Viêm amidan: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Đào Thị Huyền

05-02-2021

goole news
16

Viêm amidan là bệnh lý tai-mũi-họng có thể gặp ở mọi độ tuổi, mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Đặc biệt bệnh có tính chất tái phát nhiều lần, dễ biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. 

Khi thời tiết bước vào giai đoạn chuyển mùa, các chứng bệnh liên quan về đường hô hấp thường gia tăng rất nhiều ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Trong đó, viêm amidan là căn bệnh thường gặp nhất. Các triệu chứng của amidan gây ra nhiều khó chịu cho vùng họng của người bệnh. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời vẫn có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, công việc và sức khỏe của người bệnh. 

Để phòng ngừa căn bệnh này cho chính bản thân cũng như cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần nắm rõ viêm họng amidan là gì? Nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và cách chữa viêm amidan tại nhà như nào mới hiệu quả? 

Viêm amidan là gì? (Amidan là gì - có chức năng gì?)

Hình ảnh viêm amidan

Hình ảnh viêm amidan

Để biết được nguyên nhân gây ra viêm amidan thì bạn cần phải hiểu được amidan là gì, trong cơ thể amidan có nhiệm vụ là gì? 

Amidan là một cặp khối mô mềm nằm ở 2 bên phía sau hầu họng. Mỗi amidan được bao phủ bởi niêm mạc màu hồng, bao gồm các mô tương tự như các hạch bạch huyết lympho. Chạy qua niêm mạc của mỗi amidan là các hố hay còn được gọi là crypts. Có 4 amidan chính đó là amidan khẩu cái, amidan lưỡi, amidan vòm và amidan vòi liên kết với nhau tạo thành một vòng bao quanh bên trong họng. 

Amidan có chức năng quan trọng giúp ngăn chặn các tác nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể và chống nhiễm trùng đường họng. Vì thế mà khi số lượng vi khuẩn, virus quá nhiều tấn công vào cơ thể khiến amidan không thể chống lại được sẽ gây ra nhiễm trùng và được gọi là viêm amidan. 

Viêm amidan là tình trạng sưng và kích ứng amidan do bị nhiễm trùng. Lúc này, amidan sẽ trở nên to, đỏ và có lớp phủ màu vàng hoặc trắng, đi kèm là những triệu chứng đặc trưng dễ chẩn đoán của bệnh. 

Viêm amidan thường xuất hiện phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 7 tuổi. Người trưởng thành cũng có thể mắc bệnh nhưng tỷ lệ ít hơn và nhanh khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm nhưng lại có tính tái phát nhiều lần và khiến người bệnh mệt mỏi và khó chịu. 

Phân loại bệnh viêm amidan

Viêm amidan cấp tính

Viêm amidan cấp tính thường xảy ra ở amidan khẩu cái, do một loại vi khuẩn hoặc virus lây nhiễm vào amidan, gây sưng và đau họng. Amidan có thể phát triển một lớp phù màu trắng hoặc xám và nổi hạch bạch huyết tại hàm và cổ.  Ngoài ra, người bệnh khi bị viêm amidan cấp tính có thể bị sốt cao từ 39 - 40 độ C, toàn thân mệt mỏi, chán ăn và có dấu hiệu tiểu ít, táo bón. 

Viêm amidan mãn tính

Viêm amidan mãn tính là tình trạng nhiễm trùng amidan dai dẳng hoặc là kết quả của các đợt viêm amidan cấp tính lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi bị viêm amidan mãn tính, người bệnh sẽ có những triệu chứng giống với viêm amidan cấp tính nhưng kèm theo một số biểu hiện khác như: 

  • Tình trạng sốt, sốt cao tái lại nhiều lần.
  • Cổ họng có cảm giác vướng víu khi nuốt thức ăn hoặc uống nước, miệng có mùi hôi.
  • Ho khan, thường có những cơn ho kéo dài và có đờm trong cổ họng.
  • Ho nhiều khiến cổ họng bị rát, đau dẫn tới giọng nói thay đổi.
  • Thở khò khè, ngủ ngáy với người lớn, trẻ em có thể gặp hội chứng ngưng thở khi ngủ, rất nguy hiểm. 

Viêm amidan mãn tính cũng có thể gây ra sỏi amidan (hay còn gọi là bã đậu amidan). 

Viêm Amidan quá phát

Người bệnh bị viêm amidan mãn tính nếu không điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn viêm amidan quá phát. Ở giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh tương tự như viêm amidan cấp tính nhưng sẽ kéo dài hơn. Đồng thời, người bệnh vẫn gặp các biểu hiện thường thấy ở bệnh như sốt, đau họng, amidan sưng đỏ. Theo các chuyên gia, bệnh viêm amidan quá phát ở người lớn thường xảy ra khoảng 4 lần/năm. 

Nguyên nhân gây viêm amidan

Vi khuẩn, virus là nguyên nhân gây viêm amidan

Vi khuẩn, virus là nguyên nhân gây viêm amidan

Cấu tạo của amidan có nhiều khe và hốc, do đó các vi khuẩn, virus có thể len lỏi vào những vị trí này để gây bệnh cho cơ thể. Một số nguyên nhân gây viêm amidan gồm có:

  • Người bệnh nhiễm các loại virus như virus cúm, virus Epstein-Barr, virus herpes simplex, Enteroviruses, Adenoviruses
  • Người bệnh có tiền sử đã từng mắc hoặc đang mắc các bệnh hô hấp do nhiễm khuẩn như ho gà, sởi…
  • Người bệnh thực hiện vệ sinh cá nhân không sạch sẽ
  • Người bệnh sử dụng đồ uống lạnh, nước đá, bia lạnh hay ăn kem hoặc ăn các đồ ăn không đảm bảo vệ sinh
  • Môi trường sống của người bệnh ô nhiễm, nhiều khói bụi
  • Thời tiết giao mùa, thay đổi đột ngột cũng là yếu tố làm gia tăng người bị bệnh viêm amidan.

Triệu chứng viêm amidan

Viêm amidan là bệnh thường gặp nên các triệu chứng đặc trưng của bệnh cũng rất dễ nhận biết, cụ thể là:

  • Hơi thở có mùi, cổ họng khô 
  • Nuốt đồ ăn thức uống gặp khó khăn vì amidan sưng to. Kể cả khi nói cũng không rõ ràng, giọng nói bị thay đổi hay khi ngủ phát ra tiếng ngáy. 
  • Hốc miệng có chấm mủ màu vàng hoặc trắng ở amidan và vòm miệng, nhiều trường hợp xuất hiện hiện tượng xuất huyết.
  • Ở cổ hay ở vị trí thành sau hàm dưới có thấy hạch bạch huyết dẫn đến sưng to và đau
  • Đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, người mệt mỏi, đau đầu, khó tiêu...

Sốt cao là một trong những triệu chứng viêm amidan

Sốt cao là một trong những triệu chứng viêm amidan

Với trẻ nhỏ bị viêm amidan, có thể xuất hiện thêm các biểu hiện như: 

  • Đau bụng khó chịu
  • Nôn mửa
  • Chán ăn, biếng ăn, bỏ ăn
  • Trẻ dưới 2 tuổi có thể có tình trạng chảy nước dãi

Theo các chuyên gia y tế, viêm amidan được xem là căn bệnh phổ biến ở trẻ em bởi trẻ ở độ tuổi nào cũng có thể bị viêm họng amidan ít nhất một lần trong đời. Nếu các triệu chứng của bệnh kéo dài dưới 10 ngày thì trẻ bị viêm amidan cấp tính. Còn tình trạng tái phát nhiều lần trong năm thì được gọi là viêm amidan mãn tính. 

Đối tượng dễ mắc bệnh viêm amidan

Mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh viêm amidan, tuy nhiên những người có tiền sử bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý liên quan đến đường thở như viêm xoang, viêm mũi... có khả năng mắc bệnh cao hơn so với người bình thường. 

Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng là đối tượng có nguy cơ cao bởi: 

  • Thường tiếp xúc gần với bạn bè trong trường lớp, rất dễ nhiễm chéo virus hoặc vi khuẩn gây viêm amidan.
  • Sức đề kháng của trẻ còn kém nên dễ bị viêm amidan do vi khuẩn xâm nhập, thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 5 - 15 tuổi. 

Nếu không “tiêu diệt” dứt điểm nguyên nhân gây bệnh, bệnh dễ tái phát nhiều lần dẫn đến tình trạng mãn tình. 

Biện pháp chẩn đoán viêm amidan

để chẩn đoán viêm amidan, bác sĩ sẽ dựa trên khám lâm sàng cổ họng của người bệnh

Để chẩn đoán viêm amidan, bác sĩ sẽ dựa trên khám lâm sàng cổ họng của người bệnh

Khám lâm sàng

Để chẩn đoán viêm amidan, bác sĩ sẽ dựa trên khám lâm sàng cổ họng của người bệnh hoặc lấy dịch cổ họng để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng. 

Xét nghiệm

Bên cạnh việc khám lâm sàng, để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng là do vi khuẩn hay virus rồi đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 

Các biến chứng thường gặp của viêm amidan

Viêm họng liên cầu khuẩn là biến chứng viêm amidan

Viêm họng liên cầu khuẩn là biến chứng viêm amidan

Người trưởng thành khi mắc bệnh viêm amidan thường có tính chủ quan, không chữa trị dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, viêm amidan nếu không chữa trị đúng cách, kịp thời ngay từ ban đầu có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề hơn, cụ thể là: 

  • Áp xe peritonsillar: đây là biến chứng tạo ra một túi mủ bên cạnh amidan đẩy nó về phía đối diện khiến vòm họng bị đau, sưng, người bệnh cảm thấy khó nuốt, nói thậm chí thở cũng trở nên khó khăn. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tắc nghẽn cổ họng. 
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân cấp tính: biến chứng này xảy ra thường do virus Epstein-Barr gây ra khiến amidan sưng to kèm theo các biểu hiện sốt, phát ban, mệt mỏi, đau họng.
  • Viêm họng liên cầu khuẩn: đây là bệnh nhiễm trùng cổ họng do vi khuẩn Streptococcus gây ra. Các chuyên gia cho biết viêm amidan do liên cầu khuẩn thường gây triệu chứng nặng hơn so với vi khuẩn hay virus khác. Người bệnh sẽ có các biểu hiện như: nuốt khó, đau họng khi nuốt, amidan sưng to, xuất hiện đốm trắng hoặc mảng đỏ ở cổ họng, phát ban, mề đay, sưng hạch và tuyến bạch huyết, đau nhức đầu, buồn nôn…
  • Amidan mở rộng (phì đại): tình trạng viêm nặng sẽ khiến amidan lớn làm giảm kích thước đường thở khiến người bệnh ngủ ngáy hoặc khó thở, ngưng thở khi ngủ nhiều hơn. 
  • Sỏi amidan: Đây là tình trạng xuất hiện những khối màu trắng hoặc vàng trên amidan do tế bào chết, nước bọt và thức ăn tích tụ trong các kẽ của amidan và sau một thời gian chúng đông cứng lại thành những viên sỏi nhỏ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu đồng thời hơi thở có mùi rất hôi... Sỏi amidan có thể tự bong hoặc bác sĩ sẽ dùng các thủ thuật y tế để lấy ra. 
  • Viêm khớp cấp: nếu không điều trị viêm amidan sẽ khiến các khớp cổ tay, các ngón tay ngón chân, khớp đầu gối bị sưng đỏ, nóng và đau, toàn thân uể oải, mệt mỏi. 
  • Viêm cầu thận, viêm thận cấp: Sau viêm amidan, người bệnh có thể bị viêm thận cấp, viêm cầu thận khiến cơ thể bị phù nề, phù chân, phù mặt. 

Viêm amidan không chỉ tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt, hoạt động ăn uống… của người bệnh. Đối với trẻ nhỏ khi mắc viêm amidan sẽ bị sụt cân, mất ngủ và dễ bị các bệnh viêm đường hô hấp khác. Vì vậy, ngay khi xuất hiện những triệu chứng viêm amidan cần tiến hành khám và điều trị ngay từ giai đoạn sớm. 

Phương pháp điều trị viêm amidan

Hiện nay có rất nhiều cách chữa viêm amidan bằng đông y, bằng thảo dược tự nhiên hay thực hiện phẫu thuật cắt amidan. 

Điều trị nội khoa

Với trường hợp viêm amidan do tác nhân vi khuẩn, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị các triệu chứng của bệnh. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liệu lượng và thời gian dùng thuốc ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm hẳn. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể hay trở nên trầm trọng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không được lạm dụng, uống thuốc quá liều so với chỉ định của bác sĩ bởi điều này cực kỳ nguy hiểm cho bản thân và có nguy cơ cao sẽ bị sốt thấp khớp và viêm thận nghiêm trọng. 

