Bệnh ung thư máu có chữa được không?

Nguyễn Thu Hà

27-05-2022

goole news
16

Ung thư máu là một trong những bệnh lý nguy hiểm, các triệu chứng không xuất hiện sớm nên người bệnh thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Nếu không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, người bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng. Do ung thư máu là một căn bệnh phức tạp nên nhiều người thường lo lắng không biết ung thư máu có chữa được không?

Các chuyên gia y tế cho biết, mắc bệnh ung thư máu không phải là “dấu chấm hết” cho cuộc đời của mỗi người bệnh. Ngày nay, với sự phát triển và tiến bộ của nền y học hiện đại thì cơ hội chữa được bệnh ung thư máu ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về cách chữa ung thư máu sẽ giúp người bệnh có thêm niềm tin, sức mạnh trên hành trình chữa trị căn bệnh này. 

Ung thư máu là gì?

ung thư máu có chữa được không là băn khoăn của rất nhiều người bệnh

Ung thư máu có chữa được không là băn khoăn của rất nhiều người bệnh

Ung thư máu hay ung thư huyết (hematologic cancer) được khởi phát ở tủy xương, nơi mà các tế bào máu được tạo ra. Ung thư máu xảy ra khi mà các tế bào máu bất thường phát triển mạnh vượt ngoài kiểm soát, cản trở hoạt động của các tế bào máu bình thường. Hầu hết, các bệnh ung thư máu đều xuất phát từ tủy xương - nơi sản xuất máu.  

Ung thư máu có thể nói là "án tử" đối với nhiều người nên người bệnh thường băn khoăn không biết ung thư máu có chữa được không? Các chuyên gia trong ngành cho biết hiện nay chưa có một loại thuốc hay phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư, trong đó có ung thư máu. Các phương pháp điều trị chỉ giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng, đau đớn cho người bệnh và kéo dài thời gian sống. 

Cách chữa ung thư máu

Điều trị ung thư máu phụ thuộc vào dạng ung thư, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, giai đoạn tiến triển, vị trí xảy ra ung thư và một số các yếu tố khác. Với sự tiến bộ của y học hiện đại mà có nhiều cách chữa ung thư máu hiệu quả ra đời giúp đem lại nhiều khả năng chữa khỏi cho người bệnh. 

Tuy nhiên, ung thư máu là bệnh cần được điều trị chuyên sâu. Do đó, chỉ có thể điều trị ung thư máu ở những cơ sở y tế chuyên khoa về bệnh máu. Một số phương pháp điều trị cho ung thư máu bao gồm:

Hóa trị ung thư máu

cách chữa ung thư máu bằng phương pháp hóa trị

Cách chữa ung thư máu bằng phương pháp hóa trị

Cách chữa ung thư máu phổ biến nhất được các bác sĩ áp dụng cho tất cả các bệnh nhân ung thư máu đó là phương pháp hóa trị. Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc hóa dược, hóa trị có thể tiêu diệt trực tiếp tế bào ung thư máu ác tính.

Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của mỗi bệnh nhân để có thể xây dựng phác đồ trị liệu, sử dụng các loại thuốc phù hợp nhất cho cơ địa của mỗi người bệnh. Tuy nhiên, nhìn chung thì điều trị hóa chất trong ung thư máu trải qua các giai đoạn là: 

  • Điều trị khởi đầu: đây là giai đoạn chữa trị chính bằng các loại thuốc hóa trị cho bệnh nhân ung thư máu và thời gian điều trị kéo dài trong một tháng. 
  • Điều trị củng cố: sau đợt điều trị khởi đầu, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân điều trị thêm được gọi là điều trị củng cố để hạn chế và kiểm soát việc ung thư máu quay trở lại. Từ đó, người bệnh có thêm thời gian sống. Thời gian điều trị thường kéo dài trong một vài tháng. 
  • Điều trị duy trì: trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng thuốc với liều thấp để tăng cường hiệu quả của 2 đợt điều trị phía trên. Thời gian điều trị có thể diễn ra trong 2 năm. 

Phương pháp hóa trị là một cách chữa ung thư máu tốt, giúp tiêu diệt tế bào ung thư và chữa khỏi bệnh nhưng đi đôi với cái lợi là cái hại, đó là các tế bào lành khác cũng bị hóa chất tiêu diệt. Một số tác dụng phụ của điều trị ung thư máu bằng hóa chất là: 

  • Người bệnh sau khi điều trị bằng hóa trị luôn có cảm giác mất ngon miệng, buồn nôn, nôn. Bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng các thuốc hỗ trợ trước và sau khi dùng hóa chất để khắc phục các triệu chứng.  
  • Rụng tóc là điều thường thây ở mỗi bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa trị. Sau khi ngừng điều trị bằng phương pháp này, tóc có thể được mọc lại. 
  • Thiếu máu, chảy máu, nhiễm trùng… là các biến chứng nặng, có thể dẫn tới tử vong. 

