Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hiện tượng cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, cản trở dòng chảy của máu và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Việc thiếu hiểu biết và chủ quan với các dấu hiệu ban đầu khiến căn bệnh này ngày càng phổ biến. Vậy thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là gì? Cách nhận biết và phòng ngừa đúng cách như thế nào? Cùng khám phá câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là gì?
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (Venous Thromboembolism - VTE) là tình trạng xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu, thường ở cẳng chân, đùi, xương chậu hoặc cánh tay gây tắc nghẽn dòng chảy của máu.
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch gây ra những tổn thương nghiêm trọng tới mô và các cơ quan
Khi các tĩnh mạch bị tắc nghẽn, máu sẽ ứ đọng lại sau chỗ tắc gây viêm và các tế bào phía trước chỗ tắc không thể nhận được đủ oxy cũng như dưỡng chất cần thiết. Điều này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các tĩnh mạch, mô và cơ quan mà chúng nuôi dưỡng. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như VTE chặn dòng máu đến phổi, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.
Dịch tễ học
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch khá phổ biến (chỉ sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ), có dấu hiệu gia tăng trong 2 thập kỷ gần đây do sự phát triển của các bệnh nội khoa, ngoại khoa và đại dịch toàn cầu COVID-19.
Tại Hoa Kỳ, ước tính số ca mắc bệnh trong năm 2016 là 1.2 triệu người, trong đó 60% là mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đơn thuần, 40% chẩn đoán là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch . Tỷ lệ tử vong sau 1 năm bị thuyên tắc phổi là 19,6%. Khoảng 30-50% bệnh nhân tái phát bệnh trong 10 năm.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân nội khoa là 22% (theo nghiên cứu INCIMEDI). Tỷ lệ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới ở bệnh nhân sau phẫu thuật chỉnh hình là 7,2%.
Phân loại thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được chia thành 2 dạng thường gặp. Cụ thể:
- Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep vein thrombosis - DVT): Được phát triển sâu trong các tĩnh mạch, thường là ở chân. DVT có thể làm tắc dòng chảy của máu khiến cho người bệnh cảm thấy đỏ, đau, sưng và nóng ran xung quanh tĩnh mạch bị tắc.
- Thuyên tắc phổi (Pulmonary embolism - PE): Đây là một tình trạng khẩn cấp, đe dọa tới tính mạng nghiêm trọng khi một huyết khối tĩnh mạch sâu tách ra và di chuyển đến phổi. Bệnh nhân bị PE thường cảm thấy khó thở, đau ngực, chóng mặt, nhịp tim nhanh, ngất xỉu, mất ý thức.
Phân biệt bệnh thuyên tắc và huyết khối tĩnh mạch
|
Bệnh thuyên tắc
|
Bệnh huyết khối tĩnh mạch
|
Khái niệm
|
Là tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch do cục máu đông, khí, hoặc mảnh vật thể khác (gọi chung là thuyên tắc) bị cuốn theo dòng máu và mắc kẹt tại một mạch máu nhỏ hơn.
|
Là hiện tượng hình thành cục máu đông (huyết khối) trong tĩnh mạch, thường xảy ra ở chi dưới.
|
Nguyên nhân
|
- Khí;
- Mỡ;
- Cục máu đông;
- Bất kỳ vật lạ khác.
|
- Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật lớn;
- Mắc các bệnh lý ác tính;
- Chấn thương nghiêm trọng;
- Người nằm bất động tại chỗ dài ngày.
|
Triệu chứng
|
- Đau ngực;
- Choáng váng;
- Khó thở;
- Ho ra máu;
- Chóng mặt;
- Ngất xỉu.
|
- Sưng;
- Đau;
- Nhạy cảm đau;
- Tĩnh mạch xoắn, sưng;
- Đỏ da;
- Tĩnh mạch dày, chắc.
|
Biến chứng
|
Đây là tình trạng cấp cứu y khoa, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp kịp thời
|
Nếu không được điều trị, huyết khối có thể vỡ ra và di chuyển đến các mạch máu khác.
|
Điều trị
|
Thuốc chống đông mạnh, thông tắc, cấp cứu y khoa.
|
Thuốc chống đông, tất áp lực, vận động hợp lý.
|
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Cục máu đông có thể hình thành bởi nhiều lý do khác nhau và không có yếu tố nào khiến chúng có nhiều khả năng đủ lớn để cản trở tĩnh mạch hoặc vỡ ra và di chuyển tới phổi. Bất kỳ ai có nguy cơ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch đều có nguy cơ bị thuyên tắc phổi.
- Một số người bị mất cân bằng protein đông máu, khiến máu dễ đông và ít tan máu đông hơn (bệnh ưu huyết khối). Điều này có thể do di truyền hoặc tác dụng phụ của một tình trạng cụ thể;
- Thiếu vận động cũng khiến cho máu lưu thông chậm lại trong tĩnh mạch và có dấu hiệu đông lại;
- Bị chấn thương hoặc nhiễm trùng là nguyên nhân tự nhiên nhất. Chấn thương có thể xuất phát từ can thiệp y tế (phẫu thuật, hoá trị, đặt ống truyền tĩnh mạch/ống thông).
Các yếu tố nguy cơ
- Chấn thương tĩnh mạch do gãy xương hoặc phẫu thuật;
- Nhiễm trùng;
- Lưu lượng máu chảy chậm do nằm một chỗ quá lâu;
- Di truyền hoặc tiền sử gia đình mắc VTE;
- Nồng độ Estrogen cao do mang thai, sử dụng biện pháp tránh thai/liệu pháp thay thế hormone;
- Các tình trạng đông máu: Bệnh Leiden yếu tố V, bệnh đa hồng cầu nguyên phát, bệnh hồng cầu hình liềm;
- Mắc các bệnh mãn tính: Ung thư, bệnh tim, bệnh viêm ruột;
- Lối sống không lành mạnh, sử dụng các chất kích thích có hại: Hút thuốc lá, béo phì, ít vận động;
- Tuổi tác (đặc biệt là người cao tuổi)
Triệu chứng bị bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng nguy kịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ
Các dấu hiệu DVT tắc nghẽn xảy ra tại vị trí cục máu đông, bao gồm:
- Sưng phù ở chân hoặc mắt cá chân, khả năng cao lan lên cẳng chân, đùi;
- Da chân thay đổi màu, đôi khi có thể trắng bợt hoặc tím tái trong các trường hợp bệnh diễn tiến nặng;
- Cảm giác nóng/ấm ở chân;
- Chân bị viêm, đỏ, đau kéo dài theo các đường đi của tĩnh mạch;
Các dấu hiệu của PE có thể xuất hiện mà không có bất kỳ dấu hiệu nào trước đó của DVT. Bao gồm:
- Đau ngực;
- Hụt hơi;
- Nhịp tim nhanh;
- Thở gấp;
- Chóng mặt;
- Mất ý thức;
- Đổ nhiều mồ hôi;
- Ho ra máu
Xem thêm:
Chẩn đoán tình trạng bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Chẩn đoán thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch yêu cầu sự kết hợp giữa lâm sàng, xét nghiệm và hình ảnh học để đảm bảo độ chính xác và giảm nguy cơ bỏ sót. Các phương pháp chính bao gồm:
- Xét nghiệm cận lâm sàng bằng D-Dimer Test: Đây là xét nghiệm thường được chỉ định đầu tiên khi nghi ngờ VTE. Kết quả D-Dimer tăng cao có thể cho thấy sự hiện diện của cục máu đông. Tuy nhiên, xét nghiệm này không đặc hiệu, cần kết hợp với các phương pháp khác.
- Siêu âm Doppler: Đây là phương pháp phổ biến và không xâm lấn, được dùng để xác định huyết khối trong tĩnh mạch sâu. Từ đó, bác sĩ có thể quan sát được kích thước, cấu trúc cũng như các bất thường của động mạch và tĩnh mạch.
- Chụp CT mạch máu (CT Pulmonary Angiography): Phương pháp này chính là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán thuyên tắc phổi, cung cấp hình ảnh rõ ràng về vị trí tắc nghẽn, các tổn thương xung quanh. Trong một số trường hợp đặc biệt, chụp CT mạch máu còn giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh
- Venography (Chụp tĩnh mạch có cản quang): Được sử dụng trong trường hợp siêu âm không đủ rõ ràng, giúp xác định trực tiếp huyết khối. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán có xâm lấn, sử dụng thuốc cản quang và tia X để quan sát tình trạng của tĩnh mạch.
- Điện tâm đồ (ECG) và X-quang ngực: Mặc dù không thể chẩn đoán thuyên tắc phổi nhưng cả hai phương pháp này thường được thực hiện để xác định các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng, bao gồm nhồi máu cơ tim hoặc viêm phổi.
Cách điều trị bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Các lựa chọn điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch khác nhau tùy thuộc vào mức độ đe dọa của cục máu đông. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa tuỳ vào tình trạng sức khỏe thực tế. Cụ thể:
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc được chỉ định dành cho bệnh nhân bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch:
- Thuốc chống đông máu: Ngăn ngừa sự phát triển của các cục máu đông, giúp cơ thể tự phá vỡ chúng. Bao gồm Heparin trọng lượng phân tử thấp, Heparin, Apixaban (Eliquis), Rivaroxaban (Xarelto) và Warfarin (Coumadin), Edoxaban (Savaysa).
- Thuốc làm tan cục máu đông: Thuốc rtPA (chất hoạt hóa Plasminogen mô)
Điều trị bằng can thiệp ngoại khoa
Trong một số trường hợp đặc biệt, cần phải sử dụng các biện pháp can thiệp y khoa để loại bỏ hoặc giảm kích thước của cục máu đông. Một trong những phương pháp được ứng dụng là đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới (IVC filter) để ngăn chặn các cục máu động di chuyển đến phổi dành cho những bệnh nhân không thể sử dụng thuốc chống đông hoặc có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi.
Ngoài ra, phẫu thuật lấy huyết khối (Thrombectomy) cũng có thể được cân nhắc sử dụng khi các phương pháp khác không hiệu quả, nhằm loại bỏ cục máu đông trực tiếp từ tĩnh mạch bị ảnh hưởng. Các kỹ thuật như sử dụng catheter đưa thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp vào cục máu đông cũng có thể được áp dụng.
Tuy nhiên, do có thể xảy ra các biến chứng, các biện pháp can thiệp này được dành riêng cho các trường hợp khẩn cấp.
Biện pháp phòng ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch đúng cách
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có nhiều yếu tố nguy cơ và không phải tất cả đều có thể kiểm soát được
Nhìn chung, vận động là biện pháp phòng ngừa đơn giản nhất. Vì hầu hết DVT đều xảy ra ở chân, người bệnh có thể giảm nguy cơ bằng cách duy trì lưu thông máu ở chân. Nếu tính chất công việc phải ngồi hoặc đi nhiều, hãy dành khoảng 5-10 phút để đứng dậy và đi bộ cho các cơ chân để máu không bị ứ đọng. Còn nếu bạn bị ốm hoặc đang trong quá trình hồi phục sau một cuộc phẫu thuật, có thể thử tập các bài vận động nhẹ nhàng để hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông.
Ngoài ra, đối với những đối tượng có nguy cơ cao cần phải duy trì sử dụng tất áp lực/tất thun giãn/tất y khoa phòng huyết khối. Phương pháp này vô cùng đơn giản mà hiệu quả, tăng vận tốc dòng chảy của máu cũng như giảm ứ trệ máu.
Tóm lại , để dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch bạn cần hạn chế đứng/ngồi nhiều, dùng tất ép, luyện tập thể dục tại chỗ bằng cách nâng và hạ thấp gót chân. Khi ngủ nên kê cao chân, ăn uống đủ chất, giữ cân nặng ở mức ổn định, không sử dụng các chất kích thích và không hút thuốc,....
Mọi thắc mắc cần giải đáp chi tiết, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 1806 hoặc Đặt lịch khám tại website để được hỗ trợ thăm khám sớm nhất.
Kết luận
Hãy chú ý lắng nghe cơ thể, thực hiện thói quen vận động thường xuyên và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Bệnh nhân đừng quên lịch thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chủ động bảo vệ sức khỏe hôm nay là cách tốt nhất để có một tương lai khỏe mạnh và hạnh phúc.