Điều trị ngoại khoa

Viêm amidan là bệnh lý thường gặp và có thể điều trị tại nhà nhưng nếu bệnh tái phát nhiều lần trong năm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và thực hiện điều trị “tiêu diệt” tác nhân gây bệnh triệt để. Để điều trị dứt điểm tình trạng viêm amidan, bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên phẫu thuật cắt bỏ amidan. Đây là giải pháp tối ưu có thể được thực hiện nếu xảy ra các biến chứng khó kiểm soát như: 

  • Khó thở khi ngủ, thở khó khăn
  • Uống nước hay nuốt thức ăn khó
  • Điều trị bằng kháng sinh nhưng tổn thương không cải thiện

Khách hàng đang thực hiện phẫu thuật cắt amidan tại Bệnh viện Phương Đông

Khách hàng đang thực hiện phẫu thuật cắt amidan tại Bệnh viện Phương Đông

Đồng thời phẫu thuật cắt amidan giúp loại bỏ ổ viêm trong vùng hầu họng, hạn chế các bệnh về đường hô hấp và giúp cải thiện sức khỏe. 

Tuy nhiên, một số trường hợp không được chỉ định phẫu thuật cắt amidan gồm có:

  • Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh Hemophilia A, B, C; suy tủy, ung thư máu, xuất huyết giảm tiểu cầu… hay người có rối loạn đông máu bẩm sinh. 
  • Người đang bị nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân
  • Trường hợp mắc bệnh mạn tính điều trị chưa ổn định
  • Phụ nữ đang đến kỳ kinh nguyệt hay đang có thai

Phương pháp khác

Ngoài 2 phương pháp trên, nhiều người còn áp dụng cách trị viêm amidan tại nhà bằng một số bài thuốc dân gian sau giúp làm giảm triệu chứng, nhanh hồi phục: 

  • Súc miệng với nước muối: nước muối có tính sát khuẩn cao nên giúp loại bỏ các vi khuẩn trong khoang miệng gây nên tình trạng viêm amidan, đồng thời nước muối còn loại bỏ các mảng bám thức ăn, ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi. 

Cách thực hiện: Súc miệng ở tư thế ngửa cổ lên, đầu ngửa về phía sau, khò nhẹ để nước muối tiếp xúc với cổ họng và amidan. Nên thực hiện nhiều lần trong ngày. 

  • Súc miệng bằng nước ép hành: hành là một trong những nguyên liệu nấu ăn quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình. Theo Đông y, hành có thuộc tính chống viêm, kháng khuẩn nên có thể giảm viêm, giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm amidan. Cách trị viêm amidan dân gian này đã được chứng minh là một trong những bài thuốc hiệu quả nhất vì nó có thể điều trị viêm amidan đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan và trở nên tồi tệ hơn. 

Cách thực hiện: Cần có một củ hành, một ly nước ấm. Hành rửa sạch, bóc vỏ và ép lấy nước. Pha nước ép hành vào cốc nước ấm đã chuẩn bị sau đó khuấy đều. Dùng hỗn hợp này để súc miệng khoảng 2 - 3 lần mỗi ngày. 

  • Ngậm hỗn hợp gừng và mật ong: gừng là một thành phần quen thuộc trong nhiều bài thuốc chữa các bệnh về đường hô hấp. Gừng có tính ấm, vị cay, có công dụng chống viêm, giải nhiệt, trừ hàn. Khi kết hợp gừng cùng mật ong sẽ giúp giảm sưng viêm, nóng rát họng. Tuy nhiên, cả 2 nguyên liệu này đều có thể gây nóng trong nên chỉ dùng 1 lần trong ngày và nên uống vào buổi sáng khi ngủ dậy. Người bị nhiệt miệng, nóng trong hay bị huyết áp cao không nên sử dụng bài thuốc này.

Cách thực hiện: Dùng 2 củ gừng và mật ong. Gừng gọt sạch vỏ, rửa kỹ, cắt thành lát hoặc giã dập rồi cho vào chén. Sau đó đổ mật ong vào để ngâm. Người bệnh viêm amidan nên ngậm hỗn hợp này nhiều lần trong ngày cho đến khi các triệu chứng viêm hết hẳn. 

Cách phòng ngừa bệnh viêm amidan

Đối với trẻ em

Khi trẻ bị viêm amidan, ngoài việc cho trẻ đi khám và thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ còn cần phải chăm sóc trẻ đúng cách để việc điều trị hiệu quả hơn:

  • Bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết trong thực đơn ăn uống hàng ngày của trẻ giúp củng cố hệ miễn dịch và tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bao gồm: rau xanh (cà rốt, bông cải xanh, rau bina), trái cây (các loại quả mọng, dâu tây…) và các loại vitamin A, E, C giúp làm giảm tình trạng khó thở, viêm nhiễm ở trẻ. 
  • Nhắc trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên vệ sinh vòm họng, răng miệng cho trẻ.
  • Vệ sinh, lau dọn nhà cửa, khu vui chơi của trẻ sạch sẽ.
  • Nhắc trẻ uống nhiều nước kể cả nước ép trái cây để bù nước cho cơ thể đồng thời giảm tình trạng viêm, khô họng.
  • Cho trẻ uống thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, tránh viêm amidan tái phát gây nhiều biến chứng không mong muốn cho trẻ nhỏ. 

súc miệng bằng nước muối thường xuyên là cách ngăn ngừa viêm amidan

Súc miệng bằng nước muối thường xuyên là cách ngăn ngừa viêm amidan

Đối với người lớn

Người lớn mặc dù sức đề kháng tốt hơn so với trẻ nhỏ nhưng cũng rất dễ tái phát viêm amidan khi thời tiết thay đổi. Đặc biệt, những trường hợp thường xuyên hút thuốc lá hay có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc ăn uống không lành mạnh lại có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với người bình thường. Do đó, để chủ động phòng ngừa bệnh viêm amidan cho chính bản thân và gia đình, mỗi người nên thực hiện một số biện pháp sau: 

  • Uống nhiều nước lọc hoặc nước ép hoa quả, rau củ tươi
  • Nếu cảm thấy vòm họng đau khi nuốt thì nên sử dụng thức ăn mềm như cháo, súp, rau mềm… Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ… nhằm tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. 
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm, thức uống khiến tình trạng viêm nhiễm vùng họng trở nên nặng hơn như đồ uống lạnh, kem, thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, nhiều chất béo…
  • Tránh sử dụng các chất kích thích gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng vùng họng như cà phê, thuốc lá, nước uống có gas, bia lạnh, rượu…
  • Khi thời tiết thay đổi nên giữ ấm vùng họng, súc miệng nhiều lần trong ngày bằng nước muối và sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ nếu thời tiết lạnh (hoặc sử dụng điều hòa trong mùa hè).
  • Khi thấy họng bị đau, hạn chế nói to, nói nhiều tránh những tổn thương nặng thêm.
  • Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, loại bỏ bụi bặm hay các tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn đồng thời duy trì việc tập thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng. 

Khám và điều trị viêm amidan ở đâu hiệu quả

Là một trong những bệnh viện ngoài công lập có quy mô lớn nhất nhì Thủ đô, bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã và đang áp dụng kỹ thuật cắt amidan bằng dao plasma hiện đại để trị viêm amidan cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Các chuyên gia y tế đánh giá cao phương pháp này do mang lại hiệu quả điều trị triệt để với nhiều ưu thế vượt trội: 

  • An toàn, ít xâm lấn, ít gây chảy máu
  • Thủ thuật nhanh, hồi phục nhanh
  • Thời gian phẫu thuật được rút ngắn tối đa chỉ 30 - 45 phút cho 1 ca phẫu thuật cắt amidan
  • Chi phí hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng

Khám và điều trị viêm amidan ở bệnh viện đa khoa Phương Đông

Khám và điều trị viêm amidan ở bệnh viện đa khoa Phương Đông

Đặc biệt, khi đăng ký cắt amidan tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, khách hàng sẽ được khám và điều trị với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi, giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị Y tế hiện đại, chế độ chăm sóc chuyên nghiệp. Bệnh viện cũng áp dụng thanh toán Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm bảo lãnh giúp tiết kiệm tối đa chi phí.

Viêm amidan là bệnh lý thường gặp và cũng dễ điều trị. Để tránh bệnh gây biến chứng và tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lượng của sống, khi nhận thấy những dấu hiệu điển hình như ho, sưng amidan, đau rát họng, bạn nên tới ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và khắc phục. Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806 để được tư vấn và giải đáp miễn phí.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG

Địa chỉ: Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Tổng đài tư vấn: 19001806
Website: https://benhvienphuongdong.vn

 

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

3,727

Bài viết hữu ích?

Chủ đề Viêm amidan

Đăng ký tư vấn

Đặt hẹn ngay để nhận tư vấn và xếp lịch khám kịp thời

19001806 Đặt lịch khám