Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi?

Nguyễn Thu Hà

05-05-2021

goole news
16

Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai là tình trạng xảy ra phổ biến để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. 

Đôi lúc, tình trạng buồn nôn, chóng mặt không phải là triệu chứng thông thường của thai nghén mà có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị tụt huyết áp. Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai cũng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp. Chính vì những ảnh hưởng nghiêm trọng mà tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai gây ra nên việc kiểm tra huyết áp là một công đoạn không thể thiếu khi mẹ bầu đi khám thai định kỳ. Vậy khi mẹ bầu bị tụt huyết áp có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Cách chữa trị và những lưu ý cho tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai là gì?

Huyết áp thấp là bao nhiêu?

tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Tụt huyết áp khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg

Kiểm tra huyết áp là một trong những “thủ tục” không thể thiếu trong quá trình khám thai. Nhờ kết quả kiểm tra huyết áp, bác sĩ sẽ có một cái nhìn tổng quát về sức khỏe của mẹ và bé. Theo các bác sĩ, huyết áp của một người bình thường sẽ nằm trong khoảng 120/80mmHg, điều này thể hiện tình trạng sức khỏe tốt, máu lưu thông đều và tốc độ bơm máu bình thường. Nếu huyết áp vượt quá 140/90 mmHg thì sẽ được gọi là huyết áp cao, còn huyết áp thấp hơn hoặc bằng 100/60 mmHg thì được gọi là huyết áp thấp. 

Thực tế, việc thay đổi huyết áp khi mang thai là điều hết sức bình thường. Bởi trong thai kỳ, sự gia tăng hormone progesterone sẽ làm giãn các mạch máu và ảnh hưởng đến sự lưu thông máu trong cơ thể. Theo đó, mẹ bầu có xu hướng tụt huyết áp trong 3 tháng đầu và giữa thai kỳ. Huyết áp sẽ có xu hướng tăng cao vào 3 tháng cuối thai kỳ. 

Nguyên nhân huyết áp bị tụt khi mang thai

Khi mang thai, cơ thể người mẹ có những thay đổi để thích nghi với quá trình nuôi dưỡng em bé. Để đáp ứng điều này, lượng máu lưu thông trong cơ thể sẽ tăng cao hơn bình thường để đảm bảo cung cấp cho thai nhi. Và vô tình đây chính là “thủ phạm” dẫn đến tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai. Theo các chuyên gia, huyết áp của mẹ bầu sẽ khá thấp trong 24 tuần đầu của thai kỳ. Điều này có thể đến từ việc các mạch máu đang mở rộng để cho máu chảy đến tử cung. 

Tình trạng huyết áp thấp còn có nguyên nhân khác như: mang thai đôi, tiền sử bị bệnh, cơ thể thai phụ không được cung cấp đủ vitamin B12, axit folic. Tuy nhiên, tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai không phải lúc nào cũng là tình trạng sinh lý. Huyết áp tụt quá thấp có thể gây nguy hại cho tình trạng sức khỏe của thai nhi. Một số thói quen không tốt có thể gây tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai như thay đổi tư thế đột ngột, tắm quá lâu. Bên cạnh đó, một số bệnh lý cũng là nguyên nhân gây tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai như: thiếu máu, chảy máu, chấn thương, bệnh lý tim mạch, nhiễm trùng, mất nước, phản ứng dị ứng, tác dụng phụ của các loại thuốc...

Ngoài ra, chỉ số huyết áp thay đổi tùy thuộc vào mức năng lượng, lối sống và mức độ căng thẳng của mẹ bầu. Hơn nữa, huyết áp cũng tăng, giảm tùy theo thời gian trong ngày, nên để xác định được mình có bị tụt huyết áp không, mẹ bầu cần đo huyết áp thường xuyên. 

tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Mẹ bầu bị tụt huyết áp khá nguy hiểm vì có thể thai nhi sẽ không được cung cấp đủ máu và oxy để phát triển

Triệu chứng của tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Khi bị tụt huyết áp, dấu hiệu thường thấy ở mẹ bầu có thể kể đến như:

- Thở dốc, khó thở

- Buồn nôn, chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu khi đứng dậy

- Trầm cảm, dễ nhầm lẫn

- Đổ mồ hôi lạnh, nước da xanh xao, tái nhợt

- Thường khát nước, ngay cả khi vừa uống trước đó

- Cơn mệt mỏi khi mang thai trở nên trầm trọng hơn trong ngày

- Gặp vấn đề về thị lực như mắt mờ hoặc tầm nhìn đôi (song thị)

Mặc dù tình trạng tụt huyết áp thường không quá nguy hiểm nhưng các triệu chứng mà bệnh này gây ra sẽ khiến cơ thể của mẹ bầu cảm thấy khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống của thai phụ, đặc biệt là nếu bạn chưa từng trải qua những tình trạng này trước đây. 

tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Khi bị tụt huyết áp, mẹ bầu có thể cảm thấy buồn nôn, chóng mặt

Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Tuy không phổ biến và gây nhiều tác hại như huyết áp cao, nhưng huyết áp thấp thường gặp phải một số triệu chứng nghiêm trọng như tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt, ngất, sốc tuần hoàn, trụy mạch do thiếu oxy truyền lên não và tới các bộ phận trong cơ thể. Do đó, mẹ bị tụt huyết áp thì thai nhi có thể sẽ không được cung cấp đủ máu và oxy để phát triển. 

Một trong những rủi ro chính đối với tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai là té ngã do choáng váng, do ngất bởi đứng dậy quá nhanh sau khi ngồi hoặc nằm. Tình trạng ngất xỉu khi mang thai thường xuyên có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ lẫn em bé bởi bạn sẽ vô tình tự làm mình bị thương. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng tụt huyết áp xảy ra khi đang đi cầu thang hoặc tham gia giao thông có thể khiến cho mẹ bầu bị ngã, chấn thương nặng và làm tăng nguy cơ sảy thai. 

Tình trạng huyết áp thấp nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc hoặc tổn thương nội tạng. Điều này khiến việc vận chuyển máu đến thai nhi trở nên thiếu hụt, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng cho quá trình phát triển, chào đời của em bé, chẳng hạn như làm cho thai chết lưu, sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân.

tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Một số phụ nữ mang thai trải qua các đợt huyết áp thấp bất thường có thể cần dùng đến thuốc để điều trị

Điều trị cho phụ nữ mang thai bị tụt huyết áp

Theo các chuyên gia, hiện nay chưa có phương pháp điều trị y tế cụ thể cho tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai. Các mẹ có thể áp dụng các biện pháp khắc phục huyết áp thấp tại nhà. Đa số huyết áp sẽ trở lại bình thường vào khoảng 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, một số phụ nữ trải qua các đợt huyết áp thấp bất thường có thể cần dùng đến thuốc để điều trị. Việc dùng thuốc này phải tuân theo chỉ định của bác sĩ dựa vào các nguyên nhân gây ra huyết áp thấp như: thiếu máu, mất cân bằng nội tiết… Nếu bác sĩ nghi ngờ 1 loại thuốc nào đó khiến huyết áp của mẹ bầu trở nên thấp, họ có thể cho bạn dùng một loại thuốc khác để thay thế. 

Biện pháp tại nhà giúp khắc phục tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Ngoài việc điều trị y tế, đa số huyết áp thấp đều được khắc phục tại nhà bằng các biện pháp đơn giản. Mẹ bầu có thể thực hiện để tránh những biến chứng do bệnh gây ra nhé: 

Nghỉ ngơi đầy đủ

Tình trạng huyết áp thấp có thể khắc phục từ từ, điều quan trọng cần nhớ là mẹ bầu nên thực hiện mọi hành động thật chậm rãi. Mẹ bầu cần chú ý không nên thay đổi tư thế cơ thể quá đột ngột: từ ngồi sang đứng, từ nằm sang ngồi hoặc đứng dậy… Dành thời gian để ngồi dậy từ từ vào buổi sáng thay vì lập tức bật dậy và bước ra khỏi giường. Hạn chế đứng một chỗ trong thời gian dài vì lúc này máu dễ tụ xuống chân gây chóng mặt, tụt huyết áp. 

Nếu cảm thấy dường như sắp ngất, mẹ bầu nên ngồi hoặc nằm xuống nhẹ nhàng, hít thở đều và sâu. Nằm nghiêng bên trái thay vì nằm nghiêng bên phải cũng có thể giúp tăng lưu lượng máu đến tim, từ đó giúp ổn định cơ thể. Không nên làm việc quá sức, hoạt động nặng gây mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến tụt huyết áp. Mẹ bầu hãy cho cơ thể được thư giãn vào một quãng thời gian nhất định trong ngày để cơ thể được phục hồi và giảm mệt mỏi. 

Nên chọn loại quần áo có chất liệu thoáng mát, rộng rãi, hạn chế mặc quần áo bó sát, khiến máu không lưu thông. Bên cạnh đó, việc tập thể dục thể thao thường xuyên cũng rất tốt cho bà bầu. Mẹ bầu có thể chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, yoga để có sức khỏe tốt, duy trì huyết áp luôn ổn định. 

tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Mẹ bầu nên nằm nghiêng bên trái thay vì nằm nghiêng bên phải

Bổ sung đủ nước cho cơ thể

Trong các tháng đầu của quá trình mang thai, mẹ bầu thường bị ốm nghén, nôn mửa khiến cơ thể mất nước dẫn đến tụt huyết áp. Nếu không bổ sung lượng nước kịp thời, nó sẽ làm nghẽn sự vận chuyển máu đến thai nhi. Chính vì thế, mẹ bầu nên nạp nhiều chất lỏng cho cơ thể bằng nước lọc, nước ép trái cây tươi, trà thảo mộc… để hỗ trợ giảm nhẹ chứng tụt huyết áp khi mang thai hoặc tình trạng ốm nghén. Nếu tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai gây buồn nôn, việc dùng trà thảo mộc ấm từ gừng, hoa cúc sẽ giúp giải quyết vấn đề khó chịu ở dạ dày.  

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho bà bầu bị tụt huyết áp là hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thay vì một bữa ăn lớn hay chỉ cố định với 3 bữa chính.  Khi ăn các bữa nhỏ, hệ tiêu hóa sẽ được giảm áp lực, hạn chế tụt huyết áp. 

Một chế độ ăn uống đa dạng và giàu chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong thai kỳ và có thể giúp giảm các triệu chứng thai kỳ. Tránh xa các loại đồ uống có chứa caffein , cồn, chất kích thích trong suốt thai kỳ để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tránh xa huyết áp thấp.

Mẹ bầu bị huyết áp thấp nên mang theo bánh, kẹo, đồ ngọt để ăn ngay khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt. Tránh tình trạng ngất xỉu đột ngột, va chạm mạnh gây nguy hiểm cho mẹ và bé. 

Mẹ bầu cũng phải cân nhắc về việc tăng lượng muối hấp thụ hàng ngày. Để tốt cho cơ thể thì mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết được lượng muối phù hợp với bản thân mình.

Tuyệt đối không bỏ bữa sáng vì bữa sáng cung cấp năng lượng thiết yếu cho cả ngày. Thói quen bỏ bữa sáng làm giảm trương lực (sức đàn hồi, dẻo dai) của mạch máu, dẫn đến hạ huyết áp. 

tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Mẹ bầu nên đi khám ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường

Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai khi nào cần đến bác sĩ?

Phụ nữ mang thai bị huyết áp thấp khi thấy cơ thể có những tình trạng sau cần nhanh chóng nhờ người thân đưa bạn đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất: 

- Chóng mặt, ngất

- Khó thở, đau ngực

- Chóng mặt, đau đầu dữ dội

- Thay đổi thị lực

- Cảm giác tê hoặc yếu một bên cơ thể

Trên đây là những chia sẻ về tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai. Đây là hiện tượng khá phổ biến nhưng các mẹ bầu không được chủ quan. Hãy thảo luận với bác sĩ nếu tình trạng vẫn tiếp tục khi bạn đã bước vào tam cá nguyệt thứ 3 hoặc diễn ra trong thời gian dài. Trong những lần khám thai định kỳ, bác sĩ cũng sẽ tiến hành theo dõi huyết áp của mẹ bầu và đưa ra lời khuyên thích hợp để cả mẹ và em bé trong bụng đều được khỏe mạnh. Nếu vẫn còn thắc mắc, hãy liên hệ qua hotline 19001806 để được tư vấn thêm. 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
3,579

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám