7 nguyên nhân thường gặp khiến bé khóc đêm
Trẻ khóc dạ đề
Khóc dạ đề (khóc dã tràng) là cách gọi dân gian để nói về hiện tượng khóc đêm ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng một số trẻ mới sinh hay bị trăn trở, quấy khóc, hay giật mình khi ngủ mà vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân vì sao hay phương pháp điều trị như thế nào. Ở giai đoạn khóc dạ đề, trẻ hay khóc vào buổi chiều tối, khóc liên tục, khóc ré lên giống tiếng hét, khóc một lúc lâu không dỗ được. Vậy khóc dạ đề bao lâu thì hết? Thực tế, đa số trẻ sẽ hết hẳn hiện tượng khóc đêm này khi tròn 3 tháng tuổi, ngay cả khi phụ huynh không can thiệp gì. Đây vẫn là một trong những bí ẩn đối với nền y học.
Trẻ khóc dạ đề thường khóc rất lâu và khó dỗ dành.
Trẻ đang đói bụng
Nguyên nhân trẻ khóc đêm đầu tiên có thể kế đến là trẻ đang cảm thấy đói. Điều này được lý giải do trẻ sơ sinh có dạ dày rất nhỏ nên cần bú sữa, ăn nhiều lần trong ngày. Trẻ chưa biết nói nên khi đói sẽ biểu hiện bằng việc quấy khóc đòi ăn. Bên cạnh khóc đêm, mẹ có thể nhận biết thềm qua các dấu hiệu như: Trẻ cho tay vào miệng, mím môi và ngay khi được cho bú, trẻ sẽ hết khóc và ngủ trở lại bình thường.
Báo hiệu trẻ cần được thay tã
Không ít em bé thường có phản ứng dữ dội như quấy khóc đêm khi tã vừa bị ướt, bẩn. Vì giữa đêm mẹ sẽ thường lo lắng nghĩ con bị giật mình nên cố dỗ dành nhưng thấy con vẫn tiếp tục khóc lại càng rối trí. Thực ra, mẹ nên kiểm tra tã của con ngay lập tức, đảm bảo rằng nguyên nhân trẻ khóc không phải do tã bẩn. Nếu thấy tã bẩn hãy vệ sinh lau khô và thay tã cho con, bé sẽ nhanh chóng chìm giấc ngủ ngon.
Trẻ muốn được vỗ về, an ủi
Đây là yếu tố sinh lý hết sức bình thường của trẻ trong những năm tháng mới sinh. Việc phải ở một mình trong bóng tối, không cảm nhận được sự hiện diện của mẹ bên cạnh sẽ khiến bé sợ hãi. Vì thế, bé khóc nằng nặc giống như một lời gọi để được mẹ chú ý. Lúc này, mẹ chỉ cần vỗ về nhẹ nhàng bé sẽ ngủ lại ngay. Để hạn chế tình trạng này, mẹ nên quấn chăn thành tổ hoặc đặt gối mềm hai bên giúp bé cảm thấy an tâm hơn.
Một số trường hợp trẻ sơ sinh khóc đêm vì muốn được mẹ nằm bên cạnh vỗ về.
Trẻ bị lạnh hoặc nóng
Trẻ quấy khóc đêm không rõ nguyên nhân, cha mẹ hãy bình tĩnh tìm hiểu xem có phải do con đang bị quá lạnh hay nóng không. Bởi yếu tố này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ của trẻ. Mùa hè bật điều hòa thấp hay mùa đông dùng đèn sưởi liên tục dễ khiến nhiệt độ xung quanh trẻ bị thấp hoặc cao hơn nhiều khiến trẻ bị lạnh hoặc nóng, ngủ không ngon sẽ quấy khóc.
Trẻ mọc răng
Từ 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên. Khi này, trẻ thường cảm thấy bị sưng đau ở nướu, ngủ không ngon giấc, tất nhiên vì thế trẻ sẽ khóc đêm hay bất cứ thời điểm nào ban ngày mà con thấy bứt rứt khó chịu. Mẹ hãy chú ý để chăm sóc con đúng cách nhé.
Mọc răng khiến nướu sưng đau nên trẻ ngủ không ngon và quấy khóc về đêm.
Trẻ bị kích thích quá mức
Một số trẻ ban ngày thường xuyên được đi chơi ở các trung tâm thương mại hay xem những bộ phim có tình tiết gay cấn,... cũng có thể xảy ra hiện tượng khóc ban đêm. Bởi âm thanh mạnh hay ồn ào ban ngày có khả năng làm ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ gặp ác mộng dẫn tới bị giật mình, khóc thét.
Khi nào trẻ khóc đêm là bất thường?
Với trẻ con việc thể hiện sự khó chịu, đau đớn không gì khác chính là bằng sự quấy khóc. Nên nếu thấy trẻ khóc đêm bất thường, kiểm tra thấy tã vẫn khô, trẻ không đòi bú, không mọc răng thì nguyên nhân trẻ khóc đêm có thể xuất phát từ vấn đề nào đó trong cơ thể. Ví dụ như trẻ bị đau bụng, đầy bụng,... cơn đau tăng lên khiến trẻ gằn khóc không ngừng. Mẹ hãy thử chạm tay vào vùng bụng, thấy trẻ khó to hơn hoặc co rút người thì khả năng cao là trẻ đang đau bụng.
Trẻ khóc đêm kèm theo nhiều dấu hiệu khó chịu như rướn bụng, nôn trớ được coi là bất thường.
Một số trường hợp khác, con bị loét miệng hay dị ứng, côn trùng cắn gây ra cảm giác đau rát, ngứa ngáy cũng không thể ngủ yên và liên tục quấy khóc. Mẹ hãy kiểm tra các đồ dùng xung quanh xem có gì lạ không nhé. Mẹ cũng chú ý xem lại loại thực phẩm mới cho con ăn (nếu con đã ăn dặm) vì hệ tiêu hóa của trẻ giai đoạn này còn khá non nớt nên rất dễ bị dị ứng, hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa.
Một khả năng nữa gây ra hiện tượng trẻ khóc đêm bất thường, đang ngủ bỗng dưng thức dậy la hét, giật mình liên tục,... đó là do hệ thần kinh của bé chưa hoàn thiện, khả năng ức chế vẫn còn kém. Nếu hiện tượng này diễn ra thường xuyên, kéo dài thì rát có thể là biểu hiện của một loạt bất thường về cấu trúc cũng như chức năng não bộ. Mẹ nên đưa con tới cơ sở y tế khám sớm để có chẩn đoán cụ thể và phương pháp điều trị hiệu quả.
Ngoài ra, không ít phụ huynh băn khoăn có phải trẻ hay khóc đêm là thiếu chất gì? Điều này chưa thể khẳng định nếu bé chỉ khóc đêm dù trẻ quấy khóc đêm thường xuyên là một trong những biểu hiện ở trẻ thiếu canxi. Tốt nhất để biết chính xác vấn đề mà con đang gặp phải, thay vì loay hoay đi tìm cách trị trẻ khóc đêm, mẹ hãy cho con đi bác sĩ thăm khám.
Thay tã mới và giữ cho trẻ khô ráo khi chuẩn bị ngủ sẽ giúp hạn chế hiện tượng khóc đêm.
Trẻ hay khóc đêm ảnh hưởng như thế nào?
Tất nhiên là phụ huynh nào cũng sẽ cảm thấy ám ảnh với những tiếc khóc thét, khóc không ngừng về đêm của trẻ. Điều này rõ ràng là gây ảnh hưởng tới sự phát triển của bé cũng như sức khỏe và tinh thần của người trực tiếp chăm sóc. Cụ thể là:
- Ảnh hưởng đến em bé: Khóc đêm làm giấc ngủ của bé bị gián đoạn, trong khi, giấc ngủ rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có nghĩa là trẻ khóc đêm liên tục tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, học tập kém tập trung, trẻ chậm tăng cân hay chiều cao, về lâu dài có thể khiến hệ miễn dịch và tiêu hóa của trẻ bị giảm sút.
Không ít người mẹ cảm thấy căng thẳng dẫn đến mất sữa do phải thức đêm dỗ con khóc.
- Ảnh hưởng đến người mẹ và gia đình: Người mẹ sau sinh vốn cần nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt để hồi phục sức khỏe nên khi chăm con liên tục vào ban đêm, nghe tiếng con gào khóc thường xuyên rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, cáu gắt, thậm chí là trầm cảm. Từ đó, có thể dẫn tới bị mất sữa, sức khỏe giảm sút.
Trẻ sơ sinh khóc đêm phải làm sao?
Sốt ruột, lo lắng là tâm trạng chung của các bậc làm cha mẹ khi thấy trẻ quấy khóc đêm thường xuyên. Nhưng để giúp con, người lớn cần bình tĩnh để tìm hiểu và loại trừ từng nguyên nhân gây ra hiện tượng trẻ khóc đêm. Hãy bắt đầu từ việc kiểm tra xem tã của trẻ có ướt bẩn không, trẻ có bị lạnh hay nóng quá không, xung quanh nơi trẻ ngủ có thoáng sạch, yên tĩnh không và nếu bế trẻ một lúc con vẫn chưa nín hay ngủ lại thì cần theo dõi sát sao thêm để khắc phục.
Dù đa số trẻ khóc đêm là do sinh lý nhưng mẹ vẫn nên cẩn trọng và cho con đi khám kịp thời.
Lưu ý:
- Không cho con ăn đói hay quá no mỗi tối trước giờ ngủ.
- Tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ, không để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày.
- Thường xuyên kiểm tra thay tã cho trẻ, giữ cho cơ thể con khô ráo, sạch sẽ.
- Các vật dụng như quần áo, ga trải giường, chăn, màn cho trẻ phải sạch sẽ, giặt bằng sản phẩm dành riêng cho trẻ em.
- Hạn chế chơi đùa quá mức với trẻ, không để trẻ ở nơi âm thanh ồn ào,...
- Một điều mẹ cần đặc biệt chú ý đó là bổ sung vitamin D cho trẻ theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ để tránh bệnh còi xương (gây ra hiện tượng khó ngủ, khóc đêm). Cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng để hấp thụ thêm vitamin D, chế độ ăn uống phong phú và tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi.
Một số lưu ý khi trẻ khóc đêm kéo dài?
Trẻ khóc đêm thiếu chất gì?
Trẻ hay quấy khóc đêm thiếu chất gì? là câu hỏi được rất nhiều phụ huynh đặt ra. Như đã nói ở phần trên bài viết, một trong những biểu hiện của trẻ thiếu canxi, vitamin D là giật mình, quấy khóc về đêm. Vậy bé quấy khóc nhiều đêm có khả năng do thiếu chất canxi hay vitamin D hoặc kẽm, magie. Nhưng tất nhiên không phải em bé nào khóc đêm cũng là do thiếu các chất này. Mẹ cần quan sát thêm các biểu hiện khác của con. Tốt nhất nên đưa con đi khám sức khỏe định kỳ, thực hiện xét nghiệm vi chất để biết chính xác con có thiếu chất nào hay không. Cùng với đó, bác sĩ cũng sẽ đưa ra tư vấn và chỉ định phù hợp để điều trị dứt điểm tình trạng này.
Không phải tất cả trẻ khóc đêm đều do thiếu canxi.
Khi nào cần đưa bé đi thăm khám bác sĩ?
Cha mẹ thấy trẻ khóc đêm nhưng vẫn ăn uống, vui chơi và tăng cân bình thường thì không có gì phải lo lắng rồi. Ngay khi trẻ khóc có kèm theo triệu chứng ưỡn người, nôn trớ, không bú, hay đi ngoài,... nguy cơ cao trẻ bị vấn đề về tiêu hóa hoặc lồng ruột. Cha mẹ hãy đưa con đi cấp cứu ngay. Trường hợp bé khóc đêm nhiều ngày liên tiếp và càng ngày càng biếng ăn, ra nhiều mồ hôi trộm thì phụ huynh cũng cần sắp xếp đưa con đi thăm khám sớm để biết chính xác nguyên nhân, điều trị sớm, tránh chủ quan gây ra hậu quả nặng nề cho sức khỏe của trẻ.
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tình trạng bệnh có thể biến chuyển nặng rất nhanh. Cha mẹ thấy trẻ khóc đêm không rõ nguyên nhân thì đừng chỉ nghĩ tìm mẹo này mẹ kia chữa cho con. Chỉ có thăm khám trực tiếp, với các xét nghiệm cần thiết mới xác định được tình trạng cụ thể của trẻ. Nếu cần tư vấn gấp về chăm sóc sức khỏe cho trẻ hoặc đặt lịch khám tại BVĐK Phương Đông, cha mẹ vui lòng nhắn tin TẠI ĐÂY hoặc gọi hotline 19001806.