Chính vì những tác dụng không mong muốn bên trên nên hóa trị ung thư máu thường ít khi được chỉ định đối với những bệnh nhân tuổi đã cao và có sức khỏe kém. 

tác dụng phụ khi điều trị ung thư máu bằng hóa trị đó là gây rụng tóc

Tác dụng phụ khi điều trị ung thư máu bằng hóa trị đó là gây rụng tóc

Xạ trị ung thư máu

Với bệnh ung thư máu, xạ trị không phải là phương pháp điều trị chính và hiếm khi được sử dụng cho các bệnh nhân ung thư máu. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể được chỉ định sử dụng phương pháp này, cụ thể: 

  • Bệnh ung thư máu đã lan đến não, dịch tủy sống hoặc đến tinh hoàn
  • Trước khi ghép tủy xương hoặc tế bào gốc máu ngoại vi, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân xạ trị cho toàn bộ cơ thể, đây là một phần quan trọng, không thể thiếu. 
  • Khi bệnh nhân ung thư máu di căn vào xương và điều trị bằng phương pháp hóa trị liệu không có hiệu quả thì xạ trị có thể được áp dụng để làm giảm đau ở vùng xương

Xem thêm:

Chữa ung thư máu bằng cấy ghép tế bào gốc

Thông thường, phương pháp cấy ghép tế bào gốc được thực hiện sau khi kết thúc điều trị ung thư máu bằng hóa trị liều cao để giúp khôi phục tủy xương. Phương pháp này giúp hồi phục khả năng tạo máu của bệnh nhân, đồng thời góp phần ức chế dòng tế bào ác tính còn sót lại giúp kéo dài thời gian lui bệnh hoàn toàn. 

Các chuyên gia cho biết, các tế bào gốc sử dụng để cấy ghép thường lấy ở máu cuống rốn là tốt nhất, nhưng cũng có thể lấy từ tủy xương. Hiện nay, có 2 phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu là ghép tủy đồng loại và ghép tủy tự thân. 

Ghép tế bào gốc tạo máu có tỷ lệ thành công cao, tỷ lệ thành công của phương pháp này trên 80%. Tuy nhiên, bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu có thể gặp một số biến chứng như: nhiễm trùng, thải ghép, viêm tắc tĩnh mạch… Do đó, người bệnh cần được theo dõi kỹ lưỡng sau khi ghép và tái khám định kỳ sau khi ra viện. 

Ngoài các cách chữa ung thư máu điển hình như trên, có nhiều loại thuốc trị ung thư máu được bác sĩ sử dụng để điều trị cho người bệnh như thuốc kích thích hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư, thuốc nhắm trúng tại đích… 

cách chữa ung thư máu bằng cấy ghép tế bào gốc

Người bệnh có thể chữa ung thư máu bằng cấy ghép tế bào gốc

Cách điều trị ung thư máu cụ thể từng loại

Với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu cấp tính và mạn tính, phương pháp điều trị chính thường là hóa trị liệu dài hạn. Sự tiến bộ của y học, khoa học đã giúp các bác sĩ đưa ra các phác đồ hóa trị chuyên sâu hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh hơn trong điều trị. 

Dưới đây là cách chữa ung thư máu cụ thể từng loại: 

Cách trị bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho

cách trị ung thư máu cấp tính dòng lympho

Cách trị ung thư máu cấp tính dòng lympho là làm giảm các triệu chứng của bệnh

Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho thì các bác sĩ sẽ tập trung điều trị nhằm làm giảm các triệu chứng của bệnh gây ra.  

Sau khi bác sĩ thực hiện chọc dò tủy sống hoặc dịch não tủy sẽ phát hiện được tế bào bạch cầu cấp tính dòng lympho đã lây lan đến khu vực xung quanh não và tủy sống hay chưa. Nếu không tìm thấy các tế bào ung thư bạch cầu trong dịch não tủy khi chẩn đoán thì có thể sau này chúng sẽ lan rộng tới các cơ quan đó. 

Chính vì lý do ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ nên việc điều trị dự phòng hệ thân fkinh trung ương là rất quan trọng. Điều này giúp làm giảm nguy cơ bệnh bạch cầu lan sang khu vực xung quanh tủy sống hoặc não. 

Việc điều trị thường mất khoảng 2 năm, trong đó việc điều trị duy trì chiếm phần lớn thời gian. Một số loại thuốc hóa trị được bác sĩ chỉ định điều trị bệnh này như: Vincristine, Dexamethasone hoặc prednison, doxorubicin (Adriamycin) hoặc daunorubicin.

Cách chữa bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy

sử dụng thuốc là một trong những cách chữa ung thư máu

Sử dụng thuốc là một trong những cách chữa ung thư máu

Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy là một loại ung thư mà phần mô mềm trong xương gây ra bất thường ở các nguyên tủy bào, tiểu cầu hay tế bào hồng cầu. Bệnh đôi khi có thể lan truyền đến các bộ phận khác như gan, hạch bạch huyết, lá lách và hệ thống thần kinh trung ương gồm não và tủy sống.

Bệnh bạch cầu ác tính ở tủy xương sẽ ảnh hưởng đến tế bào và làm tủy xương không thể sản xuất đủ các tế bào máu như bình thường. 

Bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn cần tầm soát ung thư để chẩn đoán phát hiện sớm khối u nếu không có triệu chứng nào. Tuy nhiên, hiện nay chưa có phương pháp xét nghiệm nào có thể chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy sớm, vì vậy, bạn cần báo cho bác sĩ bất kỳ triệu chứng của bệnh ngay khi phát hiện.

Vì đây là bệnh có thể tiến triển rất nhanh nên việc điều trị bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy thường cần bắt đầu càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ tiến hành các điều trị đặc biệt đối với từng phân nhóm của bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy. Hóa trị liệu là phương pháp điều trị quan trọng đối với bệnh bạch cầu tính dòng tủy. Đôi khi, bác sĩ thường cấy ghép tế bào gốc sau thực hiện hóa trị. 

Ngoài ra, người bệnh có thể phải sử dụng thêm một số loại thuốc khác để chữa trị bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy. Một số thuốc điều trị ung thư máu loại này là  midostaurin, cytarabine, gemtuzumab ozogamicin. Trong trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật và xạ trị để điều trị bệnh. 

Điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính

điều trị ung thư máu lympho mạn tính bằng hóa trị

Điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính bằng hóa trị

Bệnh bạch cầu lympho mạn tính là tình trạng tế bào gốc phát triển thành những tế bào lympho bất thường. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, những tế bào lympho bất thường này không có khả năng chống chọi. Tình trạng số lượng tế bào lympho bất thường tăng đột biến trong tủy xương và máu sẽ khiến hồng cầu, tiểu cầu và tế bào bạch cầu bình thường giảm, gây ra tính trạng thiếu máu, chảy máu và dễ nhiễm trùng. 

Thông thường, các tế bào ung thư bạch cầu mạn tính dòng lympho hình thành ở trong máu và tủy xương. Trong nhiều trường hợp, khối u đã lan rộng sang các cơ quan khác như gan, các hạch bạch huyết và lá lách. 

Nếu không xuất hiện triệu chứng hoặc trong giai đoạn đầu của bệnh, bác sĩ sẽ cho phép người bệnh chưa cần tiếp nhận phương án điều trị nhưng việc theo dõi tình trạng sức khỏe là điều quan trọng, không thể lơ là. Nếu người bệnh đã có triệu chứng của bệnh bạch cầu, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện hóa trị. 

Hầu hết, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm mục tiêu hay phương pháp hóa trị có thể làm giảm số lượng tế bào ung thư bạch cầu trong bệnh bạch cầu lympho mạn tính và cải thiện các triệu chứng. 

Tuy nhiên, một điều cần hết sức lưu ý đó là hóa trị liều cao có thể cho kết quả tốt nhưng chúng thường không thể được sử dụng vì có thể làm tổn thương nghiêm trọng tủy xương, nơi các tế bào máu mới được tạo ra. Ngoài ra, hóa trị có thể gây ra tác dụng phụ bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, loét miệng, tiêu chảy, sức khỏe kém, đau đớn, khó chịu, chảy máu, nguy cơ nhiễm trùng cao đe dọa tính mạng và các bệnh lý khác liên quan đến số lượng tế bào máu thấp. 

Để giúp kiểm soát một số triệu chứng của ung thư, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng liệu pháp xạ trị ở lá lách và mô bạch huyết. 

Người bệnh có thể được cấy ghép tủy với điều kiện là người trẻ tuổi, sức khỏe đảm bảo và đạt các tiêu chuẩn cấy ghép tủy xương. Việc cấy ghép sẽ thay thế tủy xương bệnh bằng tủy khỏe mạnh. Tuy nhiên, phương pháp này thường không được thực hiện để trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính do hầu hết bệnh nhân đều là người cao tuổi. 

Điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính

Điều trị ung thư máu dòng tủy mạn tính bằng cách cấy ghép tủy xương

Điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính bằng cách cấy ghép tủy xương

Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính là một rối loạn tăng sinh tủy xương đặc trưng bởi sự tăng quá mức các tế bào dòng tủy. Các tế bào dòng tủy này vẫn giữ được khả năng biệt hóa và chức năng tủy xương bình thường vẫn giữ được trong thời gian đầu. Bệnh thường ổn định hàng năm và sau đó chuyển thành một bệnh ung thư ác tính. 

Việc điều trị cho những người mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tuổi của người bệnh, một số yếu tố khác hoặc là có điều kiện được một người hiến tế bào gốc phù hợp với bệnh nhân. 

Việc điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính bao gồm cấy ghép tủy xương hoặc sử dụng thuốc. Trong cấy ghép tủy, tủy xương bất thường được điều trị bằng thuốc hoặc thay thế bằng tủy lành lặn. Imatinib (Gleevec) là một trong những loại thuốc điều trị bệnh tốt nhất. Những người hiến tủy thường là người thân trong gia đình hoặc tình nguyện viên có tủy thích hợp. 

Cấy ghép tủy có nhiều tác dụng phụ hoặc các biến chứng như: nhiễm trùng, rụng tóc, loét miệng và nguy cơ mảnh tủy ghép không thích hợp với cơ thể người bệnh sẽ đe dọa đến tính mạng. 

Điều trị ung thư máu tái phát

sử dụng morphin để giảm cơn đau khi chữa bệnh ung thư máu

Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng morphin để giảm cơn đau khi chữa bệnh ung thư máu

Theo thống kê, có khoảng 10% đến 20% bệnh nhân sau điều trị ung thư máu ban đầu bị tái phát. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực hết sức để có thể loại bỏ ung thư hoàn toàn nhưng đây là bệnh dễ tái phát. Nguyên do bởi một số tế bào ung thư vẫn có khả năng tồn tại và sinh trường trở lại. Lúc này, những tế bào có thể xuất hiện ở một cơ quan khác của cơ thể hoặc chính tại vị trí phát hiện ra mầm mống ung thư trước đó. 

Trong một khoảng thời gian, những tế bào ung thư tái phát hầu như không hoạt động nhưng sau đó tiếp tục nhân lên không kiểm soát khiến bệnh ung thư xuất hiện trở lại. Trong trường hợp này, câu hỏi được đặt ra là ung thư máu có chữa được không? Bác sĩ căn cứ vào mức độ ung thư máu tái phát và tình trạng của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. 

Một số bệnh nhân có thể lựa chọn cách chữa ung thư máu cho tình trạng hiện tại là sử dụng liệu pháp miễn dịch. Người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một kháng thể đơn dòng như inotuzumab ozogamicin (Besponsa) hoặc blinatumomab (Blincyto).

Đối với bệnh nhân có nhiễm sắc thể Philadelphia trước đây đã dùng một loại thuốc nhắm mục tiêu như Imatinib (Gleevec) thường được chuyển sang một loại thuốc nhắm mục tiêu khác. 

Khi bệnh bạch cầu tái phát trong tủy xương, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn không chịu được. Để giảm đau, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh sử dụng phương pháp xạ trị hoặc các loại thuốc giảm đau thích hợp với cơ địa như: aspirin, ibuprofen hoặc nhóm thuốc giảm đau mạnh hơn như morphin.

Ung thư máu có chữa được không, câu trả lời là có thể chữa được. Bằng các tiến bộ của y học hiện đại, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư máu đã được tăng lên. Hãy gạt bỏ băn khoăn ung thư máu có chữa được không. Hãy đương đầu với bệnh tật bằng sự lạc quan và niềm vui sống. Tinh thần vui vẻ, suy nghĩ tích cực chính là bí quyết quan trọng giúp bạn chiến thắng mọi bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư máu. 

Lời khuyên của bác sĩ để bạn có thể phát hiện ung thư máu kịp thời và điều trị ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng là làm tầm soát ung thư định kỳ, sàng lọc ung thư. Hy vọng với những thông tin hữu ích trên, bạn đã biết được ung thư máu có chữa được không và có cái nhìn toàn diện về căn bệnh nguy hiểm này. Để được giải đáp bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến sức khỏe hoặc các dịch vụ thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, xin quý khách vui lòng liên hệ qua số hotline 19001806 để được tư vấn.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

 
4,397

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám