Bệnh viêm gân: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Thao Tran

17-05-2024

goole news
16

Bài viết được viết bởi Ths.Bs Nguyễn Văn Hưng - Chuyên gia tại Trung tâm Cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

Viêm gân là tình trạng viêm phần mềm quanh khớp dẫn đến trình trạng đau, sưng, hạn chế cử động khớp. Bệnh lý này khá phổ biến ở người cao tuổi và các vận động viên thể thao. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có khả năng phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mất khả năng vận động.

Vai trò của gân

Gân là vị trí nối tiếp giữa cơ và xương, có vai trò quan trọng đối với hệ vận động, giúp truyền lực, thực hiện động tác từ cơ vào xương và duy trì hình dáng cơ thể.

Mỗi cơ thể có khoảng gần 4000 mô sợi gân, trải dài khắp toàn bộ cơ thể. Gân được cấu tạo thành bởi 2 phần chính là các sợi protein kết hợp với các sợi collagen. Trong đó, chủ yếu là type 1, được sắp xếp song song trải dài. Gân sẽ phát triển hoàn thiện ở tuổi 20 – 29. Khi quá trình lão hóa tự nhiên, đường kính gân sẽ giảm đi (thoái hóa gân). Mỗi mô gân được bao bọc bởi 1 lớp vỏ ngoài cùng bên ngoài (Endotendon) dai và chắc.

viêm gânHình ảnh minh họa viêm gân.

Viêm gân, viêm bao gân, viêm điểm bám gân là dạng bệnh lý thường gặp. Mặc dù không trực tiếp gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng mọi người nên chủ động theo dõi, điều trị bệnh sớm để giúp cho gân khỏe mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây viêm gân

Theo Ths. Bs Nguyễn Văn Hưng, một số nguyên nhân gây bệnh lý viêm gân - viêm phần mềm quanh khớp thường gặp gồm:

  • Do chấn thương: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, các tai nạn bất ngờ xảy ra trong quá trình sinh hoạt….
  • Người mắc các bệnh lý khớp: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp…
  • Công việc có tính lặp đi lặp lại gây sức ép lên gân. 
  • Vận động liên tục trong thời gian dài.
  • Phụ nữ sau sinh.
  • Thoái hóa.

Triệu chứng của viêm gân

Khi gân bị viêm, người bệnh thường cảm đau, hạn chế mọi động tác và có thể kèm theo sưng nóng tại vùng đau. Những triệu chứng này có khả năng kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần và thậm chí là nhiều tháng.

dấu hiệu viêm gânĐau là dấu hiệu thường gặp của bệnh lý viêm khớp.

Do đó, khi có triệu chứng của bệnh viêm gân, bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám sớm. Bác sĩ có thể hỏi thăm tình trạng bệnh và chỉ định một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp Xquang: có thể có vôi hóa vị trí viêm (mạn tính).
  • Siêu âm và/hoặc MRI: có phù nề, sưng tấy vị trí viêm, mất tính liên tục của gân (mạn tính hoặc muộn).

Các vị trí tổn thương gân thường gặp

Bất kỳ gân tại vị trí nào của cơ thể đều có khả năng bị tổn thương và viêm. Tuy nhiên, một số vị trí thường gặp có thể kể đến như:

  • Vùng vai: viêm gân cơ trên gai, viêm gân cơ nhị đầu, viêm mỏm cùng vai, viêm bao gân chóp xoay.
  • Vùng chi trên: viêm gân cơ dạng dài – duỗi ngắn ngón cái (De quervain); Viêm bao gân gấp ngón tay (ngón tay “lò xo”), viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài/trong xương cánh tay, viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu xương cánh tay.
  • Vùng chi dưới: viêm điểm bám gân lồi củ trước xương chày, viêm gân chân ngỗng, viêm gân cơ Achilles, viêm cân gan chân, viêm gân cơ mác - sên.

Một số vị trí gân thường bị tổn thương.

Một số vị trí gân thường bị tổn thương.

Điều trị bệnh viêm gân

Nguyên tắc chung khi điều trị viêm gân là kết hợp nhiều phương pháp điều trị như không dùng thuốc, dùng thuốc, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, ngoại khoa (nếu có chỉ định). Bệnh cạnh đó, để dự phòng bệnh tái phát thì cần vận động hợp lý và điều chỉnh tư thế phù hợp.

Dưới đây là những phương pháp cụ thể điều trị viêm gân:

Điều trị viêm gân không dùng thuốc

  • Chườm lạnh: chườm lạnh vào vị trí đau 2 – 3 lần/ngày, 10 – 15 phút/lần.
  • Nghỉ ngơi: tránh thực hiện động tác làm tăng đau gân, nghỉ ngơi 4- 6 tuần.
  • Sử dụng laser, siêu âm, hồng ngoại.

Điều trị viêm gân dùng thuốc

Phương pháp này được sử dụng khi người bệnh bị đau nhiều:

  • Thuốc chống viêm giảm đau dạng bôi: thoa vị trí viêm 2 – 3 lần/ngày.
  • Thuốc chống viêm giảm đau dạng uống: Etoricoxib, Celecoxib, Meloxicam…
  • Tiêm điểm bám gân/bao gân: Corticosteroid, Methylprednisolon acetate (Depo-Medrol), Betamethason propionate (Diprospan) hoặc Hyaluronic acid, Collagen. Đối với các loại thuốc này cần được tiêm bởi bác sĩ chuyên khoa, dưới hướng dẫn siêu âm để chính xác và an toàn. 

Điều trị tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP)

Đây là phương pháp hiện đại được áp dụng dụng trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp nói chung và viêm khớp nói riêng với hiệu quả cao. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân:  tiêm 2 mũi, cách nhau 4 tuần/mũi.

điều trị viêm gânTiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân điều trị các bệnh lý cơ xương khớp.

Phòng ngừa và dinh dưỡng 

Viêm gân có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh và xây dựng chế độ ăn khoa học, như:

  • Hạn chế bia rượu, chất kích thích.
  • Tránh ăn quá nhiều các thực phẩm cay nóng trong giai đoạn viêm gân.
  • Thực phẩm tốt cho gân: rau củ quả, vitamin C, tôm, hẹ, hàu, hành tây….
  • Hạn chế những hoạt động làm căng gân quá mức, trong thời gian dài.
  • Kết hợp các bài tập làm tăng sự linh hoạt và sức chịu đựng của gân: đạp xe không tải, bơi lội…
  • Thực hiện đúng kỹ thuật, đúng tư thế trong lao động, luyện tập, sinh hoạt.
  • Băng chun cố định (cổ tay, khuỷu tay, gối, cổ chân,…) trong giai đoạn đau nhiều.

Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có kinh nghiệm dày dặn và tiên phong áp dụng các kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế. 

khám viêm gânKhám cơ xương khớp cùng chuyên gia hàng đầu. 

 Ngoài ra, bệnh viện còn có hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại hỗ trợ đắc lực cho quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh như: máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla, máy chụp CT 128 dãy, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…. Để đặt lịch thăm khám với các chuyên gia tại Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, quý khách vui lòng liên hệ qua Hotline 1900 1806 để được hỗ trợ tốt nhất.

Qua những chia sẻ trên, hy vọng các bạn đọc đã có cho mình một cái nhìn tổng quan về bệnh lý viêm gân. Nếu có dấu hiệu gân bị viêm, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa sớm để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách nhằm tránh những biến chứng không mong muốn.

2,346

Bài viết hữu ích?

Đăng ký nhận tư vấn

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

19001806 Đặt lịch khám