Hóa trị ung thư: Thông tin cơ bản từ A-Z bệnh nhân cần biết

Dương Minh Ngọc

16-06-2022

goole news
16

Hóa trị ung thư là liệu pháp điều trị toàn thân đạt hiệu quả cao, giúp bệnh nhân ung thư kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, sau hóa trị cơ thể người bệnh cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Hóa trị ung thư là gì?

Hóa trị ung thư là một phương pháp dùng thuốc kháng ung thư tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính, ngăn chặn các tế bào này phát triển, lan rộng ra các cơ quan khác trong cơ thể. Có thể kết hợp liệu pháp này với các phương pháp điều trị ung thư khác (như phẫu thuật, điều trị trúng đích, xạ trị,...) để đạt được hiệu quả cao nhất. Bệnh nhân được điều trị khỏi hoặc giảm bớt ung thư, nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ hóa trị.

Liệu pháp này có điểm hạn chế là tác động đồng thời lên cả tế bào ung thư lẫn tế bào khỏe mạnh trên toàn bộ cơ thể, vì vậy thuốc hóa trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh ung thư. Để hạn chế kéo dài thời gian điều trị, bệnh nhân ung thư có thể dự phòng và giảm mức độ một số tác dụng phụ. Vậy nên trong quá trình hóa trị ung thư bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để điều trị đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Hóa trị ung thư là phương pháp điều trị ung thư phổ biếnHóa trị ung thư là phương pháp điều trị ung thư phổ biến

Thời gian hóa trị ung thư phụ thuộc vào mức độ bệnh, loại ung thư hay loại thuốc hóa chất,... Theo phác đồ chung thì liệu pháp này được chia thành từng đợt, sau mỗi đợt bệnh nhân có thời gian nghỉ ngơi để các tế bào lành được phục hồi và thời gian này được quy định chặt chẽ để các tế bào ung thư chưa trỗi dậy. 

Đối tượng được chỉ định và chống chỉ định hóa trị

Tuỳ thuộc vào mục đích điều trị ung thư, hóa trị được chia thành các loại nhỏ chỉ định cho bệnh nhân trong các trường hợp như sau:

  • Hóa trị trước phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ): Mục đích chính là nhằm thu nhỏ kích thước khối u để giúp việc phẫu thuật được diễn ra thành công.
  • Hóa trị sau khi phẫu thuật: Hay còn gọi là hóa trị bổ trợ, nhằm tiêu diệt nốt các tế bào ác tính còn sót hoặc đã di căn sang các bộ phận khác mà không thể tìm thấy bằng các biện pháp chẩn đoán khác.
  • Hóa trị với mục đích củng cố: Duy trì mức ổn định của bệnh cho người mắc ung thư sau một đợt điều trị.
  • Hóa trị duy trì: Nhằm kéo dài thời gian cho người bị ung thư.
  • Hóa trị giảm triệu chứng: Loại này áp dụng cho bệnh nhân ung thư đang ở giai đoạn muộn, mục đích là giảm các triệu chứng cho người bệnh.

Nhờ hóa trị bệnh nhân ung thư được kéo dài sự sốngNhờ hóa trị bệnh nhân ung thư được kéo dài sự sống

Hóa trị trong điều trị ung thư được chống chỉ định với bệnh nhân có thể trạng yếu, chống chỉ định tạm thời với phụ nữ mang thai, suy tim, suy thận hay rối loạn đông máu,...

Hóa trị chữa ung thư như thế nào?

Thuốc hóa trị chủ yếu được truyền vào cơ thể qua đường uống, đường tiêm và đường tiêm truyền hoặc bôi da. Tùy từng trường hợp bệnh ung thư cụ thể, thể trạng bệnh nhân, giai đoạn bệnh… bác sĩ sẽ đưa ra loại thuốc và cách thực hiện hóa trị phù hợp nhất.

  • Hóa trị qua đường uống: Loại thuốc có dạng viên cứng, viên con nhộng hoặc chất lỏng, thuốc được hấp thu ở dạ dày và dịch tiêu hóa sẽ phá vỡ lớp màng của thuốc làm cho thuốc phát huy tác dụng.
  • Thực hiện bằng phương pháp tiêm: Thuốc hóa trị dạng sinh học được tiêm trực tiếp vào một trong những bộ phận như cơ bắp ở hông, đùi, cánh tay, dưới da bụng, da đùi. Với bệnh nhân có lượng tiểu cầu thấp, bác sĩ sẽ dùng loại kim tiêm ngắn để tiêm thuốc dưới da, bạn chế chảy máu cho bệnh nhân. Ngoài ra, thuốc điều trị còn được được tiêm trực tiếp vào động mạch đang nuôi dưỡng khối u bằng một kim hoặc ống thông mỏng (động mạch là mạch máu chính đưa máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể).
  • Hóa trị qua truyền tĩnh mạch: Đa số thuốc hóa trị truyền qua mạch máu, người bệnh nằm hoặc ngồi, thời gian truyền thường vài giờ hoặc 1 ngày, thậm chí 3-5 ngày liên tiếp, 3 tuần truyền một lần, mỗi lần truyền được gọi là một đợt điều trị hoặc một chu kỳ.
  • Một số cách dùng thuốc hóa trị khác như: bàng quang, màng phổi, màng bụng, bôi kem.

Hóa chất được tiêm tuyền vào cơ thể bệnh nhân ung thưHóa chất được tiêm tuyền vào cơ thể bệnh nhân ung thư

Tác dụng của liệu pháp hóa trị ung thư

Điều trị ung thư bằng hóa trị là thuốc theo máu tác động vào các tế bào trên khắp cơ thể. Dựa trên từng loại, giai đoạn ung thư và thể trạng của từng bệnh nhân mà phương pháp hóa trị ung thư sẽ đặt được hiệu quả cũng như tác dụng phụ khác nhau. Hóa trị đạt được các tác dụng như:

  • Chữa khỏi bệnh, điều trị tận gốc (trường hợp này rất hiếm): Hóa trị có thể tiêu diệt hết các tế bào ung thư trong một số trường hợp như ung thư máu.
  • Kiểm soát ung thư ở mức ổn định: Trong đa số trường hợp, hóa trị chỉ có thể làm chậm sự phát triển của u hoặc ngăn ung thư lan sang các bộ phận khác trong cơ thể.
  • Giảm đau hoặc chèn ép: Trong một số trường hợp bệnh nhân bị ung thư nặng, hóa trị chỉ có tác dụng thu nhỏ kích thước khối u chèn lên các cơ quan lân cận gây đau đớn cho bệnh nhân. Sau mỗi đợt điều trị, khối u vẫn tiếp tục phát triển.

tế bào ung thưTế bào ung thư

Bên cạnh những hiệu quả đem lại, hóa trị cũng để lại nhiều tác dụng phụ với những mức độ nặng nhẹ khác nhau cho bệnh nhân ung thư, có thể kể đến một số tác dụng phụ phổ biến như sau:

  • Rụng tóc, bong da, sạm da: những tế bào ở da, tóc, móng phát triển và phân chia rất nhanh nên dễ chịu tác động của hóa trị, khiến bệnh nhân bị rụng tóc, rụng lông, móng chân, móng tay dễ bung hoặc mọc chậm ,...
  • Giảm hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu: khi cơ thể giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu khiến bệnh nhân gặp triệu chứng thiếu máu, dễ nhiễm trùng hoặc dễ bị bầm tím.
  • Độc tính thần kinh ngoại biên và tim: Có bệnh nhân cảm thấy tê, châm chích ở các đầu chi. 
  • Cảm thấy chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn hoặc nôn.
  • Bệnh nhân cảm thấy cơ thể mệt mỏi, khả năng vận động giảm.
  • Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Viêm, loét niêm mạc, đau họng.
  • Rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ nhiễm trùng bộ phận sinh dục và ảnh hưởng đến thai nhi nếu người bệnh đang mang thai.
  • Sau khi thực hiện hóa trị, cần đi khám bác sĩ ngay nếu: sốt trên 38 độ C, lở miệng kéo dài quá 3 ngày, ho dai dẳng và khó thở.

Rụng tóc là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi hóa trịRụng tóc là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi hóa trị

Sau một thời gian dừng hóa trị, những tác dụng phụ này sẽ hết dần. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ này kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục (đổi loại thuốc hoặc đổi phương pháp khác).

Giảm nhẹ các tác dụng phụ do hóa trị bằng cách nào 

Với một số tác dụng phụ, người bệnh có thể dùng thuốc dự phòng như buồn nôn, táo bón, tiêu chảy hay cơ thể đau nhức. Còn với các tác dụng phụ nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, cần phát hiện kịp thời để điều trị như thoát mạch, sốt, sốc phản vệ, nôn ói hoặc tiêu chảy mất kiểm soát.

Một số điều bệnh nhân đang hóa trị ung thư cần lưu ý để giảm nhẹ các tác dụng phụ không mong muốn của liệu pháp:

  • Lưu số điện thoại hoặc đường dây nóng của nơi thực hiện hóa trị để có thể liên hệ ngay khi xuất hiện hoặc nghi ngờ những tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Trao đổi với bác sĩ và dược sĩ về những loại thuốc dự phòng hoặc điều trị tác dụng phụ.
  • Ghi nhật ký theo dõi các tác dụng phụ hàng ngày.
  • Giữ tinh thần thoải mái để chiến thắng bệnh tật, tránh stress, bởi sự tuyệt vọng, nhụt chí, lo lắng quá khiến cơ thể mệt mỏi hơn và làm giảm hiệu quả của liệu pháp hóa trị ung thư.

Bệnh nhân đang hóa trị cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng

Bệnh nhân đang hóa trị cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, không kiêng khem, sử dụng những thực phẩm giàu năng lượng như ngũ cốc, trái cây, rau củ quả; hạn chế thực phẩm nhiều muối; thức ăn nên mềm, dạng lỏng dễ tiêu hóa; uống nhiều nước để cơ thể tránh bị mất nước trong quá trình hóa trị ung thư.
  • Vận động nhẹ nhàng thường xuyên phù hợp với bệnh nhân ung thư, nhờ đó hạn chế căng thẳng và nâng cao thể trạng.

Giải đáp một số câu hỏi về hóa trị ung thư

Hóa trị ung thư kéo dài bao lâu?

Thời gian điều trị ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhauThời gian điều trị ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

Hóa trị ung thư thường được chia làm nhiều đợt theo chỉ định của bác sĩ đối với từng bệnh nhân ung thư, thời gian cho mỗi đợt và thời gian nghỉ sau hóa trị tùy thuộc vào phác đồ điều trị.

Thời gian thực hiện điều trị ung thư bằng hóa trị được quyết định bởi các yếu tố như:

  • Người bệnh mắc ung thư loại nào, kích thước khối u.
  • Loại thuốc sử dụng điều trị.
  • Bệnh nhân có đáp ứng được với phác đồ hóa trị ung thư không.
  • Mục đích chính của hóa trị là gì, để điều trị triệt để, kiểm soát hay giảm đau,...
  • Phương thức đưa hóa chất điều trị vào cơ thể bệnh nhân.

Chăm sóc người thân đang hóa trị ung thư như thế nào?

Trong nhà có người thân đang trải qua quá trình hóa trị chữa ung thư, gia đình cũng cần lưu ý:

  • Luôn động viên, giúp bệnh nhân có được tinh thần thoải mái nhất, tạo động lực chiến đấu với ung thư.
  • Đa dạng thực đơn mỗi ngày cũng như đảm bảo đủ dinh dưỡng, chia nhỏ thành nhiều bữa cho người bệnh, bởi hóa trị khiến bệnh nhân ung thư mệt mỏi, khó tiêu hóa, chán ăn hoặc ăn không ngon.
  • Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, tránh để người bệnh bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

Sự động viên hỗ trợ của người nhà giúp quá trình hóa trị của người bệnh đạt hiệu quảSự động viên hỗ trợ của người nhà giúp quá trình hóa trị của người bệnh đạt hiệu quả

Thoát mạch do hóa trị có nguy hiểm không?

Bên cạnh những tác dụng phụ phổ biến như rụng tóc, mệt mỏi, nôn ói,… thì thoát mạch do hóa trị là một biến chứng nguy hiểm mà ít người biết đến, nồng độ thuốc hóa trị cao tại nơi bị thoát mạch có thể gây hoại tử.

Thoát mạch do hóa trị là quá trình hóa chất bị rò rỉ đột ngột ra mô dưới da quanh vị trí tiêm tĩnh mạch hoặc vào trong động mạch. Triệu chứng này có thể biểu hiện ngay lập tức hoặc sau vài ngày, cũng có thể vài tuần sau khi tiêm truyền hóa trị.  

Những đối tượng thường bị thoát mạch do hóa trị đó là: người cao tuổi, rối loạn nhận thức, béo phì, da bị tổn thương, bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc corticoid. 

Đang hóa trị có tiêm vaccine được không?

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân đang hóa trị ung thư không nên tiêm vaccine, ngoại trừ tiêm phòng bệnh cúm. Người bị ung thư có hệ miễn dịch suy yếu nên việc phòng ngừa bệnh cúm định kỳ hàng năm là rất cần thiết. Một số loại vaccine có thể giúp hệ thống miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh tật nói chung. Trước khi chích ngừa vaccine, bệnh nhân ung thư nên tham khảo ý kiến bác sĩ phụ trách điều trị về loại vaccine, có nguy cơ và thời điểm tiêm phù hợp.

Hóa trị ung thư xong thì bao lâu mang thai được?

Hóa trị khi mang thai có thể khiến bệnh nhân gặp rủi ro cao (Ảnh minh họa) Hóa trị khi mang thai có thể khiến bệnh nhân gặp rủi ro cao (Ảnh minh họa) 

Đang trải qua hóa trị mà bệnh nhân ung thư mang thai sẽ rất nguy hiểm, vì thuốc hóa trị làm tổn thương thai nhi, gây dị tật hoặc tác hại khác. 

Bệnh nhân nữ ung thư sau khi hóa trị bị rối loạn kinh nguyệt, mất kinh và mãn kinh sớm nên giảm khả năng sinh sản hoặc nếu thụ tinh được thì cũng có nguy cơ sinh non, sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, các tế bào tim bị hỏng và làm suy tim nên quá trình mang thai và chuyển dạ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Các chuyên gia khuyến nghị, bệnh nhân ung thư cần sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình hóa trị và trong vòng 6 tháng đầu sau khi hóa trị không mang thai. 

Trên đây là những thông tin về hóa trị ung thư mà nhiều bạn đọc quan tâm. Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đang triển khai Gói khám Tầm soát ung thư toàn diện, giúp bạn chủ động phát hiện sớm các mầm bệnh gây ung thư, liên hệ tổng đài 19001086 để được hỗ trợ và đặt lịch khám.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

5,756

Bài viết hữu ích?

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

Bệnh ung thư có di truyền không? Nhận biết như thế nào?

Bệnh ung thư có di truyền không? Câu trả lời là một số bệnh ung tư có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác do nguyên nhân đột biến gen.

21-05-2021
19001806 Đặt lịch khám