Viêm da cơ địa là bệnh da liễu làm da đỏ ngứa và dễ tái phát. Bệnh này ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người mắc. Vậy khi mắc bệnh viêm da phải điều trị như thế nào và có cách phòng ngừa không? Mời bạn đọc tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa hay còn được gọi khác là chàm thể tạng, bệnh liken đơn mạn tính, eczema thể địa, sẩn ngứa besnier. Đây là căn bệnh mạn tính dai dẳng, xảy ra theo đợt với những vết chàm ngứa trên da. Không giống các thể chàm khác, chàm thể tạng vừa gây tổn thương ngoài da, vừa ảnh hưởng đến một số vấn đề khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô.
Bệnh viêm da cơ địa có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể như tay, chân, cổ, mông, mặt, bụng, lưng,.. Thông thường các vết viêm da nổi mẩn ngứa xuất hiện chủ yếu ở bàn tay, cánh tay, vùng cổ sau, đùi và lưng.
Viêm da cơ địa ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống người bệnh
Dấu hiệu nhận biết viêm da
Các triệu chứng viêm da cơ địa rầm rộ theo đợt rồi giảm dần, sau một thời gian bệnh lại trở lại với các tổn thương điển hình như: da viêm đỏ, rỉ dịch, nổi mụn nước, đau rát, khô ráp, dày sừng và ngứa ngáy. Trong đó, triệu chứng ngứa kéo dài suốt từ giai đoạn cấp đến bán cấp và mạn tính. Khi bệnh thuyên giảm, vùng da bị viêm chuyển sang màu nâu, xám hoặc các mảng da do người bệnh chà xát nhiều.
Da viêm đỏ là triệu chứng bệnh chàm thể tạng
Nguyên nhân gây viêm da
Viêm da cơ địa là bệnh dị ứng miễn dịch có tính di truyền. Nguyên nhân chính xác của bệnh này cho đến nay vẫn chưa thực rõ ràng. Một số nguyên nhân được đưa ra đó là: da quá khô và dễ bị kích ứng; suy giảm hệ thống miễn dịch bẩm sinh.
Một số yếu tố khác khiến tình trạng viêm trở nặng hoặc tái phát như là tắm quá lâu, tắm nước nóng, thay đổi nhiệt độ, thay đổi xà phòng, môi trường sống có độ ẩm thấp, tiếp xúc nhiều bụi bặm, lông động vật, khói thuốc, hoặc ăn những thực phẩm dễ bị dị ứng như đậu nành, lúa mì, sữa,... Nói chung để tìm được nguyên nhân gây ra bệnh chàm thể tạng thì người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.
Viêm da cơ địa có thể do tiếp xúc hoá chất
Tác hại của bệnh viêm da cơ địa
Đa số các trường hợp bệnh nhân viêm da cơ địa không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nó lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Một số tác hại của căn bệnh này có thể kể đến như:
- Gây khó chịu do ngứa ngáy, ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như hoạt động thường ngày của người mắc.
- Bệnh tái phát thường xuyên và rất khó điều trị dứt điểm. Do đó, người bệnh phải thích ứng và sống chung với bệnh lý này.
- Người bệnh càng gãi nhiều khiến da càng tổn thương, nhất là vùng da nhạy cảm, tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập làm, viêm da.
- Gãi nhiều và không điều trị ngoài da dễ để lại sẹo sau khi hết viêm và bệnh có thể lan rộng gây ban đỏ toàn thân càng khó điều trị.
Eczema thể địa gây khó chịu cho người mắc
- Một số trường hợp bội nhiễm do virus có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng, sốt cao và đe dọa đến sức khỏe của người bị viêm da.
- Nếu vùng mắt xuất hiện các vết chàm thì thị lực cũng bị ảnh hưởng.
- Một số biến chứng khác: hen suyễn, hen phế quản, suy hô hấp,...
Phương pháp điều trị viêm da
Mục đích điều trị viêm da cơ địa là để giảm ngứa, giảm viêm và ngăn chặn các biến chứng và hạn chế tái phát trong tương lai. Như vậy, các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định như:
- Kem chống ngứa: Dùng để bôi ngoài da có dấu hiệu viêm. Nếu bệnh nhân bị ngứa nặng và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày thì đôi khi phải dùng đến thuốc kháng histamine đường uống. Với các thuốc chống dị ứng gây buồn ngủ thì bác sĩ sẽ kê cho người bệnh uống vào buổi tối.
Viêm da được điều trị bằng kem chống ngứa
- Kem kháng viêm: Thuốc được dùng theo chỉ định của bác sĩ, tuỳ vào mức độ tổn thương da bác sĩ sẽ kê dạng hoạt chất phù hợp. Loại kem này giúp hạn chế phản ứng viêm tại chỗ quá mức, làm giảm các triệu chứng viêm nhiễm, da bớt mẩn đỏ, ngứa và sưng. Khi tình trạng thuyên giảm, người bệnh nên hạn chế bôi kem kháng viêm và tăng cường chăm sóc da với các liệu pháp khác như cung cấp ẩm cho da, mềm da. Bởi kem kháng viêm có corticoid thường gây tác dụng phụ như làm mỏng da, mọc lông, đổi màu da và dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Kem dưỡng ẩm: Loại này dùng phối hợp với kem chống ngứa để giảm cảm giác khó chịu. Ngoài những cơn viêm cấp, người mắc chàm thể trạng nên thường xuyên dùng kem dưỡng ẩm da, làm mềm da khi thời tiết khô lạnh, hạn chế tối da tình trạng da nứt nẻ dễ bị ngứa.
- Thuốc kháng sinh: Trường hợp da người bệnh đã bị nhiễm trùng thì việc điều trị cần bổ sung kháng sinh trong thời gian nhất định để điều trị nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu vết thương chảy dịch và hở, người bệnh cần đắp gạc, vệ sinh và thay băng mỗi ngày. Nếu cần thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và hỗ trợ điều trị, tránh những biến chứng về sau.
- Các biện pháp khác: Liệu pháp miễn dịch đang được áp dụng trong điều trị viêm da cơ địa. Liệu pháp này chỉ được dùng khi các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay quang tuyến trị liệu là phương pháp giúp điều chỉnh các rối loạn bên trong và ở dưới cấu trúc da. Tuy nhiên liệu pháp này chưa được sử dụng phổ biến.
Cách phòng ngừa viêm da
Để phòng ngừa bị viêm da cơ địa và hạn chế bệnh bùng phát, mọi người có thể áp dụng những cách sau:
- Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da: Nên chọn loại kem dưỡng phù hợp với da và dùng 2 lần/ngày.
Bôi kem dưỡng ẩm giúp cải thiện tình trạng Eczema
- Tránh ăn những đồ ăn dễ gây dị ứng, môi trường ô nhiễm bụi, khói thuốc hay phấn hoa. Nhất là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh dễ bị viêm da cơ địa khi ăn một số loại thực phẩm như sữa, đậu nành, lúa mì.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, giặt giũ chăn, ga, gối, rèm cửa, thảm thường xuyên.
- Tắm trong vòng 15 - 20 phút mỗi lần, không tắm quá lâu, sử dụng nước quá nóng. Nhẹ nhàng dùng khăn mềm thấm nước trên cơ thể sau khi tắm, tránh cọ xát da với khăn quá mạnh.
- Hạn chế thay đổi nước hoa, xà phòng, dùng loại có tính tẩy rửa dịu nhẹ, phù hợp với độ tuổi và loại da. Khi đổi nước hoa hay xà phòng nên thử kiểm tra trên một vùng da mỏng. Bởi những loại xà phòng có chất kháng khuẩn và khử mùi thường làm mất lượng dầu trên da, khiến da khô ráp.
- Hạn chế tối đa gãi da.
- Trời nắng nóng cần mặc quần áo rộng thoáng mát. Khi trời khô lạnh, ngoài việc bổ sung độ ẩm cho da bằng kem cần uống đủ nước.
Một số câu hỏi liên quan
Viêm da cơ địa có lây không?
Nhiều người lo lắng viêm da cơ địa liệu có dễ lây cho người tiếp xúc hay người thân sống chung không. Chuyên gia cho biết, bệnh do cơ địa của từng người nên không có khả năng lây nhiễm chéo.
Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Tình trạng chàm thể tạng biểu hiện thành từng đợt, sau đó tự giảm dần. Với người bị viêm nhẹ thì không để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên khi xuất hiện tình trạng viêm nhẹ, người bệnh gãi nhiều, móng tay dài, kém vệ sinh thì cũng có thể gây nhiễm trùng da. Cấu trúc vùng da bị viêm lở loét, nứt da bị lây nhiễm bởi chủng vi sinh vật trú ngụ trên da hoặc các vi khuẩn ngoại lai. Sau thời gian da lành lặn trở lại có thể để lại sẹo xấu làm mất thẩm mỹ.
Một số người bị viêm da ở vùng quanh mắt, không những gây khó chịu còn để lại nhiều biến chứng như viêm mí mắt, viêm kết mạc và chảy nước mắt liên tục. Bên cạnh đó, do viêm da cơ địa là bệnh mạn tính kéo dài nhiều năm, nếu người bệnh điều trị sai cách, lạm dụng thuốc có thể làm đỏ da toàn thân.
Chế độ ăn ảnh hưởng đến tình trạng eczema thể địa
Người bệnh viêm da cơ địa nên ăn gì?
Chế độ ăn uống ảnh hưởng nhiều đến tình trạng viêm da cơ địa. Vì vậy, bên cạnh điều trị, người bị viêm da cũng cần tìm hiểu những thực phẩm nên ăn và không nên ăn để hỗ trợ điều trị đạt hiệu quả:
- Thực phẩm nên ăn: Thực phẩm lên men như sữa chua, bơ, súp miso,..., các loại cá giàu omega như cá hồi, cá trích, cá ngừ,..., trái cây, rau củ quả nhiều màu như táo, súp lơ xanh, cải xoăn.
- Thực phẩm nên tránh: Các thực phẩm chứa gluten, các gia vị như quế hồi, đinh hương, thực phẩm chứa nhiều niken như thịt đóng hộp, hải sản có vỏ như sò, cua..., các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu nành,... Kiêng những thực phẩm bản thân đã từng dị ứng.
Như vậy với những thông tin trên, hy vọng bạn đọc hiểu hơn về bệnh lý viêm da cơ địa. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn, Quý khách vui lòng liên hệ Tổng đài 19001806 để được Bệnh viện Đa khoa Phương Đông hỗ trợ.