kỳ thai sau;
- Lần 5: Tiêm sau lần 4 tối thiểu 1 năm hoặc vào kỳ thai sau.
Với người đã tiêm vắc xin uốn ván đủ 3 mũi có chứa thành phần liều cơ bản nên tiêm vắc xin theo lộ trình sau:
- Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu;
- Lần 2: Tiêm sau lần 1 tối thiểu 1 tháng;
- Lần 3: Tiêm sau lần 2 tối thiểu 1 năm.
Với người đã tiêm vắc xin uốn ván đủ 3 mũi có chứa thành phần liều cơ bản và đã tiêm 1 liều nhắc lại nên tiêm theo lộ trình sau:
- Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu;
- Lần 2: Tiêm sau lần 1 tối thiểu 1 năm.
Với phụ nữ mang thai lần đầu, chưa từng tiêm phòng uốn ván, chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sẽ tiêm 2 mũi vào các thời điểm sau:
- Mũi 1: Tiêm khi thai kỳ trên 20 tuần;
- Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 ít nhất 30 ngày hoặc trước khi sinh ít nhất 30 ngày.
Những phụ nữ đã tiêm phòng đủ 4 mũi uốn ván, mang thai lần 2 với mũi tiêm cuối trước 10 năm thì không cần phải tiêm nhắc lại uốn ván. Nếu thời gian tiêm phòng sau 10 năm thì nên tiêm nhắc lại 2 mũi uốn ván. Nếu ở thai kỳ trước, người mẹ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin uốn ván cách không quá 10 năm thì nên tiêm 1 mũi vắc xin từ tuần thai thứ 20 trở đi.
Lưu ý khi tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai tuyệt đối không được tự ý đi tiêm phòng uốn ván.
Sau khi tiêm phòng uốn ván, mẹ bầu cần lưu ý:
- Không được uống các chất có cồn như rượu bia. Hoặc các chất kích thích.
- Ngoài ra, hạn chế vận động mạnh.
- Bên cạnh đó, cần tránh làm nhiễm trùng vết tiêm.
- Giống như các loại vắc xin khác, khi tiêm ngừa vắc xin uốn ván cũng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài ra, nếu đối tượng tiêm phòng là mẹ bầu thì việc xảy ra phản ứng là rất dễ. Điều này là do mẹ bầu có hệ miễn dịch yếu hơn.
- Sau khi tiêm vắc xin, có thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng nhẹ như: sốt nhẹ, tình trạng đau và sưng tại vị trí tiêm… Tuy nhiên, các phản ứng nhẹ này sẽ nhanh chóng biến mất trong vòng từ 1 – 2 ngày. Do vậy, không cần phải quá lo lắng về các triệu chứng này.
Một số triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin uốn ván nhưng rất hiếm gặp như:
- Gây nổi hạch nơi tiêm.
- Tình trạng thâm nhiễm vùng tiêm.
Do vậy, cần phải theo dõi sức khỏe cẩn thận để có thể xử trí kịp thời nếu có bất cứ điều gì xảy ra. Nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, được chứng nhận của Bộ Y tế về tiêm chủng khi tiêm vắc xin uốn ván để đảm bảo an toàn cho mẹ bầu và thai nhi.
Uốn ván là một trong những vấn đề đáng lo đối với sức khỏe của sản phụ và trẻ sơ sinh. Vì vậy, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai là vô cùng quan trọng để đảm bảo ngăn chặn tối đa nguy cơ gặp phải những tai biến khó lường khi chuyển dạ. Khi tiêm phòng uốn ván, thai phụ cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế về liều tiêm, thời điểm tiêm phòng.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG
Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn