Trong thời gian thai kỳ, ngoài chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt hàng ngày thì tư thế nằm ngủ của bà bầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Vây đâu là tư thế nằm ngủ tốt cho bà bầu, có lợi cho thai nhi nhất?
Tư thế ngủ tốt cho mẹ bầu
Lựa chọn tư thế ngủ phù hợp sẽ giúp mẹ bầu giảm các triệu chứng đau mỏi, khó chịu và không làm ảnh hưởng đến em bé. Bụng bầu càng to, càng cần đảm bảo ngủ đúng tư thế. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nằm nghiêng một bên, đặc biệt là nằm nghiêng bên trái là tư thế ngủ cho bà bầu tốt nhất trong mọi giai đoạn của thai kỳ bởi những lợi ích sau đây:
- Nằm nghiêng một bên sẽ giúp mẹ bầu dễ thở hơn, làm giảm .
- Giúp tăng lưu lượng máu và các chất dinh dưỡng đến nhau thai.
- Tư thế này giúp tử cung không đè lên gan vốn nằm bên phải làm ảnh hưởng chức năng gan.
- Giảm áp lực lên phần lưng dưới và hai chân, giúp mẹ bầu bớt đau mỏi, hạn chế chuột rút cảm giác dễ chịu hơn.
- Giảm phù chân sinh lý cho bà bầu những tháng cuối thai kỳ, tránh chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây giảm lượng máu về tim.
- Giúp thận lọc máu và các chất độc hại tốt hơn.
- Giảm nguy cơ thai chết lưu.
Nằm nghiêng bên trái là tư thế ngủ cho bà bầu tốt nhất trong mọi giai đoạn của thai kỳ
Từ tháng thứ 4 trở đi của thai kỳ, các mẹ có bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch, hay bị chuột rút vào ban đêm nên gác chân cao. Ngoài ra mẹ cũng nên gối đầu cao để tránh trào ngược dạ dày do tử cung chèn ép dạ dày, hạn chế áp lực lên đường hô hấp trên, giảm chứng ngáy khi ngủ. Để thực hiện, các mẹ hãy sử dụng một chiếc gối mềm để gối đầu sao cho đầu và lưng tạo với giường một góc 20 độ.
Hầu hết mẹ bầu không thể nằm mãi một tư thế, bởi vậy khi ngủ cần chuẩn bị hai chiếc gối mềm kê trước và sau để giảm sức nặng của bụng lên chân, lưng dưới và giúp giữ thẳng cột sống.
Mẹ bầu không nên ngủ những tư thế dưới đây
Với một số thai phụ quen nằm ngửa hay nằm sấp khi ngủ mà khó bỏ thì vẫn có thể nằm ngủ theo các tư thế này trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên nên dần thay đổi thói quen bằng cách tập nằm nghiêng khi ngủ trước khi có thể chuyển sang nằm ngủ nghiêng hoàn toàn và nên ưu tiên nghiêng về bên trái lúc ngủ.
Thai phụ không nên nằm ngửa khi ngủ
Từ tuần thai thứ 24, thai phụ nên tránh nằm ngửa khi ngủ vì:
- Khi ngủ nằm ngửa, trọng lượng của tử cung sẽ đè lên cột sống, lưng, ruột và các mạch máu lớn khiến mẹ bầu đau lưng, có nguy cơ bị trĩ và suy tuần hoàn, ảnh hưởng đến tuần hoàn của thai nhi.
- Tĩnh mạch chủ dưới bị chèn ép sẽ cản trở lưu thông máu, gây hạ huyết áp, khiến mẹ bầu bị chóng mặt, đồng thời làm giảm lượng máu đến thai nhi, gây chậm nhịp tim thai.
- Nằm ngửa còn có thể gây tụt huyết áp, chóng mặt, tăng cân và có thể gây ra chứng ngưng thở trong lúc ngủ ở thai phụ. Bụng bầu đè lên ruột và các mạch máu lớn dẫn đến đau lưng, huyết áp thấp, trĩ, các vấn đề về đường hô hấp và tiêu hóa...
Thai phụ không nên nằm ngửa khi ngủ từ tuần thai thứ 24
Không nên nằm sấp
Theo các chuyên gia Sản khoa, nhiều mẹ có thói quen ngủ sấp hay tư thế nằm lên trên bụng trước khi mang thai thì vẫn có thể tiếp tục gắn bó với nó trong tam cá nguyệt thứ nhất, bởi lúc này thai nhi vẫn còn bé, bụng mẹ vẫn còn nhỏ nên điều này chưa gây hại cho cả mẹ và bé.
Tuy nhiên, khi bụng mẹ bắt đầu to lên, thai nhi trong bụng ngày càng lớn dần sẽ gây khó chịu cho thai phụ và mẹ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nếu tiếp tục duy trì thói quen nằm này.
Sang kỳ tam cá nguyệt thứ 2, tử cung của phụ nữ mang thai dần lớn lên gây chèn ép các cơ quan tiêu hóa khiến mẹ gặp tình trạng ợ nóng. Nếu mẹ vẫn duy trì thói quen nằm sấp sẽ làm tăng thêm áp lực đến các cơ quan tiêu hóa và càng lầm trầm trọng hơn tình trạng ợ nóng.
Đến giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi đã phát triển lớn hơn rất nhiều, bụng mẹ cũng đã “to vượt mặt” do đó, việc mẹ bầu nằm sấp sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch chính, tĩnh mạch chủ bơm máu từ tim đến chân. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu đến mọi cơ quan trong cơ thể và làm giảm việc cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi.
Tác hại khi ngủ sai tư thế lúc mang thai
Khi mẹ bầu nằm sai tư thế ngủ sẽ khiến tình trạng phù nề ở chi dưới nghiêm trọng hơn
Quá trình mang thai thay đổi theo từng giai đoạn, khi tư thế ngủ của bà bầu sai sẽ ảnh hưởng đến hô hấp cũng như giảm lượng cung cấp máu và dưỡng chất cho em bé. Bên cạnh đó, tư thế ngủ sai còn gây ra các tác hại như chứng ợ nóng, nôn mửa và một số hậu quả như sau:
- Lượng oxy cung cấp cho thai nhi giảm đáng kể: đa số mẹ bầu có tử cung ngả sang phải nên nếu mẹ nằm ngửa hay nằm nghiêng quá nhiều sang phải sẽ khiến oxy và chất dinh dưỡng khi cung cấp đến thai nhi sẽ khó khăn hơn, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ khi bụng bầu đã quá lớn.
- Tĩnh mạch chi dưới bị tê liệt: trong thời kỳ mang thai, tĩnh mạch thường ở trạng thái giãn nở. Vì vậy, mẹ bầu rất dễ bị căng hoặc tê liệt tĩnh mạch vùng ngoại âm và tĩnh mạch chi dưới. Khi tư thế ngủ của mẹ bầu là nằm ngửa sẽ làm khiếp áp lực của tử cung lên ống dẫn niệu ở vị trí cửa xương chậu tăng lên, khiến nguy cơ phù nề chi dưới tăng lên rõ rệt.
- Lưu lượng máu giảm: nằm ngửa khi mang thai ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 sẽ làm tăng áp lực từ tử cung lên tĩnh mạch khoang dưới từ đó cản trở sự lưu thông máu xuống nửa thân dưới. Việc này dẫn đến giảm lượng máu đổ về tim và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của thai nhi.
- Cơ thể bị phù nề khi mẹ bầu nằm sai tư thế: phù nề trong thời kỳ mang thai là tình trạng phổ biến, hầu hết mẹ bầu nào cũng gặp phải. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do cơ thể thai phụ tích nước, nghiêm trọng hơn sẽ khiến mẹ bầu bị phù nề toàn thân, dẫn tới cao huyết áp. Vì thế, nếu mẹ bầu đang bị phù nề tuyệt đối không nên nằm ngửa vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé trong bụng.
Một số mẹo cho bà bầu ngủ ngon giấc
Bên cạnh những tư thế ngủ tốt cho bà bầu, các chuyên gia cũng chỉ cho các mẹ một số mẹo để giúp mẹ có giấc ngủ ngon và sâu hơn:
- Mẹ hãy đặt một chiếc gối kẹp giữa hai chân khi đi ngủ sẽ làm cho cơ thể cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Bởi cách làm này giúp giữ 2 chân song song và hỗ trợ tốt cho phần xương chậu, hông cũng như cột sống.
- Với những mẹ bị ợ nóng vào ban đêm, có thể dùng thêm một chiếc gối kê phía sau lưng sẽ khiến mẹ dễ chịu và ngủ ngon hơn nhiều đấy.
- Ở giai đoạn đầu, nếu mẹ muốn chuyển sang tư thế nằm ngửa thì các chuyên gia gợi ý mẹ nên búi tóc thấp khi ngủ.
- Mẹ hãy đảm bảo đã vận dụng đúng các tư thế ngủ khi mang thai đã khuyến cáo ở trên. Nếu nửa đêm mẹ thức giấc giữa chừng hãy kiểm tra lại tư thế mình đang nằm và điều chỉnh lại nhé.
Cần làm gì khi mẹ bầu bị mất ngủ
Một cốc sữa ấm vào buổi tối giúp mẹ không bị đói bụng đồng thời cải thiện giấc ngủ
Tuy nhiên, ngoài việc thực hiện đúng theo lời khuyên của bác sĩ về các tư thế ngủ cho bà bầu thì có nhiều mẹ bầu bị chứng khó ngủ, mất ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tinh thần. Vì thế, để có một giấc ngủ chất lượng, ngủ ngon, ngủ sâu, tránh tình trạng mất ngủ, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Tinh thần của thai phụ luôn phải thoải mái, vui vẻ, tránh làm việc căng thẳng và nặng nhọc trước giờ ngủ.
- Mẹ bầu có thể vận động nhẹ nhàng trước giờ đi ngủ như đi dạo hoặc tập một số động tác yoga sẽ giúp điều hòa hơi thở, tinh thần thoải mái và ngủ ngon hơn.
- Các đồ ăn thức uống chứa caffeine và chocolate đều không có lợi cho bà bầu vì khiến mẹ bị khó chịu, kích thích và mất ngủ. Đồng thời mẹ cũng nên tránh uống nhiều nước trước khi đi ngủ sẽ gây buồn tiểu, ảnh hưởng đến thận và chất lượng giấc ngủ. Nếu mẹ thèm ăn vặt vào buổi tối, mẹ có thể dùng súp nóng hoặc sữa nóng.
- Thực đơn mỗi ngày cho bà bầu nên bổ sung vitamin B, ăn nhiều các loại đậu, cá, chè hạt sen… bởi những thực phẩm này giúp hỗ trợ trao đổi chất, giảm căng thẳng, cung cấp năng lượng, giúp mẹ ngủ sâu và ngon hơn.
- Mẹ bầu tránh ăn quá nhanh sẽ không có lợi cho hệ tiêu hóa. Thay vào đó nên ăn chậm, nhai kỹ và không ăn quá no trong bữa tối hay sát giờ đi ngủ.
- Để cải thiện chứng mất ngủ, bà bầu nên ngâm chân, tắm nước ấm hoặc dùng tinh dầu tự nhiên cho phòng ngủ của mình để giúp tinh thần khoan khoái, thư thái, dễ dàng đi vào giấc ngủ.
- Cuối cùng, để chất lượng giấc ngủ của thai phụ luôn được đảm bảo thì không gian phòng ngủ cần thoải mái, rộng rãi, đảm bảo đông ấm hè mát.
Có thể thấy, mang thai là một quá trình phức tạp, ngay cả việc ăn ngủ cũng phải thật cẩn trọng để đảm bảo mẹ bầu chống lại được sự mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần đồng thời nuôi dưỡng cho bé con trong bụng phát triển đầy đủ nhất. Hi vọng rằng những lời khuyên về các tư thế ngủ cho bà bầu trên đây sẽ hỗ trợ các mẹ có giấc ngủ ngon để có một thai kỳ khỏe mạnh. Để được tư vấn thêm về các vấn đề thường gặp khi mang thai, mẹ có thể liên hệ 1900 1806.